26/11/2024

Đề thi đại học sẽ tăng cường tính thực tiễn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: đề thi đại học sẽ không yêu cầu học thuộc quá nhiều, tiếp tục ra theo hướng mở và tăng cường tính thực tiễn để phát huy được năng lực thực sự của thí sinh.

 

Đề thi đại học sẽ tăng cường tính thực tiễn

Ngay sau khi có nhiều ý kiến đánh giá cao đề thi tốt nghiệp THPT, Thanh Niên có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xung quanh những đổi mới liên quan đến kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ sắp đến, trong đó có đề thi.

Những đổi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục được vận dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới - Ảnh: Ngọc Thắng
Những đổi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục được vận dụng trong kỳ thi tuyển sinh
ĐH, CĐ sắp tới – Ảnh: Ngọc Thắng
 

Thưa ông, năm nay đề thi phổ thông có nhiều đổi mới, đặc biệt là đề thi môn ngữ văn và ngoại ngữ. Vậy Bộ có chủ trương như thế nào đối với đề thi ĐH, CĐ?

Đối với đề thi ĐH, CĐ Bộ sẽ tập trung phát huy những đổi mới đã được xã hội đánh giá cao trong những mùa thi trước đây, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Bộ chủ trương đề thi sẽ nằm trong chương trình phổ thông nên ban đề thi sẽ có giáo viên dạy phổ thông nhiều hơn giáo viên ĐH. Đề thi sẽ không yêu cầu học thuộc quá nhiều, tiếp tục ra theo hướng mở và tăng cường tính thực tiễn để phát huy được năng lực thực sự của thí sinh. Tuy nhiên, yêu cầu về đề thi ĐH sẽ khác với phổ thông vì cần phải phân loại thí sinh. Nội dung đề sẽ có độ phân hóa cao nhưng vẫn nằm trong chương trình phổ thông và phù hợp với cách làm bài của thí sinh. Các em cần nắm chắc kiến thức phổ thông để vận dụng vào thực tiễn và không phải lo học thuộc quá nhiều.

Đây là năm đầu tiên có 62 trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh. Vậy Bộ có cơ chế giám sát như thế nào đối với những trường này để đảm bảo chất lượng và sự công bằng cho thí sinh?

Trong đề án tuyển sinh riêng của các trường, Bộ đã yêu cầu phải công bố các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong đó đối với thí sinh vào ĐH thì phải có kết quả phổ thông tối thiểu từ 6 trở lên, CĐ phải từ 5,5 trở lên. Những thí sinh này nếu thi ĐH, CĐ cũng có khả năng đậu. Với quy định đó thì xã hội không lo chất lượng đầu vào sẽ bị giảm sút vì chỉ có khoảng 50 -60% số thí sinh đủ điều kiện này. Đồng thời năm nay, Bộ có chủ trương đổi mới thi cử, đặc biệt là khâu ra đề thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy đề thi đã được cải tiến nhằm đánh giá được tư duy của các em. Vì vậy, kết quả thi phổ thông cũng được đánh giá một cách chính xác hơn. Do đó, chất lượng xét tuyển vào ĐH từ kết quả phổ thông của các em cũng không lo bị hạ thấp.

Để giám sát chất lượng tuyển sinh của các trường, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra công tác tuyển sinh ở tất cả 62 trường có tuyển sinh riêng. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành sau khi các trường tuyển sinh xong để đánh giá và rút kinh nghiệm. Nếu phát hiện tiêu cực ở bất cứ trường nào, vào thời điểm nào thì cũng đều bị xử lý.

Năm nay số hồ sơ đăng ký dự thi giảm mạnh nhưng khối ngành kinh tế lại có xu hướng tăng lên. Ông nhận xét như thế nào về tình hình này?

Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm khoảng 25 – 30% nhưng thực chất là chỉ giảm số hồ sơ ảo, còn số thí sinh dự thi vẫn tương đương năm trước. Trong khi hồ sơ ở các khối đều có xu hướng giảm nhưng khối C lại tăng lên. Điều đó cho thấy thí sinh quan tâm đến các ngành xã hội. Như vậy là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhóm ngành kinh tế được cảnh báo là nhu cầu nhân lực đã bão hòa thì số hồ sơ vẫn tăng lên, đây là điều đáng lo ngại.

 

Liên quan đến tiêu cực thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội: Đề nghị kỷ luật thành viên hội đồng coi thi

Chiều tối 5.6, thông tin từ Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết sau khi Bộ yêu cầu xác minh thông tin phản ánh bằng hình ảnh về hiện tượng thí sinh trao đổi bài trong phòng thi môn toán tại Hội đồng coi thi tốt nghiệp Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), Sở GD-ĐT Hà Nội đã báo cáo kết quả xử lý vi phạm quy chế thi tại hội đồng thi nói trên.

Căn cứ vào kết quả xác minh, xét tính chất của sự việc, Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, Sở GD-ĐT Hà Nội dự kiến hình thức kỷ luật các thành viên như sau: Cảnh cáo 2 giám thị trong phòng thi số 016 của môn toán do thiếu trách nhiệm trong khi coi thi để thí sinh trao đổi bài. Khiển trách chủ tịch hội đồng coi thi do chỉ đạo chưa sâu sát, còn để sai sót trong việc thực hiện quy chế thi, chưa hoàn thành nhiệm vụ; tổ trưởng tổ thanh tra do không phân rõ trách nhiệm trong tổ thanh tra thi và không kiểm soát được tình hình xảy ra tại phòng thi; giám thị ngoài phòng thi 016 môn toán chưa làm hết trách nhiệm khi coi thi, chưa nhắc nhở kịp thời giám thị và thí sinh trong phòng thi. Ngoài ra, phê bình 2 phó chủ tịch hội đồng thi chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng ngày, Bộ có công văn gửi Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình về việc có clip quay từ bên ngoài, phản ánh bên trong một phòng thi môn ngữ văn tại Hội đồng thi Trường THPT Nam Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Trường THPT này được cho là còn thu 300.000 đồng/học sinh để phục vụ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Bộ yêu cầu giám đốc sở này tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành và báo cáo tình hình và kết quả xử lý về Bộ trước ngày 11.6.2014.

Trước đó, khi nhận được thông tin về việc Hội đồng thi Trường THPT Nam Lương Sơn bị quay lén từ ngoài phòng thi, phản ánh tình trạng lộn xộn trong thi cử ở hội đồng thi này, Sở GD-ĐT Hòa Bình đã gửi văn bản báo cáo tới thanh tra Bộ. Về quá trình diễn ra môn thi ngữ văn, báo cáo của sở này có nội dung: “Buổi sáng thi môn ngữ văn có 246 thí sinh, đa phần làm bài nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng có một số ít thí sinh quay sang bên cạnh. Các giám thị kịp thời chấn chỉnh nhưng chưa đến mức độ phải lập biên bản xử lý vi phạm quy chế thi”.

Tuệ Nguyễn

 

Vũ Thơ