09/01/2025

Dân Sài Gòn ăn banh lông chữa bệnh?

Trong khi tại Phú Quốc (Kiên Giang) đang có “cơn sốt” đánh bắt con banh lông tươi bán cho thương lái Trung Quốc, thì tại TP.HCM giá bán banh lông khô rất cao vì người bán cho rằng ăn bổ, chữa được bệnh.

 

 

Dân Sài Gòn ăn banh lông chữa bệnh?

Trong khi tại Phú Quốc (Kiên Giang) đang có “cơn sốt” đánh bắt con banh lông tươi bán cho thương lái Trung Quốc, thì tại TP.HCM giá bán banh lông khô rất cao vì người bán cho rằng ăn bổ, chữa được bệnh.

Phơi khô con banh lông tại cơ sở sơ chế ở khu dân cư Đại Hải, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM – Ảnh: Đức Phú

Chợ Bình Tây (đường Tháp Mười, P.2, Q.6, TP.HCM) là đầu mối cung cấp con banh lông khô (còn gọi là sâm dừa, địa biển) có xuất xứ từ Phú Quốc.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại chợ Bình Tây hiện có khoảng mười sạp bày bán banh lông khô với giá dao động 1 – 2,2 triệu đồng/kg tùy kích cỡ và độ bóng đẹp của banh lông.

Theo một số chủ sạp, ngoài một số ít người dân mua lẻ mỗi lần một vài ký về ăn trong gia đình thì banh lông khô chủ yếu để xuất khẩu sang nước ngoài hoặc bán cho các nhà hàng phục vụ khách cao cấp. “Banh lông rất bổ dưỡng và ngon nên hút hàng lắm” – chủ sạp tên T., bán banh lông tại chợ Bình Tây, quảng cáo.

“Đổ xô đi mua”

Trưa 29-5, chúng tôi ghé sạp VP trong chợ Bình Tây hỏi mua banh lông. Chỉ vào một sọt nhựa đựng khoảng 2kg banh lông, chủ sạp này gọi banh lông là địa biển, chào bán: “So với các sạp khác, banh lông ở đây lớn hơn, màu lại đen bóng rất bắt mắt nên tôi bán giá 2,2 triệu đồng/kg”.

Vừa ra giá xong, chủ sạp VP tiếp tục quảng cáo bằng cách lấy từng con banh lông đập vào sọt nhựa kêu “cốc, cốc” rồi nói: “Hàng vừa mới đưa về từ Phú Quốc, khô 100%. Banh lông đánh bắt về người ta phải kỳ công rửa sạch, đem luộc, sau đó sấy khô nên mất rất nhiều thời gian và không phải lúc nào cũng có hàng để bán”.

Theo chủ sạp VP, sở dĩ banh lông có giá bán cao vì rất ngon và bổ dưỡng. Tuy vậy, theo bà, so với một số loại hải sâm khác bày bán tại sạp thì banh lông chỉ thuộc loại hàng trung vì còn một số loại hải sâm có giá tới 6-10 triệu đồng/kg.

Cách chế biến banh lông để ăn cũng rất phức tạp: banh lông khô mua về phải ngâm 3-4 ngày để mềm và nở hết cỡ, sau đó mới mang luộc rồi thái nhỏ xào với bào ngư hoặc hầm với nấm đông cô, giò heo…

“Cả gia đình 5-6 người mỗi lần ăn chỉ cần ngâm từ 2-3 con là đủ, vì khi ngâm banh lông nở bung rất lớn” – bà chủ sạp VP nói. Bà còn khẳng định ăn banh lông sẽ giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt, giúp giảm mỡ máu, lưu thông máu tốt, bổ thận…

Tại sạp HH trong chợ Bình Tây, chủ sạp xách ra một bịch bóng đựng khoảng 1,5kg banh lông chào bán với giá 1 triệu đồng/kg. So với banh lông sạp VP giới thiệu, banh lông tại sạp HH có kích cỡ nhỏ hơn và màu sắc không bắt mắt bằng.

“Banh lông nhỏ nên mới có giá đó, còn loại lớn hơn tôi bán giá khác rồi” – chủ sạp nói.

Theo chủ sạp, so với các mặt hàng hải sâm khác, thời gian gần đây banh lông cực kỳ khan hiếm nên mỗi lần cần hàng bán cho khách chỉ được 3-5kg và không phải lúc nào khách yêu cầu cũng có.

Khi chúng tôi đặt mua 5kg banh lông, chủ sạp này khẳng định “hiện tại không có”, và hẹn: “Nếu có tôi sẽ điện thoại, nhưng không dám hứa trước vì có khi cả tháng nữa cũng không có hàng”.

Ngoài việc hướng dẫn cách chế biến banh lông, chủ sạp này còn khẳng định ăn banh lông rất tốt cho cơ thể, giúp lưu thông máu, bổ thận…

“Thời gian gần đây mọi người mới biết banh lông ngon, bổ dưỡng nên đổ xô đi mua chứ loại này tôi bán mấy chục năm rồi. Banh lông này chủ yếu bán cho nhà hàng cao cấp hoặc người sành ăn mua để làm quà biếu” – chủ sạp HH nói.

 

Banh lông khô (còn gọi là sâm dừa, địa biển) xuất xứ từ Phú Quốc (Kiên Giang) bày bán tại chợ Bình Tây với giá 1 – 2,2 triệu đồng/kg - Ảnh: Hoàng Lộc

 

Điểm tập kết banh lông

Tại TP.HCM có một điểm tập kết, chế biến, đóng hộp banh lông do một người Việt Nam quản lý, hoạt động khoảng hai tháng nay tại khu dân cư Đại Hải, đường Phan Văn Hớn, ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

Hằng ngày các đầu mối chở banh lông tươi sống tới bằng xe tải, sau đó các công nhân trong cơ sở đổ ra mặt đường trong khu dân cư để mổ xẻ.

Sáng 28-5, tại cơ sở trên chúng tôi thấy có bốn công nhân hì hục sơ chế banh lông. Việc sơ chế banh lông gồm mổ bụng, rửa sạch rồi đưa ra ngoài phơi trên nền ximăng.

Cạnh những rổ banh lông tươi đang sơ chế, hàng ngàn con banh lông phơi khô nằm lăn lóc trên vỉa hè. Người dân xung quanh cơ sở cho biết hằng ngày khi ôtô chở hàng tươi sống tới thì có cả chục công nhân ngồi ra ngoài đường để sơ chế. Do banh lông còn tươi nên bốc mùi hôi, gây khó chịu cho người dân.

Theo ông chủ cơ sở sơ chế banh lông, do có quen mối làm ăn nên mỗi ngày chỉ cần gọi điện, các đầu mối sẽ chở banh lông tới.

Hàng phơi khô, đóng vào hộp sẽ được đưa tới các mối quen ở các nhà hàng và xuất khẩu ra nước ngoài. Khi chúng tôi hỏi về công dụng  của con banh lông, ông này nói: “Tui cũng không biết nguồn gốc con này từ đâu, tụi tui chỉ mua hàng dạt về để sơ chế. Còn mặt hàng này cũng chẳng phải là đặc sản hay thuốc quý gì cả. Tui nghe nói người ta mua về rồi ngâm tẩm đủ công đoạn mới ăn, chứ để vậy ăn có mà gãy răng”.

 

 

Chưa biết được giá trị dinh dưỡng

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, viện trưởng Viện Hải dương học (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), cho biết viện đã nhận được năm mẫu con banh lông và đề nghị xác định tên loài thủy sản này của Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang.

Sau quá trình phân loại bằng phương pháp quan sát bên ngoài và bên trong mẫu vật kết hợp với tài liệu phân loại của Clark và cộng sự năm 1971, chuyên gia phân loại của Viện Hải dương học cho biết bước đầu xác định đây là một loài thuộc bộ tua miệng phân nhánh (Dendrochirotida), lớp hải sâm (Holothuroidea), ngành động vật da gai (Enchinodermata).

Theo thạc sĩ Nguyễn An Khang – chuyên gia phân loại, các mẫu vật do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp cho Viện Hải dương học không đủ điều kiện để định danh đến mức loài vì các bộ phận cơ thể cần thiết để phân loại như tua miệng (tentacles), chân ống (polia) đã bị co thắt.

Cũng theo ông Khang, loài thủy sản này phân bố nhiều ở đâu, giá trị bổ dưỡng thế nào, có thuộc danh mục được bảo vệ hay không thì chưa thể xác định.

Trong khi đó, TS Từ Ngữ – tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam – cho biết banh lông là một loài không có trong bảng thành phần hóa học thức ăn Việt Nam.

Cho nên, nếu banh lông là thực phẩm thì là loại thực phẩm không thông dụng, vì vậy chưa thể nhận xét về giá trị dinh dưỡng nếu có của banh lông.

Ông Trần Văn Năm, phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết chưa bao giờ nghe tên con banh lông, vì vậy chưa thể xác định giá trị về dinh dưỡng cũng như dược học của loài này.

Khi chưa biết được giá trị dinh dưỡng, dược học của banh lông, ông khuyên người tiêu dùng nên cẩn thận khi sử dụng.

 

H.LỘC – H.NHUNG – T.DƯƠNG – Đ.PHÚ