26/11/2024

Các dư âm chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha Phanxicô

Phỏng vấn Đức Hồng y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn, Cha Noel Muscat, bề trên cộng đoàn Phanxicô trông coi Thánh Mộ, và một vài tín hữu Kitô.

Các dư âm chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha Phanxicô
 
Phỏng vấn Đức Hồng y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn, Cha Noel Muscat, bề trên cộng đoàn Phanxicô trông coi Thánh Mộ, và một vài tín hữu Kitô.

Chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các ngày 24 đến 26 tháng 5 năm 2014 đã để lại các dư âm rất tích cực trong lòng người dân Palestine cũng như Israel. Báo chí và Đài Truyền hình Ảrập cũng như Israel tiếp tục bình luận gia tài mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã để lại, khi viếng thăm Bếtlêhem và Giêrusalem.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn, của Cha Noel Muscat, bế trên cộng đoàn Phanxicô trông coi Thánh Mộ và của vài tín hữu Kitô.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, theo Đức Hồng y, điều gì có thể tóm tắt một cách hay nhất chuyến viếng thăm vừa qua của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa?

Đáp: Điều tóm tắt hay nhất chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha là tấm hình Đức Thánh Cha cầu nguyện tại Bức Tường Khóc cùng với rabbi bạn của ngài và với Imam Hồi giáo, rồi Đức Thánh Cha ôm hôn hai vị kia. Đó là bức hình tóm tắt hay nhất chuyến hành hương: tầm quan trọng của cuộc đối thoại liên tôn. Bởi vì tất cả những điều đó có thể xảy ra, khi người ta biết nhau, nói chuyện với nhau, nhìn mặt nhau, lắng nghe nhau, chấp nhận thừa nhận nơi người khác các khía cạnh tích cực. Đó là các giá trị của sự thánh thiện, và sự thật mà mỗi một tôn giáo đều có theo cách thức của mình, cả khi chúng ta biết Chúa Giêsu là Chân Lý. Thế rồi đáng nêu bật còn có đề nghị mà Đức Thánh Cha đưa ra với hai Tổng thống Israel và Palestine nữa: “xin hãy đến trong nhà tôi” một cách hết sức đơn sơ với các lời phát xuất từ con tim. Tôi tin rằng đây là một lời mời gọi hướng tới mọi kitô hữu, đặc biệt các tín hữu công giáo. Nếu trong xã hội ngày nay và ngày mai có một quyền lực mà chúng ta có thể sử dụng, đó là “quyền lực của con tim”.

Và tôi đã trông thấy nơi Đức Thánh Cha nói chuyện với các người đối tác của ngài sức mạnh này của quyền lực con tim, nghĩa là sự yêu thương và trông thấy nơi người khác một người anh em thực sự. Không phải là sự khoan nhượng, trong một gia đình người ta không nhân nhượng nhau, nhưng người ta yêu thương nhau. Đức Thánh Cha đã dùng những từ rất đơn sơ, không dính đáng gì tới quyền quốc tế hay thói quen ngoại giao. Đức Thánh Cha đã mở ra một chương mới. Tôi tin rằng vùng Trung Đông, cuộc đối thoại liên tôn và các nỗ lực cho hoà bình không thể ở trong tình trạng ngày nay: nó sẽ bắt đầu một cái gì mới mẻ, nhờ quyền lực này của con tim.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, chuyến viếng thăm này đã được giới thiệu như là một cuộc hành hương tại Thánh Địa, nhưng nó đã vượt ngoài việc hành hương, như Đức Hồng Y đã chỉ cho thấy, đặc biệt là trên bình diện chính trị…

Đáp: Tất cả là chính trị, nhưng chính trị đương nhiên không phải phải là tất cả đối với con người. Tôi tin rằng trong một vùng như vùng Trung Đông tôn giáo và chính trị rất gắn liền với nhau, vì lý do đơn sơ chẳng hạn như Hồi giáo không phân biệt tôn giáo và chính trị. Dầu sao đi nữa, tôi xác tín rằng cần phải luôn luôn nhấn mạnh trên sự kiện này: đó là các cuộc chiến đang xảy ra đã không do các tôn giáo gây ra, trong khi tôn giáo là phần của giải pháp. Ngày nay không thể giải thích thế giới bằng cách muốn nhìn về tương lai, mà không quy chiếu tôn giáo, quy chiếu sự thánh thiêng, chiều kích siêu việt, mà mỗi người mang trong chính mình.

Hỏi: Đức Thánh Cha đã sống ba ngày viếng thăm Thánh Địa như thế nào, thưa Đức Hồng y?

Đáp: Với rất nhiều can đảm, cương quyết và trong lời cầu nguyện. Tôi tin rằng lời cầu nguyện là chìa khoá của tất cả, bởi vì chính lời cầu nguyện trao ban sự thanh thản cho ngài. Nhưng điều tuyệt diệu đó là trông thấy sự đơn sơ qua đó Đức Thánh Cha tiếp đón mọi người, kể cả các nhân vật có các trách nhiệm cao nhất: đối với ngài mỗi người đều là một người anh em.

Hỏi: Trong bài huấn dụ buổi tiếp kiến thứ tư tuần vừa qua, Đức Thánh Cha đã nói rằng chính ngài cũng nhận được một lời hy vọng nữa… Đức Hồng y nghĩ sao?

Đáp: Quý vị biết không, khi người ta gặp gỡ các người đã chịu đựng chiến tranh và các tranh chấp nội bộ trong bao nhiệu năm trời, thì người ta tự hỏi họ cảm thấy gì, họ có hy vọng nơi một tương lai nào không? Chúng ta biết rằng chúng ta có một tương lai… Chẳng hạn tôi đã rất bị đánh động bởi vua Giordania là người đã nói: “Ở đây các tín hữu Kitô ở trong nhà của mình, vì họ đã có trước chúng tôi”, đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe được điều này, và nó quả đúng thật như vậy.

Hỏi: Chính Đức Hồng y đã rút tỉa ra một sứ điệp hy vọng đối với các Kitô hữu và toàn dân địa phương, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tôi tin rằng Đức Thánh Cha đã chinh phục được tất cả mọi người. Ngài không đề nghị các giải pháp, cũng không đưa ra các cuộc thương thuyết: một cách đơn sơ ngài chỉ mở rộng cửa nhà của ngài để bất cứ ai đến cũng cảm thấy thoải mái như ở nhà mình vậy, và có thể nhìn nhau và lắng nghe nhau. Điều này thật là tuyệt vời và tuyệt đẹp!

Sau đây là một số nhận định của Cha Noel Muscat, bề trên cộng đoàn Phanxicô trông coi Mộ Thánh.

Hỏi: Thưa cha, cha nghĩ gì về cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng phụ Bartolomaios I và các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô khác tại Vương cung Thánh đường Mộ Thánh?

Đáp: Chắc chắn đó đã là một điều duy nhất! Tôi nghĩ đã chưa từng xảy ra trước đây rằng trong Vương cung Thánh đường Thánh Mộ: một Giáo hoàng gặp gỡ vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Chính thống. Vì thế, tôi nghĩ rằng, ngoài chuyện hình thức, nó cũng là một điều tự phát nữa. Chẳng hạn thật là rất hay đẹp, khi thấy Đức Thánh Cha nhường cho Đức Thượng phụ ban phép lành bằng tiếng Hy Lạp. Có những điều đã không thấy trước được. Vì thế, tôi nghĩ rằng đó đã là một thời điểm thực sự sâu đậm của tình huynh đệ giữa hai vị lãnh đạo Giáo Hội – chia rẽ nhau từ bao thế kỷ và còn chia rẽ – nhưng tôi nghĩ rằng nếu từ hàng lãnh đạo sứ điệp của tình huynh đệ sâu đậm này đến với chúng ta, đặc biệt là đối với các tu sĩ Phanxicô chúng tôi đã sống tại đây cùng với các anh em Hylạp Chính thống mọi ngày. Chúng tôi có nhiều điều phải học, và rất nhiều lần chúng tôi phải cắn lưỡi để tìm chung sống với nhau với nhiều thanh thản và hòa bình hơn.

Hỏi: Thế các tu sĩ Phanxicô và các anh em chính thống đã phản ứng thế nào thưa cha?

Đáp: Tôi nghĩ rằng sự kiện trông thấy Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ Constantinopoli ở đây là một dấu chỉ cho biết Giáo hội Roma và Giáo hội Constantinopoli có các tương quan tốt đẹp với nhau. Chúng ta hãy nhớ là Giáo Hội chính thống tự quản, độc lập với nhau. Dấu hiệu đó phải được hai Giáo Hội tại Giêrusalem tiếp nhận.

Nếu chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Bếtlêhem đã khiến cho các tín hữu kitô Bếtlêhem vui sướng, thì các Kitô hữu Giêrusalem đã không được vui như vậy, vì chính quyền Israel đã ngăn cản, không cho phép họ trông thấy Đức Thánh Cha. Sau đây là một vài nhận định của anh Alfredo Raad, thuộc cộng đoàn công giáo Giêrusalem.

Hỏi: Tại sao các nhân viên an ninh Israel đã ngăn cản không cho kitô hữu Giêrusalem gặp Đức Thánh Cha trên đường phố Giêrusalem?

Đáp: Tôi rất hài lòng vì Đức Thánh Cha đến viếng thăm Thánh Địa. Nhưng tôi buồn vì đã không thể trông thấy người, bởi vì lực lượng an ninh Israel sợ các Kitô hữu địa phương.

Hỏi: Thế các anh đã thấy ngài trên truyền hình à?

Đáp: Vâng, trên truyền hinh và trên Internet.

Hỏi: Điều gì đã đánh động anh hơn là sự kiện Đức Thánh Cha viếng thăm Thánh Địa?

Đáp: Tại Bếtlêhem, trong vùng đất Palestine đã đẹp hơn là tại Giêrusalem.

Hỏi: Trong thành cổ Giêrusalem có bao nhiêu tín hữu Công giáo?

Đáp: Có 5-6.000 tín hữu Công giáo trên tổng số 800.000 người.

Hỏi: Nhưng mà hồi năm 1984 có tới 24.000 người Công giáo cơ mà?

Đáp: Vâng, nhưng bởi vì tình hình thê thảm, có cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị. Các nhóm xã hội thiểu số… Chúng tôi rất mệt mỏi, chúng tôi có vấn đề và chúng tôi bi quan, và người ta di cư rất dễ dàng.

Tại Bếtlêhem, Đức Thánh Cha đã dừng bữa trưa với 5 gia đình người tị nạn Palestine, trong có đó anh Giuse Hazboun.

Hỏi: Anh có nhận xét gì về Đức Thánh Cha, khi dùng bữa trưa với ngài?

Đáp: Đức Thánh Cha là một người rất dễ thương, dễ mến. Ngài đã lắng nghe mọi chuyện của chúng tôi với sự chăm chú và yêu thương. Trong mọi lúc người ta có thể trông thấy phản ứng trên gương mặt của ngài. Đức Thánh Cha đã bầy tỏ sự lo lắng của ngài đối với biết bao nhiêu khó nhọc, khổ đau mà chúng tôi đã kể cho ngài trong bữa ăn. Chúng tôi đã mời ngài ăn nhiều lần, vì ngài ngồi lắng nghe, nhưng ngài trả lời: Không sao đâu, tôi có thể ăn, không có vần đề gì đâu, tôi có tai để nghe: tôi muốn nghe các câu chuyện của anh chị em.

Hỏi: Anh nghĩ gì, khi thầy Đức Thánh Cha dừng lại cầu nguyện tại bức tường ranh giới chia cắt Giêrusalem với Bếtlêhem?

Đáp: Đó đã là một món qùa đặc biệt Đức Thánh Cha dành cho toàn dân Palestine. Trong bữa ăn sau khi đã nghe tất cả các vấn đề của chúng tôi ngài nói: “Tôi đã đi qua trước bức tường. Tôi đã dừng lại và đã cầu nguyện, để bức tường đó biến đi.”

(RG 29-5-2014)