Sài Gòn nóng như đổ lửa
Biến đổi khí hậu đang làm thời tiết bất thường trên cả nước. Tại Sài Gòn, suốt tuần qua thời tiết nóng bức đã làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và làm tăng số người nhập viện…
Sài Gòn nóng như đổ lửa
“Nóng như đổ lửa, không chịu được”. Đó là câu mà người dân Sài Gòn nói nhiều nhất trong những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua.
Nằm ngoài hành lang bệnh viện, cho bé ở trần, cha bồng con, mẹ đi theo quạt, tắm, lau mình cho các bé là cách mà nhiều người thân các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 áp dụng để chống chọi với cái nóng bức oi ả mấy ngày gần đây.
Bệnh nhân ở trần
“Sao mấy hôm nay nóng quá, trẻ em không ngủ được, khóc suốt. Phòng mà con tui đang điều trị không quá tải, có quạt máy, nhưng giường có hai bệnh nhân. Nóng bức quá thì bồng con ra ngoài cho mát, và các cháu thường ngủ được vào buổi đêm, giấc trưa cũng ít ngủ” – anh D., có con đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết.
Một phụ huynh khác tên Hoàng Vinh, 35 tuổi, quê Long An, có con nằm điều trị tại khoa bỏng cho biết trong những ngày cao điểm nắng nóng, các bệnh nhân bỏng rất cực. Với những cháu lớn, bệnh nhẹ thì cha mẹ chỉ có cách pha nước ấm lau mình, những cháu bị nặng phải băng bó, nóng bức rất khó chịu, khóc suốt. Và giải pháp để những bậc cha mẹ chống chọi lại với cái nóng bức cho các con là lau chùi dọn rửa sạch sẽ nhà vệ sinh để không còn mùi hôi và mở cửa phòng cho thoáng. “Con tui cũng lớn rồi nên cháu chịu được, chỉ thương mấy cháu bé bệnh nặng cha mẹ chăm rất cực” – anh Vinh nói.
Tại khu vực bệnh nhân tay chân miệng, hành lang tầng trệt là la liệt chiếu, giường xếp và những cánh tay cầm quạt nan, quạt giấy quạt cho các cháu bé. Một bà mẹ trẻ bồng con chừng 2 tuổi không mặc áo quần nói: “Nóng quá, mặc đồ bé không chịu. Thôi cho ở trần vậy…”. Phòng bên cạnh, một em bé khác cũng không mặc đồ đang lẫm chẫm đi ra.
Nóng “táp” vào mặt
Chưa đến 8g nhưng tại ngã tư Cao Thắng – Điện Biên Phủ (Q.3), dòng người chờ đèn đỏ trên trán đều lấm tấm mồ hôi. Trên chiếc xe máy cà tàng của ông Nguyễn Ngọc Dám (78 tuổi, xe ôm) là hai chai nước suối cùng chiếc bánh mì khô khốc. Ông nói những ngày nắng nóng như thế này, ông phải uống nhiều nước hơn, mỗi ngày ông mua ba chai nước lọc tự nấu ở các thùng bán sâm lạnh vỉa hè với giá 6.000 đồng. Không có người thân, không nhà cửa nên buổi tối ông ngủ ở vỉa hè. “Ngày nắng quá thì tìm bóng cây đợi khách. Đêm nóng thì ráng chịu, tiền đâu trả tiền điện mà bật quạt máy” – ông nói. Than nắng nhưng ông vẫn mặc chiếc áo sơmi cũ ngắn tay, để lộ đôi bàn tay nứt nẻ, khô quắt. “Nắng rát hết tay, Sài Gòn giờ nhiều đường mới, không biết đường đi vòng vèo dưới nắng mệt lắm” – ông nói. Hỏi sao không mua một chiếc áo khoác thì ông trả lời cụt ngủn: “Tiền đâu mà mua?”.
Bên góc đường Nguyễn Thông – Võ Thị Sáu (Q.3), ông Chính (60 tuổi, làm nghề vá xe) và bạn là bà Ba (68 tuổi, lượm ve chai) ngồi thở dài. Ông Chính cho biết đợt nắng nóng này, ban ngày ông tìm một bóng cây nào đấy, còn đêm thì hi vọng trời dịu hơn để “xài máy lạnh thiên nhiên, nhưng mấy bữa nay ban đêm cũng oi bức quá, ướt đầm mồ hôi khi ngủ”, giọng ông như nghèn nghẹn khi nói mình không có nhà cửa. “Đêm nóng quá thì lấy nước tưới vào người, nhiều khi nóng quá là thức cả đêm” – ông chia sẻ cách đối phó với cái oi bức đang “táp” vào mặt. Bà Ba cho biết thêm những ngày này “chỉ biết đội thêm nón và uống thêm nước thôi”. Một ngày 6-7 chai nhỏ (3 lít) nước. Để đỡ tốn tiền, bà lấy nước ở những bình nước từ thiện tại một nhà thờ trên đường 3 Tháng 2.
“Máy lạnh” tự chế
Tuần qua Sài Gòn có vài trận mưa đây đó, nhưng dường như thời tiết vẫn không hề giảm nhiệt mà còn oi bức và ngột ngạt hơn. Trên đường Phan Đình Giót (Q.Tân Bình), ông Tự với dáng người nhỏ bé đẩy chiếc xe đạp treo toòng teng chai lọ, đằng sau là những thùng xốp cao quá đầu người. Chiếc mũ vải nhỏ trên đầu không ngăn được hơi nóng hầm hập thổi vào mặt ông. Hằng ngày, ông đi khắp nơi lượm ve chai. “Thời tiết Sài Gòn mấy hôm nay nóng nhất là từ 12g trưa đến 3g chiều, nắng nóng làm tui cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, nhức chân, nhức tay, đau lưng đủ thứ” – ông Tự nói. Ông Tự cho biết khi đi làm, ông vẫn không mang bao tay, áo dài tay vì “phải lượm cái này cái kia nên vướng tay thấy khó chịu”.
Những ngày này, ra đường là một “cực hình” với nhiều người thì người ở nhà cũng mệt lả vì nóng. “Những căn nhà ximăng ban ngày hấp nhiệt dữ lắm, đêm xuống nhiệt tỏa ra càng nóng dữ hơn. Oi bức làm mình thấy khó chịu, bực bội trong người” – chị Hằng, người ở trọ trong dãy trọ trên đường Nguyễn Phúc Chu (Q.Tân Bình), than thở. Chị nghĩ ra một cách giải nhiệt: mua đá cây bỏ vào thau nước, dùng quạt quạt vào thau nước đá để hơi nước bay lên. “Thấy cũng mát hơn, chỉ có cách này chứ không chết ngộp mất” – chị cười khi nói về sáng kiến của mình. Chị kể rồi cho biết thêm: “Mấy phòng bên cũng sử dụng máy lạnh tự chế để giải nhiệt khi trời quá nóng”.
HOÀNG ĐIỆP – MINH PHƯỢNG – ĐỨC THANH