08/01/2025

Tường thuật Thánh lễ Phong Thánh cho hai vị Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

ĐTC Phanxicô đã long trọng tôn phong hai vị tiền nhiệm Gioan XXIII và Gioan Phaolô II lên bậc hiển thánh, trước sự tham dự rất đông đảo của các hồng y, giám mục, linh mục và giáo dân đến từ các nước.

VATICAN – ĐTC Phanxicô đã long trọng tôn phong hai vị tiền nhiệm Gioan XXIII và Gioan Phaolô II lên bậc hiển thánh, trước sự tham dự rất đông đảo của các hồng y, giám mục, linh mục và giáo dân đến từ các nước.


Chúa Nhật 27-4-2014 thực là một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Giới báo chí gọi là “Chúa Nhật 4 Giáo hoàng”: lần đầu tiên hai vị Giáo hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ và lần đầu tiên hai vị Giáo hoàng: một vị đương kim và một vị cựu, cùng hiện diện trong buổi lễ, Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI.


Buổi lễ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô được sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện tại khu vực Đền thờ và vùng phụ cận, không kể hàng chục ngàn người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình khổng lồ được bố trí tại một số nơi ở Roma, cũng như tại Quảng trường trước Nhà Thờ chính tòa Milano, cách Roma khoảng 500 cây số. Theo đô trưởng Roma, Ông Ignazio Marino, hàng tỷ khán thính giả trên thế giới cũng theo dõi buổi lễ đặc biệt này qua truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.


Trên thềm Đền thờ, bên trái lễ đài từ dưới nhìn lên, được dành cho 150 hồng y và 700 giám mục, còn bên phải được dành cho các vị quốc trưởng, thủ tướng, các quan chức và đại sứ thuộc 120 phái đoàn chính thức của các nước và nhiều cơ quan quốc tế, các đại diện tôn giáo, Chính Thống, Anh giáo và cả Hồi giáo.


Hàng ngàn tín hữu đã qua đêm tại khu vực cạnh Quảng trường Thánh Phêrô, để lúc gần 6 giờ sáng, vừa khi được phép, họ tiến ngay vào khu vực dự lễ. Bầu trời Roma mây dày, nhưng phần lớn thời gian không có mưa, nên tránh được nhiều vụ cảm nắng.

Sơ lược tiểu sử hai vị tân Hiển Thánh


– Đức Giáo hoàng Gioan XXIII


Đức Gioan XXIII tên đời là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25.11.1881 tại Bergamo, bắc Italia, trong một gia đình 13 người con, Angelo là người thứ tư. Bé Angelo đã được rửa tội ngay ngày chào đời và đã sống thời thơ ấu trong bầu khí Đức Tin mạnh mẽ của gia đình và giáo xứ. Sau khi nhận lãnh Bí tích Thêm Sức và rước lễ lần đầu năm 1889, Angelo gia nhập Chủng viện Bergamo và theo học tại đây cho đến hết năm thần học thứ hai. Cũng trong thời gian này thầy bắt đầu viết một loạt nhật ký thiêng liêng kéo dài suốt cuộc đời, sau này được xuất bản với tựa đề Nhật ký của linh hồn. Từ năm 1901 đến 1905, thầy học tại đại chủng viện Roma và trong thời gian này, đã chu toàn bổn phận quân dịch bắt buộc. Ngày 10.08.1904, thầy Angelo Roncalli thụ phong linh mục tại nhà thờ Thánh Maria trên núi thánh ở quảng trường Nhân Dân trung tâm Roma. Nhiệm vụ đầu tiên của cha Roncalli là thư ký cho Đức cha Giacomo Radini Tedeschi, tân GM Bergamo, tháp tùng Đức cha trong các chuyến công du, phụ tá ngài trong mọi hoạt động mục vụ đồng thời, giảng dạy các bộ môn giáo sử, giáo phụ học và hộ giáo tại chủng viện giáo phận. Trong thế chiến thứ nhất, Cha Roncalli bị tổng động viên tái nhập ngũ trong ngành quân y rồi tuyên úy các bệnh viện hậu phương. Sau thế chiến, cha mở nhà sinh viên và được chỉ định làm linh hương chủng viện vào năm 1919.


Từ năm 1921, bắt đầu giai đoạn 2 trong đời Cha Roncalli: giai đoạn phục vụ Toà Thánh. ĐGH Bênêđictô XV gọi cha về Bộ Truyền giáo và 4 năm sau đó, 1925, Đức Pio XI chỉ định cha làm Kinh lược Tông toà Bulgari và nâng cha lên hàng GM. 10 năm sau, Đức cha được chỉ định làm Đại diện Tông toà tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Những năm làm việc tại những môi trường thật khó khăn này đã giúp Đức Cha thu thập những kinh nghiệm hay đẹp, nhưng cũng đã làm cho Đức cha chịu nhiều hiểu lầm đau khổ. Trong thời thế chiến thứ hai, Đức cha đã cứu được nhiều người Do Thái nhờ tư cách ngoại giao. Năm 1953, Đức cha Roncalli được nâng lên hàng hồng y và 5 năm sau đó, khi ĐGH Pio XII qua đời, Hồng y đoàn đã bầu ĐHY Roncalli vào nhiệm vụ chủ chăn giáo hội hoàn vũ với tên gọi là Gioan XXIII. Suốt triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Gioan XXIII đã được toàn thế giới yêu mến, xem là hình ảnh đích thực nhất của một chủ chăn nhân lành, đơn sơ nhưng can đảm, hiền hoà những đầy sáng kiến, nổi bật nhất là quyết định triệu tập Công đồng Vatican II. ĐGH Gioan XXIII qua đời chiều ngày 03.06.1963. Ngài được Đức Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 03.09.2000 tại Quảng trường Thánh Phêrô.


– Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II


Karol Jozef Wojtyla sinh ngày 18.05.1920 tại Wadowice, Ba Lan. Tuổi thơ của Karol mang nhiều tang tóc. Bà mẹ Emilia qua đời năm 1929, Karol vừa lên 9 tuổi, Năm 1932, đến lượt người anh trai bác sĩ Edmund và năm 1941, Karol mồ côi cha. Năm lên 9 tuổi, Karol được rước lễ lần đầu và lãnh bí tích thêm sức năm 18 tuổi. Năm 1938, sau khi hoàn tất bậc trung học tại Wadowice, Karol ghi danh vào trường đại học Jagellonica tại Cracovia. Năm sau 1939, quân Đức quốc xã xâm lăng đóng cửa các trường đạo học Ba Lan. Karol phải đi làm công nhân trong một xưởng đẽo đá rồi trong hãng hóa học Solvay để sống và để tránh khỏi bị lưu đày sang Đức. Đồng thời Karol cũng phát triển tài năng kịch nghệ bẩm sinh. Giữa bao nhiêu khó khăn cấm cản của quê hương Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng, Karol khám phá ra ơn gọi tu trì và quyết định xin theo các khoá huấn luyện đào tạo linh mục lén lút tại Cracovia, do Đức TGM Adam Stefan Sapieha điều động.


Chiến tranh chấm dứt, thầy Karol tiếp tục việc học tại Đại Chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học Đại học Jagellonica cho đến khi thụ phong linh mục ngày 01.11.1946. Sau đó cha được gửi sang Roma tiếp tục học tiến sĩ thần học. Năm 1948, cha trở về quê hương làm phụ tá trong các giáo xứ phụ cận Cracovia, linh hướng sinh viên, giảng dạy các bộ môn thần học luân lý đạo đức tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học Lublino. Tháng 7 năm 1958, ĐGH Pio XII chỉ định cha làm GM phụ tá Cracovia. Tháng 1.1964, Đức cha Wojtyla được ĐTC Phaolô VI chỉ định làm TGM Cracovia và 3 năm sau đó, 1967, nâng lên hàng hồng y. Đức cha tham gia các hoạt động của Công đồng Vatican II, cộng tác vào việc soạn thảo Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Khuôn mặt và hoạt động của Đức cha nổi bật lên trong môi trường Giáo hội Ba Lan đang nằm trong kềm kẹp của xã hội cộng sản bấy giờ.


Ngày 16.10.1978, ĐHY Wojtyla được HY đoàn bầu lên làm Giáo hoàng với tên hiệu là Gioan Phaolô II và chính thức nhậm chức ngày 22 tháng 10 sau đó. Ngày 13.05.1981, ĐGH Gioan Phaolô II đã bị mưu sát nhưng thoát chết nhờ bàn tay che chở của hiền mẫu Maria. Ngài đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình và ý thức là đã được ban cho một cuộc sống mới, người đã miệt mài hoạt đông phục vụ không biết mỏi mệt. Chưa có vị Giáo hoàng nào đã viếng thăm gặp gỡ với tín hữu nhiều như Đức Gioan Phaolô II. Ngài qua đời lúc 21 giờ 37 ngày 02.04.2005 tại Dinh Tông Toà trong nội thành Vatican. Lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã được vị kế nhiệm là ĐGH Bênêđictô XVI, từng là cộng sự viên của ngài trong nhiều năm trời, chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô ngày 01.05.2011.


Thánh lễ


Lúc hơn 9 giờ 30, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiến vào địa điểm hành lễ, giữa tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Ngài ngồi ở ghế đầu dành cho các hồng y, phía sau đã có 700 giám mục trong phẩm phục đồng tế ngồi sẵn.


Các tín hữu cũng cảm động vỗ tay như vậy khi Tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, và phu nhân đến chào ngài, khi đến khu vực dành cho các vị nguyên thủ quốc gia.


10 giờ kém 5 phút, trong khi ca đoàn và mọi người hát Kinh Cầu các Thánh, đoàn 150 hồng y đồng tế bắt đầu tiến từ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô tiến ra lễ đài, đi trước là các vị Thượng phụ và TGM trưởng của các Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương. Đi sau cùng là ĐTC Phanxicô. Ngài xông hương bàn thờ xong và tiến lại chào vị tiền nhiệm Bênêđictô XVI của ngài, trước khi tiến đến bái kính tượng Đức Mẹ và đến ngai toà.


Nghi thức phong hiển thánh bắt đầu với 3 lần ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin ĐTC ghi tên hai Chân phước Gioan XXIII và Gioan Phaolô II vào Sổ Bộ các Thánh. Sau lời thỉnh cầu thứ nhất, ĐTC mời gọi toàn thể các tín hữu cầu xin Thiên Chúa toàn năng nhờ Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh, nâng đỡ chúng ta bằng ơn thánh điều mà chúng ta sắp thực hiện. Sau lời thỉnh cầu thứ hai, ĐTC mời gọi cộng đoàn hát Kinh Cầu xin Chúa Thánh Linh. Sau lời xin thứ ba của ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, ĐTC đã tuyên đọc công thức phong thánh:

“Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong Hàng Giám mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Gioan XXIII và Gioan Phaolô II là Hiển Thánh, và chúng tôi ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”


ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo (Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa), trong khi đó, thánh tích của hai vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ. Thánh tích của Đức Gioan XXIII là một mảnh da của Người, và của Đức Gioan Phaolô II là một ống nhỏ đựng máu của thánh nhân.


Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng bằng tiếng Latinh và Hylạp, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng về việc Thánh Tôma Tông đồ được Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi động chạm đến những vế thương để tin và đừng cứng lòng nữa. ĐTC nói đến lòng can đảm của hai vị thánh Giáo hoàng không hổ thẹn về những vết thương của Chúa, ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh trong việc hướng dẫn Dân Chúa, và ĐTC đặc biệt cầu xin Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng của gia đình, hướng dẫn hành trình của Thượng Hội đồng GM về Gia đình.


Toàn văn bài giảng của ĐTC


“Nơi trọng tâm Chúa Nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, mà Đức Gioan Phaolô II đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, có những vết thương vinh hiển của Chúa Giêsu Phục sinh.


Chúa đã tỏ các vết thương ấy lần đầu tiên khi Ngài hiện ra với các Tông đồ, chính buổi chiều tối ngày sau ngày sabát, ngày Phục sinh, nhưng chiều tối hôm ấy không có Tông đồ Tôma; và khi nhưng vị khác kể lại với ông là đã thấy Chúa, ông trả lời là sẽ không tin nếu không nhìn thấy và động chạm đến các vết thương của Ngài. 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra tại Nhà Tiệc Ly, giữa các môn đệ, và có cả Tôma; Ngài ngỏ lời với ông và mời ông chạm đến các vết thương của Ngài. Bấy giờ con người chân thành ấy, con người quen đích thân kiểm chứng, liền quỳ xuống trước Chúa Giêsu và thưa: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).


Những vết thương của Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế, nơi thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh, những vết thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: “Từ những vết thương của Người, anh chị em được chữa lành.” (1 Pr 2,24; x. Is 53,5).


Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã can đảm nhìn những vết thương của Chúa Giêsu, động chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua. Các vị đã không hổ thẹn vì thân thể của Chúa Kitô, không vấp phạm về Chúa, về thập giá của Ngài (x. Is 58,7); không hổ thẹn vì thân mình của người anh em (x. 58,7), vì nơi mỗi người đau khổ, các vị nhìn thấy Chúa Giêsu. Hai vị là những người can đảm, đầy ơn táo bạo (parresía) của Chúa Thánh Linh, và đã làm chứng cho Giáo Hội và thế giới về lòng từ nhân của Thiên Chúa, về lòng từ bi của Chúa. Các vị đã là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã sống những thảm trạng, nhưng không để chúng lướt thắng. Nơi các vị, Thiên Chúa mạnh mẽ hơn; niềm tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa tể của lịch sử mạnh mẽ hơn; nơi các vị sự gần gũi từ mẫu của Mẹ Maria mạnh mẽ hơn. Nơi hai vị là những người chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô và là chứng nhân về lòng từ bi của Chúa có một “niềm hy vọng sinh động”, cùng với một “niềm vui khôn tả và vinh hiển” (1 Pr 1,3.8). Niềm hy vọng và niềm vui mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ của Ngài, và không ai và không gì có thể làm cho họ bị thiếu những hồng ân ấy. Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh, được thanh luyện qua cái lò từ bỏ, loại trừ sự gần gũi tội lỗi cho đến tột cùng, đến độ cảm thấy buồn nôn vì chén đắng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị Thánh Giáo hoàng đã lãnh nhận như hồng ân từ Chúa Phục Sinh, và tiếp đến, các vị đã trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, và được lòng biết ơn đời đời của họ.


Niềm hy vọng và niềm vui này được cảm nghiệm trong cộng đoàn đầu tiên của các tín hữu ở Jerusalem, như sách Tông đồ công vụ kể lại (x. 2,42-47). Đó là một cộng đoàn trong đó nòng cốt của Tin Mừng được sống thực, nghĩa là tình thương, lòng từ bi, trong đơn sơ và huynh đệ.

Và đó là hình ảnh Giáo Hội mà Công đồng Vatican II đã có trước mắt. Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã cộng tác với Chúa Thánh Linh để phục hồi và canh tân Giáo Hội theo dạng thức nguyên thuỷ, dạng thức mà các thánh qua các thế kỷ đã mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã làm cho Giáo Hội tiến bước và tăng trưởng. Trong việc triệu tập Công đồng Vatian II, Đức Gioan XXIII đã chứng tỏ một thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã để cho Chúa hướng dẫn, và đối với Giáo Hội, Người là một vị mục tử đối với Hội Thánh, một vị hướng đạo được hướng dẫn. Đó chính là một sự phục vụ cao cả Người dành cho Giáo Hội; Người là một vị Giáo hoàng ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh.


Trong việc phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng của gia đình. Chính Người đã có lần nói là muốn được nhắc nhớ đến như vị Giáo hoàng của gia đình. Tôi vui lòng nhấn mạnh điều đó trong lúc chúng ta đang sống hành trình Thượng HĐGM về Gia đình và với các gia đình, một hành trình mà từ trời cao, chắc chắn Người đang tháp tùng và hỗ trợ. xin cả hai vị tân Hiển Thánh mục tử của Dân Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong hai năm hành trình Thượng HĐGM này, Giáo hội ngoan ngoãn tuân theo chỉ dạy của Chúa Thánh Linh trong việc phục vụ mục vụ gia đình. Xin cả hai thánh nhân dạy chúng ta đừng coi các vết thương của Chúa Kitô như cớ vấp phạm, tập trung vào mầu nhiệm từ bi của Chúa, luôn hy vọng, luôn tha thứ, luôn yêu thương.”


Lời nguyện phổ quát và chào thăm


Trong phần lời nguyện phổ quát bằng 5 thứ tiếng Tây Ban Nha, Ảrập, Anh, Hoa và Pháp, cộng đoàn đã cầu xin Chúa cho vẻ đẹp của đời sống mới luôn rạng ngời trong Giáo Hội và cho mỗi người nhận biết Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống; cầu xin Chúa Cha đổ Thần Trí trên các tội nhân và những người lầm lạc trong tâm hồn và trong đêm tối được gặp Chúa Phục Sinh; cầu cho những người mới được tái sinh nhờ ơn thánh của các nhiệm tích Vượt Qua được Chúa giữ gìn trong sự thánh thiện và qua hoạt động của họ, mọi người thấy được công việc của Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống. Ý nguyện thứ tư: nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan XXIII, xin Chúa Cha lôi kéo tư tưởng và quyết định của các vị thủ lãnh các dân nước ra khỏi cái vòng oán thù và bạo lực, và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống chiến thắng trong các quan hệ của con người với nhau. Sau cùng, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan Phaolô II, xin Chúa Cha luôn khơi lên nơi những người thuộc giới văn hóa, khoa học và chính quyền lòng say mê bênh vực phẩm giá con người và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống được phụng sự nơi mỗi người.


Trong phần rước lễ, 70 phó tế đã mang Minh Máu Thánh đến cho các hồng y, giám mục đồng tế, trong khi 700 linh mục và phó tế khác phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu tại Quảng trường cũng như tại đường Hoà Giải.


Cuối Thánh lễ, ĐTC đã chủ sự phần đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài huấn dụ ngắn trước đó, ngài nồng nhiệt chào thăm và cám ơn các hồng y, đông đảo các giám mục và linh mục đến từ các nơi trên thế giới. Ngài cũng cám ơn các phái đoàn chính thức đến từ bao nhiêu nước, đến đây để tôn kính hai vị Giáo hoàng đã góp phần không thể xoá nhoà cho chính nghĩa phát triển các dân tộc và hoà bình. Ngài không quên cám ơn chính quyền Italia về sự cộng tác quý giá, cũng như thân ái chào thăm các tín hữu thuộc Giáo phận Bergamo và Cracovia nguyên quán của hai vị Giáo hoàng và tất cả các tín hữu tham dự trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thống Thánh lễ phong thánh này.


Thánh lễ kéo dài 2 giờ 10 phút và kết thúc lúc 12 giờ 10. ĐTC đặc biệt chào thăm Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI trước khi chào các vị trưởng phái đoàn của các nước.

G. Trần Đức Anh OP, Mai Anh