08/01/2025

Muỗi trị sốt xuất huyết bị muỗi địa phương tiêu diệt

Sau một thời gian thả thử nghiệm, quần thể muỗi mang Wolbachia chống virút Dengue gây sốt xuất huyết ngày càng giảm và chỉ còn 1%.

 

Muỗi trị sốt xuất huyết bị muỗi địa phương tiêu diệt

Sau một thời gian thả thử nghiệm, quần thể muỗi mang Wolbachia chống virút Dengue gây sốt xuất huyết ngày càng giảm và chỉ còn 1%.

Hoạt động duy trì dòng muỗi Aedes aegypty mang tác nhân sinh học Wolbachia trong phòng thí nghiệm của cán bộ nghiên cứu Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương – Ảnh do ban quản lý dự án cung cấp

 

Chiều 28-5, tại cuộc làm việc với ông Nguyễn Thanh Long – thứ trưởng Bộ Y tế, ông Lê Xuân Thân – phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – cho biết loài muỗi Aedes aegypty được cấy tác nhân sinh học Wolbachia đang thả thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên (P.Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã bị muỗi địa phương tiêu diệt gần hết.

“Bộ Y tế cần tìm giải pháp để quần thể muỗi này không bị muỗi địa phương tiêu diệt như vừa qua” – ông Thân nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định Bộ Y tế rất chặt chẽ và thận trọng khi triển khai dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypty mang tác nhân sinh học Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa”.

“Việc nghiên cứu được tiến hành từ năm 2006, mãi đến tháng 4-2013 mới thả muỗi thử nghiệm ra thực địa ở đảo Trí Nguyên. Kết quả ban đầu tưởng là thành công, nhưng sau một thời gian kiểm tra lại thì quần thể muỗi này hầu như không còn. Từ ngày 14-5, dự án đã thả bổ sung đợt muỗi Aedes aegypty mang Wolbachia chủng wMel để thay thế chủng cũ wMelpop và kết quả bước đầu thì mỗi tuần quần thể muỗi này tăng được 10%. Tuy nhiên, hiện chưa nói được điều gì” – ông Long đánh giá.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Minh – giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa – cho biết từ đầu năm đến ngày 18-5, toàn tỉnh Khánh Hòa có 394 ca mắc sốt xuất huyết Dengue và có xu hướng giảm, so với cùng kỳ năm ngoái giảm khoảng sáu lần và không có ca nào tử vong. Tuy nhiên, cả ông Nguyễn Thanh Long và ông Lê Xuân Thân đều bày tỏ lo ngại khả năng sốt xuất huyết tại Khánh Hòa sẽ tăng cao vì đỉnh dịch thường xảy ra vào thời gian từ tháng 6 đến tháng 9.

Tháng 4-2013, muỗi Aedes aegypty mang Wolbachia được thả liên tục 23 tuần tại đảo Trí Nguyên với mong muốn đến tháng 10 cùng năm sẽ thay thế 90% quần thể muỗi tự nhiên. Tuy nhiên, sáu tháng sau khi kết thúc thả muỗi, quần thể muỗi mang Wolbachia ngày càng giảm và sau đó chỉ còn 1%. Chủng muỗi mới được thả bổ sung trong tháng 5 này được đánh giá có khả năng thích nghi cao với môi trường, được ứng dụng thành công ở Úc, đang thả thử nghiệm tại Indonesia.

DUY THANH

 

 

 

Sáng 28-5 tại Nha Trang, Trường đại học Monash (Úc, nơi nghiên cứu ra loài muỗi Aedes aegypty mang Wolbachia và thành công với việc nhân rộng quần thể muỗi này tại Úc) phối hợp với Bộ Y tế VN khai mạc hội nghị thường niên lần thứ chín của chương trình “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết”. Hội nghị kéo dài đến hết ngày 31-5, với sự tham gia của 60 nhà khoa học ở chín quốc gia để bàn nhiều vấn đề của chương trình, trong đó có giải pháp phát triển quần thể muỗi mang Wolbachia tại VN.