10/01/2025

Từ con nghiện thành chủ trang trại

Trước khi trở thành chủ trang trại mía có doanh thu hàng tỉ đồng, Nguyễn Hữu Phước từng là một con nghiện bị mọi người xa lánh.

 

Làm lại cuộc đời: Từ con nghiện thành chủ trang trại

Trước khi trở thành chủ trang trại mía có doanh thu hàng tỉ đồng, Nguyễn Hữu Phước từng là một con nghiện bị mọi người xa lánh.

 

Làm lại cuộc đời: Từ con nghiện thành chủ trang trại
Cuộc đời của Phước “sang trang” với trang trại mía – Ảnh: Ngọc Quyền

 

Cai đi nghiện lại…

Gặp Phước đang bận rộn với công việc trên đồng mía Ea Bung, tôi thoáng ngạc nhiên khi thấy vẻ ngoài khá già dặn so với tuổi 27 của anh. Khác với hình dung, Phước vào chuyện cởi mở, không hề dè dặt khi kể lại những năm tháng “hư hỏng” của mình…

Cách đây chừng 6 năm, khi vừa qua tuổi 20, Phước đã được xem là tay chơi nức tiếng trong giới “chích choác” ở xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Gia đình khó khăn khiến Phước bỏ học từ năm lớp 9 để vào đời sớm, theo đủ mọi nghề kiếm sống: từ thợ cơ khí, làm bánh mì, đến phụ xe, mở quán cà phê… Nhưng chính tại quán cà phê do mình quản lý, Phước lần đầu biết đến ma túy từ một nhóm bạn ngày ngày đến “ngồi đồng”. Nghe lời rủ rê thử bập “cái chết trắng”, Phước sa ngay vào con đường nghiện ngập.

Vào thì dễ nhưng ra khó, Phước ngày càng lún sâu vào thú chơi bại hoại, bao nhiêu tiền bạc làm ra trước đó đều bị nướng vào những tép thuốc có sức hút ma quái. Những thời điểm nghiện nặng, hằng ngày Phước tụ tập cùng nhóm năm, bảy người bạn sa ngã, không còn lao động, chỉ chăm chăm tìm cách có tiền, lén lút mua ma túy để thỏa cơn nghiện. Những lời khuyên can của người thân trong gia đình vẫn không thể dứt Phước ra khỏi cơn say ma túy. Phước đắng đót kể: “Khi nghiện nặng, mỗi ngày tôi tiêu tốn vài trăm ngàn đồng cho ma túy, trong khi không thể làm việc như trước để có tiền. Rồi nợ nần kéo đến như một kết cục tất yếu. Lúc đó, ngửa tay mượn tiền người thân, bạn bè, ai cũng lắc đầu từ chối, lại còn nhìn tôi với vẻ khinh rẻ, dè bỉu. Thậm chí, gia đình người yêu cũng ngăn cản, không muốn tôi quan hệ với con gái của họ”.

Một lần, Phước cùng vài người khác bị Công an xã Hòa Phú lập biên bản bắt quả tang đang có hành vi sử dụng ma túy và cho tập trung cai nghiện ngay tại xã trong một tuần lễ. Nhưng khi được trả về nhà, anh nghiện trở lại do không kiềm chế được trước cám dỗ. Tuy nhiên, bắt đầu từ đây Phước nhận ra không thể kéo dài mãi tình trạng nghiện ngập làm khổ gia đình, người thân, hủy hoại tuổi trẻ và tương lai. Có lần, Phước hạ quyết tâm một mình về hẳn ở vùng Tuy Đức (Đắk Nông) để tự cách ly, tìm cách cai nghiện trong nhiều ngày nhưng khi trở về nhà thì vẫn chứng nào tật ấy… 

 

 
 

Theo anh Y Quý Niê Siêng, Phó bí thư Thành đoàn Buôn Ma Thuột, Nguyễn Hữu Phước là một trong những điển hình thành công nhất trong số thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố. “Câu chuyện có hậu của Phước cũng là dẫn chứng sinh động, thuyết phục mà Đoàn, Hội “Thắp sáng niềm tin” ở cơ sở, nhất là ở xã Hòa Phú, đã tuyên truyền, góp phần giáo dục, cảm hóa thành công nhiều thanh niên nghiện ma túy, lầm lỡ khác”, anh Y Quý nhận định.

 

 

Bước ngoặt ở chốn rừng xanh

Phải trải qua vài lần cai đi nghiện lại, đấu tranh dữ dội với bản thân mình, Phước mới có cơ hội thoát khỏi ma túy. Năm 2010, anh quyết định bỏ phố lên rừng, tự mình chống chọi vật vã với từng cơn nghiện, chịu đựng sự cô đơn, vắng vẻ để dần tìm thấy niềm vui sống trong công việc nặng nhọc.

Năm đó, gia đình anh gom góp tiền bạc nhận nhượng lại vài héc ta đất trồng cây ngắn ngày từ đất rừng chuyển đổi ở Ea Bung, một xã sát biên giới của H.Ea Súp (Đắk Lắk). Lần đầu, vượt gần 100 km từ nhà đến nơi này, Phước thoáng chùn lòng khi nhìn cảnh bốn bề heo hút, nương rẫy bạt ngàn nhưng vắng bóng dân cư, thời tiết thì nóng bức, khắc nghiệt. Nhưng anh quyết ở lại, chặt gỗ, dựng lều để lập trang trại trồng mía. Những người thân trong gia đình thấy Phước quyết từ bỏ ma túy đều vui mừng, hết mực động viên anh. Phước bảo: “Khi nhìn thấy khu đất, tôi nghĩ rằng mình phải chấm dứt quá khứ lầm lỡ, bắt đầu cho tương lai ngay ở đây để không phụ sự kỳ vọng của người thân”.

Từ đó, Phước ăn ở dầm dề cùng trại mía, ngày đêm hùng hục với công việc cuốc đất, làm cỏ, chăm bẵm từng gốc mía từ khi nảy chồi đến ngày thu hoạch. Vụ mía đầu tiên, có lãi được vài trăm triệu đồng, Phước mua thêm gần chục héc ta đất lân cận. Thấy Phước tu chí làm ăn, gia đình hùn vào sắm thêm phương tiện, máy móc cơ giới để làm đất, đào mương, khoan giếng tưới… Vụ mía 2012 được mùa, với 23 ha thu hoạch hơn 1.200 tấn mía, Phước có doanh thu hơn 1 tỉ đồng. Năm ngoái, diện tích mía của trang trại anh tăng lên 28 ha, nhưng do thời tiết làm mất mùa, chỉ đạt khoảng 1.000 tấn mía cây, thu nhập ít hơn năm trước. Nhưng Phước lại có được niềm vui khác bù vào là chính thức lập gia đình với người bạn gái gần nhà mà có thời gian anh bị cấm cản do nghiện ngập.

Giờ đây, trang trại mía của Phước thuộc loại lớn nhất ở “làng mía” Ea Bung, vào mùa cao điểm anh thuê hàng chục lao động trong vùng giúp chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển mía. Không dừng ở cây mía, Phước cho biết anh đang tính chuyện “đa dạng hóa” cây, con, với kế hoạch năm nay sẽ trồng rừng chắn gió kết hợp lấy gỗ, làm chuồng trại nuôi bò, thỏ, gà… để tận dụng quỹ đất sẵn có, tăng thêm thu nhập.

Phước tâm sự, anh muốn gắn bó lâu dài với vùng đất Ea Bung này vì chính nơi đây giúp anh thoát khỏi những năm tháng sa ngã, bế tắc bởi ma túy, trở lại làm người có ích. Anh cũng muốn nhắn nhủ những thanh niên nghiện ngập hoặc lầm lạc nên biết trân trọng tuổi trẻ của mình, có quyết tâm vượt qua sự vây bủa của những cám dỗ để sớm hoàn lương, làm lại cuộc đời…

Ngọc Quyền