26/11/2024

Đưa tiêu hạt vào ba lô du khách

Để hạt tiêu H.Tiên Phước (Quảng Nam) có thể dễ dàng tiêu thụ, ông Hồ Viết Ký (56 tuổi, trú thôn 3, xã Tiên Sơn) đã chế tạo một lọ nhựa vừa có tác dụng đựng vừa là dụng cụ xay tiêu tiện dụng.

 

Đưa tiêu hạt vào ba lô du khách

Để hạt tiêu H.Tiên Phước (Quảng Nam) có thể dễ dàng tiêu thụ, ông Hồ Viết Ký (56 tuổi, trú thôn 3, xã Tiên Sơn) đã chế tạo một lọ nhựa vừa có tác dụng đựng vừa là dụng cụ xay tiêu tiện dụng.

 

 Ông Hồ Viết Ký
Ông Hồ Viết Ký giới thiệu lọ tiêu hạt “2 trong 1” – Ảnh: Hoàng Sơn

 

Ở H.Tiên Phước, tiêu được trồng nhiều tại các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Phong… nổi tiếng với chất lượng cao. Thế nhưng, lâu nay người trồng tiêu vẫn loay hoay tìm đầu ra bởi giá 1 kg tiêu hạt Tiên Phước đến 350.000 đồng, cao hơn gấp 2 – 3 lần so với các loại hạt tiêu khác. “Tiêu ngon, ai cũng muốn thưởng thức, nhưng do giá cao nên nhiều người thường chọn loại tiêu nơi khác giá 120.000 – 150.000 đồng/kg. Vì vậy, loại đặc sản này trở nên khó tiêu thụ”, ông Ký nói.

 

 
 

Đăng ký nhãn hiệu tập thể cho tiêu Tiên Phước

Theo Phòng NN-PTNT H.Tiên Phước, hiện Sở KH-CN Quảng Nam đang triển khai đề tài khoa học “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể một số sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Nam”, trong đó có sản phẩm tiêu Tiên Phước.

 

 

Suốt thời gian làm Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn (từ năm 2004 – 2010), ông Ký luôn suy nghĩ cách đưa hạt tiêu ra thị trường giúp nông dân. Tình cờ một lần tham quan hội chợ, ông Ký nhìn thấy hộp đựng hạt tiêu được đặt cạnh dụng cụ xay tiêu bằng tay. “Tại sao không tích hợp cả hộp đựng tiêu và dụng cụ xay vào một?”, ý nghĩ lóe lên trong đầu ông. Vậy là từ năm 2009, ông bắt đầu mày mò nghiên cứu, đặt hàng các cơ sở sản xuất nhựa sản xuất loại hộp “2 trong 1” này.

“Mãi đến năm 2011, tôi mới chế tạo thành công. Chiếc lọ có 3 phần, gồm thân nhựa trong có dán nhãn mác, phần bánh răng khớp như một ổ trục và cuối cùng là nắp đậy. Khi sử dụng, một tay cầm chặt phần đầu, một tay xoay phần thân. Tiêu hạt khi tiếp xúc các bánh răng sẽ bị nghiền ra”, ông Ký giải thích. Theo ông Ký, mỗi lọ tiêu có trọng lượng khoảng 50 gr, được bán với giá 45.000 đồng. Như vậy, 1 kg tiêu có thể đóng thành 20 lọ, bán được 900.000 đồng. “Khách hàng mua tiêu thường ngại vì mất công bảo quản, mỗi lần dùng lại phải xay, giã mất thời gian. Nhưng sẽ không còn phiền hà gì khi mua một lọ tiêu kết hợp cả máy xay”, ông Ký nói.

Nhờ đánh trúng tâm lý khách hàng, trong 2 năm qua, ông đã xuất bán hàng vạn lọ tiêu, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ông cũng liên tục tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm này đến người tiêu dùng trong tỉnh và vươn đến các thị trường Huế, Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt, những lọ tiêu độc đáo này được nhiều du khách trong, ngoài nước mua để sử dụng và làm quà biếu. Ông Ký kể trong một lần tham gia hội chợ quốc tế, hàng trăm du khách Hàn Quốc đã quây kín gian hàng, xem và mua lọ tiêu mang về nước. Tiến thêm một bước, ông Ký đang nghiên cứu thiết kế loại túi đựng lọ tiêu bằng vải thổ cẩm, biến lọ tiêu thành một mặt hàng lưu niệm độc đáo và đẹp mắt.

Mới đây, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), ông Ký đăng ký nhãn hiệu “Crafted in Quang Nam” cho sản phẩm tiêu đóng vào lọ nhựa. Hiện mỗi năm ông bao tiêu sản phẩm cho hàng chục hộ trồng tiêu tại địa phương.

Hoàng Sơn