08/01/2025

Thí sinh chọn khối thi đại học như thế nào?

Từ nhiều năm nay, thí sinh thi vào các trường ĐH, CĐ phải ĐKDT theo các khối thi quy định. Việc lựa chọn khối thi vào các trường ĐH, CĐ hoàn toàn do thí sinh tự quyết định.

 Thí sinh chọn khối thi đại học như thế nào?

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hôm nay (29-4) là hạn chót nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Các trường ĐH, CĐ đều hồi hộp chờ thống kê số lượng thí sinh ĐKDT theo trường, theo ngành và theo khối thi.

 

Phụ huynh và thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2014 tại văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM sáng 14-4 – Ảnh: Như Hùng

 

Từ nhiều năm nay, thí sinh thi vào các trường ĐH, CĐ phải ĐKDT  theo các khối thi quy định. Việc lựa chọn khối thi vào các trường ĐH, CĐ hoàn toàn do thí sinh tự quyết định. Hằng năm số thí sinh dự thi các ngành có thi môn năng khiếu (thể dục thể thao, văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật, nhạc họa, kiến trúc…) chiếm số lượng nhỏ, chỉ khoảng 5%, còn lại gần 95% thí sinh đều chọn thi theo các khối thi truyền thống là A (toán, vật lý, hóa học), A1 (chỉ bắt đầu có từ năm 2012, gồm toán, vật lý, ngoại ngữ), B (toán, sinh học, hóa học), C (văn, lịch sử, địa lý) và D (toán, văn, ngoại ngữ).

“Chia lửa” cho khối A

Tuy tỉ lệ thí sinh liên tục giảm trong nhiều năm liên tiếp gần đây, nhưng khối A vẫn là sự lựa chọn của phần lớn thí sinh. Khi chưa có khối thi A1, số lượng thí sinh thi khối A luôn chiếm hơn phân nửa tổng số thí sinh dự thi, và đó chính là lý do khối A được xếp thi riêng vào đợt 1 trong kỳ thi “ba chung”. Việc phần lớn thí sinh chọn thi khối A cũng là một “phản ứng tự nhiên”, vì số chỉ tiêu dành cho khối A hằng năm cũng chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng số chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ.

Số lượng thí sinh thi khối A đang giảm dần, và giảm nhanh hơn khi có thêm khối A1 từ năm 2012. Như vậy, một hiện tượng chuyển dịch chung được ghi nhận liên tiếp trong hai năm qua là thí sinh đã chuyển dần từ chọn thi khối A (toán, lý, hóa) sang các khối thi có môn ngoại ngữ như A1 (toán, lý, ngoại ngữ) và D1 (toán, văn, ngoại ngữ). Tuy nhiên, một hệ quả bị kèm theo là tỉ lệ ảo của các khối A1 và D1 cũng tăng lên nhiều khi số thí sinh đã thi khối A1 (đợt 1) lại tiếp tục dự thi ở khối D1 (đợt 2) do có hai môn thi trùng nhau là toán và ngoại ngữ, giống như trường hợp khối A và khối B từ nhiều năm qua.

Liệu số lượng và tỉ lệ thí sinh chọn khối A1 và D1 tăng nhanh có phải là tác động của việc quy định ngoại ngữ là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở những năm trước đây hay không? Có lẽ câu hỏi này sẽ được trả lời trong bảng tổng kết số liệu ĐKDT tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 được công bố vào giữa tháng 5-2014, vì trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, môn ngoại ngữ cũng chỉ còn là môn tự chọn của học sinh.

 

(thống kê được thực hiện trên dữ liệu điểm thi của thí sinh trên cả nước hằng năm của Bộ GD-ĐT)

 

Khối B ảo lớn, khối C liên tục giảm

Tuy chỉ chiếm khoảng 14% tổng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng số thí sinh thi khối B khá đông (chỉ sau khối A) và ổn định, hằng năm chiếm khoảng 20-24% tổng số thí sinh. Lý giải điều này có lẽ là do khối A và khối B có 2/3 môn thi trùng nhau (toán và hóa học), và do có hai đợt thi nên thí sinh thi khối A ở đợt 1 thường sẽ tiếp tục tham gia thi khối B ở đợt 2 chỉ sau đó năm ngày.

Thống kê cho thấy liên tục trong nhiều năm vừa qua, trung bình mỗi thí sinh nộp khoảng 1,8 bộ hồ sơ ĐKDT tuyển sinh ĐH, CĐ trong cùng một năm. Có khoảng 40-60% thí sinh đã thi khối A và A1 ở đợt 1 tiếp tục dự thi khối B và khối D1 ở đợt 2. Chính vì vậy, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển ảo (trúng tuyển nhưng không đến làm thủ tục nhập học) ở khối B và D1 cũng khá cao.

Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của khối C chỉ chiếm khoảng 7% tổng chỉ tiêu, và tỉ lệ thí sinh chọn thi khối C có khuynh hướng ngày càng giảm. Ngay cả những năm 2010 và 2012, khi toàn bộ các môn khối C (văn, lịch sử, địa lý) đều là các môn thi tốt nghiệp, tỉ lệ thí sinh dự thi khối C vẫn giảm chứ không hề tăng. Điều này làm cho suy luận về việc thí sinh chọn khối thi ĐH theo môn thi tốt nghiệp hoặc ngược lại chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi ĐH không được thuyết phục.

 

 

Thí sinh ở các khu vực khác nhau chọn khối thi khác nhau

Khối C là khối thi duy nhất không có môn trắc nghiệm và được xem là các môn nặng về học bài nên rất ít thí sinh ở các thành phố lớn (theo quy định tuyển sinh, các thành phố trực thuộc trung ương được xếp thành khu vực 3) chọn thi khối này. Trong khi đó, tỉ lệ học sinh chọn thi khối C ở các địa phương thuộc khu vực 1 và khu vực 2 cao hơn hẳn. Tỉ lệ thí sinh thuộc khu vực 3 chọn thi khối C chỉ vào khoảng hơn 2%, trong khi ở khu vực 1 tỉ lệ thí sinh chọn thi khối C lên đến khoảng 10%.

Với các khối thi có môn ngoại ngữ, tình hình diễn ra ngược lại. Nếu như ở các thành phố lớn có đến 26-30% thí sinh của khu vực chọn thi khối D thì ở khu vực 1 chỉ có khoảng 11-13% thí sinh của khu vực chọn khối thi này. Có lẽ đây là những thông tin mà đề án ngoại ngữ quốc gia nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh VN cần quan tâm để có sự đầu tư phù hợp.

 

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA