12/01/2025

Đưa cây chanh lên đồi

Ở tuổi 64, ông là chủ nhân của một đồi chanh rộng hơn 1 ha sum suê quả. Người làng Phước Hoà ai cũng phục ông hết mực, chẳng ai ngờ quả đồi lởm chởm đá ngày nào đã được ông biến thành một đồi chanh bạc triệu.

 

Đưa cây chanh lên đồi

Vua trồng chanh” là biệt danh người làng Phước Hoà (xã Đức Phú, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đặt cho ông Đàm Đại.

 

Tự tạo cơ hội - Kỳ 35: Đưa cây chanh lên đồi
Ông Đàm Đại cùng vợ thu hoạch chanh – Ảnh: Linh Phạm

 

Ở tuổi 64, ông là chủ nhân của một đồi chanh rộng hơn 1 ha sum suê quả. Người làng Phước Hoà ai cũng phục ông hết mực, chẳng ai ngờ quả đồi lởm chởm đá ngày nào đã được ông biến thành một đồi chanh bạc triệu.

Quả “ngọt” trên đất cằn

Thôn Phước Hoà quê ông Đại vốn là một làng quê thuần nông. Nhưng chuyện trồng chanh trên đồi của mới thật hy hữu, duyên cớ đưa ông đến với nghề trồng chanh cũng rất tình cờ. Một ngày nọ, vợ ông đi chợ thị xã Quảng Ngãi (nay là TP. Quảng Ngãi) mang về những quả chanh to, căng bóng và mọng nước. Ông Đại kể: “Ban đầu tôi chỉ định ươm hột để giữ lại giống chanh, hồi giờ chưa thấy giống chanh nào to như vậy nên ghiền quá”. Thế rồi sau 5 năm, những cây chanh đầu tiên bất ngờ vươn mình mạnh mẽ trên đất lạ, cho quả oằn cành. Một ý tưởng bộc phát trong đầu ông lúc ấy: đưa cây chanh lên đồi! Nghĩ là vậy nhưng từ khi thai nghén đến lúc thực hiện cũng lắm gian nan. Bởi cũng chính trên ngọn đồi này, ông từng thử nghiệm trồng điều nhưng thất bại.

Trời không phụ công, sau gần 4 năm trồng đại trà, 600 gốc chanh của ông đã cho hàng chục tấn quả mỗi năm. Ông Đại cho biết giống chanh này chịu được khô hạn, lại hợp với thổ nhưỡng đất đồi nên chóng thích nghi. Nhờ trồng bằng cách giâm cành, số gốc chanh được nhân lên nhanh chóng, cây cho quả nhiều thì 70-80 kg quả mỗi năm, cây ít nhất cũng cho 50 kg quả mỗi năm. Năm ngoái, 600 gốc chanh của ông đã cho 22 tấn quả, được mùa lại gặp đợt giá cao (có lúc lên tới 28.000 đồng/kg), ông Đại thu về hơn 150 triệu đồng.

Qua cơn bĩ cực

Đoạn đường từ nhà lên đồi chỉ gần 2 cây số nhưng lởm chởm đá, hết dốc tới suối. Giữa trời nắng chang chang, ông xăm xăm vào việc, vừa thấy ông lấy kéo bấm cành, thoắt cái ông đã ngồi sửa ống nước. Ông cho biết để có nước tưới chanh, ông phải dẫn ống từ một cái hồ rất xa trên núi. Nhưng nước nôi cực một lần rồi thôi, cái làm ông lo hơn là rầy cánh trắng và rầy cánh phấn từ những rừng keo bên cạnh bay đến gây bệnh. Ông Đại phải một mình túc trực ở đồi để ngăn chặn vì nếu chanh bị da lu, da cám thì không bán được.

Những năm trước, ông còn thêm nỗi lo chanh được mùa mất giá, giờ thì ông đã tìm ra “bí quyết” hãm cây chanh để cho quả trái mùa. Tháng 6, khi chanh chính vụ các nơi khác bắt đầu thu hoạch thì ông mới chỉ bón phân cho chanh, giai đoạn này ông gọi là “để cây chanh ngủ”, đến tháng 7 ông sẽ tưới nước đủ  để “đánh thức chanh dậy”, chanh đang chịu hạn gặp nước sẽ trổ rộ hoa, quả ra trái mùa sẽ nhiều mà vẫn giữ được giá cao. Ông Đại chiêm nghiệm: cây chanh cũng giống như người, “qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”.

Tiếng lành đồn xa, chanh ông Đại được các thương lái ưa chuộng và tìm đến. Nhưng không dừng lại ở đó,ông cho biết đang ấp ủ dự định mở công ty gia đình để đăng ký thương hiệu và mở rộng đầu ra cho sản phẩm của mình.

 

Ông Đoàn Huy Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Phú, đánh giá: “Mô hình trồng chanh trên đồi của ông Đại cho thu nhập khá cao so với mặt bằng nông thôn. Trong các cuộc họp, chúng tôi hay lấy gương ông Đại để khuyến khích bà con nghĩ ra các mô hình kinh tế mới, tự tạo cơ hội cho mình, mang lại hiệu quả cao”.

 

Linh Phạm