16/11/2024

Nỗ lực tái tạo hoà bình cho người dân Trung Phi

Chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn ba vị lãnh đao tôn giáo đã dành cho nữ phóng viên Marie Duhamel của chương trình tiếng Pháp Đài Vatican ngày 26-3-2014. Trước hết là Đức cha Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám mục Bangui.

Nỗ lực tái tạo hoà bình cho người dân Trung Phi
 
Phỏng vấn ba vị lãnh đạo tôn giáo Trung Phi


Sáng thứ tư 26-3-2014, vào cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các vị đại diện của tổ chức “Chỗ đứng của các tôn giáo cho hoà bình”, gồm Đức cha Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám mục Bangui, Mục sư Nicolas Grékoyamé-Gbangou, Chủ tịch các Giáo hội Tin Lành, và Imam Oumar Kobine Layama, lãnh đạo Hồi giáo Bangui. Đức Thánh Cha đã khích lệ các vị hiệp nhất với nhau, gần gũi dân chúng và tiếp tục hoạt động chống lại mọi chia rẽ. Ngài cũng bảo đảm với các vị là sẽ nói chuyện với Tổng thống Barack Obama về vấn đề hoà bình Trung Phi. Trước khi tham dự buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha, cả ba vị cũng đã gặp Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh. Từ lâu nay cả ba vị lãnh đạo tôn giáo đã dấn thân cho việc bình định Trung Phi, bằng cách tiếp xúc và gặp gỡ nhiều vị lãnh đạo của cộng đồng quốc tế.

Cộng hoà Trung Phi rộng gần 623.000 cây số vuông, có khoảng 4,5 triệu dân gồm nhiều chủng tộc khác nhau trong đó có các nhóm quan trọng nhất như: Baya, Banda, Mandjia, Sara, Fulani, Mboum, M’Baka, Yakoma… Theo thống kê năm 2003, Trung Phi có 80,3% tổng số dân theo Kitô giáo gồm 51,4% Tin Lành và 28,9% Công giáo. Hồi giáo chiếm 15% và đạo thờ vật linh chiếm 9,6%.

Trong khoảng thời gian từ năm 1.000 trước công nguyên tới năm 1.000 sau công nguyên, có các nhóm người Ubangi từ phía đông Camerun cho tới Sudan đến định cư dọc sông Oubangi tức Trung Phi ngày nay. Cuối thế kỷ XIX, Trung Phi trở thành thuộc địa của Pháp cho tới năm 1960 mới được độc lập. Nhưng từ đó trở đi, Trung Phi bất ổn với các vụ tranh giành quyền bính nội bộ và đảo chính liên tục. Năm 1962, ông David Dacko trở thành tổng thống và thành lập chế độ độc đảng. Năm 1965, đại tá Jean Bedel Bokassa đảo chính lên nắm quyền. Năm 1972, ông Bokassa quyết định làm tổng thống mãn đời và tự phong mình là hoàng đế. Năm 1979, Pháp tổ chức đảo chánh lật đổ hoàng đế Bokassa và đưa ông Dacko trở lại nắm quyền. Nhưng năm 1981, ông André Kolinba đảo chính lật đổ Tổng thống Dacko, và lên cai trị cùng với hội đồng quân nhân.

Trong các cuộc bầu cử dân chủ năm 1993, ông Ange Félix Patassé đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, năm 2003 ông bị tướng Francois Bozizé đảo chính lật đổ đang khi công du nước ngoài. Tổng thống Bozizé đắc cử nhiệm kỳ hai năm 2011.

Nhưng tháng 11 năm 2012, một liên minh các nhóm nổi loạn đánh chiếm các thành phố miền bắc và miền trung Trung Phi. Đầu năm 2013, hai bên ký thỏa hiệp chia quyền. Nhưng các nhóm nổi loạn tiến chiếm thủ đô Bangui khiến tổng thống Bozizé phải chạy trốn. Ông Michel Djotosia lãnh tụ lực lượng phiến quân Seleka lên làm tổng thống và giải tán lực lượng Seleka, nhưng các phiến quân từ chối giao nộp vũ khí và tiếp tục các vụ cướp bóc và tàn sát thường dân. Các nhóm dân quân được thành lập trong các làng gọi là lực lượng chống Balaka đánh nhau với lực lượng Seleka. Ngày 18 tháng 2 năm 2014, Liên Hiệp QuỐc quyết định gửi 3.000 quân bảo hòa tới Trung Phi để sát cánh với 6.000 quân bảo hoà của Liên hiệp Phi châu và 2.000 quân của Pháp, nhằm tái lập hòa bình cho Trung Phi và ngăn chặn các vụ tàn sát thường dân vô tội.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn ba vị lãnh đao tôn giáo đã dành cho nữ phóng viên Marie Duhamel của chương trình tiếng Pháp Đài Vatican ngày 26-3-2014. Trước hết là Đức cha Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám mục Bangui.

Hỏi: Thưa Đức Cha, tình hìmh tại Trung Phi hiện nay ra sao?


Đáp: Dân chúng sợ hãi trốn chạy vào sống trong rừng, lạc lõng, bơ vơ và kinh hoàng, đến độ họ không còn có khả năng diễn tả các cảm giác của họ nữa, hay họ bước đi ngoài đường và có nói đấy, nhưng xác tín rằng chẳng có ai lắng nghe họ cả. Nhân danh những người dân khốn khổ này tôi đã cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo khác lựa chọn đi gặp gỡ các chính quyền, những người quyết định, để họ lắng nghe từ tiếng nói của chúng tôi nỗi âu lo, sự khổ đau, vất vả và bần cùng của người dân ngày càng đông đang khóc than vì tình hình tồi tệ của đất nước Trung Phi. Đó là ý nghĩa sứ mệnh của chúng tôi trước hàng lãnh đạo của thế giới này.

Hỏi: Tiếng than khóc này của dân chúng xin điều gì, thưa Đức cha?

Đáp: Tiếng khóc than này hiện nay xin có an ninh, vì nếu không có an ninh thì không thể trở lại trường học được, các nhà thương không thể tái sinh hoạt, không thể tái hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và cũng không thể tái sinh hoạt trong lĩnh vực hành chính: mọi sự đều tê liệt hoàn toàn như hiện nay. Không có an ninh: chúng tôi đã trông thấy các hậu quả của nó! Mọi sự đều ở số không. Vì các lực lượng đối nghịch nhau Seleka và Chống Balaka không thành công trong việc bảo vệ người dân Trung Phi. Chúng tôi đã lên tiếng yêu cầu cộng đồng quốc tế can thiệp để bảo vệ người dân Trung Phi. Trung Phi là thành phần của cộng đồng quốc tế, vì vậy cộng đồng quốc tế không thể đứng nhìn, trong sự thờ ơ hoàn toàn, đứng nhìn người dân chết như súc vật, không thể đứng nhìn như thế mà không nhúc nhích một ngón tay! Đã đến lúc hành động, để mai ngày lịch sử không kết án chúng ta bằng cách hỏi chúng ta: “Các bạn đã làm gì với các người anh em rồi?”

Hỏi: Đức cha có thấy một câu trả lời tích cực nào từ Liên Hiệp Quốc hay từ các hàng lãnh đạo mà Đức cha và các vị lãnh đạo tôn giáo Trung Phi đã gặp không?

Đáp: Chúng tôi đã có các câu trả lời giúp chúng tôi tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Chính ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói ông đang chuẩn bị một Nghị quyết đi theo hướng của một sự can thiệp của lực lượng bảo hoà. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ các giới lãnh đạo khác, và họ để cho chúng tôi hiểu rằng tất cả họ đều sẵn sàng liên minh với nhau để bắt đầu một hoạt động bảo hoà tại Trung Phi: càng sớm bao nhiều càng tốt bấy nhiêu, bởi vì mỗi ngày qua đi là lại có thêm người dân Trung Phi bị chết.

Tiếp theo đây là một số nhận định của ông Oumar Kobine Layama, Imam Hồi giáo thủ đô Bangui, về tương quan giữa các tôn giáo trong tình hình khó khăn hiện nay của Trung Phi.

Hỏi: Thưa Imam, Imam có nhận xét gì về tình hình bạo lực tại Trung Phi hiện nay?

Đáp: Tín hữu phải duy trì lòng tin trong mọi hoàn cảnh, và trước mọi khó khăn chúng ta phải tự hỏi: “Điều gì đã xảy ra vậy? Chúng ta đã làm gì? Có lẽ vì cung cách hành xử của chúng ta mà Thiên Chúa đã thử thách chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta sống thảm cảnh này chăng? Hay có lẽ để dạy cho chúng ta một bài học để chúng ta học chấp nhận Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh chăng?” Lòng tin không chỉ có trong các lúc hạnh phúc, nhưng nó phải hiện hữu cả trong thời điểm của tai ương nữa. Vì thế, sứ điệp mà tôi muốn nhắn gửi đó là sứ điệp của lòng tin, nó có nghĩa là chịu đựng, kiên nhẫn và khoan nhượng làm thành tính cách và các nhân đức của một tín hữu đích thực. Tôi yêu cầu các anh em hồi khoan nhượng và kiên nhẫn, để Thiên Chúa đem lại hoà bình và đoàn kết xã hội cho chúng ta.

Hỏi: Đã có nhiều lời kêu gọi thánh chiến được đưa ra, nhất là từ nước Mali, Imam nghĩ sao?

Đáp: Vâng, tôi biết lời kêu gọi thánh chiến bên Mali trên các địa chỉ trên mạng, nhưng tôi tự hỏi: thánh chiến chống lại ai? Đó là câu hỏi tôi tự đặt ra: bảo vệ người hồi, nhưng mà chống lại ai? Bởi vì một cách nòng cốt các tín hữu hồi được các tín hữu Kitô che chở trong các nhà thờ của họ. Đa số người hồi tìm thấy sự chở che nơi các tu sĩ Kitô, Tin Lành và Công giáo, nhưng đa số là bởi các tín hữu Công giáo. Vậy thì ra đi ném bom ở đâu? Trong chính các nhà thờ đã che chở các người Hồi giáo à? hay là sách nhiễu chính các tu sĩ Kitô đã che chở các tín hữu hồi à? Thật sự đó không phải là Hồi giáo mà Thiên Chúa đã phó thác cho chúng ta. Thiên Chúa đã phó thác cho chúng ta một Hồi giáo hoà bình, khoan nhượng và nhẫn nhục, chịu đựng trong tất cả mọi thứ thách. Tôi nghĩ rằng các tín hữu hồi chúng tôi đang đứng trước các khó khăn, bởi vì chúng tôi đã lựa chọn sự thinh lặng đồng lõa; chúng tôi đã không bao giờ tố cáo, trong cộng đoàn của chúng tôi, các lạm dụng, các cung cách hành xử của các người anh em trong lực lượng Seleka. Chúng tôi đã không lãnh lấy trách nhiệm của chúng tôi. Và do đó, ngày nay chúng tôi gặt các hậu quả mà Thiên Chúa đã gửi tới cho chúng tôi. Vì thế, chúng tôi phải duyệt xét lại các thái độ của chúng tôi và hành động theo đó, xin lỗi Thiên Chúa về tất cả những điều liên quan tới chúng tôi, để Thiên Chúa giúp chúng tôi cùng với những người khác tái lập sự gắn bó xã hội. Nếu trong lúc này chúng tôi mất đi niềm tin của mình, thì tình trạng sống của chúng tôi sẽ không thể tốt đẹp hơn: chúng tôi có nguy cơ gặp hết thảm hoạ này tới thảm hoạ khác, mặc dù các cố gắng của cộng đồng quốc tế. Trước lương tâm của chúng tôi chính chúng tôi trước hết phải tu họp nhau lại, hoà giải với nhau, để trợ giúp cộng đồng quốc tế lo lắng cho tình trạng sống của chúng tôi.

Sau cùng là một vài ý kiến của Mục sư Nicolas Grékoyamé-Gbangou, Chủ tịch các Giáo hội Tin Lành Trung Phi.

Hỏi: Thưa mục sư, tại Trung Phi có “dân quân Kitô” không?

Đáp: Đã không có dân quân Kitô nào tại Trung Phi cả. Các người thuộc lực lượng chống Balaka là các băng đảng tự vệ tại các làng, và giờ đây vì bắt buộc họ phải biến thành dân quân, để chống lại và ngăn chặn lực lượng Seleka. Không thể nói tới “dân quân Kitô”.

Hỏi: Mục sư có thể trực tiếp nói chuyện với các người này không?

Đáp: Họ hiện diện ở đó rải rác trong khu phố của chúng tôi, và chúng tôi tìm cách làm cho họ trở về với lý trí của họ, để giúp họ hiểu rằng thật ra chỉ có dân chúng là bị thiệt thòi, và điều quan trọng là cần phải ngưng sự thù nghịch.

Hỏi: Tình hình thê thảm trên bình diện an ninh và thực phẩm. Mục sư cầu mong điều gì?

Đáp: Chúng tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế sẽ lắng nghe tiếng gào thét đau đớn của chúng tôi và của những người đang ở trong các hoàn cảnh khó khăn, và vì thế mau chóng can thiệp để giải quyết tình trạng của những người di tản trong nội địa cũng như những người đã ở lại nhà nhưng sống trong tình trạng nguy hiểm. Chúng tôi nghĩ cần phải tái lập an ninh một cách nhanh chóng, với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc và tất cả những người thiện chí. Những ai có nhiệm vụ trợ giúp các người gặp khó khăn phải nhanh chóng làm điều đó.

(RG 26-3-2014̣)