26/11/2024

Bài thương khó theo thánh Gioan

Ngày Thư Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của Lm. Nguyễn Công Đoan,S.J. để chúng ta cùng hiệp thông với Chúa và với nhau.

 Bài thương khó theo thánh Gioan

L.M. Giuse Nguyễn Công Đoan,

S.J.Giám đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh Gierusalem, 

 

Sau khi bài viết về Cuộc Thương Khó theo thánh Matthêu được phổ biến qua mạng truyền thông và điện thư, nhiều người ngỏ ý muốn tôi tiếp tục viết về bài Thương Khó trong cả bốn sách Phúc Âm. Tôi định bụng là nếu Chúa để sống thì mỗi năm viết về một sách Phúc Âm, nhưng nhớ câu châm ngôn của nhà nghèo: “biết có sống đến mai mà để dành củ khoai đến tối”, tôi tra tay viết ngay về bài Thương Khó theo thánh Gioan, vì năm nào cũng đọc vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, hy vọng kịp cho Tuần Thánh năm nay 2014.

Những yếu tố giúp hiểu bài Thương Khó theo thánh Gioan

1/ Trước hết cần chú ý đến cách nhìn về Chúa Giêsu và phương pháp trình bày được nêu ngay trong lời mở đầu (Ga 1,1-18)

Nguồn gốc và bản chất Chúa Giêsu

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời –  Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa (câu 1)

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và “cắm lều” giữa chúng ta (câu 18) [dịch sát].

Chúa Giêsu đến đem cho chúng ta điều gì?

Những ai đón nhận tức là những ai tin vào Danh người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa… được sinh ra do bởi Thiên Chúa (câu 12-13).

Thiên Chúa chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ [dịch sát: kể] cho chúng ta biết (câu 18).

Những người làm chứng đã thấy gì?

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, Vinh Quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ơn sủng và sự thật (câu 14).

Phương pháp trình bày

Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê còn ân sủng và sự thật [ds. tình yêu và sự thành tín], thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có (câu 17).

Lề Luật tiêu biểu cho Giao Ước ở núi Xinai qua đó Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu và lòng thành tín của Người đối với Abraham: giải thoát dòng dõi Abraham khỏi ách nô lệ và lập giao ước để nhận họ làm dân riêng của Thiên Chúa, ban cho họ Lề Luật qua tay Môsê để họ sống làm dân riêng của Chúa và được vào miền Đất Chúa đã hứa cho Abraham (x. Đnl 7,7-11)

Chúa Giêsu là “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (câu 14) [ds: Tình Yêu và sự thành tín] nên không chỉ là một ơn huệ của tình yêu mà là chính Tình Yêu và sự thành tín của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thiên Chúa không đòi lại, nhưng để cho Con Một yêu dấu của mình chết treo thập giá. “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được dương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14).

Đưa ra sự so sánh này là đã vạch cho thấy phương pháp trình bày: Lề Luật được ban qua Môsê như quà tặng của Tình Yêu do lòng thành tín, giữ lời hứa với Abraham, mới chỉ là “cái bóng”, còn Chúa Giêsu mới là “cái hình”: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9); là chính Tình Yêu và lòng thành tín, vì khi đã ban Con Một thì Thiên Chúa đã ban chính mình, không còn gì khác để ban: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17).

Cả Tin Mừng theo thánh Gioan là câu chuyện, là bài ca Tình Yêu tuyệt vời, trong đó Thiên Chúa tự mặc khải nơi Chúa Giêsu, Chúa Giêsu kể cho chúng ta biết “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Chúa Giêsu không chỉ kể bằng lời, mà kể bằng chính cuộc sống và cái chết của mình, vì Chúa là “Lời đã làm người”để kể. Chúa nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9) rồi lại thêm: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy”(Ga 15,13-14). Vậy cái chết của Chúa vừa là “để cho thế gian thấy rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (14,31), vừa là để cho chúng ta thấy Chúa Cha yêu thương chúng ta như thế nào: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,9-10). Thật ra thì toàn bộ “lời tâm sự” từ chương 13 đến chương 17 là Chúa Giêsu kể cho chúng ta biết tên thật của Thiên Chúa: “Con đã cho họ biết Danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”(17,26). Trong thư thứ I, thánh Gioan sẽ nói rõ Tên thật của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16).

 Phương pháp Tin Mừng Gioan trình bày mầu nhiệm Chúa Giêsu là so sánh hình (Chúa Giêsu) với bóng (Lề Luật và Môsê). Ngay trong lời mở đầu, chúng ta đã thấy sự so sánh được gợi lên trong câu “cắm lều ở giữa chúng ta”, vì trong sa mạc, ông Môsê dựng lều Hội Ngộ ở bên ngoài trại (x. Xh 33,7-11) còn Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã thành người phàm và cắm lều ở giữa chúng ta. Chính khi Chúa chịu treo thập giá thì điều này hiện rõ hơn cả: “Tại đó họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên” (Ga 19,18) [Các sách tin Mừng Nhất Lãm nói Chúa bị đóng đinh giữa hai người trộm cướp].

Ngay sau khi nhắc đến Lề Luật và Môsê, lại có câu “Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ”, khiến người biết Ngũ Thư (sách Luật Môsê) không thể không nghĩ tới chuyện ông Môsê xin Thiên Chúa cho thấy mặt, bị từ chối: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người  không thể thấy Ta mà vẫn còn sống… Đây là chỗ gần Ta; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. Rồi Ta sẽ rút tay lại và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy” (Xh 33,20). Như vậy Chúa Giêsu hơn hẳn ông Môsê; các môn đệ cũng hơn ông Môsê vì đã được thấy vinh quang của Chúa Giêsu, “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

Lần đầu tiên Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ thấy vinh quang của Người là ở tiệc cưới Cana. Tột đỉnh vinh quang sẽ tỏ hiện trên thập giá, vì đó là nơi Chúa Giêsu được tôn vinh, là ngai toà của Chúa.

2. Chìa khoá vạn năng

Thí dụ điển hình này cho thấy muốn hiểu và cảm nếm được mầu nhiệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh theo cách trình bày của sách Tin Mừng Gioan, chúng ta cần phải nắm vững tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước như hai giai đoạn không thể tách rời trong lịch sử cứu độ và hai phần của cùng một Sách Thánh: Cựu Ước là giai đoạn chuẩn bị trong đó Tân Ước đã đươc loan báo qua các sự việc và lời ngôn sứ, và Chúa Giêsu đến là để thực hiện mọi lời hứa, mọi lời loan báo. Châm ngôn của các giáo phụ: “Tân Ước ẩn tàng trong Cựu Ước, Cựu Ước hiện rõ trong Tân Ước”, chỉ là phát biểu một nguyên tắc do chính Chúa Giêsu và các tông đồ để lại. Trong sách Tin Mừng Mt, Chúa Giêsu tuyên bố “Ta đến không phải để bãi bỏ Lề Luật nhưng để làm tròn” (Mt 6,17). Trong Lc 24, Chúa Giêsu Phục Sinh giải nghĩa cho các môn đệ: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh [toàn thể các sách Cựu Ước] đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Khốn nỗi các ông đã không hiểu gì nên bị chao đảo. “Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi người ta sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,44-48). Thế là Chúa Giêsu “giải huyệt ngu” cho môn đệ hiểu về những gì đã xảy ra cho Chúa và về sứ mạng của họ nữa. Trong sách Tin Mừng Gioan thì Chúa giải huyệt ngu bằng cách gửi Thánh Thần xuống: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).

Chìa khoá vạn năng Chúa Giêsu trao cho các môn đệ để hiểu về Chúa là các sách Cựu Ước. Thánh Thần sẽ dạy các ông biết sử dụng chìa khoá đó. Vì thế lời rao giảng của các Tông Đồ và tất cả các sách Tin Mừng cũng như cách sách, thư khác trong Tân Ước đều vận dụng Cựu Ước bằng nhiều cách để giải nghĩa mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô và đời sống các môn đệ.

Mỗi sách Tin Mừng có một cách thức khác nhau khi vận dụng Cựu Ước. Trong các bài về Tin Mừng thời Thơ Ấu dịp lễ Giáng Sinh vừa qua và bài về cuộc Thương Khó theo thánh Matthêu tôi đã trình bày cách thức sách Tin Mừng này vận dụng Cựu Ước. Tin Mừng thứ tư và ba lá thư của thánh Gioan cũng như sách Khải Huyền đều thuộc cùng một “trường phái” trong cách nhìn về Chúa Giêsu và cách vận dụng Cựu Ước. Trong bài này tôi không muốn làm người đọc “chia trí” về lý thuyết, nhưng đi thẳng vào thực hành. Nếu ta ví trình thuật trong sách Tin Mừng như một tấm thảm, một bức hoạ để giúp ta chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, ta phải kiên trì lần theo từng “sợi chỉ” từ lúc nó được đặt vào khung vải, xem nó được đan kết thế nào cho tới khi nó xuất hiện trên mặt hoàn chỉnh của tấm thảm. Tin Mừng Gioan rút từng sợi chỉ trong Cựu Ước để làm dây dẫn, kết với các sợi chỉ màu trong mầu nhiệm Chúa Giêsu. Khi ta nắm được phần nào ý nghĩa những màu sắc, đường nét thì ta sẽ có thể chiêm ngắm chiều sâu của “chân dung” được đặt trước mắt mình. Nếu ta ví cả Sách Thánh như một bản trường ca, một bản đại hoà tấu trong đó Chúa Giêsu là hoà âm tột đỉnh, thì mỗi chủ đề, mỗi làn điệu đã lần lượt xuất hiện nhẹ nhàng, bí ẩn trong Cựu Ước, và triển khai dần dần cho tới khi tất cả trở nên rõ ràng và hoà hợp tuyệt vời trong Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy đưa mắt nhìn kỹ xem các đầu mối của những sợi chỉ chính, hay những làn điệu chủ, khởi đầu ở chỗ nào và sẽ xuất hiện như thế nào khi tới tột đỉnh trong cuộc “tôn vinh” trên thập giá. Nhưng Tin Mừng thừ tư rất phong phú, có lẽ phải so sánh như một khối nhiều mặt, Ta chỉ có thể nhìn từng mặt và để cho tất cả thấm nhập vào lòng trí ta, rồi trong thinh lặng tất cả sẽ toả sáng trong lòng, trong tim ta.

I. Luồng sáng chính soi toàn thể khối tình của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô

Trong lời mở đầu, hai lần đề cập tới ông Gioan và lời chứng của ông “để mọi người nhờ ông mà tin” (1,7). Sau đó theo “dàn bài” chung của các sách Tin Mừng, sách Tin Mừng thứ tư cũng bắt đầu với ba lần kể việc ông Gioan làm chứng về Chúa Giêsu, và sau lần thứ ba thì hai người môn đệ của ông đi theo Chúa Giêsu. Danh hiệu ông dùng để giới thiệu Chúa Giêsu là lời đã đi vào phụng vụ thánh lễ: “Đây là con chiên của Thiên Chúa, đây là Đấng xoá bỏ tội trần gian”. Danh hiệu này là một tổng hợp nhiều yếu tố trong Cựu Ước, và sẽ là một trong những nét chính để hiểu cuộc Thương Khó với cả hai yếu tố.

Con chiên là con vật được dùng trong lễ Vượt Qua và trong nhiều cuộc tế lễ. Chúng ta thường nghĩ ngay đến con Chiên Vượt Qua (x. Xh 12). Nhưng thánh Gioan nói “Con chiên của Thiên Chúa”, thì ít nhất phải hiểu là con chiên do chính Thiên Chúa sắm, ban cho.

Con chiên Vượt Qua thì sách Xuất Hành quy định: “Ngày mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người” (Xh 12,3-4). Chúng ta sẽ trở lại các yếu tố liên quan tới chiên Vượt Qua trong Cựu Ước và trong bài Thương Khó.

Con Chiên của Thiên Chúa thì chúng ta phải tìm trong chuyện Abraham đem con một yêu dấu là Isaac lên núi để dâng làm lễ tế cho Thiên Chúa (x. St 22). Cần đọc kỹ lại đoạn này [tôi xin phép thay đổi bản dịch một chút để theo sát bản văn Hipri hầu làm rõ một vài nét mà khi dịch xuôi không diễn được]. “Thiên Chúa thử lòng ông Abraham, Người gọi ông: Abraham! Ông thưa: Dạ, con đây! Người phán: Hãy đem đứa con của ngươi, đứa con duy nhất của ngươi mà ngươi yêu dấu, đi đến đất Môria mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đó, trên một trong những ngọn núi mà ta sẽ bảo ngươi. Buổi sáng, ông Abraham dậy sớm, ông thắng lừa, đem theo mình hai đầy tớ và Isaac con ông, và ông bổ củi dùng cho lễ toàn thiêu, rồi ông đứng dậy đi đến nơi Chúa đã bảo ông. Ngày thứ ba, ông Abraham ngước mắt lên và thấy nơi đó từ xa. Ông Abraham nói với các đầy tớ: “Các anh ở lại đây với con lừa; còn tôi và đứa trẻ, chúng tôi đi tới đàng kia. Chúng tôi thờ phượng rồi sẽ trở lại với các anhÔng Abraham lấy củi dùng cho lễ toàn thiêu đặt lên vai Isaac con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay mình, rồi hai người cùng đi với nhau. Isaac thưa với cha là ông Abraham: “Cha ơi!” Ông Abraham đáp: “Cha đây, con!” Cậu nói: “Lửa và củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” Ông Abraham đáp: “chính Thiên Chúa sẽ tự lo liệu chiên làm lễ toàn thiêu, con ạ”. Rồi hai người cùng đi với nhau. Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, rồi trói Isaac con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình”.

Nhưng đến giây phút quyết liệt này, nhìn tay ông Abraham cầm lấy dao, chúng ta phải rùng mình nhắm mắt lại… thì: “Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông: “Abraham! Abraham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” Ông Abraham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Abraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.

Nên chú ý mấy chi tiết văn chương để “cảm” được chuyện này: từ đầu chúng ta được biết đây là chuyện Thiên Chúa thử lòng ông Abraham thôi, tuy chưa biết chuyện sẽ tới đâu. Sự nhấn từng chữ về tương quan của Isaac với Abraham như ngắt từng mảnh trái tim Abraham, cộng thêm sự nhắc đi nhắc lại tên ông Abraham và “Isaac con ông”, “hai người đi cùng với nhau”… gây một hiệu ứng làm não lòng người. Lời ông nói với đầy tớ “chúng tôi sẽ trở lại với các anh” và câu trả lời cho Isaac đều có vẻ bí ẩn và khơi cho chúng ta chờ đợi một sự “đột biến”. Cả hai điều sẽ thành sự thật vì Thiên Chúa thực hiện sự đột biến. Hai cha con đi cùng với nhau, Abraham đã sẵn sàng không chỉ trong lòng mà với cả hai tay để dâng con làm lễ toàn thiêu, hẳn phải đứt ruột khi nghe con gọi mình lần cuối “cha ơi!” và ông nói với con lần cuối “cha đây, con!”; ông biết ông sắp dâng con làm của lễ mà con lại hỏi “con chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” Thiên Chúa cũng phải não lòng nhìn cảnh ấy và thực hiện điều ông đã nói để an ủi con và khích lệ chính mình: Thiên Chúa tự lo cho có con chiên để làm lễ toàn thiêu và trả lại cho ông đứa con, đứa con duy nhất mà ông yêu dấu, và thề hứa: “Ta lấy chính Danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó… nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông đúc… và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nhờ dòng dõi ngươi” (St 22,16-18).

Nhưng chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi đọc tiếp: “Ông Abraham trở lại với các tôi tớ của ông. Họ đứng dậy và đi cùng với nhau tới Bơe Seva”. Chúng ta tự hỏi tại sao bản văn không nói đến đứa con nữa? Phải chăng là vì tuy Thiên Chúa không để ông giết đứa con nhưng đã nhận làm của lễ nên từ nay đứa con hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa rồi, trong lòng Abraham thì Isaac đã ở lại trên bàn thờ.

Trong Cựu Ước Thiên Chúa tự xưng danh là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacob” (Xh 3,6). Trong sách Tin Mừng thứ tư, tên ông Abraham được nhắc nhiều lần trong cuộc tranh luận về dòng dõi Abraham (chương 8), và cuối cùng Chúa Giêsu tuyên bố hai điều: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ. Người Do Thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, trước khi có Abraham thì tôi, Tôi Hằng Hữu!”

Đoạn văn ngắn này rất súc tích: niềm hy vọng và niềm vui của Abraham là Chúa Giêsu, mà Isaac là cái bóng. Abraham đã thấy và mừng rỡ khi được Thiên Chúa báo bà Sara sẽ sinh cho ông một đứa con trai, ông cười (St 17,16-17) bà cười (18,10-15) rồi khi con sinh ra thì: “Chúa đã làm cho tôi cười và tất cả những ai nghe biết sẽ mỉm cười với tôi” (21,6); cái tên Isaac có nghĩa là “Ông Cười”. Chẳng có biến cố nào trong Cựu Ước “cười” nhiều đến thế [bảy lần]. Bản văn Tin Mừng không nêu tên Isaac, nhưng ám chỉ cách kín đáo mà ai biết Sách Thánh cũng nhận ra ở 3,16 và ở đây. Giacob là ông tổ đời thứ ba thì cũng được gợi lên khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ đầu tiên: “Các anh sẽ thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51). Chúa Giêsu là cái thang nối đất với trời mà Giacob mơ thấy (x. St 28,10-19). Khi nói chuyện với người đàn bà Samari, tên ông Giacob được nêu rõ, Chúa Giêsu cũng cho thấy Chúa hơn Giacob, vì nước giếng Giacob uống rồi lại khát, còn nước Chúa cho thì uống rồi hết khát luôn (Ga 4,13-14). Như vậy Chúa Giêsu tự nhận cả hai danh xưng Thiên Chúa đã nói với Môsê trong sách Xuất Hành (3,5.14): “Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob” và “Ta Là Đấng Hằng Hữu”. Bản văn Tin Mừng không nêu tên Isaac, vì Isaac là “cái bóng” của Chúa Giêsu. Abraham thấy Isaac là đã thấy “cái bóng” của Chúa Giêsu rồi.

Chúa Giêsu là “con chiên của Thiên Chúa” và chính Thiên Chúa để cho con của mình trở thành của lễ thì không còn gì để thay: “để cho thế gian thấy rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (14,31). Thánh Phaolô cũng đã kêu lên: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta… Không có gì tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8,32.39).

Trước khi Chúa Giêsu bị nộp, chúng ta cũng gặp một cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, tương tự như cuộc đối thoại giữa Isaac và Abraham. Khi người Hy Lạp tìm đến gặp Chúa Giêsu thì Chúa kêu lên: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”, nhưng liền sau đó Chúa thú nhận là mình á khẩu: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa… Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Người phải chết cách nào” (Ga 12,23.27-28.32).

Trong Tin Mừng thứ tư, Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn với cách nói “được giương cao” “được tôn vinh”. Ở đây Chúa nói được tôn vinh, được giương cao, và xin Cha tôn vinh Danh Cha. Sau này Chúa cầu nguyện: “Lạy Cha! Giờ đã đến! Xin tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Lúc này Cha đáp lại: Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa. Thiên Chúa không chịu thua Abraham: là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”. Đến lượt Thiên Chúa, Ngài cũng yêu loài người, nên Con Một của Ngài, Ngài cũng chẳng tiếc, chính Ngài chấp nhận để Con bị đóng đinh thập giá. Nhìn cảnh Abraham dẫn con lên núi để giết làm của lễ toàn thiêu, Thiên Chúa cũng phải đứt ruột nên ngăn tay ông lại. Sách tin Mừng thứ tư kể “Chúa Giêsu vác lấy thập giá của mình”, gợi lại hình ảnh Abraham chất củi dùng cho của lễ toàn thiêu lên vai Isaac mà ông sắp dâng làm lễ toàn thiêu, còn ông cầm dao và lửa trong tay mình, hai người cùng đi với nhau. Bây giờ Chúa Giêsu cũng không đi một mình, như Chúa đã nói : “Này đến giờ, và giờ ấy đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16,32). Vậy khi Chúa Giêsu vác lấy thập giá của mình [chú ý là Ga không kể việc ông Simon vác thập giá đỡ Chúa Giêsu!], chính Chúa Cha dẫn Con Một lên núi để Con chết treo thập giá, Chúa Cha cầm lửa trong tay, lửa của Tình Yêu mà “nước lũ không dập tắt nổi, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8,7). Hẳn Thiên Chúa cũng phải đứt ruột nhưng chẳng có ai để can và cũng chẳng ai can được, vì “tình yêu mạnh như cái chết” (Dc 8,6).

Cách nhìn trên đây được xác nhận qua việc Gioan mở đầu cuộc sống công khai bằng tiệc cưới Cana với rượu ngon hảo hạng do Chúa Giêsu cung cấp, rồi dẫn vào cuộc Thương Khó với tiệc mừng Ladarô sống lại, trong đó Maria đổ nguyên chai dầu thơm quý giá mà người sành điệu như Giuđa ngửi mùi là biết ngay giá tiền và đánh giá là hoang phí! Nhưng hình ảnh tiếp theo là nhiều người Do Thái đến để xem Chúa Giêsu và xem Ladarô Ga 12,12-19 (phụng vụ đọc trong thánh lễ thứ hai Tuần Thánh): một ám chỉ tới sách Diễm Ca mà người Do Thái vẫn hiểu là bài ca diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa với dân và đất được tuyển chọn và hiện nay vẫn đọc vào dịp lễ Vượt Qua (năm nay trùng với Tuần Thánh):

Mùi hương anh thơm ngát, tên anh là dầu thơm man mác toả lan, thảo nào các thiếu nữ mê say mộ mến…

Lúc quân vương ngự giữa nội cung, dầu cam tùng của tôi toả hương thơm ngát (Dc 1,2.12).

Khi Chúa phục sinh, chuyện Chúa hiện ra với bà Madalena lại gợi hai cảnh “mất, tìm và gặp” trong Diễm Ca 3-6. Trong khi Luca trích bài ca người tôi tớ đau khổ ngay cuối bữa Tiệc Ly: “Người bị liệt vào hàng phạm pháp” (22,37) và dùng bài ca này như cái khung để kể cuộc Thương Khó, Matthêu kết hợp bài ca này với các thánh vịnh để trình bày cuộc Thương Khó, Gioan lại dùng sách Diễm Ca làm “nhạc nền” để kể Cuộc Tôn Vinh trên thập giá như bài ca Tình Yêu tuyệt vời.

Để đi vào chiêm ngắm Cuộc Thương Khó, theo thánh Gioan, chỉ cần một điều kiện: một tình yêu nồng nàn như bình dầu thơm tuyệt hảo trong tay cô Maria, sẵn sàng trút lên chân Chúa; hay một trái tim Isaac đặt trên bàn thờ sẵn sàng cho lửa Tình Yêu đốt thiêu.

II.  Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian

Cụm từ Đấng xoá tội trần gian ta cũng phải đi tìm xem Tin Mừng Gioan lấy ở đâu ra. Trong Luật Môsê chỉ nói đến xoá tội cho dân, như trong lễ xá tội (Lêvi 16); nhưng lại dùng hai con dê, chứ không phải con chiên, một con dê dùng để “chở tội” vào hoang địa trả cho quỷ, một con dê giết lấy máu để rảy.

Các ngôn sứ mới nói đến ơn cứu độ cho muôn dân, đặc biệt bốn bài ca về người tôi tớ trong sách Isaia (42,1-7; 49,1-6;50,4-9 và 52,13-53,12). Phụng Vụ Tuần Thánh lần lượt đọc cả bốn bài: thứ Hai, bài I; thứ Ba, bài 2; thứ Tư, bài 3 và thứ Sáu, bài 4. Bài Ca thứ tư, gọi là bài ca “Người tôi tớ đau khổ” được cả bốn sách Tin Mừng sử dụng để nói về cuộc Thương Khó. Trong bài ca này, người Tôi Tớ được ví như con chiên: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (53,7), và nhờ cái chết của Người, “Người sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế Ta sẽ ban cho Người muôn người làm gia sản… bởi vì Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân, nhưng thực ra, Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (53,11-12).

Thiên Chúa đã lo liệu cho có con chiên để thế mạng cho Isaac, sau đó Thiên Chúa hứa cho dòng dõi Abraham nên đông đúc và nhờ dòng dõi ông muôn dân được phúc lành. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người là con chiên của Thiên Chúa để thực hiện lời hứa ấy, không có ai hay cái gì thế mạng cho Người, và Người mang lấy tội lỗi của chúng ta để xoá bỏ bằng cái chết trên thập giá. Thư I Gioan sẽ phát biểu rõ: “Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (4,10).

Sách Tin Mừng Gioan đã nêu chiều kích phổ quát của ơn cứu độ ngay từ lời mở đầu: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người… Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (1,9.12). Trong câu chuyện với Nicôđêmô, Chúa Giêsu cũng nói đến: “Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (3,17); dân Samari sẽ tuyên xưng “Người là Đấng Cứu Độ trần gian” (4,42). Nhiều lần người Do Thái muốn bắt hay ném đá Chúa Giêsu, nhưng không ai dám ra tay vì “giờ của Người chưa đến” (7,30). Nhưng khi những người Hy Lạp (tiêu biểu cho dân ngoại) đến gặp, thì Chúa hô lên: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh… Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (8,23.32). Lời công bố trong nghi thức suy tôn Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh diễn tả mầu nhiệm này: “Đây là Cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứ Độ trần gian”.

Chính thượng tế đương nhiệm tuyên bố trước toàn hội đồng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn… Điều đó ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (11,50-52).

III.  Con chiên Vượt Qua

Lễ Vượt Qua là lễ mừng ngày Chúa cứu dân của Chúa khỏi ách nô lệ Ai Cập, trong đó nghi thức chính là ăn thịt con chiên Vượt Qua. Tin Mừng Gioan kể đến lễ Vượt Qua ba lần: sau Tiệc Cưới Cana, Chúa Giêsu lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua cùng với các môn đệ (2,13-22). Dịp này Chúa thanh tẩy Đền Thờ và nói đến cái chết và sự phục sinh của Chúa qua hình ảnh Đền Thờ: Phá đi, xây lại. Lần thứ hai, Chúa Giêsu lên núi ở bên kia Biển Hồ, làm cho bánh hoá nhiều nuôi dân chúng như người mục tử (Tv 23), rồi đi trên mặt nước về Caphanaum và giảng về Iời Chúa và bí tích Thánh Thể là manna mới, nguồn sự sống thật (Ga 6). Lần thứ ba, chính Chúa bị sát tế như chiên Vượt Qua. Nhiều yếu tố trong trình thuật cho thấy Gioan trình bày Chúa Giêsu như con chiên Vượt Qua.

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến Bêtania… Người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Chúa Giêsu… Cô Maria lấy chai dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu rồi lấy tóc mà lau” (x. 12,1-11). Sách Xuất Hành chỉ thị: “Ngày mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình... Phải nhốt nó cho đến ngày 14 tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều… còn thịt sẽ ăn ngay đêm ấy” (Xh 12,3-6). Cách tính ngày của Israel là từ mặt trời lặn tới mặt trời lặn, chứ không phải từ lúc mặt trời mọc như ta. Vậy khi ăn thịt chiên là ngày 15. Như vậy ngày mồng mười là sáu ngày trước lễ Vượt Qua, khi người ta bắt con chiên nhốt riêng để chờ sát tế lúc xế chiều ngày 14, thì Chúa Giêsu đến Bêtania, “cách Giêrusalem không đầy ba cây số” (11,18), được đãi tiệc và được xức dầu, và Chúa đón nhận như là chuẩn bị mai táng Chúa.

Trong cuộc Thương Khó, “Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng 12 giờ trưa. Ông Philatô nói với người Do Thái: “Đây là vua các ngươi!” Họ liền hô  lớn: “Đem nó đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vài thập giá!” Ông Philatô nói với họ:“Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các ngươi sao? “Các thượng tế đáp: Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Cesarea. Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá” (19,14-16). 

Thời ban đầu, như trong sách Xuất Hành thì người ta giết chiên Vượt Qua tại nhà, nhưng thời Chúa Giêsu thì chiên Vượt Qua phải được sát tế trong Đền Thờ, do tay hàng tư tế, bắt đầu từ 12 giờ trưa. Trình thuật của Gioan nói rõ ngày giờ và người chịu trách nhiệm đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá là một cách ám chỉ quá rõ ràng Chúa Giêsu, Con Chiên của Thiên Chúa cũng là Con Chiên Vượt Qua Mới.

Điều này lại được xác nhận sau khi Chúa Giêsu chết, người ta không đánh dập ống chân, đúng như quy định về con chiên Vượt Qua (19,36). Người lính đâm thủng cạnh sườn, máu và nước chảy ra cũng là đúng quy định, phải làm cho máu ra hết, nếu không thì không ăn được, vì không được ăn thịt còn huyết. Khi Chúa kêu khát, thì người ta lấy cành hương thảo đưa miếng bọt biển thấm đầy giấm lên cho uống: ngành hương thảo dùng để bôi máu chiên Vượt Qua lên khung cửa và để rảy máu lập Giao ước lên dân (x. Hr 9,18-21).

IV. Chàng Rể và Giao Ước Mới

Ở Tiệc Cưới Cana, Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu: “Họ không có rượu”. Người ta thường dịch xuôi là “họ hết rượu rồi”, nhưng như thế thì ý nghĩa sẽ khác, Chúa Giêsu làm cho nước lã hoá rượu ngon chỉ để “cứu bồ” cho nhà đám. Nhiệm vụ của chàng rể là cung cấp rượu. Họ không có rượu, Chúa Giêsu cung cấp rượu ngon mà quản tiệc đánh giá là: lẽ ra phải tiếp rượu ngon trước, khi nào khách không còn phân biệt nổi nước với rượu thì mới đưa thứ rượu xoàng ra. Chàng rể của đám cưới Cana đã đưa thứ rượu mà khi so sánh thì quản tiệc coi như đó là nước lã, rượu của Chúa Giêsu đưa ra mới là rượu thật. Vậy lời Đức Mẹ, dịch sát là “họ không có rượu” thì cũng không ngoa, mà nói sự thật: bây giờ mới có rượu đấy! Chúng ta gặp lại “hình” với “bóng”. Rượu của chàng rể  hôm ấy chỉ là “bóng”, rượu của Chúa Giêsu tiếp mới là “hình”; như vậy chàng rể hôm ấy là “bóng”, Chúa Giêsu mới là “hình”, là Chàng Rể thật. Gioan kết luận: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào người” (2,11). Lời mở đầu sách Tin Mừng thứ tư đã nói Chúa Giêsu là Lời, là Thiên Chúa “đã thành người phàm  và cắm lều giữa chúng ta, chúng tôi đã thấy vinh quang của Người”. Trong Cựu Ước Thiên Chúa tỏ vinh quang cho dân khi làm cho nước biển rẽ ra cho họ đi qua (Xh 14); khi cho manna từ trời xuống nuôi họ (Xh 16,6-7); khi cho nước từ tảng đá phun ra cho dân uống (Xh 17,1-7; Ds 20,1-11). Thiên Chúa thành người phàm cắm lều giữa chúng ta “tỏ vinh quang của Người” thì không chỉ cho nước mà cho rượu hảo hạng, đáng gọi là rượu.

Lần làm chứng cuối cùng, trả lời cho các môn đệ đang đánh ghen giùm, thánh Gioan Tiền Hô nói: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể [phù rể] đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng rể. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật [lớn] lên, còn thầy phải lu mờ [nhỏ]đi” (Ga 3,29-30). Khi giới thiệu Chúa Giêsu là chàng rể, vị Tiền Hô cũng chỉ nêu lên điều các ngôn sứ đã loan báo về Giao Ước mới qua hình ảnh hôn ước giữa Thiên Chúa với dân bất tín bất trung (Hs 2Is 62), và toàn bộ sách Diễm Ca diễn tả. Hành trình của Chúa Giêsu từ Cana lên Giêrusalem rồi trở về Cana giống như một tuần trăng mật, Chàng Rể của Giao Ước Mới đi thăm Đất và Dân của mình, được tiếp nhận ở Giêrusalem, Giuđê, Samari và Galilê. Về lại nơi đã làm đám cưới thì Người làm dấu lạ thứ hai tại Cana là ban sự sống cho đứa con trai của viên sĩ quan khi nó đau sắp chết ở Caphanaum, cách xa hai ngày đường (Ga 4,46-54). Chú ý tới hai ngày đường: sau này (chương 11) Chúa cũng ở cách Bêtania hai ngày đường, nhưng được tin nhắn “Cục Cưng của Thầy đau”, Chúa để cho chết thối rồi mới gọi ra khỏi mồ! Người dưng nước lã đến xin cứu đứa con cho khỏi chết  thì cho liền từ xa, còn “Cục Cưng” của mình thì bắt nếm đủ mùi: chết, chôn, có mùi rồi mới chịu cho ra khỏi mồ. “Cục Cưng” mới được dùng làm dấu lạ cuối cùng. Chúa Cha đã có thể cho chúng ta một thiên thần là chúng ta cũng sướng lắm rồi, nhưng Cha tin Chúa Giêsu là Con Một Yêu Dấu hơn và yêu chúng ta hơn chính mình, nên ban Con Một cho chúng ta cho thoả lòng Cha. Có là “Cục Cưng” của Chúa thì Chúa mới cho chung phần mọi thứ, chứ không thì được “chầu rìa” là phúc rồi!

V. Chúa Giêsu là Vua và Mục Tử

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa là Vua và mục tử của Israel. Khi dân đòi ông Samuel lập cho họ một vị vua để họ được an toàn giống các dân chung quanh thì ông không chịu. Nhưng Thiên Chúa bảo ông: “Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với ngươi, vì không phải chúng gạt bỏ ngươi mà là chúng gạt bỏ Ta, chúng không chịu để Ta làm vua của chúng” (1Sm 8,7). Nhưng Thiên Chúa cũng tương kế  tựu kế, hứa lập cho David một triều đại bền vững muôn đời: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (1Sm 7,16). Tuy nhiên sau thời lưu đầy thì nhà David chẳng còn ai làm vua. Vậy thì lời hứa của Thiên Chúa đâu rồi? Trong sách Isaia 63,19 có lời cầu xin: “Từ lâu rồi chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn Danh ngài. Phải chi Ngài  xé trời ngự xuống”…). Kèm theo các lời hứa Giao Ước Mới cũng có lời hứa một David mới: “David, tôi tớ Ta sẽ làm vua cai trị chúng; sẽ chỉ có một mục tử cho chúng hết thảy” (Ed 37,24).

Khi nuôi đám đông trên núi (chương 6), Chúa Giêsu hành xử như mục tử, và đám đông ngả mình trên cỏ, gợi lại thánh vịnh 23: Chúa là mục tử. Trong dịp lễ Lều, kỷ niệm thời đi trong sa mạc Chúa Giêsu tuyên bố Chúa là mục tử kiểu mẫu [ds: đẹp – David cũng là mục tử đẹp, x. 1Sm 16,12], hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Nathanaen tuyên xưng: “Thầy là Vua Israel” (Ga 1,49). Sau khi  được  xức dầu ở Bêtania, Chúa Giêsu vào Giêrusalem thì dân chúng reo hò tung hô Chúa là vua, đúng như  các ngôn sứ đã loan báo. “Lúc đầu các môn đệ không hiểu những điều ấy, nhưng sau khi Đức Giêsu được tôn vinh các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Người và dân chúng đã làm cho Người đúng y như vậy” (Ga 12,12-16).

Toàn thể phiên toà của Philatô là một cuộc phong vương, trong đó Philatô đóng vai người giới thiệu chương trình (MC) hơn là quan toà; ông chỉ đi ra nói với dân, đi vô nói với Chúa Giêsu, mời Chúa Giêsu đi ra, dẫn Chúa Giêsu đi vô, mời Chúa Giêsu ngồi lên toà, rồi đứng tuyên bố: “Đây là vua các ngươi”. Bọn lính thì phụ hoạ bằng những lời và cử chỉ chế diễu, nhưng lại nói lên sự thật, xác nhận lời của Chúa đã nói với Philatô: Chúa Giêsu là Vua, nhưng không phải theo kiểu thế gian, Vương Quốc của Chúa không phải là một vương quốc trần gian. Rút cục chỉ Philatô dùng quyền, bất chấp các thượng tế, để viết văn bản bằng ba thứ tiếng, treo trên đầu Thánh giá, giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người qua lại hôm ấy và người nghe hôm nay: “Giêsu Nazareth, Vua người Do Thái”. Philatô gián tiếp cho thấy như Chúa đã nói, Thánh giá mới là ngai của Vua Giêsu, và Chúa sẽ kéo mọi người lên với Chúa.

VI. Chúa Giêsu là Đền Thờ

Ngay lễ Vượt Qua thứ nhất tại Giêrusalem, Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Đền Thờ mới. Nhưng chỉ đến “khi Chúa Giêsu đã từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói” (Ga 2,22). Trong sách Xuất Hành, chỉ đến khi đã vượt qua biển đỏ, “thấy Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai Cập, toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Môsê, tôi trung của Người” (Xh 14,31). Chính sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là chìa khoá để hiểu cuộc đời, hành động, lời nói và nhất là cái chết của Chúa.

Trong dịp lễ cung hiến Đền Thờ, Chúa Giêsu tuyên bố: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38). Khi Chúa đã chết trên Thánh giá, một người lính lấy giáo đâm thủng cạnh sườn Chúa, máu và nước chảy ra. Chi tiết này được người làm chứng nhấn mạnh: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực, và người ấy biết  mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin ” [hay Đấng Ấy (= Chúa Giêsu Phục Sinh) biết người ấy nói sự thật] (Ga 19,35). Chi tiết này làm chúng ta nhớ đến lời sách Edekien: “Có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía Đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía Đông. Nước từ phía dưới bên  phải Đền Thờ chảy xuống phí Nam bàn thờ” (Ed 47,1). Đọc tiếp sẽ thấy: nước này thành dòng sông đem sự sống tới khắp nơi, cả Biển Chết cũng đầy cá, hai bên bờ sông mọc lên mọi giống cây ăn trái, trái dùng làm lương thực, lá dùng làm thuốc. Bản văn này lại đưa chúng ta về “Vườn địa đàng” trong sách Sáng Thế, chương 2.  Chúa Giêsu cũng đã nói về nước và mời người ta uống (Ga 4,14; 7,37-38).

Chúa Giêsu là Đền Thờ, nơi Thiên Chúa ngự để ban sự sống.

3. Cuộc Thương Khó: Một khối nhiều mặt

Đến đây chúng ta có thể chiêm ngắm cuộc Thương Khó trong Tin Mừng Gioan như một khối nhiều mặt, toàn khối là Tình Yêu của Thiên Chúa, trong đó Cha và Con bày tỏ Tình Yêu cho nhau và hướng về chúng ta. Cha yêu con nên trao phó mọi sự trong tay Con: Tất cả những gì Con có đều là của Cha và tất cả những gì Cha có đều là của Con” (Ga 17,10). Con yêu Cha nên luôn thi hành ý Cha, cả cái chết: “Chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (14,31). Trong mối tình Cha Con thắm thiết này, chúng ta là kẻ được hưởng lợi: Thiên Chúa yêu tôi nên trao nộp Con Một vì tôi; Chúa Con yêu tôi nên làm theo lệnh Chúa Cha là thí mạng sống vì tôi. Nhưng Cha tôn vinh con bằng cách tỏ cho thấy Cha yêu Con đến mức nào, và Con tôn vinh Cha bằng cách tỏ cho thấy Con yêu Cha tới mức nào: rút cục là để tỏ cho thấy Cha và Con yêu chúng ta, mỗi người chúng ta, đến mức nào. Ân sủng và Sự Thật, Tình Yêu và lòng Thành Tín: mọi lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước thành sự thật nơi Chúa Giêsu. Mọi yếu tố hoà hợp tuyệt vời trên Thánh giá như đoạn kết của một bản đại hoà tấu, hay sự hoàn chỉnh của một bức hoạ: Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, Con Chiên Vượt Qua, Vua và Mục Tử, Đền Thờ có Nước chảy ra để ban sự sống, cuộc tạo dựng mới, Chàng Rể và Giao Ước Mới. Sau đây tôi trình bày thêm về Giao Ước Mới và cuộc tạo dựng mới.

I. Giao Ước Mới

Trong các sách ngôn sứ có nhiều lời liên quan tới Giao ước mới. Ở đây tôi chỉ đề cập: Giêrêmia 31,31-34: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một Giao Ước Mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập… Đây là Giao Ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó: Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta… Hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”

Edêkien 36,24-29:“… Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc… Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi… Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi… Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi. Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta… Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi”

Lời hứa Giao Ước Mới bao gồm

1- Cốt lõi của Giao ước: các ngươi là Dân của Ta, Ta là Thiên Chúa của các ngươi

2- Luật  của Giao ước để dạy cho biết phải sống thế nào cho đáng là dân của Thiên Chúa

3- Ơn huệ, phúc lành Chúa ban cho dân của Chúa

4- Ơn tha tội vì dân đã phá bỏ Giao Ước của Xinai.

Cả Giêrêmia và Edekien đều nói đến việc dân đã phá vỡ Giao ước Xinai vì không giữ Luật, và đã chịu hậu quả là bị đuổi ra khỏi đất của Chúa. Chỉ vì tình yêu thành tín mà Chúa ra tay cứu họ và lập Giao Ước Mới với họ. Luật viết trên bia đá họ không giữ, thì Chúa sẽ khắc Luật vào trong tim trong lòng. Lòng họ chai đá thì Chúa sẽ thay tim cho họ, lấy quả tim bằng đá ra và thay vào một quả tim bằng thịt, họ không biết đáp lại tình yêu của Chúa thì Chúa sẽ làm cho họ biết, họ không có sức sống trong Giao Ước thì Chúa sẽ đổ Thần Khí vào lòng để dẫn họ đi trong đường lối của Chúa.

Sách Đệ Nhị Luật ghi lời ông Môsê trối trăn trước khi ông lên núi Nêbo và vĩnh viễn ở lại đó, vì ông không được vào Đất Hứa. Ông công bố lại Luật Giao Ước cho dân trước khi họ vào Đất Hứa. Ông dạy cho họ suy gẫm về tình yêu của Thiên Chúa để họ đáp lại bằng việc giữ Luật Giao Ước. Sách kết thúc bằng lời Môsê chúc phúc cho dân.

Ga 13-17 có cấu trúc gợi lại sách Đệ Nhị Luật, trong đó Chúa Giêsu cũng nói với môn đệ về tình yêu của Thiên Chúa mà chính Người là hiện thân; Chúa ban “điều răn mới” rồi Chúa cầu nguyện, chúc tụng Chúa Cha và cầu xin cho các môn đệ thuộc mọi thế hệ. Chúa Giêsu không đưa dân của Giao Ước Mới vào một miền đất, nhưng vào trong lòng Chúa Cha (x. 14,1-3): Chúa đã từ Chúa Cha mà đến và bây giờ Chúa lên cùng Cha, đem theo “những người Cha đã ban cho con, để Con ở đâu, họ cũng ở đấy với Con”. Có điều răn mới tức là có Giao Ước Mới.

Gioan không kể việc Chúa lập bí tích Thánh Thể, nhưng kể chính việc lập Giao Ước Mới. Sau khi công bố Điều Răn Mới, Chúa Giêsu đi với các môn đệ tới thửa vườn ở núi Ôliu, mà Chúa vẫn dùng làm “khách sạn ngàn sao”. Giuđa biết nơi này nên chọn làm địa điểm nộp Chúa. “Chúa Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình nên tiến ra và hỏi...” (18,1-5). Chúa hoàn toàn tự do như Chúa đã nói: “Mạng sống tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (10,18).

Nghi thức lập giao ước Xinai (Xh 24,1-8) được áp dụng: Môsê đọc luật cho dân, dân chấp nhận, Môsê lấy cành hương thảo rảy máu lên dân và tuyên bố: “Đây là máu Giao Ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này”.

Sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã ban điều răn mới và các môn đệ đã nhận: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ… Giờ đây chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự… Vì thế chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (16,29-30).

“Trên thập giá, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Đức Giêsu nói: “Tôi khát”. Ở đó có một bình đầy giấm [thứ rượu chua lính Rôma dùng làm đồ uống, chứ không phải giấm dùng trong bếp]. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm; buộc vào một ngành hương thảo rồi đưa lên miệng Người”.

Sau khi Chúa Giêsu đã “trao hơi thở”… “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra”. Nghệ thuật gợi hình của Gioan: một người dùng cành hương thảo đưa miếng bọt biển lên, một người lấy giáo đâm cạnh sườn Chúa, máu và nước chảy ra. Giao Ước Mới được lập bằng Máu của Con Thiên Chúa làm người.

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu tuyên bố Giao Ước đã thành: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em”; và lời ông Tôma: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời Tôi”, là lời tuyên xưng Giao ước.

II. Cuộc tạo dựng mới

1/ Ađam được đặt trong vườn và ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi

Ngay lời mở đầu, Tin Mừng Gioan đã gợi lại sách Sáng Thế: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… Nhờ Ngôi Lời vạn vật được  tạo thành”. Cuộc tôn vinh trên thập giá được Tin Mừng Gioan trình bày như một cuộc tạo dựng mới. “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104,30). Trên thập giá, sau khi nhấp giấm người ta đưa lên miệng, Chúa Giêsu tuyên bố: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao thần khí [hơi thở ]”. Trong sách Sáng Thế, sau khi đã hoàn thành việc tạo dựng mọi loài, “Thiên Chúa lấy bụi từ đất, nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eđen, về phía Đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra” (St 2,6-8).

Khi mai táng Chúa Giêsu: “Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi mộ lại gần, nên các ông đặt [mai táng] Chúa Giêsu vào đó” (Ga 19,42).

Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, nên vừa là Thiên Chúa tạo dựng vừa là con người được tạo dựng. Ađam (con người) được đặt vào trong vườnChúa Giêsu là Ađam mới cũng được đặt vào trong vườn.

Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2). “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua”, Chúa Giêsu đến Bêtania và được xức dầu. Hôm nay đã hết sáu ngày, Chúa Giêsu đã làm xong mọi việc đúng như Chúa Cha đã truyền: “Thế là đã hoàn tất”, và Chúa nghỉ ngơi.

2/ Người đàn bà, mẹ các kẻ sống

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpat cùng với bà Maria Magdala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa bà, [ds: hỡi người đàn bà], đây là con của bà”. Rồi người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).

[Khi đọc đoạn này người ta hay bị chia trí vì nhiều thắc mắc quen thuộc, xin ráng tập trung đọc tiếp, và xin nhớ rằng Lời Chúa viết thành lời loài người thì cũng là tác phẩm văn chương, nghệ thuật, nên phải thưởng thức nghệ thuật mới vào trong nội dung được. Tôi sẽ trả lời những thắc mắc kia ở cuối].

Trong sách Tin Mừng thứ tư, thân mẫu Chúa Giêsu xuất hiện hai lần, tại tiệc cưới Cana và tại Núi Sọ. Cả hai lần đều với tư cách “thân mẫu Chúa Giêsu” [không có tên gọi], và cả hai lần đều được Chúa Giêsu gọi là “người đàn bà”. Ở Cana khi Đức Mẹ can thiệp thì Chúa Giêsu nói: “Giờ tôi chưa đến”. Ở Núi sọ, khi giờ của Chúa Giêsu đã đến và Đức Mẹ đứng gần thập giá Chúa Giêsu (Chúa Giêsu đã vác lấy thập giá CỦA MÌNH). Cùng đứng với Đức Mẹ có “Dì” của Chúa Giêsu và bà Maria Magdala. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu không được kể trong số người đứng gần thập giá Chúa Giêsu, mà chỉ xuất hiện bên cạnh Đức Mẹ dưới mắt Chúa Giêsu: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình yêu dấu đứng gần bên”. Người này chỉ xuất hiện trong bản văn từ chương 13 và cũng không có tên gọi. Ở đây thì xuất hiện bên cạnh thân mẫu Chúa Giêsu và dưới con mắt Chúa Giêsu. Chúng ta [người đọc] chỉ thấy người môn đệ này qua con mắt Chúa Giêsu.

Trong sách Sáng Thế, sau khi tạo nên con người, Thiên Chúa đi tìm cho con người một người bạn [trợ tá] xứng hợp. Sau khi làm ra đủ thứ loài vật, chẳng có loài nào xứng hợp, Thiên Chúa “chụp thuốc mê” cho con người ngủ say, rồi rút lấy một cái xương sườn của con người, “làm thành một người đàn bà và đem đến cho con ngườiCon người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2,18-23). Sau câu chuyện ăn trái cấm, khi Thiên Chúa đã nói đến việc người đàn bà phải sinh con trong đau đớn: “con người đặt tên cho vợ là Eva, vì bà là mẹ các kẻ sống” (St 3,20).

Lời của Chúa Giêsu là lời tạo dựng: “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” (Ga 1,3). Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa bà, [ds:hỡi người đàn bà], đây là con của bà”. Rồi người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”.

Và thế là người đàn bà có một người con sinh ra, không phải do khí huyết… nhưng do bởi Thiên Chúa: “Kể từ giờ đó người môn đệ rước bà về nhà mình. Khi Eva sinh đứa con đầu tiên, bà nói: “tôi đã được một người, nhờ Đức Chúa”.  (St 4,1) Hôm nay, bên thập giá, thân mẫu Chúa Giêsu, người đàn bà mới đã trở thành Eva mới, vì bà đã được một người con mới nhờ Thiên Chúa.  

Trong Cựu Ước, lời chứng của người phụ nữ không có giá trị, nhưng trong trường hợp sinh con thì lại chỉ có phụ nữ có mặt, nên chỉ có phụ nữ có thể làm chứng. Gioan đã bố trí cho “Dì” của Chúa Giêsu có mặt cùng với bà Maria Magdala, để làm chứng rằng thân mẫu Chúa Giêsu đã trở thành bà Eva mới, vì Bà là Mẹ của các kẻ sống được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu [Ađam mới].

Một trong những “sự chia trí bất trị” là thay vì nghe sách Tin Mừng kể, chúng ta lại đi tìm xem người môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu đó tên là gì và tại sao lại được Chúa Giêsu yêu dấu… Xin hãy để yên nhân vật như Tin Mừng vẽ lại cho ta, nếu không thì ta chẳng lãnh hội được điều Tin Mừng truyền đạt. Nếu người đó có tên (trong bản văn) thì chỉ người đó làm con của Đức Mẹ, chúng ta ra rìa. Nếu người đó có một lý do để được Chúa Giêsu yêu dấu thì chúng ta cũng ra rìa, vì chúng ta chẳng có lý do gì để được như thế.

Người môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu đại diện cho chúng ta, vì mỗi người chúng ta đều được Chúa Giêsu yêu đến “thí mạng sống vì tôi”, như thánh Phaolô đã kêu lên: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Chúa chỉ có một cái mạng sống, người nào cũng được “Chúa yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” rồi, chẳng cần ganh tị với ai, chẳng có vị thánh nào đáng tôi phải ganh tị, vì vị thánh ấy hay tôi đều được Chúa yêu đến cùng rồi. Vấn đề còn lại là  tôi đáp lại tình yêu ấy thế nào, tới đâu thôi. Người nào được sinh làm con Thiên Chúa nhờ tin vào Chúa Giêsu  thì cũng được thân mẫu Chúa Giêsu làm mẹ của mình rồi. Vấn đề còn lại là tôi có đứng bên cạnh Đức Mẹ khi Đức Mẹ đứng gần thập giá Chúa Giêsu không!

 

Giêrusalem, Tuần Thánh 2014                                                                                                   L.M. Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J. Giám đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh Gierusalem,                                                                                                        email: [email protected]