“Ông Tây” tấm lòng vàng ở Điện Biên
“Ông Tây” tên thật là Nev Tickner, sinh năm 1954 ở đảo Morgan, bang Queensland, Úc. Năm 2009, Nev du lịch đến VN, trải qua vài hành trình ngao du sang Malaysia, Lào, cuối cùng ông quyết định “hạ cánh” ở Điện Biên.
“Ông Tây” tấm lòng vàng ở Điện Biên
Ông Nev Tickner chia hoa quả cho trẻ em làng trẻ SOS – Ảnh: Kiều Linh
Kể từ đó tới nay, ông sống bằng đồng lương hưu của mình và đi khắp tỉnh Điện Biên làm từ thiện.
Căn phòng ông Nev ở năm năm nay trong khách sạn Mường Thanh rộng chưa đến 20m2, đủ kê chiếc giường, tủ lạnh và một giá chất đầy sách về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên tường treo bức ảnh Bác Hồ và giấy chứng nhận “Tấm lòng vàng nhân đạo” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên trao tặng. “Tôi không hiểu vì sao họ lại tặng tôi giấy chứng nhận đó và chúng có giá trị gì” – ông Nev mỉm cười rồi lắc đầu lia lịa.
Cháu tôi là người VN
“Em quý ông Tây của chúng em lắm. Ai học giỏi được ông thưởng quần áo và sách vở. Ai hư thì ông giận và mắng thật to nhưng chúng em không thấy ghét ông đâu. Mấy lần ông đi đâu xa hàng tháng không thấy ông đến em buồn lắm, muốn khóc mà chỉ sợ ông buồn nên đành thôi” CÀ THỊ THUẬN |
12 giờ trưa, trời nắng chang chang. Nghe tiếng xe đẩy lọc cọc từ cổng, những đứa trẻ trong làng trẻ em SOS buông vội bát cơm đang ăn dở chạy ra ngoài, không quên cầm theo chiếc rổ nhựa nho nhỏ. “Ông Tây, ông Tây đến rồi tụi mày ơi”, “Hello ông Tây”… chúng nhảy lên hò hét sung sướng. “Ông ơi, ông vào ăn cơm với cháu” – một đứa trẻ ở nhà Hoa Sen giọng nũng nịu ôm chân ông Nev. Ông Nev Tickner bế thốc đứa trẻ lên, lấy trán mình cọ cọ vào trán cậu bé rồi nhanh tay đếm đủ 11 quả chuối thả vào rổ. “Ở đây có tất cả 10 nhà, mỗi nhà có 10 trẻ và một bà mẹ chăm sóc nên phải chia 11 quả chuối” – ông Nev giải thích. Cứ như thế, đi hết 10 nhà, ông Nev đẩy xe ra về trong khi lũ trẻ lấn bấn tìm cách níu ông ở lại. Gần năm năm nay, “hế lô – bái bai” là hai từ duy nhất để họ hiểu và trò chuyện với nhau.
Nev yêu VN. Ông đọc rất nhiều sách về trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ và nỗi đau đáu một lần được đặt chân đến thăm di tích này đã thành hiện thực khi ông đáp máy bay xuống sân bay Điện Biên Phủ. Do bất đồng ngôn ngữ và không quen ai nên những ngày đầu ông sống hoàn toàn cô lập. Cho đến một buổi chiều, đang đi bộ tập thể dục trên đường, ông Nev tình cờ gặp Đặng Việt Dũng khi đó là nhân viên lễ tân khách sạn Điện Biên Phủ – Hà Nội, hiện là phó giám đốc khách sạn Mường Thanh, hai người kết bạn. Qua Dũng và một số người bạn quen sau này, ông biết được cuộc sống hiện tại của những người lính trong trận chiến năm xưa nên tìm về thăm ngôi làng của những người Thái Đen bị thiêu cháy ở thôn Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên… “Tôi đã đọc sách rất nhiều về trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ nhưng luôn muốn đi tìm kiếm sự thật. Tôi đến đây và đã thấy được sự thật đó. Có 444 người chủ yếu người già, phụ nữ và trẻ em bị lính Pháp thiêu cháy ở Noong Nhai, họ thật đáng thương” – ông Nev Tickner nói. “Tôi hỏi Dũng tôi có thể làm gì cho Điện Biên trong thời gian ở đây, anh Dũng chỉ tôi đến làng trẻ SOS, nơi có 46 đứa trẻ bất hạnh đang sống” – ông Nev kể.
Thế là những ngày ở Điện Biên không còn đơn độc và tẻ nhạt như trước. Ngoài thời gian tìm hiểu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông Nev đến làng trẻ SOS nhiều hơn. Sau đó ông biết thêm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên. Ông Nev chơi với lũ trẻ, dạy chúng học tiếng Anh và mua quà tặng. Những món quà thật giản đơn: khi là quần áo, đồ ăn, khi là sách vở, xe đạp, đến cả dây buộc tóc ông cũng chia đều cho các bé gái. Thi thoảng, ông tổ chức cuộc thi thể thao và trao giải thưởng cho các mẹ ở làng SOS. Vào mùa hè, ông tự tìm thuê xe rồi đưa lũ trẻ đi du lịch xung quanh thành phố, đi tập bơi… Thậm chí ông Nev còn đầu tư hẳn một đàn gà và heo cho con trẻ làng SOS chăm nuôi. Cách một vài tuần, người dân Điện Biên sống xung quanh khách sạn Mường Thanh lại thấy ông già Tây đầu bạc trắng, cao lênh khênh đùm bọc quần áo, sách vở, đồ chơi đón xe ôm đi về hướng các nơi xa xôi như Mường Lay, Điện Biên Đông… – nơi có trẻ em và những người dân nghèo đang sinh sống.
Năm năm trôi đi, ông Nev liên tục phải về Hà Nội xin kéo dài hạn visa để có thể nán lại với lũ trẻ lâu hơn. Ông tâm sự: “Ở bên Úc tôi có ba người con và bảy đứa cháu rất đáng yêu. Nhưng khi đến VN, tôi nghĩ tình cảm của tôi dành cho con cháu như vậy đã đủ. Tôi đã đi rất nhiều nơi và gặp nhiều trẻ nhưng có lẽ Điện Biên là nơi tôi muốn trở về nhất. Bởi ở đó có những đứa cháu người VN của tôi đang sống và hình ảnh những người dân ở Điện Biên địu con lên nương luôn ám ảnh, thôi thúc tôi trở về với họ. Tôi nghĩ chúng cần được tôi yêu thương nhiều hơn nữa”.
Kết nối yêu thương
Như thói quen, một tuần ông Nev chia đều thời gian đến với từng nơi để không lo ai thiệt ai hơn. Hôm nay dành tiền mua heo quay cho trẻ em làng SOS, ngày mai mua thịt vịt cho trẻ Trung tâm Bảo trợ xã hội, ngày kia đi dạy tiếng Anh ở trường mầm non tư thục, ngày nữa đi thăm những người “bạn đời” của mình – đó là ông Bình hay ông Giọn, ông Trường… Xoay một vòng tròn xong xuôi, tất cả lặp lại y như cũ.
Khi những đồng lương hưu dần dần hạn hẹp bởi chi phí mua quà cho lũ trẻ ngày càng tăng theo số lượng, ông Nev bắt đầu làm thêm bằng việc kinh doanh. “Tôi bán bất cứ thứ gì như thịt khô, rượu… để có thêm thu nhập. Đi đến nơi đâu ở VN hay ở Malaysia, gặp bất cứ ai, họ là người Anh, Pháp, Đức… tôi đều kể cho họ nghe về những đứa trẻ ở làng SOS, về cuộc sống của những đứa trẻ ở huyện Điện Biên Đông. Trên trang Facebook cá nhân, tôi thường xuyên chụp ảnh và chia sẻ với bạn bè của tôi trên đó. Tôi không ngạc nhiên khi họ gửi quà cho những đứa trẻ bởi tôi nghĩ nếu ai nghe được họ cũng sẵn lòng làm vậy” – ông Nev giải thích.
Trong những câu chuyện kể về cuộc sống ở Điện Biên, ông Nev luôn trăn trở khi nhắc đến “bạn Bình” ở chợ Mường Thanh. Qua vài lần nhờ phiên dịch, ông Nev Tickner hiểu được hoàn cảnh ông Bình: “Ông ấy là bộ đội phục viên quê ở Thái Bình, vợ và con đã chết chỉ còn lại một đứa cháu gái tên Trang, cô bé 18 tuổi nhưng ngây ngô, không biết gì. Trước kia họ sống trong túp lều dựng ở góc chợ Mường Thanh”. Thương hoàn cảnh nghèo khó của bạn, cách đây hai tháng ông Nev đặt vé máy bay đưa hai ông cháu về quê Thái Bình, nhưng “dưới quê họ hàng ông ấy cũng nghèo khó chẳng kém gì nên đành quay lại Điện Biên”. Sau khi trở lại Điện Biên, ông Nev đích thân đi tìm mua một chiếc xe bán thịt nướng tặng bạn để ông Bình mưu sinh nuôi cháu gái.
Đối với gia đình ông Nguyễn Xuân Trường – cựu chiến binh trung đoàn 174, đại đoàn 316, ông Nev là một người bạn Tây kết – nối – yêu – thương. Mỗi lần ông Nev đến nhà chơi, ông Trường lại hào hứng kể cho bạn Tây nghe chi tiết diễn biễn trận chiến ở đồi A1, về ngày đêm đào hào giao thông, làm đường kéo pháo… Sau mỗi cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ như thế, trước khi ông Nev về, bà Phạm Thị Hồi, vợ ông Trường, luôn miệng nhắn nhủ rằng: “Nhờ ông Nev, nếu gặp được các cựu chiến binh người Pháp thì nói với họ chúng tôi rất vui vẻ nếu biết họ còn sống. Chiến tranh đã qua đi, hận thù tan biến, chúng tôi và họ đều là những người lính hi sinh vì đất nước mình và hi vọng được kết bạn với họ”.
“Đã nhiều lần tôi nghĩ đến cái chết nhưng lại thấy phí đời mình. May mắn sao tôi gặp được Nev. Ông Nev là một người tốt, ông cháu tôi biết ơn Nev nhiều lắm lắm” – ông Bình rưng rưng nước mắt ôm lấy bạn già nói vậy. Hai người gặp nhau hằng ngày nhưng lần nào cũng ôm chầm lấy nhau, rồi vỗ vai, rồi… mỗi người nói một thứ tiếng. Ôn tồn và thân thiết. |
Tốt bụng và chu đáo “Ông Nev Tickner là một người tốt bụng và chu đáo. Gần bốn năm nay, ông thường xuyên đến chơi với các con, mua xe đạp, tủ lạnh cho các con ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Những đứa trẻ ở đây quý ông như ông của mình, mỗi lần thấy ông đến chúng rất vui, tôi cũng vậy” – bà Vũ Thị Huệ, giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên, cho biết. |
KIỀU LINH