10/01/2025

Lần đầu tiên một đại hội của Hội đồng Giám mục Italia được Đức Thánh Cha đích thân khai mạc

VATICAN – Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô đã đọc diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ 66 của HĐGM Italia. Chiều ngày 19-5-2014, tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican, 300 GM Italia đã nghe ĐTC đề ra những đường hướng chính cho hoạt động của HĐGM và Giáo Hội tại Italia.

Lần đầu tiên một đại hội của Hội đồng Giám mục Italia được Đức Thánh Cha đích thân khai mạc
 
VATICAN – Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô đã đọc diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ 66 của HĐGM Italia.

Chiều ngày 19-5-2014, tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican, 300 GM Italia đã nghe ĐTC đề ra những đường hướng chính cho hoạt động của HĐGM và Giáo Hội tại Italia.

Trong bài diễn văn dài, sau kinh nguyện và lời chào mừng của ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Italia, ĐTC đã đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, và nhấn mạnh: “Sự vắng bóng tình hiệp thông hoặc sự nghèo nàn trong lĩnh vực này chính là một gương mù lớn nhất, một lạc giáo làm biến thái khuôn mặt của Chúa và xâu xé Giáo Hội của Chúa. Không gì có thể biện minh cho sự chia rẽ… Vì thế, trong tư cách là chủ chăn, chúng ta phải xa tránh những cám dễ làm cho chúng ta bị biến dạng: việc quản lý thời gian theo kiểu cách riêng, như thể có một thiện ích tách biệt với thiện ích của các cộng đoàn chúng ta; những thói nói hành nói xấu, sự thật nửa vời trở thành nói dối, một chuỗi những lời than trách chứng tỏ sự thất vọng bất mãn trong lòng.”

Đề cập đến các linh mục, ĐTC nói với các GM Italia: “Như anh em biết, các linh mục của chúng ta thường bị thử thách vì những đòi hỏi của sứ vụ, và nhiều khi họ nản chí vì có cảm tưởng kết quả chẳng được bao nhiêu: anh em hãy giáo dục các linh mục đừng dừng lại, tính toán những người vào người ra, kiểm điểm xem những điều mình thu thập có tương ứng với những gì mình cho đi hay không.”

ĐTC cũng nhắn nhủ các giám mục hãy là những mục tử có lối sống đơn sơ, không dính bén, thanh bần và từ bi.

Đàng khác, những thách đố ngày nay rất nhiều, vì cuộc khủng hoảng không phải chỉ xảy ra trên bình diện kinh tế, nhưng nhất là về tinh thần và văn hóa. Cần có một thuyết nhân bản mới. Để được vậy, cần bảo vệ sự sống, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Và luôn luôn có tinh thần từ bi thương xót. 

ĐTC nói: “Anh em đừng ngại thương xót cúi mình trên những người bị thương tích trong tình cảm, và thấy dự phóng đời mình bị thương tổn… Anh em cần hết sức chú ý đến cuộc khủng hoảng vì công ăn việc làm, khiến cho người người thất nghiệp; quan tâm đến những người di dân đang tìm kiến một cơ may cho cuộc sống:

“Thảm kịch của người không biết làm sao mang cơm bánh về nuôi gia đình, đi đổi với thảm trạng của người không biết làm sao làm cho xí nghiệp của mình có thể tiếp tục hoạt động. Đó là một tình trạng khẩn cấp lịch sử, đang gọi hỏi trách nhiệm xã hội của tất cả mọi người. Trong tư cách là Giáo Hội, chúng ta hãy giúp họ đừng lâm vào thái độ coi thực trạng làm một thảm hoạ và có thái độ cam chịu, hãy nâng đỡ vất vả của những người cảm thấy bị mất cả phẩm giá trong công ăn việc làm, nâng đỡ họ bằng mọi hình thức liên đới với tinh thần sáng kiến.” (SD 20-5-2014)