16/11/2024

Sân Chư dân đến Washington, D.C.

“Việc Sân chư dân lần đầu tiên diễn ra tại Hoa Kỳ chắc chắn là điều rất có ý nghĩa: vì Hoa Kỳ -theo một mức độ nào đó-, là một quốc gia tiêu biểu cho nền văn hóa toàn cầu hóa và cũng là nơi đặt ra nhiều vấn đề cho cả người tin lẫn người không tin”, đó là phát biểu của Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, trước khi lên đường tham dự diễn đàn Sân chư dân tại Hoa Kỳ.

Sân Chư dân đến Washington, D.C.
 
WHĐ (10.04.2014) – “Việc Sân chư dân lần đầu tiên diễn ra tại Hoa Kỳ chắc chắn là điều rất có ý nghĩa: vì Hoa Kỳ -theo một mức độ nào đó-, là một quốc gia tiêu biểu cho nền văn hóa toàn cầu hóa và cũng là nơi đặt ra nhiều vấn đề cho cả người tin lẫn người không tin”, đó là phát biểu của Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, trước khi lên đường tham dự diễn đàn Sân chư dân tại Hoa Kỳ.

Sân Chư dân được tổ chức tại thủ đô Washington, D.C., của Hoa Kỳ từ ngày 9 đến ngày 11-4-2014 với chủ đề “Đức tin, Văn hoá và Công ích”. Sự kiện kéo dài 3 ngày này do Đại học Georgetown đứng ra tổ chức, nhằm tìm hiểu cách thức người có niềm tin tôn giáo và những người không theo tôn giáo có thể cùng nhau làm việc ra sao để làm cho đời sống dân sự tại Hoa Kỳ được phong phú.

Sân Chư dân gồm có các hội thảo, tranh luận và các buổi trình diễn nhỏ được tổ chức tại ba địa điểm: Trung tâm Kennedy, Đại học Georgetown và Thư viện Quốc hội. Một trong những chủ đề được thảo luận là: Sự đóng góp của các tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau để làm phong phú đời sống dân sự và dân chủ cùng với sự hợp tác của quyền lập pháp và các phương tiện truyền thông đại chúng cho công ích.

Phát biểu với Đài Phát thanh Vatican trước khi lên đường, Đức Hồng y Ravasi nói: “Tại Hoa Kỳ, thế lực chính trị có quyền lợi trong thế giới tôn giáo và đã xây dựng được những mối quan hệ vững chắc với tôn giáo, nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng tự hào về bản chất thế tục của mình và nét riêng biệt ấy của quốc gia này là khá đặc trưng. Sẽ rất thú vị khi quan sát sự cân bằng… giữa hai khía cạnh này.”

Đức Hồng y Donald Wuerl, Tổng Giám mục Washington nói: “Cuộc đối thoại tại đất nước chúng tôi về vai trò của tôn giáo trong đời sống công cộng và đóng góp của tôn giáo cho công ích đang ở vào một thời điểm rất quan trọng. Sân chư dân đem lại cơ hội để khám phá mối quan hệ giữa niềm tin tôn giáo và văn hoá theo một viễn cảnh mới mẻ. Địa điểm Georgetown ở thủ đô quốc gia, và đặc biệt, sự nhấn mạnh của Trung tâm Berkley về việc hiểu biết giữa các tôn giáo làm cho trường đại học này trở thành một nơi thích hợp để tổ chức sự kiện này.”

Sân Chư dân khởi nguồn từ ý tưởng của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong bài diễn văn với Giáo triều Roma vào ngày 21-12-2009, nhân dịp Lễ Giáng Sinh. Vốn xem vấn đề Thiên Chúa là một vấn đề “ưu tiên”, Đức Bênêđictô XVI cho rằng cần phải mở cuộc đối thoại có hệ thống với những người ở xa Thiên Chúa nhất, để họ có thể đến gần hơn với Người, ít là “như Đấng Vô Danh”.

Từ khi bắt đầu thực hiện vào năm 2011, Sân Chư dân đã được tiến hành tại nhiều thành phố khác nhau như: Bologna, Firenze, Roma, Palermo, Assisi (Italia); Paris, Marseilles (Pháp); Braga (Bồ Đào Nha); Barcelona (Tây Ban Nha), Berlin (Đức); Budapest (Hungary); Bucarest (Romania); Warszawa (Ba Lan); Stockholm (Thuỵ Điển), Mexico City (Mexico).

(Theo Vatican Radio)