09/01/2025

Săn tìm ngoại hành tinh

40 năm đã trôi qua kể từ khi những con tàu thăm dò được phóng lên từ Trái đất, bay ra khỏi Hệ Mặt trời, các nhà khoa học vẫn chưa hề tìm thấy dấu vết sinh vật cấp cao ở bất cứ hành tinh nào khác.

 

Săn tìm ngoại hành tinh

40 năm đã trôi qua kể từ khi những con tàu thăm dò được phóng lên từ Trái đất, bay ra khỏi Hệ Mặt trời, các nhà khoa học vẫn chưa hề tìm thấy dấu vết sinh vật cấp cao ở bất cứ hành tinh nào khác.

GS Michel Mayor thuyết trình tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) ngày 18-4 – Ảnh: Như Hùng

 

Nhà vật lý thiên văn gốc Việt nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận nhắc chúng ta nhớ lại: giữa thập niên 1970, con tàu thăm dò Pioneer 10 được phóng lên từ Trái đất, đã rời khỏi Hệ Mặt trời, bay vào khoảng không bao la của dải Ngân hà, mang theo tấm kim loại khắc hình một người đàn ông và một người đàn bà, với một bản đồ thiên văn chỉ rõ vị trí của Hệ Mặt trời trong dải Ngân hà.

Lúc bấy giờ một số người đã phản đối gay gắt, bởi lẽ họ cho rằng làm như thế là bất cẩn, để lộ “địa chỉ” của chúng ta cho “người” ngoài Trái đất biết – những kẻ mà ta chưa hiểu rõ khuynh hướng của họ là yêu chuộng hòa bình, hữu nghị hay khát khao chiếm thuộc địa!

Bức thông điệp 40 năm

 

Hội nghị khoa học quốc tế về các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời khai mạc hôm nay (20-4) tại Quy Nhơn và kéo dài đến ngày 26-4, mở màn cho chuỗi các hội nghị khoa học trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 10. Nhà bác học nổi tiếng Michel Mayor sẽ chủ trì hội nghị này. Ngoài việc chủ trì hội nghị quốc tế dành cho các nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, GS M. Mayor còn có ba buổi nói chuyện với công chúng rộng rãi yêu khoa học tại Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM (đã diễn ra ngày 18-4); tại hội trường Quang Trung, Quy Nhơn, vào 15g30 ngày 24-4; và tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội vào 15g ngày 5-5.

 

Không lâu sau đó, các tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 liên tiếp được phóng lên, cũng bay ra ngoài Hệ Mặt trời, mang theo một đĩa nén ghi nhiều âm thanh khác nhau trên Trái đất.

Hai tiếng “xin chào!” được phát âm bằng 60 ngôn ngữ khác nhau, rồi tiếng kêu của loài cá voi, rồi âm nhạc của nhiều nền văn hóa, trong đó có một bản giao hưởng của Beethoven và một khúc hát của nhóm Beatles.

Proxima, ngôi sao gần Trái đất nhất, nằm trong chòm sao Nhân mã, cách chúng ta bốn năm ánh sáng.

Với vận tốc tối đa mà các tàu thăm dò hiện nay đạt được 50km/giây, thì còn lâu lắm bức “thông điệp” kia của Trái đất mới tới nơi cần tới, bởi lẽ một năm ánh sáng, tức khoảng cách ánh sáng đi được sau một năm, tương đương 9.400 tỉ kilômet!

Mặc dù “địa chỉ” của loài người đã bị “tiết lộ” một cách “bất cẩn” gần 40 năm về trước, nhưng đến nay ta vẫn chưa nhận được một bức thông điệp phản hồi nào dù ngắn ngủi từ những nền văn minh khác!

Sở dĩ các con tàu thăm dò Pioneer và Voyager mang thông tin về cuộc sống trên Trái đất phải bay ra ngoài Hệ Mặt trời để mong “giao tiếp” với các nền văn minh khác là vì trong Hệ Mặt trời, ngoài hành tinh xanh Trái đất, các nhà khoa học chưa hề tìm thấy dấu vết sinh vật cấp cao ở bất cứ hành tinh nào khác.

Bốn hành tinh khổng lồ ở thể khí, không thể có sự sống bởi lẽ không có bề mặt cứng… Bốn hành tinh có bề mặt cứng như Trái đất thì điều kiện khắc nghiệt quá khiến sự sống không sao tồn tại nổi.

Thủy tinh không có khí quyển, ban ngày nóng 400OC, ban đêm lạnh -170OC. Kim tinh có khí quyển, nhưng cái khí quyển “chết tiệt” đó chứa tới 90% khí cacbonic, tạo ra một hiệu ứng nhà kính khủng khiếp, đẩy nhiệt độ bề mặt lên tới 460OC, tức là gấp hơn bốn lần nhiệt độ sôi của nước!

Thế còn Hỏa tinh? Các trạm thăm dò gửi tới hành trình này đã tìm thấy dấu vết những con sông trong quá khứ – có cả dấu vết lũ lụt – nhưng nay nước đã cạn khô hết sạch. Robot đang và sẽ đào bới tiếp một số nơi trên bề mặt Hỏa tinh để tìm chứng tích về các vi sinh vật một thời đã sống ở đấy.

Săn lùng những hành tinh ngoài Hệ Mặt trời

Ngày nay, với những kính viễn vọng cực kỳ tinh xảo, các nhà thiên văn đã “đếm” được hơn 100 tỉ ngôi sao trong dải Ngân hà trải rộng trên một vùng bao la có đường kính… 100.000 năm ánh sáng!

“Thân phận” Mặt trời của chúng ta chỉ như nhà viên ngoại họ Vương, người cha của nàng Kiều, “gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” trong con số 100 tỉ ngôi sao ấy!

Mỗi ngôi sao – cũng như Mặt trời – kéo theo một “bầu đoàn thê tử” khoảng 10 hành tinh. Và như vậy sẽ có khoảng 1.000 tỉ hành tinh – một con số gây sửng sốt – trong dải Ngân hà!

Cũng cần nói thêm, Ngân hà chỉ là một thiên hà (galaxy) bé mọn trong số hàng trăm tỉ thiên hà thuộc Vũ trụ (viết hoa vì là tên riêng) của chúng ta.

Ấy vậy mà, theo thuyết đa vũ trụ (multiple universes) hay thuyết các vũ trụ song song (parallel universes), thì ngoài Vũ trụ của chúng ta, còn có vô vàn vũ trụ khác nữa!

Nhưng, tiếc thay, ta hiện chưa có cách gì liên hệ được! Trịnh Xuân Thuận cho rằng con người chưa cần để tâm tới các thứ vũ trụ xa xôi huyền bí ấy, bởi vì điều đó vượt ra ngoài khả năng kiểm chứng của vật lý học, nó thuộc phạm vi của triết học hay thần học!

Các quy luật vật lý, hóa học, sinh học có tính phổ quát toàn Vũ trụ, cho nên thật khó quả quyết rằng sinh vật có trí tuệ chỉ tồn tại duy nhất trên Trái đất mà thôi.

Tất nhiên, sự sống không thể đơm hoa kết trái trên bề mặt các ngôi sao, bởi lẽ nhiệt độ ở đấy cũng tương tự trên bề mặt Mặt trời, tức là 6.000OC!

Sự sống chỉ có thể nảy sinh dần dà, chậm chạp trên những hành tinh nào đó na ná Trái đất, không ở quá gần hoặc quá xa ngôi sao mẹ.

Cuộc kiếm tìm cuộc sống có trí tuệ bắt đầu bằng việc săn lùng các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, gần giống Trái đất. Các nhà thiên văn học gọi những hành tinh đó là “ngoại hành tinh” (exoplanet).

Ai cũng biết hành tinh không tự nó phát ra ánh sáng, mà chỉ phản xạ ánh sáng của ngôi sao mẹ. Trông thấy những ngôi sao cách xa Trái đất hàng chục năm ánh sáng đã là quá khó, huống chi thấy được những hành tinh cực kỳ mờ nhạt quay quanh ngôi sao mẹ!

“Thợ săn” thiện xạ

Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 10 được tổ chức trong năm 2014 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành bên bờ biển Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, với một số hội nghị quốc tế liên tiếp.

Hội nghị đầu tiên diễn ra từ ngày 20 đến 26-4 với chủ đề khoa học ngoại hành tinh (exoplanetary science), do GS Michel Mayor chủ trì.

Ông là người nổi tiếng nhất thế giới trong công cuộc “săn lùng các ngoại hành tinh”, là nhà bác học chỉ trong gang tấc để tuột mất giải Nobel năm 2013, do phải ưu tiên cho hai nhà vật lý khám phá ra hạt Higgs! Nhưng giới bác học quốc tế tin chắc rằng M. Mayor sẽ nhận được giải thưởng danh giá ấy vào một ngày không xa.

Cách đây gần 19 năm, ngày 6-10-1995, sử dụng công cụ vật lý thiên văn tiên tiến nhất, GS M. Mayor, người Thụy Sĩ, cùng nghiên cứu sinh của ông là Didier Queloz, thông báo đã tìm thấy hành tinh đầu tiên ngoài Hệ Mặt trời, đặt tên là 51 Pegasi b.

Khám phá đó ngay lập tức gây chấn động trong dư luận thế giới như một trận sóng thần! Và thế là cuộc đua tranh kiếm tìm các ngoại hành tinh bắt đầu!

Cho đến hôm nay, tổng số ngoại hành tinh đã tìm thấy lên tới hơn 1.000. Riêng M. Mayor khám phá 1/4 con số đó. Tất nhiên, phải có mối quan hệ lâu năm, thân thiết lắm, GS Trần Thanh Vân mới “kéo” được một nhà bác học tầm cỡ ấy, năm nay đã 72 tuổi, tới Quy Nhơn.

Giờ đây, các nhà khoa học đã chọn ra được 12 ngoại hành tinh gần giống Trái đất nhất, ở đó có khả năng tồn tại sự sống thông minh, gồm: Kepler-62 e, Gliese 667C c, Gliese 581 g**, Tau Ceti e**, Gliese 667C f, Keplor-22 b…

Ta hãy xét một ngoại hành tinh trong số đó, như Kepler-62 e chẳng hạn. Nó có khối lượng bằng 3,6 khối lượng Trái đất, nhiệt độ trung bình trên bề mặt 32OC, quay một vòng quanh ngôi sao mẹ mất 122 ngày, đang ở tuổi 7 tỉ năm (Trái đất đang ở tuổi 4,54 tỉ năm), và cách Trái đất 1.200 năm ánh sáng…

Nhân loại giờ đây đang tiến rất gần tới chỗ trả lời được một câu hỏi khoa học và triết học lớn: Liệu có tồn tại những nền văn minh khác, ngoài văn minh Trái đất hay không?

Câu trả lời nếu có, thì dường như cũng chẳng liên quan sát sườn gì đến cuộc sống hằng ngày của từng con người cụ thể. Nhưng nó sẽ nâng tầm cao trí tuệ của nhân loại văn minh.

Và điều đó hoàn toàn có khả năng dẫn tới những bước tiến đột phá trong công nghệ, phục vụ lợi ích thiết thực của con người, như khám phá về sóng điện từ dẫn tới radio, tivi, điện thoại di động…

HÀM CHÂU