09/01/2025

Nguy cơ hoá chất lan ra kênh thuỷ lợi

Hơn một tháng qua, kể từ ngày 500 tấn hoá chất của Công ty Tân Hùng Thái – Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM – bị cháy và tràn ra kênh C12, công tác xử lý những hoá chất nguy hại này vẫn chỉ là những tấm bạt HDPE ngăn tạm bợ ở mặt kênh và một vài đoạn đê được đắp đất…

Vụ cháy 500 tấn hoá chất ở KCN Lê Minh Xuân:

Nguy cơ hoá chất lan ra kênh thuỷ lợi

Hơn một tháng qua, kể từ ngày 500 tấn hoá chất của Công ty Tân Hùng Thái – Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM – bị cháy và tràn ra kênh C12, công tác xử lý những hoá chất nguy hại này vẫn chỉ là những tấm bạt HDPE ngăn tạm bợ ở mặt kênh và một vài đoạn đê được đắp đất…

 

Người dân và cơ quan chức năng địa phương lo ngại chỉ cần một cơn mưa lớn, hơn 2.000ha đất lúa và cây trồng của người dân sẽ có nguy cơ bị hư hại bởi số hoá chất này sẽ lan rộng khắp các hệ thống thuỷ lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh.

Ngủ cũng phải đeo khẩu trang

Hơn 600m đoạn kênh thuỷ lợi C12 – nơi tiếp nhận hầu như toàn bộ 500 tấn hoá chất cùng bột chữa cháy sau vụ cháy của Công ty Tân Hùng Thái – nay đã chuyển sang màu đen ngòm.

Tất cả các loại cây cỏ mọc dọc hai bên bờ kênh, lục bình dưới kênh đều bị chết rụi. Mặt kênh không có bóng dáng bất cứ một loại thuỷ sinh nào.

“Phương án khắc phục, đơn vị tư vấn xử lý, kinh phí dự trù đều có rồi. Vấn đề đặt ra là ai sẽ chi tiền để làm? Ngân sách huyện thì không thể, Công ty Tân Hùng Thái thì nói không còn khả năng tài chính, KCN cũng nói không có tiền, Sở TN-MT TP thì đợi UBND TP quyết định… nên chúng tôi chỉ còn biết ngồi chờ mà thôi!”

Ông Phạm Văn Hùng (trưởng Phòng TN-MT H.Bình Chánh)

Dẫn chúng tôi đến sát kênh, một cán bộ Phòng Tài nguyên – môi trường (TN-MT) huyện Bình Chánh dặn: “Nên đeo khẩu trang vì trời nắng nóng mùi hoá chất bốc lên từ kênh dễ gây buồn nôn, ngạt thở, chóng mặt”.

Theo vị này, sau khi xảy ra vụ cháy, hầu như cả khu vực này đều nồng nặc mùi hoá chất, nước trong kênh chuyển sang màu vàng đậm, các loại tôm cá, rong rêu đều chết hết. Hiện nước chuyển sang màu đen, tất cả hoá chất đã lắng xuống ở đáy kênh. Nếu không xử lý kịp thời thì chỉ cần một cơn mưa lớn, nước trong kênh sẽ tràn ra và hòa vào hệ thống kênh mương thuỷ lợi.

Cách đoạn kênh C12 khoảng 70m, tất cả dãy phòng trọ của công nhân nằm trong vành đai cách ly KCN đều đóng cửa im ỉm.

Anh T. – công nhân ở trọ gần đó – cho biết: “Suốt hơn một tháng qua tụi tui ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hắc của hoá chất từ đoạn kênh bốc lên. Mỗi khi trời nóng, đứng gió là coi như không thể nào thở nổi, đến gần kênh thì mắt cay sè”.

Ông Phạm Văn Hùng, trưởng Phòng TN-MT huyện Bình Chánh, nói: “Chuyện cấp bách nhất hiện nay là phải nhanh chóng xử lý hoá chất đã tràn ra 600m kênh C12. Chúng tôi hết sức nóng lòng vì đã hơn một tháng mà mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. Những hôm mưa lớn phòng lại phải cử cán bộ ra trông chừng. Đoạn kênh được gia cố bằng đất, mấy tấm bạt HDPE cũng chỉ là tạm thời chứ làm sao mà ngăn được nước mưa tràn vào. Thẩm quyền xử lý của chúng tôi chỉ đến đó”.

Trước đó, ngày 8-5, tại cuộc khảo sát của HĐND TP về tình hình thực hiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở KCN Lê Minh Xuân, phương án xử lý sự cố hoá chất này cũng đã được các đơn vị có liên quan đề cập.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, phó Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (Hepza), chuyện đắp đất ngăn dòng chảy chỉ là giải pháp tình thế vì phân nửa lượng nước mưa của KCN Lê Minh Xuân chảy vào kênh C12 tạm thời có thể ngăn chặn không cho thoát qua kênh khác. Nhưng nguy cơ vỡ đê, chất độc lan ra ngoài là điều tất yếu nếu có cơn mưa lớn.

Chờ đến bao giờ?

Ngày 15-5 vừa qua, UBND H.Bình Chánh đã có kiến nghị gửi Sở TN-MT TP để báo cáo về hiện trạng ô nhiễm cũng như tình hình xử lý hoá chất tồn đọng ở kênh C12.

Theo Luật bảo vệ môi trường, người gây ô nhiễm môi trường (Công ty TNHH Tân Hùng Thái) phải có trách nhiệm thanh toán chi phí thực hiện khắc phục tình trạng ô nhiễm do hành vi của mình gây ra.

Qua phân tích mẫu đo đạc môi trường nước kênh C12 trước cổng Công ty Tân Hùng Thái của Viện Tài nguyên và môi trường, ĐH Bách Khoa TP, các chỉ tiêu phân tích đều vượt giá trị giới hạn nước thải công nghiệp rất nhiều lần (độ màu vượt 24,5 lần, tổng nitơ vượt 2,68 lần, N-NH4+ vượt 4,2 lần, COD vượt 21,46 lần, TSS vượt 25,97 lần, Fe vượt 67,6 lần…

Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Tân Hùng Thái cho biết hiện đang rất khó khăn về tài chính vì hầu như tất cả tài sản của công ty đã bị thiêu cháy.

Hiện công ty đang xử lý ô nhiễm môi trường trong nhà xưởng nên không đủ năng lực xử lý ô nhiễm nguồn nước ở kênh C12 và đề nghị có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong khi đó, KCN Lê Minh Xuân cũng cho biết đang trong tình trạng khó khăn nên không thể tạm ứng kinh phí thực hiện công tác xử lý nguồn nước kênh ô nhiễm.

Ông Cao Tung Sơn – phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT TP – cho biết: “Hiện sở đã giao việc xử lý vấn đề này cho chi cục. Chúng tôi đã tiếp nhận, nắm đầy đủ thông tin cũng như phương án xử lý đã sẵn sàng. Dù trách nhiệm này không thuộc chúng tôi, nhưng trong tình thế các đơn vị liên đới đều gặp khó khăn thì chi cục đứng ra xử lý, giải quyết. Trong khi chờ đợi UBND TP quyết định, chi cục sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ cao trình nước ở kênh C12 để không có tình huống đáng tiếc xảy ra”.

HOÀNG DUNG