Chúa Nhật III PS A – 2014: Tạm ẩn mặt để chứng tỏ đã trưởng thành trong đức tin và tình yêu
Khi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, Người chuyển thông cho chúng ta sức mạnh và tình yêu của Thánh Thần để làm cho chúng ta đủ sức đi đoạn đường còn lại trở về Giêrusalem, mà thiếu vắng Chúa Giêsu.
Tạm ẩn mặt để chứng tỏ
đã trưởng thành trong đức tin và tình yêu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chúa Nhật thứ III PS giới thiệu cho chúng ta cuộc hiện ra của Chúa Giêsu với hai môn đệ đi Emmaus (x. Lc 24,13-35). Đây là cuộc hiện ra lâu nhất, nhiều chi tiết nhất mà thánh Luca muốn gửi đến các tín hữu, những ai tự nguyện là môn đệ của Chúa Giêsu, để giúp họ xác tín sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu trong đời sống, nhất là trong lúc buồn nản, thất vọng. Chúng ta sẽ dành ít phút tìm hiểu vài chi tiết của lần hiện ra này để đạt được ý nghĩa cũng như niềm xác tín về sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh.
1. Vài chi tiết về lần hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus
Có nhiều chi tiết đáng quan tâm, mà có khi chúng ta đã bỏ qua, nên không đạt được niềm xác tín.
1.1. Lần hiện ra thứ năm
Chúng ta biết rằng đây là lần hiện thứ 5 của Đấng Phục Sinh, sau khi Chúa hiện ra với Mẹ Thánh của Người, với Maria Magdala, với các phụ nữ trên đường từ mộ trở về, với Simon Phêrô. Nó xảy ra trước cuộc hiện ra với các môn đệ ở Nhà Tiệc ly mà chúng ta đã suy niệm tuần trước.
Địa điểm hiện ra là làng Emmaus, nằm ở phía Tây Bắc của thành Giêrusalem. Vì không phải là người Do Thái và không biết địa lý Do Thái, nên trong nhiều thế kỷ trước, người ta không xác định được làng Emmaus ở đâu và cách xa như thế nào. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh chỉ căn cứ vào văn bản và tính toán khoảng cách nên đã nghi ngờ lần hiện ra này.
1.2. Nghi vấn và giải đáp
Chúng ta vừa nghe tường thuật trong bài Phúc Âm nói làng Emmaus cách Giêrusalem 60 dặm. Một văn bản khác lại ghi 160 dặm (x. Chú thích Bản dịch Kinh Thánh của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế). Trước đây, người ta không biết 1 dặm của người Do Thái tính là bao nhiêu mét. Nếu tính theo đơn vị hiên nay 1 dặm tương đương với 1.600m (tức 1,6km), nhân cho 60 thì thấy Emmaus cách Giêrusalem 96km. Trung bình, chúng ta đi bộ 4km/giờ, 96km phải đi mất 24 giờ, vậy làm sao hai môn đệ có thể vừa đi vừa về để gặp lại Chúa Giêsu ở Giêrusalem ngay trong ngày hôm đó? Họ ít ra phải đi mất hai hoặc ba ngày vì không ai có thể đi liền một lúc 24 giờ mà không nghỉ!
Nhờ các nghiên cứu văn hoá dân tộc Do Thái gần đây, chúng ta biết được 1 dặm của người Do Thái là 185m. Như vậy 60 dặm tức là hơn 11km, nên các môn đệ đó có thể đi bộ trong vòng 3 giờ, và có thể trở về Giêrusalem ngay trong ngày. Con số 160 dặm không chính xác vì khoảng cách quá xa (160 x 185m = 29km), và không thể đi liên tục rồi trở về Giêrusalem trong cùng một ngày. Do đó các nhà nghiên cứu cho rằng con số 60 là chính xác.
Nói như vậy để chúng ta biết rằng những chi tiết nhỏ nhỏ về văn hoá và địa dư của người Do Thái đối với chúng ta ngày nay thấy dễ dàng, nhưng nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh cũng như nhiều người không biết Kinh Thánh đặt ra rất nhiều vấn nạn. Quả thật trong mấy thế kỷ vừa qua, người ta chối bỏ việc Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ bởi vì người ta thấy tính toán không hợp lý và cho rằng việc Chúa hiện ra chỉ là huyền thoại mang ý nghĩa tượng trưng chứ không có thật trong lịch sử.
2. Ý nghĩa của việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ
2.1. Chúa Giêsu luôn hiện diện sống động trong cuộc đời của chúng ta
Quả thật hai môn đệ trên đường Emmaus đã tận mắt thấy Chúa Giêsu làm những phép lạ, họ hy vọng Người sẽ lập nước Israel. Với quyền năng Thiên Chúa, Người đã cho dân chúng Do Thái ăn bánh no nê, đã chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ thì dư sức xây dựng một đất nước thoả mãn tất cả niềm hy vọng của con người. Nhưng họ đã tận mắt thấy Chúa Giêsu chết nhục nhã trên thập giá và bây giờ đến ngày thứ ba rồi, Người vẫn còn nằm trong mồ. Tất cả niềm hy vọng của họ bị sụp đổ hoàn toàn.
Có lẽ rất nhiều tín hữu khi đi theo đạo cũng mơ ước như hai môn đệ trên. Chúng ta mong ước được luôn khoẻ mạnh, hễ bệnh nặng một chút là Chúa sẽ chữa lành. Chúng ta hy vọng sẽ luôn no đủ vì hễ chúng ta nghèo đói một chút là Chúa sẽ làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi sống ta, cho ta kiếm ngay được việc làm, buôn bán được thịnh đạt. Chúng ta sẽ luôn bình an, không thể bị bất cứ sức mạnh nào áp bức hay ma quỷ tác động, bởi vì Chúa chiến thắng tất cả!
Nhưng thật sự lại không được như thế. Chúng ta vẫn gặp những thử thách như bao người khác: vẫn bị bệnh tật, nghèo đói, quyền lực áp bức và hành hạ. Tưởng rằng Chúa sẽ đến cứu chúng ta nhưng sao Người vẫn yên lặng! Chúng ta cảm thấy thất vọng và nghi ngờ lòng tin của ta đối với Người. Rồi một ít người trong cộng đồng càng làm ta bối rối. Họ nói là đã thấy Người mà ta lại không thấy. Họ tỏ vẻ vui mừng đến độ cuồng tín vì lao đến ngôi mộ bị niêm phong và chính quyền canh gác. Sao họ lại thiếu khôn ngoan như thế!
Hai môn đệ đã nghĩ rằng nếu ở lại Giêrusalem còn nguy hiểm hơn nữa vì nhà chức trách sẽ tìm cách vây bắt và truy nã những ai có liên hệ với Chúa Giêsu để tìm ra ai đã ăn cắp xác Giêsu. Hai ông đã vội vã ra đi, rời xa cộng đồng anh em để tìm sự an thân cho cá nhân mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bỏ họ. Từng giây phút trong cuộc đời của họ, Người vẫn đi bên cạnh dù mắt họ không nhận ra Người. Người giải thích cho hai ông hiểu rằng Đức Giêsu phải trải qua những đau khổ rồi mới vào vinh quang của Người thì người tín hữu cũng phải trải qua những như thế mới được vào vinh quang của Người.
Chúng ta hãy tin tưởng Chúa Giêsu đang đi cùng mình trong từng giây phút cuộc đời nhất là những khi chúng ta buồn nản, thất vọng. Người hiểu tâm tư của ta để an ủi chúng ta. Chúng ta có nhận ra Người hay không?
2.2. Cấu trúc thánh lễ của lần hiện ra
Cấu trúc của lần hiện ra này rất gần với thánh lễ mà chúng ta đang cử hành. Cuộc hiện ra có hai phần rõ rệt: phần đầu Chúa giải thích tất cả các đoạn Thánh Kinh chỉ về Người, phần sau kể lại cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu; “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ”.
Thánh lễ hiện nay cũng gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Cấu trúc của lần hiện ra này như muốn gợi ý cho chúng ta rằng trong cuộc sống của tín hữu, chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhập vào tâm trí qua việc học hỏi và đối thoại với Chúa Giêsu, Ngôi Lời sống động của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ thấy “lòng mình bừng cháy lên” ngọn lửa yêu mến Lời Chúa. Tình yêu nồng cháy ấy sẽ giúp ta thấy rằng những thử thách, gian nan, đau khổ đã làm ta buông xuôi, thất vọng trước đây lại trở thành động lực giúp ta gắn bó với Chúa Giêsu hơn trong mầu nhiệm Vượt Qua của đời mình.
Hơn nữa, chúng ta còn nhận ra rằng chính khi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, nhất là trong Thánh lễ hàng tuần hay hằng ngày mà chúng ta tham dự, thì Người chuyển thông cho chúng ta sức mạnh và tình yêu của Thánh Thần để làm cho chúng ta đủ sức đi đoạn đường còn lại trở về Giêrusalem, mà thiếu vắng Chúa Giêsu, hay nói đúng hơn là không cần ơn an ủi khích lệ của Chúa Giêsu nữa, vì lúc đó lòng ta đã đầy tràn niềm vui và hy vọng! Vậy thánh lễ ta dự có làm cho ta cảm nhận đó không?
2.3. Chúa Giêsu lên đường với chúng ta
Trong năm Phúc Âm hoá này, chúng ta cần để ý đến ý nghĩa thứ ba: Chúa Giêsu lên đường và ở nhà với chúng ta.
Giống như hai môn đệ trên đường đi Emmaus, khi chúng ta đi làm việc ở xí nghiệp, công ty hay trên ruộng đồng, buôn bán ở ngoài chợ, phục vụ trong các cửa hàng…chúng ta cần cảm nghiệm được Chúa Giêsu đang hiện diện bên ta. Người có thể hiện diện qua hình ảnh của bạn đồng nghiệp, qua vị giám đốc khó tính hay khách hàng đủ loại đến với ta trong công việc hằng ngày, chúng ta có nhận ra Chúa nơi những con người đó không? Thay vì chúng ta gắt gỏng, bực bội, xua đuổi họ, chúng ta phải cảm thấy lòng mình cháy lên niềm vui vì được phục vụ, chia sẻ, cảm thông, như Chúa Giêsu nói chuyện với hai môn đệ trên đường Emmaus.
Khi chúng ta trở về nhà, trong mái ấm gia đình, nhất là khi cùng ngồi ăn chung với nhau, chúng ta có nhận ra hình ảnh thật sự của Chúa Giêsu nơi nhũng người thân yêu trong gia đình không? Chúng ta có biến ngôi nhà mình ở trở thành tổ ấm luôn có Chúa hiện diện để chúng ta cùng phục vụ, chia sẻ, hiệp thông với nhau, lấy lại sức mạnh để đi tiếp đoạn đường như Chúa Giêsu đã từng làm cho các môn đệ?
Lời kết
Cuộc hiện ra của Chúa Giêsu với hai môn đệ đi Emmaus luôn là một Tin Mừng làm cho chúng ta tràn ngập niềm vui cũng như thúc đẩy ta chia sẻ niềm vui cho người khác vì chúng ta hiểu rằng Chúa luôn luôn hiện diện trong cuộc đời của người môn đệ. Người chỉ tạm vắng mặt khi ta đủ an vui và hy vọng để bước đi một mình trên đường đời vì muốn chứng tỏ là ta đã trưởng thành trong đức tin và tình yêu!