09/01/2025

Đứng lớp giữa cơn bệnh hiểm nghèo

Mang trong mình căn bệnh nan y quái ác nhiều khi phải đội tóc giả, nén những cơn đau… nhưng những cô giáo ấy hằng ngày vẫn đứng trên bục giảng với học trò thân yêu.

Đứng lớp giữa cơn bệnh hiểm nghèo

Mang trong mình căn bệnh nan y quái ác nhiều khi phải đội tóc giả, nén những cơn đau… nhưng những cô giáo ấy hằng ngày vẫn đứng trên bục giảng với học trò thân yêu. Câu chuyện xúc động này đang diễn ra tại TP Đà Lạt…

Cô Phạm Ngọc Như Yến – Ảnh: P.Thành 

Ít ai biết cách đây vài tháng căn bệnh ung thư vú và ung thư tuyến giáp đã khiến cô giáo Nguyễn Đức Hạnh (giáo viên văn Trường THPT chuyên Thăng Long, P.3, TP Đà Lạt) phải kẻ lông mày, đội tóc giả để đến trường.

Kẻ lông mày, đội tóc giả lên bục giảng

 

“Đến trường được gặp học trò như những đứa con của mình, nên bao nhiêu tâm huyết mình cứ dồn vào đó mà quên hết bệnh tật”

 PHẠM NGỌC NHƯ YẾN

 

Giữa cơn đau cô vẫn xuất hiện trên lớp. Cô Hạnh nói: “Đối với tôi, được đứng trên bục giảng là những giây phút thấy mình có ích, hạnh phúc vô cùng!”. Ấy là mùa hè năm 2012, đang đi du lịch ở Sài Gòn, cô Hạnh phát hiện mình bị bệnh ung thư. Các xét nghiệm cho ra bệnh án nghiệt ngã: không phải một mà là hai bộ phận trên cơ thể.

Đối với người bình thường là quá đau đớn, nhưng riêng với cô Hạnh nỗi đau ấy nhân lên gấp bội, thế mà chưa khi nào cô bày tỏ cảm xúc ra bên ngoài. Những lúc lên cơn đau dữ dội, cô vẫn cố nở nụ cười thân thiện khiến người đối diện không biết cô đang mang trong mình trọng bệnh. Hai lần mổ, sáu lần hóa trị và 15 lần xạ trị với bao nhiêu đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. “Sau lần điều trị đầu tiên, khi đi gội đầu từng nắm tóc rụng xuống, mà không chỉ tóc, lông mày cũng bị rụng…” – cô Hạnh rùng mình nhớ lại. Gia đình, đồng nghiệp khuyên can nghỉ dạy để ở nhà điều trị bệnh, cô không đồng ý. Cô nghĩ làm nghề giáo điều cao quý nhất là được đứng trên bục giảng.

Thuyết phục được gia đình và đồng nghiệp, cô Hạnh giấu học trò, đội tóc giả, kẻ lông mày cho đậm để đến lớp tươi tỉnh như bao thầy cô khác. Những đôi mắt học trò ngây thơ đâu biết rằng trong cơ thể cô giáo mình đang bị giày xéo vì những cơn đau… Từ ngày phát bệnh, chỉ có hè 2012 là cô dùng hết thời gian để điều trị. Các đợt tái khám sau này cô đều tranh thủ dịp cuối tuần đón xe vào Sài Gòn khám xong về ngay để kịp lên lớp. Còn với các em học sinh lớp 10 chuyên lý Trường THPT chuyên Thăng Long, nhiều em kể rằng những ngày đầu khi phát hiện cô mắc bệnh, không ai biết cô đội tóc giả đi dạy, về sau mọi người mới biết và rất thương cô. Em Trần Tố Quyên, lớp trưởng, cho biết cô Hạnh luôn yêu thương, tận tụy với học sinh, chăm lo cho từng bạn. Những bạn nào có hoàn cảnh khó khăn không có tiền đóng học phí được cô trích tiền túi đóng. “Cô rất mạnh mẽ. Cô hay nói với lớp “được sống là tốt rồi” nên tụi em cũng luôn cố gắng học tốt để cô không phải buồn lòng” – Quyên kể.

 

“Mỗi ngày đến trường được học sinh hỏi thăm, trò chuyện khiến cảm giác bệnh tật của mình nguôi ngoai dần. Cũng chính vì các em mà mình đã suy nghĩ lạc quan hơn”

 VƯƠNG THỊ LIÊN

 

Tại Trường tiểu học Mê Linh, TP Đà Lạt, một trong những giáo viên có thâm niên cao là cô Phạm Ngọc Như Yến với 19 năm dạy môn tiếng Anh. “Ngày cầm bệnh án xác định mình bị ung thư buồng trứng tôi không tin đó là sự thật, khủng khiếp lắm…” – cô Yến ngân ngấn nước mắt nhớ về những ngày đầu mắc bệnh. Gác lại công việc gia đình, trường lớp, gửi con cho ông bà, cô cùng chồng về TP.HCM để điều trị. Ngày nằm viện, mỗi giáo viên góp cho chút ít, người nhiều vài trăm, ít thì vài chục. Có lúc cạn kiệt phải bán xe máy, vay mượn bà con chòm xóm để đủ tiền chạy chữa. Trải qua hai lần mổ, sáu lần hóa trị, tóc cứ rụng rồi mọc. Cứ thế, những khi rụng tóc cô lại đội tóc giả để đứng lớp. “May thay cuộc đời mình là nhờ có ông xã cùng làm nghề giáo nên vô cùng thấu hiểu. Quanh mình bạn bè đồng nghiệp luôn tiếp sức. Đến trường được gặp học trò như những đứa con của mình, nên bao nhiêu tâm huyết mình cứ dồn vào đó mà quên hết bệnh tật” – đó là cách nghĩ giúp cô vượt qua những phút tối lòng nhất của cuộc đời.

 

Đứng lớp bằng cả tình thương yêu

 

“Thương học trò, khi biết cô bệnh luôn để ý tới cô từng li từng tí. Đứa hỏi thăm hằng ngày, đứa rót cho ly nước, đứa đỡ từng bước đi… chừng đó thôi đã thấy nghề giáo cao cả và hạnh phúc đến vô hạn”

 NGUYỄN ĐỨC HẠNH

 

Tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, P.1, TP Đà Lạt, câu chuyện của cô giáo Vương Thị Liên (sinh năm 1986, giáo viên bộ môn thể dục Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, P.1, TP Đà Lạt) đã để lại ấn tượng với nhiều thầy cô trong trường bằng hình ảnh mảnh mai nhưng đầy nghị lực. Năm 2009, vừa tốt nghiệp ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, gia đình khó khăn không xin được việc ở các tỉnh miền Bắc, Liên một thân một mình “Nam tiến” tìm việc.

Cô ngậm ngùi: “Thân con gái lại học ngành thể dục nên xin việc rất khó. Không còn cách nào khác, mình cứ nộp hồ sơ ở nhiều nơi và TP Đà Lạt là nơi nhận. Ấy là thời gian quen với xứ sở sương mù và cuộc sống xa xứ một mình”. Mọi thứ cứ êm đềm cho đến đầu năm 2013, cô Liên tình cờ phát hiện cổ mình ngày càng to lên bất thường. Và rồi điều cô nghi ngờ bấy lâu cũng đã ập đến. Cầm trên tay kết quả chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp tại phòng xét nghiệm Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã khiến mọi thứ xung quanh cô Liên như điên đảo. Cô Liên kể lúc đó tất cả rơi vào tuyệt vọng, vô cùng chản nản, không còn tha thiết gì với cuộc sống. Nhưng nghĩ cho cùng nếu tuyệt vọng thì gia đình, chồng, con gái lúc đó chưa đầy 1 tuổi, rồi học trò của mình sẽ như thế nào? Gạt nước mắt, trở về Đà Lạt, thu xếp công chuyện rồi cô một mình về TP.HCM chạy chữa. “Thương chồng, cũng là giáo viên cùng trường, vừa lo con dại, vừa dạy học rồi ôm luôn tất cả các tiết dạy của mình. Nội ngoại ở tuốt nơi đất Bắc. Vợ chồng phải tự lực cánh sinh” – cô Liên tâm sự.

 

Hơn hai tháng nằm Bệnh viện Chợ Rẫy để phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và dùng phóng xạ điều trị là chừng ấy thời gian buồn tủi, lo lắng trong cô Liên. Lo con thơ không có hơi ấm của mẹ, thương chồng quá cực, thương học trò, thèm cảm giác đứng lớp… chừng đó đã vực dậy nghị lực mạnh mẽ trong cô Liên. Trở về nhà sau thời gian cách ly, cô Liên như đứa trẻ chập chững lại những bài tập thể dục vỡ lòng để dạy lại cho học sinh. “Cũng chính vì các em mà mình đã suy nghĩ lạc quan hơn. Nhờ thế, sự lạc quan giúp bệnh tật ngày càng thuyên giảm, niềm tin gắn bó với trường lớp cứ thế cho mình sự mạnh mẽ đến hôm nay” – cô Liên kể. Liên thổ lộ không biết bệnh tật rồi sẽ về đâu nhưng vì tình thương các em học sinh và đồng nghiệp chắc chắn sẽ giúp mình vượt qua tất cả. Hiện tại ngoài điều trị theo phác đồ của bác sĩ đưa ra, cứ khoảng ba đến sáu tháng cô phải về TP.HCM kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Nói về người đồng nghiệp trẻ, cô Đỗ Thị Thành, hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, cho hay cô Liên là một giáo viên có năng lực tốt và có một nghị lực sống mạnh mẽ, đầy lạc quan.

Ba câu chuyện, ba cuộc đời. Cho tới giờ phút này, hằng ngày những người thầy ở Đà Lạt vẫn kiên cường trên bục giảng. Và trong câu chuyện với người xung quanh, ánh mắt họ vẫn lấp lánh niềm tin và một tình yêu thương vô bờ bến đối với học trò nhỏ của mình. Đường đời gập ghềnh và các cô tiếp tục kiên trì chinh phục…

PHAN THÀNH