Những nhạc công phi thường
Những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ và mang trong mình nhiều khuyết tật khác đang được nuôi dạy tại Trường thiểu năng Hoa Phong Lan (Đà Lạt) đã trở thành những nhạc công sau hai tháng cật lực luyện tập.
Những nhạc công phi thường
Trẻ thiểu năng chơi nhạc cụ bộ lắc và bộ gõ nhập từ Hàn Quốc – Ảnh: Mai Vinh |
Đêm hòa ca Đồng hành Đêm 19 và 20-4 tại rạp hát Hòa Bình (P.1, Đà Lạt) sẽ diễn ra chương trình ca nhạc cải thiện nhận thức cộng đồng về người khuyết tật. Chương trình mang tên Đồng hành, do Hiệp hội Hỗ trợ giáo dục đặc biệt Hàn Quốc KOICA, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức với sự tham gia của hơn 150 học sinh thiểu năng trí tuệ và người khuyết tật tại Lâm Đồng. Chương trình còn có sự tham gia của học sinh, sinh viên và các khách mời như Đình Nguyên, ca sĩ Phương Anh (Vietnam’s Got Talent), nghệ sĩ Thế Vinh (nổi tiếng với tài đánh đàn một tay và thổi kèn harmonica cùng lúc)… |
Các em đang hồ hởi đếm từng ngày để bước lên sân khấu rực rỡ ánh sáng biểu diễn cùng những người bạn đồng cảnh ngộ, những người bình thường và cả những ca sĩ trong hai đêm nhạc 19 và 20-4.
Cô Nguyễn Hồ Châu Linh – giáo viên Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt tỉnh Lâm Đồng – bảo rằng mọi người gọi nhóm nhạc công ấy là nhóm nhạc công phi thường vì các em đã làm những điều vượt xa khả năng của mình. Sau nhiều năm giảng dạy cho trẻ thiểu năng, đây là lần đầu tiên cô Linh được tham gia hướng dẫn các em học biểu diễn nhạc cụ và đây cũng là lần đầu tiên tại Đà Lạt, những đứa trẻ thiểu năng được dạy chơi những nhạc cụ đơn giản thuộc bộ gõ và lắc. Tất cả nhạc cụ được thiết kế riêng cho người thiểu năng được nhập từ Hàn Quốc.
Ý tưởng dạy các em chơi nhạc và biểu diễn trước đám đông là của bà Choi Young Suk, thành viên Hiệp hội Hỗ trợ giáo dục đặc biệt Hàn Quốc KOICA. “Các em sẽ không cảm thấy thua kém mọi người, thậm chí thấy mình là người tài giỏi hơn vì chơi được nhạc cụ. Các em sẽ truyền cảm hứng cho những người thực tế là rất may mắn so với các em” – bà Choi nói. Theo bà Choi, trong giáo dục trẻ thiểu năng tại Hàn Quốc, việc tập cho các em chơi một nhạc cụ đơn giản phù hợp với khả năng là bắt buộc, trong khi ở VN chỉ dừng lại ở việc tập múa hát. Bà nói thêm: “Nhạc cụ giúp các em khám phá, ý thức được điểm mạnh và thế yếu của mình. Tự nhận ra được điều đó các em sẽ thay đổi nhiều hơn”.
Sát ngày biểu diễn, lên sân khấu để tập lại lần cuối, các em xuất hiện có phần lịch lãm trong những chiếc áo ghilê nhiều màu sắc cùng những chiếc mũ phớt. Nhìn các em tự tin chuẩn bị hòa ca liên khúc Con chim non, Cô và mẹ, không ai nghĩ rằng các em đang chịu quá nhiều thiệt thòi về trí lực và thể chất. Tiếng những nhạc cụ ngân lên từ những đôi bàn tay yếu ớt khiến cả khán phòng với rất nhiều sinh viên đến từ các trường tại Đà Lạt lặng đi, những người hướng dẫn không tài nào kiềm được cảm xúc đang rưng rưng nơi khóe mắt. Anh Trần Mạnh Thu, khuyết tật ở chân, cũng tham gia biểu diễn. Tiết mục vừa kết thúc, anh đưa tay quệt ngang khóe mắt: “Tưởng mình là người kém may mắn, té ra mình quá may mắn. Nỗ lực của mình so với các em chỉ ví như hạt bụi thôi”.
Rời khỏi sân tập, các em ùa đến người hướng dẫn là cô Linh đang đứng bên cánh gà và hỏi liên hồi: “Con giỏi không cô?”. Câu hỏi lặp đi lặp lại và cô Linh đáp lại những đôi mắt đang ngóng đợi bằng cái vuốt tóc nhẹ. Cô chỉ về hướng những sinh viên Đại học Đà Lạt đang diễn karate trên nền nhạc Gangnam style và mỉm cười nói: “Con giỏi như mấy anh chị kia kìa!”.
MAI VINH