23/10/2024

Để cho Lời Chúa dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta

Phúc Âm Chúa Nhật III Phục Sinh trình bày giai thoại các môn đệ trên đường đi Emmaüs, một trình thuật vẫn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên và cảm động. Giai thoại này cho thấy những hiệu quả mà Đấng Phục Sinh đã tác động trong tâm hồn hai môn đệ: chuyển từ thất vọng đến hy vọng; từ buồn đến vui; và dẫn đến đời sống cộng đoàn.

 Để cho Lời Chúa dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta

 

Viếng thăm mục vụ Aquilée và Venise
Thánh lễ tại công viên San Giuliano – Mestre
Chúa Nhật III PS, 8/5/2011

Anh chị em thân mến!

Ngày hôm nay tôi rất vui sướng được hiện diện giữa anh chị em và cùng với anh chị em long trọng cử hành Bí tích Thánh Thể cho anh chị em. Thật là ý nghĩa khi chúng ta chọn công viên San Giuliano để cử hành phụng vụ: một khoảng không gian mà trong đó ít khi người ta cử hành các nghi thức tôn giáo, nhưng chỉ tổ chức những buổi diễn văn hoá và âm nhạc. Ngày hôm nay, khoảng không gian này đón tiếp Đức Giêsu Phục Sinh đang thực sự hiện diện trong Lời của Người, trong cộng đoàn Dân Chúa cùng với các vị Mục tử và một cách đặc biệt hơn trong Bí tích Mình và Máu Chúa. Tôi gửi lời chào thân tình nhất đến tất cả anh chị em, các Chư huynh Giám mục đáng kính, các linh mục và phó tế, cũng như anh chị em tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt các bệnh nhân và những người khuyết tật đang hiện diện nơi đây cùng với Liên hiệp Quốc gia Ý phụ trách việc chuyên chở các bệnh nhân đến Lộ Đức và Đền thờ Quốc Tế. Xin cảm ơn anh chị em đã niềm nỡ đón tiếp tôi! Tôi thân ái chào Đức Thượng phụ Giáo chủ, Hồng y Angelo Scola, xin cảm ơn lời phát biểu thật cảm động của ngài vào đầu Thánh lễ. Xin kính chào ngài Thị trưởng, ngài Bộ trưởng Bộ Văn hoá đại diện chính phủ, ngài Bộ trưởng Bộ Lao động cùng những nhà chính trị xã hội và các cấp chính quyền dân sự và quân đội, đã mang lại vinh dự cho chúng ta khi hiện diện nơi đây. Xin chân thành cảm ơn tất cả những ai đã quảng đại giúp chuẩn bị và tổ chức chuyến thăm viếng mục vụ này. Tôi xin hết lòng cám ơn!

Phúc Âm Chúa Nhật III Phục Sinh – mà chúng ta vừa nghe – trình bày giai thoại các môn đệ trên đường đi Emmaüs (x. Lc 24,13-35), một trình thuật vẫn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên và cảm động. Giai thoại này cho thấy những hiệu quả mà Đấng Phục Sinh đã tác động trong tâm hồn hai môn đệ: chuyển từ thất vọng đến hy vọng; từ  buồn đến vui; và dẫn đến đời sống cộng đoàn. Khi chúng ta nói về hoán cải, chúng ta thường chỉ nghĩ đến khía cạnh khó khăn, siêu thoát và từ bỏ. Nhưng trái lại, hoán cải Kitô giáo cũng đặc biệt còn là suối nguồn vui mừng, hy vọng và yêu thương. Hoán cải luôn là công việc của Đức Kitô Phục Sinh, Chúa của sự sống, Đấng mang lại cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn và thông truyền cho chúng ta nhờ sự phục sinh của Người.

Anh chị em thân mến! Tôi đến với anh chị em với tư cách là Giám mục Rôma và người tiếp tục thừa tác vụ của Phêrô, để kiên vững anh chị em hầu sống trung thành với Tin Mừng và hiệp thông với nhau. Tôi đến để chia sẻ với các Giám mục và các linh mục mối bận tâm truyền giảng Tin Mừng, một sứ mệnh đòi hỏi chúng ta phục vụ một cách nghiêm chỉnh và có phối hợp vì đại cục Nước Trời. Ngày hôm nay anh chị em hiện diện nơi đây đại diện cho các cộng đoàn Giáo Hội được khai sinh từ Giáo hội Mẹ Aquilée. Cũng như xưa, các Giáo Hội này được nổi bật nhờ hăng say làm việc tông đồ và năng động trong công tác mục vụ, thì ngày hôm nay cũng thế, chúng ta phải cổ vũ và can đảm bảo vệ chân lý và sự hợp nhất đức tin. Chúng ta cần phải mang lại đức cậy trông Kitô giáo cho con người hôm nay xao xuyến trước những vấn nạn to lớn làm đảo lộn cuộc sống và đẩy nền tảng sâu xa nhất của hữu thể và hành động của con người vào trong cơn khủng hoảng.

Anh chị em đang sống trong một bối cảnh mà trong đó Kitô giáo được xem là niềm tin đã đồng hành với các dân tộc trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian qua những cuộc bách hại và những thử thách hết sức nặng nề. Nhiều bằng chứng khác nhau mà chúng ta có thể nhận thấy được ở khắp nơi là cách biểu lộ hùng hồn nhất nói lên niềm tin này: các nhà thờ, công trình nghệ thuật, thư viện, trường học; thậm chí khung cảnh trong các thành phố, tại các vùng quê và đồi núi là những dát vàng dát bạc quy về Đức Kitô. Thế nhưng, sự hiện diện của Đức Kitô trong những khung cảnh này ngày nay có nguy cơ mất đi chân lý và những nội dung sâu xa nhất của nó; có nguy cơ trở nên một tầm nhìn chỉ còn tác động đến đời sống một cách hời hợt – hay đúng hơn chỉ còn ở trong những khía cạnh xã hội và văn hoá – ; nó có nguy cơ giản lược vào một thứ Kitô giáo mà trong đó niềm tin vào Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh và Sống Lại không còn soi chiếu cho cuộc hành trình cuộc đời như chúng ta đã nghe trong bài Phúc Âm ngày hôm nay  đề cập đến hai môn đệ trên đường Emmaus, sau khi Đức Giêsu chịu đóng đinh, đã quay về nhà, lòng chìm ngập trong nỗi nghi ngờ, buồn sầu và thất vọng. Thật đáng buồn thay, một thái độ như thế lại có khuynh hướng lan tràn trên vùng đất của anh chị em: điều này sẽ xảy ra khi những môn đệ ngày hôm nay rời xa kinh thành Giêsrusalem của Đấng Chịu Đóng Đinh và Sống Lại, khi không còn tin vào quyền năng và sự hiện diện sống động của Người nữa. Vấn nạn về điều xấu, về đau đớn và đau khổ, vấn nạn về bất công và áp bức, lo sợ người khác, lo sợ ngoại kiều và những ai từ xa đến đất nước chúng ta và dường như tấn công căn tính của chúng ta đã làm cho những Kitô hữu ngày hôm nay buồn bã mà thốt lên rằng: chúng tôi đã hy vọng Chúa sẽ giải phóng chúng tôi khỏi điều dữ, khỏi đau đớn, đau khổ, sợ hãi và bất công.

Lúc đó, đối với mỗi người trong chúng ta, cũng giống như trường hợp hai môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta cần để cho Đức Giêsu dạy dỗ: trước tiên, bằng cách lắng nghe và yêu mến Lời Chúa được đọc dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh, để cho Lời Chúa sưởi ấm tâm hồn và soi sáng trí khôn, giúp chúng ta cắt nghĩa những biến cố của cuộc đời và mang lại cho chúng một ý nghĩa. Sau đó, phải ngồi vào bàn ăn với Chúa, chia sẻ với Chúa bữa tiệc, để cho sự hiện diện âm thầm của Người trong Bí tích Mình và Máu Chúa tái tạo cặp mắt đức tin của chúng ta, để nhìn mọi sự và mọi người với cặp mắt của Thiên Chúa, trong ánh sáng tình yêu của Ngài. Ở lại với Đức Giêsu, Đấng đang ở lại với chúng ta, tiêu hoá lối sống của Người, cùng với Người chọn lựa luận lý hiệp thông giữa chúng ta, luận lý liên đới và chia sẻ. Bí tích Thánh Thể là cách biểu lộ cao cả nhất nói lên hành động trao hiến của Đức Giêsu và không ngừng mời gọi chúng ta sống cuộc sống của mình trong luận lý Thánh Thể như một của lễ dâng cho Thiên Chúa và tha nhân.

Bài Phúc Âm cũng tường thuật hai môn đệ, sau khi đã nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh, «ngay lúc đó, họ đứng dậy quay trở lại Giêrusalem» (Lc 24,33). Họ cảm thấy nhu cầu cần trở lại Giêrusalem và kể lại kinh nghiệm tuyệt vời mà họ vừa trải nghiệm: gặp được Chúa Phục Sinh. Chúng ta cần phải cố gắng nhiều để cho mỗi Kitô hữu ở đây, trong vùng Đông Bắc này, cũng như trong các vùng khác trên địa cầu, trở thành chứng nhân, sẵn sàng hăng say và vui vẻ loan báo biến cố Đức Kitô chết và sống lại. Tôi biết anh chị em, với tư cách là Kitô hữu của các Giáo Hội tại ba vùng Vénéties, anh chị em đã quan tâm tìm hiểu những lý do hành động của tâm hồn con người thời đại và khi quy chiếu về những truyền thống lâu đời của Kitô giáo, anh chị em quan tâm phác hoạ một chương trình Tân Phúc Âm hoá, cẩn thận xem xét những thách đố của thời đại hôm nay và tái suy nghĩ về tương lai của vùng đất này. Trong thời gian có mặt nơi đây, tôi muốn nâng đỡ công việc của anh chị em và giúp mọi người biết tin tưởng vào toàn bộ chương trình mục vụ do các vị mục tử của anh chị em đề ra, mong mọi thành phần trong cộng đoàn Giáo Hội biết dấn thân làm việc một cách có hiệu quả.

Ngay cả một dân tộc có truyền thống Công giáo lâu đời cũng cảm thấy một cách tiêu cực hay gần như tiêu hoá một cách vô thức những hậu quả gián tiếp của một nền văn hoá tìm cách đưa vào trong tâm trí con người một tâm tính công khai loại bỏ sứ điệp Tin Mừng hay cản trở một cách tinh vi. Tôi biết anh chị em đã dấn thân và còn tiếp tục dấn thân một cách quảng đại hơn nữa để bảo vệ những giá trị ngàn đời của đức tin Kitô giáo. Tôi khuyến khích anh chị em đừng bao giờ nhượng bộ trước những cơn cám dỗ cứ quay đi trở lại của nền văn hoá khoái lạc hay nhượng bộ cho những lời kêu gọi của chủ nghĩa tiêu thụ duy vật. Anh chị em hãy đón nhận lời Thánh Tông đồ Phêrô mời gọi trong bài đọc II hôm nay là «đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này» (1P 1,17); một lời mời gọi sống một cuộc sống mãnh liệt trên những đường phố lớn của thế giới, luôn ý thức về mục tiêu phải đạt, đó là kết hợp với Thiên Chúa trong Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Sống Lại. Quả thật, đức tin và đức cậy của chúng ta đều hướng về Thiên Chúa (x. 1P 1,21): hướng về Thiên Chúa, vì bén rễ sâu trong Ngài, xây dựng trên tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa. Trong những thế kỷ vừa qua, các Giáo Hội của anh chị em đã có một truyền thống phong phú về sự thánh thiện và  quảng đại phục vụ anh chị em mình, nhờ việc làm của các linh mục, các tu sĩ nam nữ sống đời sống hoạt động và chiêm niệm đầy nhiệt huyết. Nếu chúng ta muốn nghe giáo huấn thiêng liêng của họ, thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được tiếng gọi hiển nhiên mà họ muốn gửi đến chúng ta: Hãy nên thánh! Hãy đặt Đức Kitô làm trọng tâm cuộc đời anh chị em! Hãy xây dựng ngôi nhà đời sống của mình trên Đức Kitô. Trong Đức Giêsu Kitô, anh chị em sẽ tìm được sức mạnh đón nhận tha nhân và theo gương Đức Kitô, anh chị em sẽ hiến thân phục vụ toàn thể nhân loại.

Các dân tộc thuộc các ngôn ngữ và văn hoá khác nhau liên kết lại xung quanh Giáo hội Aquilée. Họ quy tụ lại với nhau không chỉ do những đòi hỏi chính trị, mà nhất là còn do niềm tin vào Đức Kitô và do nền văn minh rút cảm hứng từ giáo huấn Tin Mừng, Văn minh Tình yêu. Các Giáo Hội được khai sinh từ Aquilée ngày hôm nay được kêu gọi củng cố mối dây hợp nhất thiêng liêng cổ xưa này, đặc biệt dưới ánh sáng của hiện tượng di dân và những tình hình địa dư chính trị mới đang xuất hiện. Đức tin Kitô giáo chắc chắn có thể giúp cho một chương trình liên quan đến sự phát triển hài hoà và toàn diện của con người và của xã hội nơi con người sinh sống trở nên thực tế hơn. Như thế, sự hiện diện của tôi nơi đây cũng nhằm hỗ trợ anh chị em trong nỗ lực thúc đẩy tình liên đới giữa các giáo phận tại vùng Đông Bắc. Ngoài ra, tôi cũng muốn khuyến khích mỗi dự tính của anh chị em phấn đấu vượt qua những chia rẽ có thể phá vỡ những khát vọng cụ thể về công lý và hoà bình.

Anh chị em thân mến, đó là điều tôi mong ước, đó là lời tôi cầu xin Thiên Chúa cho tất cả anh chị em, và xin Đức Trinh Nữ Maria cũng như rất nhiều vị thánh và chân phước mà trong số đó tôi muốn nhắc đến Thánh Piô X và Chân phước Gioan XXIII, cũng như Giuseppe Toniolo đáng kính mà chúng ta sắp tuyên phong chân phước cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Các chứng nhân sáng ngời của Tin Mừng là di sản to lớn nhất của vùng đất anh chị em: hãy theo gương sáng và giáo huấn của các ngài và liên kết chúng với những yêu sách hiện nay. Hãy tin tưởng Chúa Phục Sinh hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn đang tiến bước với chúng ta. Amen.