09/01/2025

Hậu phương của người cảnh sát biển

21g30 ngày 12-5, chị nhận được cuộc gọi của anh trước khi anh tiếp tục lên con tàu CSB-4033 ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

 

Hậu phương của người cảnh sát biển

21g30 ngày 12-5, chị nhận được cuộc gọi của anh trước khi anh tiếp tục lên con tàu CSB-4033 ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi vài phút, trong đó anh chỉ dặn vợ và hai con ở nhà giữ sức khỏe.

Anh đi khi trong người còn chưa khỏi bệnh. Cuộc gọi kết thúc, lúc đó chị biết là anh đã lên khoang tàu, thẳng hướng ra biển chưa biết lúc nào trở về với vợ con.

Con gái của ba và hai con tàu cảnh sát biển

 

“Em có niềm tin nước nhà sẽ giành thắng lợi vì mình đấu tranh cho chính nghĩa và lợi ích hợp pháp của dân tộc. Chỉ mong anh cùng đồng đội vững tin, bền chí, anh dũng, kiên cường ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước mình, giữ bình yên cho đất nước”

Chị Lê Thị Hằng

 

Căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong kiệt (hẻm) 383 đường Phan Bội Châu, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam lúc nào cũng rộn tiếng cười đùa hai cô con gái của anh Nguyễn Anh Khoa, khẩu đội trưởng tàu CSB-4033 (Cảnh sát biển Vùng 2).

“Công việc anh là thế. Tình hình trên vùng biển Hoàng Sa đang căng thẳng, anh phải cùng đồng đội căng sức bảo vệ chủ quyền của đất nước” – chị Lê Thị Hằng (33 tuổi, vợ anh Khoa) tâm sự.

Anh và chị cưới nhau vào đầu năm 2007. Hai cô con gái kháu khỉnh, đáng yêu là Thảo Quyên (7 tuổi) và Như Quỳnh (6 tuổi) lần lượt ra đời khi ba đang sát cánh bên đồng đội lái những con tàu cảnh sát biển lênh đênh trên biển Đông, bảo vệ ngư dân đánh bắt và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Hai lần sinh con là hai lần tôi một mình vượt cạn khi chồng vắng nhà. Tôi không trách anh ấy, chỉ mong anh vững tâm, kiên cường hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” – chị Hằng nói.

Hai cô con gái của anh Khoa được sinh trong điều kiện đặc biệt. Đó là hai lần anh cùng đồng đội ra TP Hải Phòng nhận hai con tàu cảnh sát biển CSB-2014 và CSB-4033.

Chị Hằng kể: “Cuối năm 2007, tôi sắp sinh thì anh ấy nhận nhiệm vụ lên đường ra Hải Phòng tiếp nhận tàu CSB-2014. Năm đó chúng tôi mới cưới nhau, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hai vợ chồng phải thuê căn phòng trọ để ở”.

Lúc chị sinh bé Quyên, anh Khoa chỉ nhận được tin là vợ sinh con gái. Khoảng bốn tháng sau anh mới trở về. Trong một buổi tối anh về thăm vợ, chị nhớ như in buổi tối hôm ấy là mùa đông, anh về khoác chiếc áo ấm của bộ đội.

Khi anh bồng con, bé Thảo Quyên mở mắt ra thấy ba thì khóc to. Lúc ấy, chị thấy trên đôi mắt của chồng một dòng nước mắt khẽ trào xuống vì niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Một năm sau, chị Hằng mang thai bé Như Quỳnh. Đến lúc chị gần sinh con anh lên đường đến Hải Phòng tiếp nhận tàu CSB-4033 cho đơn vị Cảnh sát biển Vùng 2.

Biết chồng đi làm nhiệm vụ, chị gửi bé Quyên ở lại Quảng Nam cho người thân, lên tàu lửa về TP Vinh, nơi ba mẹ của chị đang sống để sinh bé thứ hai. Trên tàu, chị đau bụng dữ dội và chuyển dạ.

Tàu dừng, mọi người đưa chị vào Bệnh viện Đà Nẵng sinh con. Bé Như Quỳnh được sinh trước dự kiến khoảng ba tuần. Sau gần bảy tháng trời lênh đênh trên biển, anh được về thăm con gái thứ hai. Theo chị Hằng, từ khi sinh ra bé Như Quỳnh rất ít khóc.

Ông ngoại tưởng bé có vấn đề gì. Nhưng đến khi ba về, ba bồng thì bé khóc thét lên. Đến một tuần sau bé mới quen hơi của ba.

“Nhiều lúc được nghỉ phép anh về nhà, ở cạnh bên vợ con anh lại thì thầm: Không biết trùng hợp sao mà sinh hai con ra lại đúng thời điểm anh tiếp nhận các con tàu cảnh sát biển. Anh ấy yêu hai con gái, cũng yêu những con tàu cảnh sát biển và các đồng đội rong ruổi trên biển để bảo vệ chủ quyền  của Tổ quốc” – chị Hằng kể lại.

Mong anh giữ sức khỏe

Chị Hằng đang là nhân viên Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam. Chị được cho đi học bác sĩ tại Trường đại học Y dược Huế.

Cả tuần chị đi học đến cuối tuần mới về, hai đứa con gửi cho ông ngoại chăm sóc. Gặp chúng tôi, hai bé tranh nhau nói: “Cháu nhớ ba lắm”.

Theo chị Hằng, 17g ngày 1-5 chồng nói là nhận lệnh khẩn cấp phải ra vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó chị chỉ nghe anh nói nhận nhiệm vụ đặc biệt chứ không biết Trung Quốc đưa giàn khoan hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam, anh cùng với các chiến sĩ ra biển để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Chuyến trở về của tàu anh CSB-4033 tối 3-5 vì bị tàu Trung Quốc đâm hỏng. Đợt đó anh cùng ba đồng đội trên tàu bị bệnh, sốt cao, phải đưa vào bệnh viện điều trị. Tàu anh đụng độ với tàu Trung Quốc quen rồi nhưng thật sự lần này chị thấy rất lo.

Khi chúng tôi thông tin cho chị trên chiếc tàu CSB-4033 của chồng chị có phóng viên Tuổi Trẻ đang tác nghiệp ở đó, 21g ngày 17-5 chúng tôi nhận được tin nhắn từ chị: “Nếu em liên lạc được với đồng nghiệp (PV Tuổi Trẻ) thì cho chị gửi lời nhắn với anh Khoa chồng chị rằng: Đại gia đình vẫn khỏe và hằng ngày dõi theo từng tin tức về anh và đồng đội đang ngày đêm đấu tranh gìn giữ biển, đảo Tổ quốc. Em sẽ là hậu phương của anh, chăm sóc tốt cho các con. Chúc anh và đồng đội dồi dào sức khỏe, vững tâm, bền chí, kiên cường để chiến thắng mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù”.

LÊ TRUNG

 

 

 

Tham gia quân đội gần 20 năm, anh Nguyễn Anh Khoa (38 tuổi) trước đây từng làm nhiệm vụ tại Vùng 3 hải quân, hiện anh Khoa là khẩu đội trưởng trên tàu cảnh sát biển nhưng cũng kiêm luôn chân đầu bếp nấu ăn phục vụ trên tàu.

Ngoài nhiệm vụ chính được giao là khẩu đội trưởng, anh Khoa còn là một chiến sĩ làm công tác tâm lý rất nhiệt tình. Với các thành viên mới lên tàu, anh đều động viên và chia sẻ.

THUẬN THẮNG (từ Hoàng Sa)