11/01/2025

Chúa Nhật VII PS A – Lễ Chúa Thăng Thiên: Ý nghĩa của việc Chúa lên trời

Ý nghĩa quan trọng của việc Chúa Giêsu lên trời là Người đi vào cõi không gian vĩnh hằng của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nên Chúa Giêsu từ nay có thể hiện diện với chúng ta luôn mãi, cũng như kết hợp với muôn người muôn vật ở bất cứ thời điểm nào và bất cứ không gian cụ thể nào.

Ý nghĩa của việc Chúa lên trời

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Sự kiện mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời trong nhiều thế kỷ không được tìm hiểu kỹ lưỡng vì gặp những khó khăn và hiểu lầm, từ đó đã dẫn đến những thái độ xa lạ của người tín hữu đối với con người và với cả vũ trụ vật chất. Do đó, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau khám phá ra ý nghĩa sâu xa của sự kiện này để cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa Giêsu vì Người nói với chúng ta: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

1. Những khó khăn và hiểu lầm

1.1. Từ chính bản văn Kinh Thánh

Những khó khăn và hiểu lầm bắt nguồn từ chính những bản văn Kinh Thánh. Khi đọc rời rạc từng đoạn văn một, chúng ta không thấy khó khăn. Nhưng khi các nhà Kinh Thánh nghiên cứu, so sánh các bản văn với nhau, lại đối mặt với nhiều vấn đề nan giải trước những khác biệt trong các bản văn Kinh Thánh, đến độ nhiều nhà nghiên cứu, cả Tin Lành lẫn Công giáo, chối bỏ việc Chúa Giêsu lên trời. Họ đồng ý với ông R. Bultmann coi đó chỉ là một huyền thoại, mang ý nghĩa tượng trưng.

Chúa Giêsu lên trời lúc nào?

Bài đọc I trong sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 1,1-11) nói đến việc Chúa Giêsu lên trời sau “40 ngày hiện ra, nói chuyện với các tông đồ về Nước Thiên Chúa”. Trong khi bản Phúc Âm theo thánh Marcô (x. Mc 16,15-20) và Luca (x. Lc 24,46-53) lại tường thuật việc Chúa Giêsu lên trời hầu như ngay trong ngày Người sống lại, khi hiện ra với các tông đồ. Vậy bản văn nào tường thuật chính xác?

Chúa Giêsu lên trời ở đâu?

Trong bài kết thúc Phúc Âm theo thánh Matthêu (x. Mt 28,16-20), Chúa Giêsu hình như lên trời từ một “ngọn núi cao miền Galilê”, dù thánh sử không mô tả việc Chúa Giêsu nhấc bổng thân mình lên như Marcô và Luca. Trong khi thánh sử Marcô và Luca lại nói đến “làng Betania” ở Giêrusalem và các tông đồ nhìn thấy Chúa Giêsu dần dần được cất lên khỏi họ. Vậy đâu là nơi Chúa Giêsu lên trời: Galilê hay Giêrusalem?

Có nhà Kinh Thánh lại giải thích rằng Matthêu muốn thay đổi địa điểm Chúa Giêsu lên trời theo ý hướng thần học của mình vì nhấn mạnh đến sứ mạng loan báo Phúc Âm của các môn đệ và chọn Galilê là “miền đất của dân ngoại” như biểu tượng của sứ mạng truyền giáo.

Trước những khác biệt trong các bản tường thuật, người ta chối bỏ việc Chúa Giêsu lên trời là một sự kiện có thật trong lịch sử.

1.2. Từ quan niệm trời là khoảng không gian cụ thể

Một số khó khăn, hiểu lầm còn bắt nguồn từ quan niệm trời là một khoảng không gian nhất định mà các tông đồ đang hướng mắt dõi theo (x. Cv 1,9) hay là cõi linh thiêng mà hồn người chết được về nghỉ ngơi ở đó. Nhiều tín hữu cho đến hôm nay vẫn nghĩ rằng: sau khi chết người ta phải đến một nơi chốn nào đó gọi là thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục chứ không thể đi lang thang, vất vưởng để nghe được Tin Mừng cứu độ (x. 1Pr 4,5-6).

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nhắc nhở chúng ta rằng: thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục là những tình trạng sống của con người sau khi chết chứ không phải là những nơi chốn cố định, có không gian rõ rệt (x. GLHTCG, số 1023-1029 về thiên đàng; số 1030-1032, về luyện ngục; số 1033-1037, về hoả ngục). Vì thế, khi tham dự Thánh lễ, chung quanh bàn thờ có sự hiện diện của đông đảo các thánh, các linh hồn đã qua đời để cùng đón nhận những ân sủng, chia sẻ những công đức và cùng với chúng ta ca tụng Chúa. Thiên đàng, luyện ngục và trần thế như hoà nhập với nhau trong một không gian mầu nhiệm của Thiên Chúa!

Vì gắn chặt với một không gian cụ thể nên nhiều người chúng ta nghĩ rằng chỉ có những người đã khuất ở Việt Nam mới hiện diện trong Thánh lễ ở Việt Nam, còn những ai qua đời ở xa thì ta chỉ nhớ cầu nguyện chứ không nghĩ họ cũng đang hiện diện. Những hiểu lầm, khó khăn đó đều bắt nguồn từ việc hiểu sai mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời.

2. Giải đáp những hiểu lầm và những khó khăn như thế nào?

2.1. Vượt qua những khó khăn và hiểu lầm

Những nghiên cứu về Kitô học gần đây đã soi sáng việc Chúa Giêsu lên trời và giúp giải đáp những khó khăn, hiểu lầm. Thật ra, các bản tường thuật Phúc Âm đều có giá trị tuyệt đối vì được Chúa Thánh Thần linh hứng. Các thánh sử cũng chẳng bao giờ dám thêm thắt hay thay đổi chi tiết theo ý hướng thần học của riêng mình hay do cộng đồng đón nhận Phúc Âm tác động.

Về thời điểm Chúa lên trời, người ta phân biệt việc lên trời vô hình của Chúa Giêsu nghĩa là Người trở về với Chúa Cha và đón nhận vinh quang được thực hiện ngay sau cuộc sống lại như Người đã nói với cô Maria Madalena: “Thầy lên cùng Cha Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Còn cuộc lên trời hữu hình được mô tả trong sách Công vụ Tông đồ được thực hiện 40 ngày sau khi Chúa sống lại để chấm dứt sự hiện diện hữu hình khả giác của Chúa Giêsu với các môn đệ.

Về địa điểm Chúa lên trời, Phúc Âm theo thánh Marcô và Luca đã chính xác ghi tên làng Bêtania ở Giêrusalem (x. Lc 24,50). Việc thánh sử Matthêu nói đến ngọn núi ở Galilê trong bài Tin Mừng hôm nay không có ý chỉ nơi chốn Chúa Giêsu lên trời mà chỉ là địa điểm của một trong những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh.

2.2. Ý nghĩa của việc Chúa lên trời

Ý nghĩa quan trọng của việc Chúa Giêsu lên trời là Người đi vào cõi không gian vĩnh hằng của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nên Chúa Giêsu từ nay có thể hiện diện với chúng ta luôn mãi, cũng như kết hợp với muôn người muôn vật ở bất cứ thời điểm nào và bất cứ không gian cụ thể nào.

Chúa Giêsu lên trời là đi vào trạng thái kết hợp hoàn hảo, trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ đó chúng ta có thể kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong sự hiệp thông tình yêu vì Chúa Giêsu đã đưa nhân tính của loài người vào sự kết hợp này. Trong dòng lịch sử chúng ta thấy thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba và nhiều vị thánh cũng đã cảm nghiệm được “hạnh phúc thiên đàng” trong đời sống của mình.

Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang (x. Ep 1,17-23) là Người được tôn vinh lên trên mọi quyền lực thần thiêng, mọi tước vị có thể có được trong thế giới hiện tại cũng như thế giới tương lai. Nhờ đó chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người có thể được chia sẻ vinh quang và hạnh phúc vĩnh hằng (GLHTCG, số 660). Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về niềm hy vọng được chia sẻ vinh quang và hạnh phúc ấy trong lời Kinh Tiền Tụng của thánh lễ: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là thủ lãnh của chúng con đã đến trước”.

Muốn tiến sâu hơn nữa vào ý nghĩa của mầu nhiệm thăng thiên, chúng ta cần phải loại bỏ những định kiến về một không gian vật thể nhất định để loại bỏ sự lệ thuộc vào một nơi chốn, một địa phương, một quê hương hay đất nước nào đó. Nếu tất cả những không gian cụ thể ở trần thế này đều “vượt qua” được thì chúng ta mới cảm thấy “trời” hiển hiện trong đời sống trần thế của mình. Người ta tranh cãi, kiện cáo, thậm chí chém giết nhau chỉ vì một vài mét vuông đất. Người ta loại trừ, giết hại nhau chỉ vì  thuộc về một địa phương hay miền đất nào đó.

Mầu nhiệm lên trời của Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta vượt qua những khoảng không gian vật chất ấy để nhìn thấy Chúa ở khắp mọi nơi, để coi tất cả mọi người là anh em. Chúa Giêsu lên trời là để đưa chúng ta vào không gian huyền diệu của Nước Trời, “Nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, bình an và tình yêu”. Vì thế, khi bảo vệ quê hương, không phải là chúng ta bảo vệ một thứ vật chất tầm thường cụ thể nào, nhưng bảo vệ những giá trị tích cực mà quê hương ấy tượng trưng, đó là sự thật, sự sống, là độc lập, tự do, là hoà bình, hữu nghị, là tình yêu và đạo đức. Chúng ta có thể và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho những giá trị cao quý ấy như bao anh hùng, liệt nữ trên thế giới hiện nay. Đó cũng là chúng ta xây dựng Nước Trời trong trần thế hôm nay.

Lời kết

Mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời như đưa chúng ta vào khoảng không gian mầu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta sống kết hợp với Người và xây dựng những giá trị tích cực của Nước Trời trong đời sống hằng ngày.