Người dân ùn ùn đi chích ngừa sởi
Ghi nhận tại một số điểm chích ngừa sởi trên địa bàn TP.HCM cho thấy người dân đi chích ngừa sởi rất đông, thậm chí tăng vọt. Có gia đình thuê xe chở cả nhà mấy chục người đi chích ngừa sởi.
Người dân ùn ùn đi chích ngừa sởi
Đông đảo phụ huynh đưa con em đến tiêm ngừa bệnh sởi tại Viện Pasteur TP.HCM ngày 21-4 – Ảnh: Hữu Khoa
Không chỉ người dân đang cư ngụ ở TP.HCM mà cả người dân ở các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… cũng ùn ùn đổ tới Viện Pasteur.
Người lớn cũng đi chích sởi
Mới hơn 7g ngày 21-4 nhưng tại khu vực chích ngừa Viện Pasteur TP.HCM đã đông nghẹt ông bố, bà mẹ đưa trẻ đến chích ngừa sởi. Rất nhiều bậc phụ huynh đã đến bàn tiếp nhận để hỏi nhân viên về việc chích ngừa sởi
Riêng người đến chích văcxin sởi dịch vụ (văcxin tam giá, phòng cùng lúc ba loại bệnh là sởi, quai bị và rubella. Giá một liều là 135.000 đồng) đa số là trẻ em trên 2 tuổi và người lớn. Điều đáng nói, việc tiêm văcxin ngừa bệnh sởi được thực hiện ở tất cả các tuyến, từ trạm y tế xã, phường đến trung tâm y tế dự phòng quận huyện, các bệnh viện sản nhi, phòng khám đa khoa tư nhân (nếu được phép) nhưng người dân ở các tỉnh vẫn cứ đổ đến Viện Pasteur TP.HCM. Trước tình hình bệnh nhân đến chích ngừa gia tăng, Viện Pasteur căng một tấm bạt lớn ở ngoài sân để người dân có chỗ đứng tránh nắng.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy chỉ trong khoảng hai tiếng của sáng qua, Viện Pasteur TP đã chích ngừa văcxin sởi dịch vụ cho khoảng 120 người. Khoảng một tuần trở lại đây số người chích ngừa sởi tăng vọt. Cụ thể, thứ sáu tuần trước (ngày 11-4) số người đến chích ngừa sởi chỉ hơn 120 người, nhưng thứ sáu tuần vừa rồi (ngày 18-4) số người đến chích ngừa sởi vọt lên gần 450 người. Qua ngày 19-4 (thứ bảy), số người đến chích ngừa sởi là hơn 600 người. Ngày chủ nhật (20-4) dù Viện Pasteur chỉ làm việc nửa ngày nhưng đã chích ngừa sởi cho hơn 350 người. Ngay trong sáng 21-4, các nhân viên chích ngừa của Viện Pasteur TP đã rất ngạc nhiên khi tiếp nhận chích ngừa sởi cùng lúc cho 23 người của đại gia đình ông T.T.D. (53 tuổi, huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Khi nghe dịch sởi bùng phát và có nhiều trẻ em bị tử vong, gia đình ông D. đã đưa nhau lên tận Viện Pasteur TP để chích ngừa sởi cho cả nhà, từ ông bà, cha mẹ, anh em đến con cháu.
TS.BS Cao Hữu Nghĩa – trưởng khoa sinh học lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM – cho biết những tháng cuối năm 2013 trung bình một tháng viện tiếp nhận chích ngừa văcxin sởi dịch vụ 1.000-1.500 liều. Tuy nhiên, gần đây khi các phương tiện truyền thông nói nhiều về sởi, người dân ở các tỉnh lân cận đã lên TP.HCM để chích ngừa sởi dịch vụ. Do vậy, cần phải xem lại vấn đề truyền thông không chỉ của báo chí mà cả của ngành y tế, vì ở các tỉnh thành đều có văcxin sởi dịch vụ và văcxin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Do vậy, người dân không cần thiết phải đến Viện Pasteur TP hoặc những đơn vị y tế khác của TP.HCM để chích ngừa.
Dù không đông bằng Viện Pasteur, nhưng hơn 9g tại khu chích ngừa của Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng có rất nhiều ông bố bà mẹ ngồi đợi cho con tới lượt được chích ngừa dịch vụ (sởi – quai bị – rubella). Theo ghi nhận của chúng tôi, đến gần 10g tại Trung tâm Y tế dự phòng đã có 31 người đi chích ngừa sởi, trong đó có 28 trẻ và ba người lớn.
Lo lắng trước thông tin về bệnh sởi, ông T.T.D. ở Đồng Nai đã thuê xe đưa toàn bộ 23 người trong đại gia đình đến Viện Pasteur TP.HCM sáng 21-4 để chích ngừa sởi - Ảnh: Hữu Khoa |
Nên ngừa khi chưa có dịch
Theo TS Cao Hữu Nghĩa, từ khi có thông tin phản ứng phụ trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì bà con sợ tiếp cận với hệ thống y tế cơ sở, mà họ quay ra tìm nơi tiêm chủng dịch vụ để tiêm. Tuy nhiên, dù tiêm chủng dịch vụ hay tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì mục tiêu cuối cùng cũng là nâng tỉ lệ tiêm ngừa bệnh sởi trong cộng đồng. Từ thực tế bệnh sởi hiện nay, TS Nghĩa nói phải xem lại việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe, truyền thông thế nào, tiêm chủng thế nào mà người dân hiểu biết chưa đúng. Trước khi sởi bùng phát, thời gian qua báo chí ít viết về sởi, những người làm chương trình truyền thông và cả ngành y tế đều “ngủ quên” vì nghĩ rằng sởi đã đi vào quá khứ.
Nhiều người bình thường không đi chích ngừa sởi, chỉ đến khi nghe số người mắc bệnh nhiều quá mới đổ xô đi chích. Trong khi việc chích ngừa sởi ở thời điểm không có dịch mang lại hiệu quả cao hơn ở thời điểm đang xảy ra dịch. Lúc bình thường cơ thể có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, đứng lên tạo miễn dịch để dự trữ, sẵn đó khi có bệnh là có thể đương đầu bảo vệ cơ thể. Đi chích ngừa ở thời điểm mà xung quanh đang có dịch thì ngay cả bản thân và người xung quanh đều có nguy cơ cảm nhiễm bệnh đó, hoặc đã cảm nhiễm với bệnh sởi rồi thì khi chích ngừa làm cơ thể phải chống thêm mũi tiêm ngừa sởi để tạo kháng thể với bệnh sởi. Do đó, kháng thể ở thời điểm này không thể “ngon lành” bằng thời điểm không có dịch bệnh sởi.
LÊ THANH HÀ – THÙY DƯƠNG
Lâm Đồng, Cần Thơ: phát hiện một số ca mắc bệnh sởi Ông Đặng Văn Huyên, phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văcxin bệnh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, nói đến ngày 18-4 trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng phát hiện 63 ca nghi sởi, tất cả đã được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP.HCM. Kết quả có bốn ca dương tính với bệnh sởi (ba ở huyện Đam Rông và một ở TP Đà Lạt). So với thời điểm này năm trước, tỉnh Lâm Đồng không có ca nào mắc bệnh sởi. Trong khi đó, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ – cho biết người dân đưa trẻ đến tiêm ngừa văcxin sởi tại đây rất đông. Thống kê tại phòng tiêm ngừa của trung tâm cho thấy trong tháng 3 số lượng tiêm văcxin phối hợp ba bệnh (sởi, quai bị, rubella) là 530 liều. Mấy ngày gần đây số lượt tiêm hằng ngày tiếp tục tăng, ngày thứ bảy (19-4) có đến 170 trẻ đến tiêm ngừa văcxin này, chủ nhật (20-4) là 140 trường hợp. Bác sĩ Trúc cũng cho hay chỉ trong một, hai ngày tới trung tâm có thể sẽ hết văcxin loại này. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận trên 80 bệnh nhi điều trị nội trú do sốt phát ban dạng sởi, chưa có trường hợp nào biến chứng nặng. Theo bác sĩ Trúc, những trường hợp nghi ngờ sởi tại bệnh viện được lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM, hiện mới có 15 trường hợp xác định dương tính với sởi… P.THÀNH – T.LŨY |
Phòng dịch, cần tiêm ngừa đủ 2 mũi Dù đã có rất nhiều thông tin liên quan đến bệnh sởi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng chiều 21-4 vẫn có hơn 200 câu hỏi của bạn đọc gửi đến buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Bệnh sởi đang diễn tiến thế nào?” tại tuoitre.vn. Khách mời tham gia giao lưu gồm: ông Nguyễn Trần Hiển (chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế), TS Trần Minh Điển (phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư), PGS.TS Phan Trọng Lân (viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) và bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1). Trẻ nhỏ phải làm sao?
Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc có con dưới 9 tháng tuổi (chưa có chỉ định chích ngừa văcxin sởi – PV) mong muốn được tư vấn cách chăm sóc trẻ, phòng ngừa nguy cơ mắc sởi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết nguồn lây sởi cho trẻ nhỏ là do người lớn ra ngoài môi trường tiếp xúc với người bệnh rồi mang về lây cho trẻ, hay ngay trong nhà có người mắc bệnh sởi. Do vậy, trẻ dưới 9 tháng tuổi phải được cách ly tuyệt đối với người mắc bệnh ít nhất mười ngày. Người lớn khi đi ra ngoài, lúc về nhà cần rửa tay, thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra, nếu người mẹ lúc nhỏ chích ngừa sởi đủ thì trẻ rất khó bị sởi trước 9 tháng tuổi. PGS.TS Phan Trọng Lân cũng khuyến cáo với đối tượng nguy cơ cao hiện nay là trẻ em dưới 18 tháng tuổi, đặc biệt là dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm phòng, ít ra khỏi nhà thì biện pháp hiệu quả nhất là không đưa trẻ đến nơi tập trung đông người, nguy cơ cao. Cùng ý kiến, TS Trần Minh Điển nhấn mạnh Tổ chức Y tế thế giới chưa có khuyến cáo tiêm sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Cũng không đảm bảo chắc chắn rằng bà mẹ đã tiêm chủng đủ hoặc đã mắc sởi, do vậy trong giai đoạn này nên giữ trẻ trong môi trường sạch sẽ, tránh tiếp xúc với nhiều người. Những ý kiến thẳng thắn từ bạn đọc Một số bạn đọc đặt vấn đề vì sao Bộ Y tế không công bố dịch, con số thống kê về ca mắc và tử vong do sởi có chính xác không…, GS.TS Nguyễn Trần Hiển đã giải thích thêm về khái niệm công bố dịch và thông báo dịch. Theo ông Hiển, không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch. Thời gian qua, Bộ Y tế luôn thông báo tình hình dịch các bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch sởi nói riêng, kèm theo chỉ đạo các sở y tế, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh như đối với bệnh tay chân miệng, cúm, bệnh dại, sốt xuất huyết… Còn công bố dịch, theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, phải tuân thủ theo đúng một số quy định. Ngoài ra, GS Hiển khẳng định: “Tôi nghĩ không có chuyện bệnh viện giấu số liệu vì bệnh thành tích. Nếu có số liệu không phù hợp thì chủ yếu là do báo cáo chậm. Ngoài ra, cũng có thể là do nhiều bệnh nhân mắc bệnh không đến bệnh viện nên không được cập nhật vào những báo cáo thường xuyên của cơ sở y tế”. Ông Hiển cũng khuyến cáo gần đây, tỉ lệ tiêm chủng mũi 2 sởi giảm đi do tâm lý e ngại phản ứng sau tiêm của nhiều bà mẹ. Cụ thể, năm 2013 trẻ tiêm mũi 2 chỉ đạt 86%. Dựa trên hiệu quả dự phòng của văcxin sởi là 95% thì chỉ có 95% của 86% được bảo vệ, không mắc sởi. “Giả sử hằng năm có 1,6 triệu trẻ ra đời và với ước tính như trên thì có đến trên 300.000 trẻ có nguy cơ mắc sởi và bùng phát thành dịch. Do đó để loại trừ bệnh sởi, cần thiết có các biện pháp để duy trì việc tiêm phòng sởi mũi 2 đạt từ 95% trở lên” – ông Hiển nói. LÊ THANH HÀ – L.ANH |