09/01/2025

Chị “ve chai” nặng lòng với biển đảo

Cả đời chị Nguyễn Thị Quý (Q.12, TP.HCM) gắn với những nhọc nhằn mưa nắng trên chiếc xe đạp để mua ve chai, phế liệu.

 

Chị “ve chai” nặng lòng với biển đảo

Cả đời chị Nguyễn Thị Quý (Q.12, TP.HCM) gắn với những nhọc nhằn mưa nắng trên chiếc xe đạp để mua ve chai, phế liệu.

Thu nhập vỏn vẹn mỗi tháng chỉ 2 triệu đồng, nhưng chị vẫn dành ra những đồng tiền chắt chiu để góp phần bảo vệ biển đảo mỗi khi sóng gió.

Đó là khi tàu ngư chính Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 đang thăm dò dầu khí năm 2011, chị đến tòa soạn Tuổi Trẻ với chiếc xe đạp cồng kềnh, nặng trĩu phế liệu sau một buổi thu mua để góp 200.000 đồng cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Cách mấy ngày sau chị lại đến lần nữa góp thêm 300.000 đồng. Lần này “đọc báo thấy Trung Quốc đưa cả giàn khoan dầu vào vùng biển Hoàng Sa và đuổi thế nào cũng không chịu đi”, chị lại lật đật đến tòa soạn vào một chiều mưa tầm tã để góp 500.000 đồng cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” mà báo vừa phát động. Số tiền với nhiều người chẳng là bao nhưng với chị thì phải mất cả nửa tháng tích cóp. “Biển đảo của mình thì mình phải giữ. Ráng được bao nhiêu góp bấy nhiêu” – chị bảo.

Mấy hôm nay trời Sài Gòn nắng như thiêu như đốt. Cái dáng nhỏ bé, liêu xiêu bên cạnh chiếc xe đạp cà tàng chất cao những chai lọ, giấy vụn giữa dòng xe cộ ngược xuôi khiến người ta càng thêm quý tấm lòng của chị. Chị “ve chai” nói về biển thật bình dị: “Thấy đảo như những bức tường chắn cho đất liền. Tàu bè ngư dân mình ra có đảo như ngôi nhà giữa biển cũng thấy yên tâm. Những người chưa ra biển thì yêu biển một triệu lần, còn người đi rồi thì yêu biển một tỉ lần”.

 

VŨ THỦY – QUANG ĐỊNH thực hiện