12/01/2025

Chúa Nhật IV PS A – 2014: Chúa Giêsu là cửa cứu độ và sự sống dồi dào

Khi giới thiệu mình là cửa cho chiên ra vào, Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu Người là phương tiện duy nhất mà người tín hữu phải vào với lòng tin để nhận được ơn cứu độ. Đồng thời, Người cũng là cửa ngõ duy nhất để ta đi ra với tình yêu, dẫn ta đến đồng cỏ màu mỡ và suối nước trong lành để ta cảm nghiệm được sự sống dồi dào của Thiên Chúa.

 

Chúa Giêsu là cửa cứu độ và sự sống dồi dào

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Chúa Nhật thứ IV PS Giáo Hội luôn luôn giới thiệu Đức Giêsu là vị mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên để cho chiên được sống dồi dào. Vì thế, Chúa Nhật hôm nay gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Giáo Hội cũng dành ngày này để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Chúng ta vừa nghe Chúa Giêsu nói: “ Tôi là cửa cho chiên ra vào, ai theo tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,7-10).

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu tại sao Đức Giêsu là cửa duy nhất mang lại ơn cứu độ và sự sống dồi dào cho con người.

1. Chúa Giêsu là cửa duy nhất

1.1. Cửa cứu độ và sự sống

Nhiều người VN cũng như nhiều người tín hữu trên thế giới, nếu không biết về đời sống du mục của người Do Thái, sẽ khó hiểu được ý nghĩa của “cửa Giêsu” khi Người nói “Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Những dân tộc sống bằng nghề du mục mỗi mùa đưa đàn chiên đến ăn trên đồng cỏ ở triền núi này, khi hết cỏ lại lùa chiên đến triền núi khác. Tối đến, để bảo vệ chiên khỏi thú dữ, người ta lùa tất cả chiên vào trong một chuồng lớn, chuồng này do những thân cây ghép thành. Ban sáng người ta lại lùa chiên qua cửa chuồng để dẫn ra ngoài. Chuồng này chỉ có 1 cửa duy nhất giúp cho người chăn chiên đếm được số chiên trong đàn của mình đủ hay thiếu. Nếu có 2 cửa sẽ lẫn lộn vì chiên có thể vào cửa này mà ra cửa khác. Chuồng này lớn có thể nhận chiên của 2,3 đoàn, nên các con chiên sẽ nghe theo tiếng gọi quen thuộc của người chăn chiên để người đó dẫn đi ăn, đi uống. Còn nếu chiên không nghe theo tiếng gọi của người chăn chiên, chúng sẽ bị đói khát hoặc lạc bầy.

Khi giới thiệu mình là cửa cho chiên ra vào, Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu Người là phương tiện duy nhất mà người tín hữu phải vào với lòng tin để nhận được ơn cứu độ, tránh khỏi thú dữ là ma quỷ giết hại hay kẻ trộm là những kẻ không quy phục Thiên Chúa lừa gạt. Đồng thời, Người cũng là cửa ngõ duy nhất để ta đi ra với tình yêu, dẫn ta đến đồng cỏ màu mỡ và suối nước trong lành để ta cảm nghiệm được sự sống dồi dào của Thiên Chúa. Không ai khác có thể đem lại cho ta ơn cứu độ và sự sống vĩnh hằng vì Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và sống lại vinh quang.

1.2. Chúa Giêsu Phục Sinh là cửa duy nhất

Với cuộc sống lại, Chúa Giêsu đã trở thành cửa duy nhất đem lại ơn cứu độ cho toàn thể vũ trụ và nhân loại. Người là Đấng Trung gian cứu độ duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Điều này được Công Đồng Vaticanô II xác định trong nhiều văn bản như Hiến chế Tín lý (HCTL) về Giáo Hội Lumen Gentium số 8, 14, 28, 41, 49, 60; Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 10; HCTL về Mạc khải Dei Verbum 2; Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes 7….

Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đã nhìn thấy con người và vạn vật đang đau khổ và chết chóc, do tội lỗi của họ đã cắt đứt mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, nên Ngài đã sai Con Một của Ngài trở thành người là Đức Giêsu để tự nguyện đón nhận cái chết mà hoà giải muôn loài với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã sống lại, đã chiến thắng sự chết nên từ nay muôn loài có thể chia sẻ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa nếu họ tin vào Người, nghĩa là đi qua cửa của Người.

Khi quả quyết Đức Giêsu là cửa cứu độ duy nhất, chúng ta không có ý xem thường hay loại trừ các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Cũng như chúng ta không thể giải thích câu nói “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp” (Ga 10,8) một cách võ đoán là Chúa Giêsu lên án những người sáng lập các tôn giáo khác. Chúa Giêsu không coi thường hay kết án ai. Người tôn trọng mọi người và mời gọi tất cả tham dự vào vai trò trung gian cứu độ của Người.

Xác định Chúa Giêsu là cửa, Chúa chỉ muốn nói rằng Người là phương tiện duy nhất mà chúng ta phải đi qua mới đón nhận được sự thật, sự sống và tất cả những giá trị tốt đẹp, tích cực mà con người mơ ước. Khi các tôn giáo khác cổ vũ cho sự thật, sự sống và những giá trị tích cực chính là họ đã biểu lộ lòng tin đối với Đức Giêsu là Thiên Chúa, dù họ không gọi đích danh đó là Chúa Giêsu.

Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta: tất cả những anh em tôn giáo khác, với lương tâm trong sáng của mình, theo đuổi những giá trị tích cực, họ vẫn có thể được cứu rỗi bởi vì họ đã bước qua cửa Giêsu mà họ không biết (x. HCTL Lumen Gentium, số 16).

2. Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành

2.1. Vị mục tử biết nghĩa hy sinh

Rất nhiều khi nghĩ đến “Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11), chúng ta chỉ nhắc đến tình yêu thương của vị mục tử ấy để nhận được ơn cứu độ và sự sống Người trao ban cho chúng ta. Chúng ta chưa hiểu được Người đang mời gọi chúng ta gắn bó với Người để có thể dám hy sinh mạng sống cho những giá trị tích cực mà Người yêu cầu chúng ta phải cổ vũ trong cuộc sống thường ngày.

Khi Chúa Giêsu nói “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Sống dồi dào ở đây là sự sống kỳ diệu, phi thường của Chúa Ba Ngôi về mọi phương diện: thể chất cũng như tinh thần, nội tâm cũng như ngoại giới, tự nhiên cũng như siêu nhiên, cá nhân cũng như tập thể mà Chúa Phục Sinh đã chuyển thông cho các môn đệ của Người trong thời Giáo Hội sơ khai mà thánh Phêrô đã minh chứng trong những bài giảng đầu tiên của ngài như trong bài đọc I (x. Cv 2,36-41).

Khi chúng ta cổ vũ và muốn cảm nghiệm được sự sống dồi dào ấy, chúng ta cũng phải noi gương Chúa Giêsu: trải qua cái chết và sống lại rồi mới có thể đón nhận được sự sống dồi dào của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không dám hy sinh con người mình, không dám hy sinh quyền lợi, tham vọng và dục vọng để gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không cảm nghiệm được sự sống dồi dào ấy trong mình và cũng không chia sẻ được sự sống dồi dào ấy cho người khác.

2.2. Hy sinh cho nhũng giá trị mới của Phúc Âm

Từ ngày 2/5/2014 đến nay, đồng bào Việt Nam cũng như cộng đồng kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới đang sôi sục lòng yêu nước khi nghe tin, tận mắt thấy hình ảnh tàu quân sự của Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ thân yêu, đặt giàn khoan HD 981 trong hải phận của Việt Nam, gây hại cho tàu kiểm ngư và các cảnh sát biển Việt Nam. Ngày hôm qua, 9/5/2014, Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức gửi thư kêu gọi người tín hữu Công giáo hãy cầu nguyện cho đất nước được bình an, kêu gọi chúng ta biểu lộ lòng yêu nước, sẵn sàng tham gia các hoạt động bảo vệ tổ quốc cũng như sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy dân tộc. Hội đồng cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam phải kiên trì trong đường lối ngoại giao, đối thoại vì những thoả ước hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai Đảng Cộng Sản thực tế đã cho thấy không mang lại ích lợi cho đất nước, mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy. Giáo Hội Công giáo luôn giữ lập trường: hoà bình chỉ được xây dựng trên công bình và tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau (x. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Thư kêu gọi về tình hình biển Đông).

Lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục như mời gọi chúng ta suy nghĩ về sứ mạng làm mục tử nhân lành của mỗi người chúng ta. Chúng ta có dám can đảm hy sinh tính mạng để bảo vệ những giá trị tích cực mà cha ông chúng ta trước đây đã từng hy sinh? Cha ông chúng ta đã đưa cho dân tộc Việt Nam những giá trị của dân chủ trong chế độ quân chủ độc tài; giá trị hôn nhân một vợ một chồng, bình đẳng nam nữ trong xã hội đa thê và bất bình đẳng trước đây; đưa khoa học kỹ thuật vào trong đất nước lạc hậu; đưa chữ viết Quốc ngữ thay cho loại chữ Hán, chữ Nôm của người Trung Hoa. Hàng trăm ngàn cha ông anh dũng đã hy sinh mạng sống cho những giá trị đó. Bây giờ chúng ta có dám tiếp tục hy sinh cho những giá trị mới mẻ của Tám mối Phúc thật và những giá trị khác của Phúc Âm?

Lời kết

Noi gương Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, chúng ta đang được mời gọi để có thể hoạt động nhiều hơn nữa cho người khác nhìn vào cuộc sống của chúng ta mà khám phá ra rằng chính người Công giáo đã đóng góp nhiều nhất cho dân tộc trong suốt dòng lịch sử và sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa để cho mọi người tin vào Chúa Giêsu vì Người là cửa duy nhất đem lại ơn cứu độ và sự sống đồi dào cho dân tộc Việt Nam và cho thế giới.