Chúa Nhật VI PS A – 2014: Sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi trong tình yêu
Những hành động gắn bó, hiệp thông với Chúa Ba Ngôi trong lời kinh cầu nguyện, trong những hy sinh và hoạt động hằng ngày, trong từng ý nghĩ, lời nói tràn đầy sự thật của Chúa Giêsu Kitô có thể cứu đất nước của chúng ta bằng sức mạnh của chính Thiên Chúa mà những ai có lòng tin sẽ cảm nhận được.
Sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi trong tình yêu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng để chúng ta suy nghĩ về cuộc sống lại của Chúa Giêsu, tuần sau chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Vì thế, vào Chúa Nhật cuối cùng này Giáo Hội muốn thúc đẩy ta đi tới đoạn cuối của con đường cứu độ, đến đích điểm cao cả nhất là đời sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi trong tình yêu như cả ba bài đọc Thánh Kinh hôm nay nhắc đến. Trong ít phút này chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ về đời sống kết hợp trong tình yêu với Chúa Ba Ngôi và tìm hiểu làm sao có thể đạt được đời sống ấy.
1. Đời sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi
1.1. Những gợi ý từ các bài đọc
Nhiều người chúng ta giống như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai trong bài đọc I (x. Cv 8,5-8, 14-17), chúng ta đã đón nhận Lời Chúa, đã nhận phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu nhưng chưa nhận được Chúa Thánh Thần nên chúng ta chưa phát huy được đời sống kỳ dịệu của người tín hữu. Thánh Tông đồ Philipphê hôm nay cho người dân Samari thấy những dấu lạ của Thánh Thần: đó là “xua đuổi các thần ô uế, chữa lành những người đau ốm bệnh tật và tràn đầy niềm vui trong cộng đoàn”.
Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta trong bài Phúc Âm (x. Ga 14,15-21) hôm nay: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật… mà anh em biết được vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,15-17). Chúa Giêsu muốn nói đến sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi như là điều cao cả nhất mà Người có thể đem lại cho chúng ta qua cái chết và cuộc sống lại của Người. Đó cũng là điểm tột cùng của sự cứu độ.
1.2 .Sự cứu độ toàn diện và phổ quát là gì?
Nói đến sự cứu độ, nhiều người chúng ta nghĩ ngay đến việc Chúa cứu chúng ta khỏi một tai hoạ, một căn bệnh hay một sự nguy hiểm nào đó. Có người nghĩ sâu xa hơn đến việc Chúa cứu chúng ta khỏi sự chết chóc, già nua, tàn tạ để có thể sống mãi với Chúa trong tình trạng thiêng đàng sau khi chết.
Hôm nay Giáo Hội dạy chúng ta, trong số 38 của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo: “Sự cứu độ do sáng kiến của Chúa Cha, được gửi tặng cho con người một cách sung mãn trong Đức Giêsu, rồi được thực hiện và truyền lại cho chúng ta nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Sự cứu độ đó có tính phổ quát, nghĩa là dành cho hết mọi người và là sự cứu độ toàn diện con người, nghĩa là nó liên quan đến con người trong mọi chiều hướng: cá nhân cũng như tập thể, thể lý cũng như tâm linh, lịch sử cũng như siêu việt… Đó là khi mọi người chúng ta, cùng với toàn thể thụ tạo, được chia sẻ sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, và được hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống của Chúa Cha trong niềm vui của Chúa Thánh Thần”.
Như thế, sự cứu độ không phải là chỉ giải cứu chúng ta khỏi cái gì tai hại nhất thời, cũng không phải chỉ là đời sống hạnh phúc vĩnh hằng mà chúng ta nhận được sau khi chết. Nhưng sự cứu độ đó thể hiện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta về mọi lĩnh vực, cá nhân cũng như tập thể, lịch sử cũng như siêu việt, thể lý cũng như tinh thần. Đó là đời sống tràn đầy niềm vui và ân sủng mà các tín hữu thể hiện thời Giáo Hội sơ khai khi họ nhận được Chúa Thánh Thần vì Ngài nối kết họ với Chúa Cha và Chúa Giêsu cũng như liến kết họ với nhau trong tình yêu thương. Đó là đời sống hiệp thông với Chúa Ba Ngôi như là kết quả tột cùng của ơn cứu độ mà chúng ta cần phải đạt tới và thể hiện.
Giáo Hội nhắc nhở chúng ta: “Con người được mời gọi hãy khám phá ra nguồn gốc và mục tiêu của cuộc đời và lịch sử đời mình nơi sự hiệp thông yêu thương của Thiên Chúa, vì nơi đó Ba Ngôi yêu thương nhau và chỉ là một Thiên Chúa duy nhất” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 34). Tình yêu của Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc và mục tiêu của con người bởi vì Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh và giống Ngài nên “ơn gọi của con người là yêu thương”. Chính khi con người biết yêu thương là con người “ở trong Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Hôm nay Chúa Giêsu nói cho chúng ta: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).
2. Muốn đạt được sự sống kỳ diệu ấy thì chúng ta phải làm gì?
Bài Phúc Âm hôm nay giới thiệu cho chúng ta hai điều kiện: thứ nhất là giữ lệnh truyền yêu thương của Chúa Giêsu và thứ hai là thở được Thần Khí Sự Thật của Người.
2.1. Lệnh truyền yêu thương
Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” “Ai có và giữ các điều răn của Thầy người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”. Yêu thương như Chúa Giêsu là yêu đến tột cùng, dám hy sinh tất cả cho những con người sống với mình, đón nhận và tha thứ cho cả những người muốn đóng đinh mình.
Thánh Phêrô trong bài đọc II (1P 3,15-18), mời gọi chúng ta sống hiền hoà, kính trọng đối với những người phỉ báng, vu khống, gây khổ cho ta. Chúng ta vẫn yêu thương họ bởi vì Thần Khí Tình Yêu của Chúa Kitô ở trong chúng ta. Ngài thúc giục ta và giúp ta yêu thương vì Ngài chính là tình yêu nối kết ta với nhau và với Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy hỏi xem mình đã yêu thương những người trong gia đình mình, những người cùng làm việc trong công ty, xí nghiệp, những người hàng xóm lắm điều, gây khổ cho mình như thế nào? Nếu chúng ta đón nhận tất cả nhờ tình yêu của Chúa Ba Ngôi ở trong ta, chúng ta sẽ thấy rằng mình thay đổi được cộng đồng xã hội.
2.2. Thở hít được Thần Khí của Chúa Giêsu
Hình như chúng ta quên mất mình cần phải thở Thần Khí ấy từng giây từng phút y như chúng ta hít thở khí trời trong từng giây từng phút của cuộc đời. Mỗi ngày chúng ta lo ăn nhiều nhất, nhưng ít ai lo uống, và hầu như chẳng mấy ai lo thở dù chúng ta biết rằng mình có thể nhịn ăn tối đa 30 ngày, nhịn uống 3 ngày, nhưng nhịn thở tối đa 4 phút là chết. Nhịn thở lâu như thế là nhờ 1,5 lít không khí dự trữ luôn luôn có trong buồng phổi của ta. Trong thực tế, 1 phút chúng ta có khoảng 60-70 vòng quay máu qua trái tim ta, trong mỗi vòng quay máu, máu đen bơm vào các phế nang của phổi để nhờ dưỡng khí ta hít vào mà biến thành máu đỏ rồi trở về tim để chuyển đi khắp cơ thể. Nếu không có dưỡng khí, tức khắc các tế bào trong cơ thể sẽ chết, đặc biệt là những tế bào não.
Đời sống thiêng liêng của chúng ta cũng vậy. Dòng máu đen tội lỗi của chúng ta luôn luôn đen bẩn vì tội lỗi và yếu đuối, vì những tham vọng và dục vọng. Nhưng khi chúng ta hít thở được Thần Khí sự thật của Chúa Giêsu thì Người biến dòng máu đen tội lỗi ấy thành dòng máu đỏ tinh tuyền và làm cho chúng ta phát huy những ân sủng kỳ diệu của Thánh Thần trong đời sống hằng ngày. Vì thế Chúa Giêsu nói: “Thần Khí sự thật ở giữa anh em và ở trong anh em luôn mãi” (Ga 14,16-17).
2.3. Thần Khí cứu độ đất nước Việt Nam
Người ngoài Công giáo còn biết đến hào khí của con người, khí thiêng của sông núi, nhất là trong những tuần vừa qua, từ ngày 2/5/2014, khi mà người Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trong lãnh hải Việt
Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta phát huy Thần Khí sự thật mà Người thổi trên chúng ta để chúng ta tràn đầy sức mạnh của Thánh Thần, và có thể cứu giúp đất nước trong giai đoạn căng thẳng và nguy hiểm hiện nay. Những hành động gắn bó, hiệp thông với Chúa Ba Ngôi trong lời kinh cầu nguyện, trong những hy sinh và hoạt động hằng ngày, trong từng ý nghĩ, lời nói tràn đầy sự thật của Chúa Giêsu Kitô có thể cứu đất nước của chúng ta bằng sức mạnh của chính Thiên Chúa mà những ai có lòng tin sẽ cảm nhận được.
Lời kết
Lúc bấy giờ dân tộc của chúng ta mới có thể trường tồn. Lúc bấy giờ chúng ta mới cho người Việt Nam hiểu rằng sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi trong tình yêu đó là mục tiêu cao cả nhất và đó cũng là ơn cứu độ mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho tất cả mọi người.