22/10/2024

Thánh Thể là Bí tích hợp nhất

“Thầy những khát khao mong mỏi được ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn!”. Qua những lời nói trên đây, Đức Giêsu bắt đầu cử hành bữa tiệc sau cùng của Người và thiết lập Bí tích Thánh Thể Cực Thánh.

 Thánh Thể là Bí tích hợp nhất

Thánh lễ Tiệc Ly
Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô
Thứ Năm Tuần Thánh, 21/4/2011

Anh chị em thân mến,

“Thầy những khát khao mong mỏi được ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu  khổ nạn!” (Lc 22,15). Qua những lời nói trên đây, Đức Giêsu bắt đầu cử hành bữa tiệc sau cùng của Người và thiết lập Bí tích Thánh Thể Cực Thánh. Đức Giêsu đi đến với giờ phút này, giờ phút mà Người khát khao mong mỏi. Người đã chờ đợi trong lòng giờ phút này, giờ phút mà Người sẽ tự hiến cho các môn sinh của Người dưới hình bánh rượu. Người đã chờ đợi giờ phút này, giờ phút mà một cách nào đó sẽ trở thành tiệc cưới Thiên Sai thực sự: khi Người biến đổi những tặng vật của thế giới này và trở nên một với môn sinh của mình, để biến đổi họ, và như thế, khai mở việc biến đổi thế giới. Trong nỗi ước muốn thiết tha của Đức Giêsu, chúng ta có thể nhận ra ước muốn của Thiên Chúa – tình yêu mong đợi của Ngài đối với nhân loại, đối với công trình sáng tạo của Ngài. Một tình yêu chờ đợi giờ phút kết hợp, một tình yêu muốn lôi kéo con người về với Thiên Chúa, và như thế để hoàn thành ước muốn của toàn thể tạo vật, bởi vì  tạo vật đang nóng lòng mong đợi Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài (x. Rm 8,19).

Đức Giêsu mong muốn chúng ta, Người chờ đợi chúng ta. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thực sự mong muốn Người không? Chúng ta có băn khoăn tìm gặp Người không? Chúng ta có muốn gặp Người, trở nên một với Người, đón nhận hồng ân Người ban tặng cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể Cực Thánh không? Hay chúng ta lãnh đạm, lo ra chia trí chia lòng, lòng đầy những điều khác? Từ những dụ ngôn của Đức Giêsu về tiệc cưới, chúng ta nhận thấy rằng Người biết tất cả những chỗ trống trong bàn tiệc, những thiệp mời bị từ chối, sự thiếu quan tâm đối với Người và sự hiện diện của Người. Đối với chúng ta, những chỗ trống trong bàn tiệc cưới của Chúa, có thể tha thứ hay không, không còn là một dụ ngôn nữa, mà là một thực tế trong những quốc gia mà Người đã mạc khải sự gần gũi của Người một cách đặc biệt. Đức Giêsu cũng biết về những khách mời đến dự tiệc nhưng lại không mặc y phục cưới – họ đến không phải để vui mừng vì có Người hiện diện, nhưng chỉ vì thói quen, vì lòng họ ở nơi khác.

Trong một số bài giảng của Thánh Grêgôriô Cả, ngài đặt câu hỏi: những người đến mà không mặc áo cưới là ai vậy? Chiếc áo cưới này là gì và làm thế nào để  có được nó? Và ngài trả lời: những người được mời và bước vào phòng tiệc một cách nào đó đã có đức tin. Chính đức tin mở cho họ cánh cửa phòng tiệc. Nhưng họ thiếu tình yêu làm y phục cưới. Ai không sống đức tin với tư cách là tình yêu thì không chuẩn bị để tham dự tiệc cưới và sẽ bị đuổi ra ngoài. Hiệp thông Thánh Thể đòi hỏi đức tin, nhưng đức tin đòi hỏi tình yêu, nếu không, sự hiệp thông Thánh Thể sẽ chết như đức tin vậy.

Từ bốn Phúc Âm, chúng ta biết rằng bữa tiệc sau cùng của Đức Giêsu trước khi Người chịu khổ nạn cũng bao gồm một phần giảng dạy. Một lần nữa, Đức Giêsu cấp bách đưa ra trọng tâm sứ điệp của Người. Lời và Bí tích, sứ điệp và hồng ân đều liên kết mật thiết với nhau. Tuy nhiên, trong bữa tiệc sau cùng của Đức Giêsu, Người đã dành nhiều giờ hơn cả để cầu nguyện. Thánh Matthêu, MarcoMaccô và Luca dùng hai từ để mô tả lời cầu nguyện của Đức Giêsu vào giây phút quan trọng nhất của buổi Tiệc Ly, đó là «eucharistesas» «eulogesas» – «tạ ơn» và «chúc lành». Lời tạ ơn được xem là chuyển động đi lên và chúc lành là chuyển động đi xuống, cả hai đều đi liền với nhau. Lời hoá thể cấu thành lời kinh của Đức Giêsu. Lời hoá thể là lời cầu nguyện. Đức Giêsu biến cuộc thương khó của Người thành lời cầu nguyện, thành của lễ dâng lên Cha vì phần rỗi nhân loại. Sự biến đổi đau khổ của Người thành tình yêu có sức mạnh biến đổi các hiến vật mà qua đó giờ đây Người tự hiến. Người ban tặng các hiến vật đó lại cho chúng ta để chúng ta và thế giới cũng được biến đổi. Mục đích sau cùng của sự biến đổi Thánh Thể là biến đổi chúng ta trong sự thông hiệp với Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể hướng đến con người mới, đến thế giới mới, điều này chỉ có thể xảy ra từ Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Tôi tớ Thiên Chúa.

Qua Thánh Luca và nhất là qua Thánh Gioan, chúng ta biết rằng trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu cũng đã cầu nguyện với Cha  – lời kinh này chứa đựng những lời cầu xin tha thiết cho các môn đệ của Người vào lúc đó cũng như của mọi thời đại. Giờ đây tôi chỉ muốn lấy một lời cầu xin mà theo Thánh Gioan, Đức Giêsu đã lặp lại đến 4 lần trong lời Kinh Linh mục của Người. Lời Kinh này làm cho Người băn khoăn biết bao! Đó là Lời Kinh mà Người không ngừng dâng lên Chúa Cha vì chúng ta: lời kinh cầu cho hợp nhất. Đức Giêsu đã minh nhiên nói rằng lời cầu xin này không chỉ dành cho các môn đồ đang có mặt lúc đó, mà còn cho tất cả những ai sẽ tin vào Người (x. Ga 17,20). Lời cầu xin cho tất cả nên một «như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con» (Ga 17,21). Sự hợp nhất các Kitô hữu chỉ có thể thực hiện được, nếu họ kết hợp mật thiết với Người, với Đức Giêsu. Đức tin và tình yêu đối với Đức Giêsu, đức tin vào Đức Giêsu là một với Chúa Cha và sẵn lòng trở nên một với Người là điều thiết yếu. Như thế, sự hợp nhất này không chỉ là một cái gì bên trong hay mang tính thần bí. Sự hợp nhất này phải trở nên hữu hình, hữu hình đến độ chứng minh cho thế gian rằng Đức Giêsu đã được Cha sai đến. Chính vì thế, lời kinh của Đức Giêsu mang một ý nghĩa Thánh Thể cơ bản đã được thánh Phaolô trình bày rõ ràng trong Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô: «Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra đó chẳng phải là dự phần vào Thân mình Đức Kitô sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh duy nhất, nên tuy nhiều người chúng ta cũng chỉ là một thân thể, bởi vì tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh duy nhất ấy» (1Cr 10,16tt).

Giáo Hội đã được sinh ra từ Bí tích Thánh Thể.  Tất cả chúng ta ăn cùng một tấm bánh và lãnh nhận cùng một thân mình Chúa; điều này có nghĩa là Người mở lòng mỗi người chúng ta đón nhận một cái gì đó vượt lên trên và vượt qua bên kia con người chúng ta. Người làm cho tất cả chúng ta nên một. Thánh Thể là mầu nhiệm diễn tả sự gần gũi thân tình và hiệp thông của mỗi người với Chúa. Và đồng thời là mầu nhiệm nói lên sự kết hợp hữu hình giữa tất cả mọi người. Thánh Thể là Bí tích của sự hợp nhất. Thánh Thể đưa đến tận mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, và như thế, tạo nên sự hợp nhất hữu hình. Tôi xin được nói lại lần nữa: Thánh Thể là sự gặp gỡ hoàn toàn cá nhân với Chúa, thế nhưng, không bao giờ chỉ là một động tác đạo đức cá nhân. Dĩ nhiên chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Thể. Trong mỗi cộng đoàn, Chúa đều hiện diện một cách trọn vẹn. Nhưng trong mọi cộng đoàn Người chỉ là một. Chính vì thế câu nói: «Una cum Papa nostro et cum Episcopo nostro» (cùng với Đức Giáo hoàng…, Đức Giám mục… chúng con) dĩ nhiên phải là phần thiết yếu của Kinh nguyện Thánh Thể của Giáo Hội. Câu nói này không phải là một điều gì đó được thêm vào có tính cách ngoại tại, mà là một cách biểu lộ cần thiết của chính thực thể của Bí tích Thánh Thể. Và chúng ta nêu tên Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục: sự hợp nhất hoàn toàn mang tính cụ thể, sự hợp nhất có những tên gọi. Như thế, sự hợp nhất trở nên hữu hình, sự hợp nhất trở nên một dấu chỉ cho thế giới và một tiêu chuẩn cụ thể cho chúng ta.

Thánh Luca còn giữ cho chúng ta một yếu tố cụ thể trong lời kinh của Đức Giêsu cầu cho các môn đệ được hợp nhất: “Này Simon, Simon, Satan đã xin được sàng các con như sàng gạo, nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con không phải mất niềm tin. Như thế, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em con nên vững mạnh” (Lc 22,31tt). Ngày hôm nay, một lần nữa, chúng ta lại phải đau khổ mà ghi nhận rằng Satan lại có dịp sàng các môn đệ một cách hữu hình ngay trước mặt thế gian. Và chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã cầu nguyện cho đức tin của Phêrô và của những người kế vị Phêrô. Chúng ta biết rằng Phêrô, qua những dòng nước xoáy của lịch sử, đang đi đến gặp Chúa và ông đã suýt chìm, và bàn tay Chúa luôn đỡ và đưa ông đi trên sóng nước. Nhưng Đức Giêsu tiếp tục với một lời tiên báo và một uỷ nhiệm. «Như thế, một khi đã trở lại…»: Tất cả mọi người, ngoại trừ Đức Maria, vẫn luôn cần hối cải. Đức Giêsu nói cho Phêrô biết trước ông sẽ sa ngã và chỗi dậy. Phêrô phải hối cải điều gì? Lúc đầu, khi được Chúa gọi, ông cảm thấy hoảng sợ vì quyền uy thần thánh của Chúa và nỗi khốn cùng của mình, Phêrô đã thưa: «Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ có tội!» (Lc 5,8). Dưới ánh sáng của Chúa, ông nhận sự bất toàn của mình. Chính vì thế, trong sự khiêm nhường của người biết mình là tội nhân mà Chúa đã gọi ông. Phêrô luôn cần phải tìm lại sự khiêm nhường này.

Tại thành Cêsarê Philipphê, Phêrô không thể chấp nhận việc Đức Giêsu phải chịu đau khổ và chịu đóng đinh. Điều này không thể nào dung hợp được với hình ảnh mà ông có về Thiên Chúa và về Đấng Thiên Sai. Trong phòng Tiệc Ly, ông không muốn chấp nhận Đức Giêsu rửa chân cho mình: điều này không thể nào đi liền được với ý tưởng ông có về phẩm giá của Thầy. Trong Vườn Cây dầu, ông đã dùng đến gươm. Ông muốn chứng tỏ mình can đảm. Tuy nhiên, trước mặt người tớ gái, ông đã quả quyết mình không biết Đức Giêsu. Lúc đó ông xem đó chỉ là một lời nói dối nhỏ nhoi để có thể ở gần Đức Giêsu. Lòng can đảm của ông đã suy sụp vì một trò chơi bủn xỉn để có được một chỗ trọng tâm trong biến cố. Tất cả chúng ta cũng phải học lại để biết chấp nhận Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô như Ngài là, chứ không phải như chúng ta muốn Ngài là thế này thế nọ. Chúng ta cũng khó mà chấp nhận Người phải gắn liền với những giới hạn của Giáo Hộ cũng như của các thừa tác viên của Người. Chúng ta cũng không muốn chấp nhận Người không có quyền hành gì trên trần gian này cả. Chúng ta cũng tìm cách thanh minh khi thấy làm môn đệ Người phải trả bằng một giá quá đắt và quá nguy hiểm. Tất cả chúng ta đều cần hối cải để đón nhận Đức Giêsu trong thực thể Người là Thiên Chúa và là con người. Chúng ta cần sự khiêm nhường của người môn đệ làm theo ý muốn của Thầy mình. Chiều nay, chúng ta cầu xin Người đưa mắt khoan dung nhìn đến chúng ta như Người đã nhìn Phêrô, vào lúc cần thiết và giúp chúng ta hoán cải.

Phêrô, con người hối cải, được Chúa mời gọi để giúp anh em mình đứng vững. Nhiệm vụ Chúa giao cho Phêrô trong phòng Tiệc Ly không phải là không thích hợp. Thừa tác vụ hợp nhất được thể hiện trong buổi cử hành Thánh Thể. Các bạn thân mến, Đức Giáo hoàng cảm thấy được an ủi nhiều khi người biết rằng trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể, mọi người đều cầu nguyện cho người, rằng lời cầu nguyện của chúng ta kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa dành cho Phêrô. Chỉ nhờ lời cầu nguyện của Chúa và của Giáo Hội mà Đức Giáo hoàng mới có thể chu toàn được nhiệm vụ của người là kiên vững anh em mình – là chăn dắt đoàn chiên của Đức Giêsu và bảo đảm cho sự hợp nhất này, sự hợp nhất trở nên một chứng tá hữu hình cho sứ mệnh mà Đức Giêsu đã nhận được từ Chúa Cha.

«Thầy những khát khao mong mỏi được ăn lễ Vượt Qua này với các con». Lạy Chúa, Chúa khát khao chúng con, Chúa khát khao con. Chúa muốn tận hiến cho chúng con trong Bí tích Thánh Thể, Chúa muốn kết hợp với chúng con. Lạy Chúa, xin hãy làm phát sinh trong chúng con ước muốn Chúa. Xin hãy làm cho chúng con được vững mạnh trong sự hợp nhất với Chúa và với chúng con. Xin hãy ban cho Giáo Hội của Chúa được hợp nhất để cho thế gian tin. Amen.