26/11/2024

Đức Thánh Cha gặp gỡ các chủng sinh học ở Roma

Chiều thứ Hai 12-5, tại Đại sảnh Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ​​các Viện trưởng và cựu sinh viên của các học viện giáo hoàng và các trú sở ở Roma. Một số linh mục và chủng sinh trên khắp thế giới đang học tập tại Roma đã đặt câu hỏi cho Đức giáo hoàng và được ngài trả lời một cách tự nhiên cởi mở, không soạn sẵn.

Đức Thánh Cha gặp gỡ các chủng sinh học ở Roma
 
WHĐ (14.05.2014) – Chiều thứ Hai 12-5, tại Đại sảnh Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ​​các Viện trưởng và cựu sinh viên của các học viện giáo hoàng và các trú sở ở Roma. Một số linh mục và chủng sinh trên khắp thế giới đang học tập tại Roma đã đặt câu hỏi cho Đức giáo hoàng và được ngài trả lời một cách tự nhiên cởi mở, không soạn sẵn. 

Các câu hỏi xoay quanh nhiều chủ đề như: linh mục, cám dỗ, thách đố của đời sống thánh hiến. Trước khi bắt đầu, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi đặc biệt của ngài với các Kitô hữu Ukraina và Trung Đông; ngài nhấn mạnh rằng ngày nay Giáo hội vẫn còn chịu nhiều đau khổ ở nhiều nơi trên thế giới, đó là hậu quả của sự bách hại.

Trả lời câu hỏi của một chủng sinh Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha nói về sự nguy hiểm của “chủ nghĩa khoa bảng”, hay đúng hơn là nguy cơ các chủng sinh trở về giáo phận của mình chỉ đơn giản với tư cách những sinh viên tốt nghiệp chứ không phải là những người cha, những linh mục. Ngài đề cập đến bốn trụ cột của việc đào tạo linh mục, phải được vun trồng để không rơi vào cái bẫy của “chủ nghĩa khoa bảng”, đó là đào tạo về tâm linh, tri thức, cộng đoàn và truyền giáo.

Một chủng sinh Trung Quốc nêu câu hỏi về đời sống cộng đoàn; Đức Thánh Cha trả lời rằng không thể chuẩn bị làm linh mục một mình; nhưng phải có cộng đoàn, phải hết sức cẩn trọng để thắng được những mối tội đầu vốn có thể phát sinh trong mối tương quan với anh em mình. “Đừng bao giờ nói sau lưng người khác! Nếu tôi có điều gì đó phản đối ai, hoặc không đồng ý với họ, tôi cần trực tiếp nói chuyện với người ấy. Tán chuyện gẫu… là tai họa cho cộng đoàn; nói chuyện với ai phải luôn nói mặt đối mặt, và cầu nguyện cho những ai mà chúng ta có vấn đề với họ”.

Sau đó, Đức Thánh Cha khuyên các chủng sinh phải kiên nhẫn, chăm chỉ học tập và tận dụng mọi cơ hội khi ở ngoài nước. Ngài cũng thúc giục họ phải tìm kiếm sự tĩnh lặng qua việc cầu nguyện, và khi lo âu bối rối, phải biết nép mình dưới bóng áo che chở của Mẹ Thiên Chúa. “Vì một khi sống mối tương quan tốt đẹp với Mẹ, chúng ta sẽ có tương quan tốt đẹp với Giáo Hội”. Đức Thánh Cha nói thêm rằng chỉ có một con đường lãnh đạo trong đời sống linh mục là con đường phục vụ. “Phục vụ có nghĩa là làm theo ý của người khác, và luôn phải như thế. Hãy khước từ con đường của tiền bạc hay hư danh và hãy là người tôi tớ khiêm hạ”.

Một chủng sinh Cameroon hỏi làm thế nào các chiều kích khác nhau của thừa tác vụ có thể cùng tồn tại một cách quân bình. Đức Thánh Cha trả lời rằng cần phải tỉnh thức, thận trọng và biết tổ chức. Trả lời một câu hỏi khác: làm thế nào để là một linh mục theo quan điểm Tân Phúc Âm hóa, Đức Thánh Cha nói rằng điều quan trọng là đi ra khỏi chính mình, để gần gũi với người khác. “Một sự gần gũi thân ái, một sự gần gũi yêu thương, nhưng còn là một sự gần gũi đích thân nữa”. Ngài nói thêm rằng sự gần gũi của một mục tử với đoàn chiên có thể đo lường bằng việc quan tâm đến bài giảng. Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng “nói chung, các bài giảng của chúng ta là không tốt – đó là những bài luận văn hay bài học”, và ngài nhấn mạnh rằng những bài giảng nhàm chán về các chủ đề trừu tượng cũng giống như ở trường học. “Chúng ta đang tụt hậu trong lĩnh vực này; đó là một trong những điểm mà ngày nay Giáo hội cần thay đổi: cải thiện bài giảng để mọi người có thể hiểu rõ hơn”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đáp lời một chủng sinh Ba Lan xin ngài cho lời khuyên, làm sao có thể luôn sẵn sàng và vui vẻ phục vụ dân Chúa. Đức Thánh Cha nói rằng điều quan trọng là gặp gỡ, gặp gỡ giám mục và các linh mục khác, mà không e sợ. “Có lẽ các con hơi dè dặt, nhưng đừng bao giờ sợ hãi. Một trong những kho tàng các con phải vun trồng là tình bạn linh mục”.

Trước khi tạm biệt, Đức Thánh Cha khích lệ các chủng sinh hãy trở nên “bạn hữu với tất cả những ai Chúa gửi đến cho mình”. “Tình bạn linh mục là sức mạnh cho lòng kiên trì, niềm vui tông đồ, lòng can đảm, và cả tính hài hước nữa”.

(VIS)