12/01/2025

Đức Thánh Cha đau buồn vì sự dửng dưng đối với thảm trạng Syria

VATICAN – ĐTC Phanxicô bày tỏ đau buồn vì sự dửng dưng của thế giới đối với thảm trạng tại Syria và kêu gọi các tổ chức từ thiện Công giáo tiếp tục các hoạt động cứu trợ.

Đức Thánh Cha đau buồn vì sự dửng dưng đối với thảm trạng Syria
 
VATICAN – ĐTC Phanxicô bày tỏ đau buồn vì sự dửng dưng của thế giới đối với thảm trạng tại Syria và kêu gọi các tổ chức từ thiện Công giáo tiếp tục các hoạt động cứu trợ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các đại diện của 25 tổ chức từ thiện Công giáo nhóm họp hôm 30-5-2014, tại Vatican, với Hội đồng Toà Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), để phối hợp các hoạt động cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Syria. ĐTC đích thân đến chào thăm và khích lệ các tham dự viên.

Trong sứ điệp ĐTC khẳng định: “Chúng ta phải đau lòng nhận thấy cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa được giải quyết, trái lại cứ tiếp tục và có nguy cơ người ta quen tới thảm trạng này: quên các nạn nhân hằng ngày, những đau khổ khôn tả, hàng ngàn người tị nạn, trong đó có người già và trẻ em, đang chịu đau khổ và nhiều khi đang chết vì đói và bệnh tật do chiến tranh gây ra. Sự dửng dưng này làm đau lòng! Một lần nữa chúng ta phải lập lại cái tên của căn bệnh làm cho chúng ta rất đau buồn trên thế giới ngày nay, đó là hoàn cầu hóa sự dửng dưng.”

ĐTC đề cao hoạt động kiến tạo hòa bình và cứu trợ nhân đạo mà các cơ quan bác ái Công Giáo đang thi hành trong bối cảnh này chính là một sự biểu lộ trung thực tình thương của Thiên Chúa các con cái Người đang bị áp bức và lo âu.

ĐTC tái kêu gọi lương tâm của những nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột tại Siria, các tổ chức thế giới và công luận. Ngài viết: “Tất cả chúng ta đều ý thức rằng tương lai nhân loại được xây dựng với hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh: chiến tranh tàn phá, giết hại, làm cho dân chúng và các nước nghèo nàn. Tôi xin tất cả các phe hãy nhìn đến công ích, cho thực hiện cấp thời những hoạt động cứu trợ nhân đạo và làm cho võ khí sớm im tiếng, đồng thời dấn thân thương thuyết, đặt lên hàng đầu thiện ích của Syria và toàn dân nước này, và cả những người đang phải tị nạn ở nơi khác, và họ có quyền được sớm trở về quê hương.”

ĐTC đặc biệt nghĩ đến các cộng đoàn Kitô, là khuôn mặt của một Giáo hội đang chịu đau khổ và hy vọng. Ngài viết: “Sự sống còn của họ trên toàn vùng Trung Đông là mối lo lắng sâu đậm của Giáo Hội hoàn vũ: Kitô giáo phải được tiếp tục sống tại nơi nguyên gốc của mình.”

Sau cùng, ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức từ thiện Công giáo và nói: “Hoạt động bác ái và cứu trợ cảu anh chị em là một dấu hiệu quan trọng nói lên sự gần gũi của toàn thể Giáo Hội, đặc biệt của Toà Thánh đối với nhân dân Syria và các dân tộc khác ở Trung Đông.”

Khoá họp hôm 30-5-2014 có mục đích tiếp tục hành trình từ hai năm nay của Toà Thánh và nối tiếp cuộc gặp gỡ trong hai ngày mùng 4 và 5-6 năm ngoái để trợ giúp Syria, cũng như kiểm điểm hoạt động cho đến nay của các cơ quan từ thiện Công giáo trong việc trợ giúp Syria.

Ban sáng, sau lời dẫn nhập của ĐHY Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Cor Unum, điều hợp viên của khoá họp, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã tường trình vấn đề, rồi đến các bài tham luận của

Đức TGM Mario Zenari, Sứ thần Toà Thánh tại Syria, và Đức Cha Antoine Audo, chủ tịch tổ chức Caritas tại nước này.

Sau cùng có bản tường trình về hoạt động của Văn phòng Thông tin ở Beirut, thủ đô Liban, được thiết lập hồi năm ngoái để thu thập và phổ biến các dữ kiện về hoạt động của các tổ chức bác ái Công giáo.

Ban chiều, các tham dự viên thảo luận về những khía cạnh cụ thể trong việc cộng tác giữa các cơ quan từ thiện khác nhau ở Syria và các nước láng giềng.

Theo thống kê mới mất, 3 năm chiến tranh đã làm cho 160.000 người chết tại Syria và hơn 2 triệu người nước này tị nạn sang các nước láng giềng, không kể 6 triệu người phải di tản trong nội địa. (SD 30-5-2014)