09/01/2025

Trung Quốc sẽ trả giá nếu từ chối hầu tòa

Trung Quốc sẽ tự gánh lấy rất nhiều tổn hại nếu tiếp tục từ chối tham dự một vụ kiện quốc tế khác như đã làm với Philippines.

 

Trung Quốc sẽ trả giá nếu từ chối hầu toà

Trung Quốc sẽ tự gánh lấy rất nhiều tổn hại nếu tiếp tục từ chối tham dự một vụ kiện quốc tế khác như đã làm với Philippines.

Tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) cản đường một tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương-981 	Ảnh: AFP
Tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) cản đường một tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương-981  Ảnh: AFP

Liên tiếp trong mấy ngày qua, Việt Nam luôn thể hiện quyết tâm sẵn sàng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu Bắc Kinh vẫn một mực không chịu rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Trả lời báo giới quốc tế ngày 22.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang “cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”. Tại cuộc họp báo quốc tế sau đó một ngày, bà Nguyễn Thị Thanh Hà (Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao) cho rằng sử dụng biện pháp pháp lý sẽ tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang. Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 24.5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định: “Chúng ta đang củng cố hồ sơ làm cơ sở khởi kiện các nội dung có liên quan ra tòa án quốc tế, nếu Trung Quốc không có động thái rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam thì ta phải có hành động”.

Nghĩa vụ bắt buộc

Đã có một số ý kiến chỉ ra một loạt trở ngại cho Việt Nam, trong đó có việc hầu như Trung Quốc chắc chắn từ chối tham dự một phiên tòa quốc tế như vậy. Thế nhưng, các chuyên gia theo dõi vụ việc và có liên quan lại cho rằng Việt Nam không nên quá bận tâm về điều đó. Điểm cốt lõi là Việt Nam có thể tự quyết định con đường pháp lý cho chính mình để đưa ra phương án tối ưu, đặc biệt là trong bối cảnh Philippines vừa hoàn tất hồ sơ dày hàng trăm trang với những “chứng cứ thuyết phục” chống lại yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Manila đã nộp hồ sơ lên Tòa án Trọng tài quốc tế thường trực tại The Hague (Hà Lan) hồi tháng 3.2014. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể tự mình kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hoặc đồng khởi kiện với Philippines.

Trung Quốc cũng đã từ chối tham dự vụ kiện của Philippines này ngay từ đầu, nhưng điều đó không có nghĩa nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình diễn ra phiên xử. Giáo sư Alan Boyle, thành viên Hội đồng Cố vấn luật pháp cho Philippines trong vụ kiện trên, nói với Thanh Niên: “Việc Bắc Kinh tham dự hay không không quan trọng. Với tư cách là thành viên của Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS), Trung Quốc có nghĩa vụ chịu phân xử bắt buộc cho bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến cách diễn giải và áp dụng UNCLOS. Vụ kiện của Philippines, ít nhất là dưới luận điểm của nước này, cũng liên quan đến cách diễn giải và áp dụng UNCLOS. Phiên xử sẽ tiếp tục và đưa ra phán quyết bất luận Trung Quốc có tham dự hay không. Trung Quốc cũng không có quyền ngăn cản phiên xử diễn ra”. Giáo sư Boyle nhận định: “Phiên xử sẽ bắt đầu vào năm 2015, và từ đây tới đó vẫn còn rất nhiều thời gian cho  Việt Nam cân nhắc tham gia cùng Philippines khởi kiện Trung Quốc. Theo tôi, đó là giải pháp khả dĩ cho Việt Nam”.

Sẽ bị cô lập

Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), cho rằng Trung Quốc sẽ mất rất nhiều nếu từ chối tham gia vụ kiện: “Bằng cách khởi kiện, Philippines đã cho thế giới thấy họ muốn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình và con đường pháp lý. Bắc Kinh luôn ra rả nói về điều này, nhưng hành động của họ luôn chứng tỏ điều ngược lại. Nếu Việt Nam theo đuổi một vụ kiện tương tự – bằng cách tự mình khởi kiện hay đồng khởi kiện với Philippines – và Trung Quốc lại tiếp tục từ chối tham gia, họ sẽ càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế. Dư luận sẽ tiếp tục nhìn Trung Quốc như một quốc gia bắt nạt và thiếu trách nhiệm trong cam kết dùng các phương thức hòa bình để giải quyết bất đồng. Điều đó sẽ gây phương hại cho hình ảnh của Bắc Kinh; và dù gì thì họ cũng rất lo ngại hình ảnh của mình bị tổn hại”.

Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) cho rằng nếu Việt Nam đồng khởi kiện với Philippines, điều đầu tiên hai nước này sẽ đạt được chính là sự hậu thuẫn về mặt tinh thần của cộng đồng quốc tế, “và điều đó có thể sẽ tác động đến các thẩm phán trực tiếp tham gia phiên xử, để họ đưa ra phán quyết cuối cùng có lợi cho Việt Nam và Philippines. Nhưng cũng nên nhớ là, Trung Quốc luôn nhìn nhận những phiên xử như thế này như một sự “can thiệp” của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ trong khu vực”. Tiến sĩ Valencia thông tin thêm, trước đây Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) vào năm 1984 cũng từng xử vắng mặt chính quyền Mỹ vụ Washington hậu thuẫn phiến quân chống lại chính phủ Nicaragua và khai thác mỏ ở nước này. ICJ phán quyết rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế mặc dù Washington không tham dự phiên tòa.

 

Mỹ muốn mở rộng quan hệ đối tác với Việt Nam

 

Đó là khẳng định của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear với giới phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á ở thủ đô Manila của Philippines ngày 23.5.

Cụ thể, khi được hỏi liệu Mỹ có định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam hay không, ông Locklear trả lời rằng Mỹ đang muốn có cơ hội mở rộng quan hệ đối tác với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, theo báo Philippine Daily Inquirer. Ông Locklear bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài khoảng 3 tuần qua theo sau vụ Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kêu gọi hai bên kiềm chế và giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Ông cũng kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm ngăn ngừa căng thẳng biến thành xung đột vũ trang.  

Văn Khoa

 

 

CNOOC giở giọng ngang ngược về giàn khoan

 

Chủ tịch Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) Vương Nghi Lâm mới đây đã có phát biểu ngang ngược về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển của Việt Nam.

Tại hội nghị cổ đông ngày 23.5 của Công ty CNOOC Ltd. trực thuộc CNOOC, đơn vị vận hành giàn khoan Hải Dương-981, ông Vương tuyên bố việc làm phi pháp trên đã được phê chuẩn bởi chính phủ Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.

Trong lần phát biểu công khai đầu tiên về vụ việc, ông này cũng tiếp tục thể hiện luận điệu ngang ngược và phi lý của giới chức Trung Quốc rằng giàn khoan nằm trong vùng biển không có tranh chấp và tuyên bố CNOOC sẽ quyết tâm hoàn tất việc khoan dầu tại đó dưới sự bảo vệ của chính phủ Trung Quốc. 

Sơn Duân

 

An Điền