Ngày Cầu nguyện cho các thừa sai tử đạo
Chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Francesca Lanciotti em gái của Cha Nazareno về chứng tá này.
24-3-2014 là Ngày Ăn chay cầu nguyện cho các thừa sai tử đạo lần thứ 22. Ngày này do Phong trào trẻ của các Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo thành lập trong năm tưởng niệm Đức cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám muc San Salvador, bị ám sát ngày 24 tháng 3 năm 1982 đang khi Đức cha dâng thánh lễ tại một nhà thờ thủ đô. Đề tài của ngày này là “Chứng tá” nhằm nhắc lại chiều kích nòng cốt của kinh nghiệm đức tin: đó là việc làm chứng tá cho Tin Mừng của biết bao nhiêu anh chị em kitô đã hy sinh mạng sống vì loan báo Tin Mừng cho thế giới. Trong số các vị ấy có Cha Nazareno Lanciotti, linh mục Hồng Ân Đức Tin, bị sát hại bên Brasil hồi năm 2001 sau 30 năm phục vụ các anh chị em nghèo nhất. Cha đã bị sát hại vì đứng hàng đầu trong việc ngăn cản các dự án của các tay buôn bán ma túy và tổ chức mại dâm trong bang Mato Grosso.
Theo thống kê của hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền giáo trong năm 2013 đã có 23 nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị sát hại, tức gấp đôi so với năm 2012 và đa số là linh mục.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Francesca Lanciotti em gái của Cha Nazareno về chứng tá này.
Hỏi: Thưa bà Francesca, cha Nazareno đã sống chứng tá cho Tin Mừng như thế nào?
Đáp: Cha ấy đã sống chứng tá hết mình. Cha đã sống nghèo nàn như dân nghèo, bởi vì cha thường nói rằng cha không thể sống giữa những người nghèo mà không cảm thấy mình như họ. Cha đã hiểu tường tận các nhu cầu vật chất và tinh thần của họ. Cha đã xây một nhà thờ, nhưng ngài cũng nghĩ tới một nhà thương và một trường học. Cha đã lôi cuốn dân chúng và họ cảm thấy rằng các cơ cấu này sẽ là của họ. Cha đã bắt đầu xây một chủng viện, và từ đó đã xuất thân nhiều linh mục. Và giờ đây một trong các linh mục đó là thỉnh nguyện viên phong thánh cho cha bên Brasil.
Hỏi: Cha Nazareno đã tin vào những gì, và tại sao cha lại chọn ra đi truyền giáo, thưa bà?
Đáp: Ngài đã có được nền đào tạo theo tinh thần Biển Đức: “Cầu nguyện và làm việc”. Ngài đã tham gia vào một chiến dịch hoạt động cho người nghèo thuộc các nước nghèo đang trên đường phát triển trong bang Mato Grosso. Cha đã sống một kinh nghiệm tương tự bên Bolivia, và đã hiểu rằng các vùng này cần rất nhiều linh mục.
Hỏi: Ba mươi năm làm việc liên lỉ. Đâu là các sức mạnh đã khiến cho cha hoạt động nhiều trong các bối cảnh khó khăn như thế?
Đáp: Cha Nazareno rất sùng kính Đức Mẹ và Bí tích Thánh Thể, bởi vì cha chầu Mình Thánh Chúa hằng ngày, cả khi đi vào trong rừng. Và cha phổ biến Kinh Mân Côi rất mạnh mẽ. Và cha thường nói: mọi chuyện khác là hoa trái của Chúa Quan Phòng. Cuộc đời của cha thật đã là một phép lạ bởi vì trước hết cha luộn luôn có trong tim Chúa Giêsu và Đức Mẹ và cha đem các Ngài đến cho người khác. Cha yêu dân chúng như yêu gia đình mình vậy.
Hỏi: Nghĩa là như cha ấy thường nói “một cuộc đời tận hiến cho người nghèo”, có đúng thế không, thưa bà?
Đáp: Vâng, đúng vậy, cho người nghèo, nhưng với rất nhiều lòng sùng mộ và tâm tình tôn giáo. Thật thế, cha đã bị giết bởi vì dân chúng đã được đào tạo tốt trên con đường đức tin: họ cầu nguyện, họ rất năng lui tới các nhà thờ, và không có ma tuý cũng không có mại dâm. Dân chúng mạnh mẽ trong lòng tin và trong cuộc sống luân lý nữa, đến độ các tay tội phạm hiểu rằng tất cả mọi sự tùy thuộc nơi vị linh mục này, và vì thế họ đã lên chương trình mưu sát cha. Người giết cha đầu trùm kín tới gần cha và nói: “Tao là quỷ dữ, và mày đã gây rất nhiều phiền toái cho chúng tao rồi. Tao tới để giết mày đây.”
Hỏi: Cha Nazareno cũng đã tha thứ cho kẻ giết cha ấy có đúng thế không?
Đáp: Đúng vậy, cha đã tha thứ cho những kẻ mưu sát. Cha còn đủ thời giờ và sáng suốt để dâng hiến mạng sống cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng, cho Giáo Hội và cho các linh mục.
Hỏi: Tôi xin nói với bà điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói liên quan tới các thừa sai: “Họ là các tín hữu Kitô dấn thân yêu thương cho đến cùng vì Chúa Kitô.” Bà nghĩ sao?
Đáp: Vâng đúng thế, yêu thương cho đến cùng. Cha Nazareno đã bị đe doạ giết nhiều lần, và và cha cũng chờ đợi điều đó xảy ra. Ngoài ra cha cũng là vị điều hợp Phong trào linh mục thánh mẫu, và sự thánh hiến của các cha là dâng lên cho Chúa cả máu của mình nữa, nếu cần. Vì thế, ngài đã sẵn sàng đón nhận mọi sự.
Hỏi: Người anh linh mục của bà đã dậy bà những gì với cuộc sống, chứng tá và dấn thân của cha ấy?
Đáp: Anh ấy dậy tôi rằng cần phải làm chứng ngày này qua ngày khác, và không bao giờ bỏ ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với tha nhân. Chúng ta không được là các “Kitô hữu hình ảnh”, nhưng phải là các kitô hữu cụ thể, bởi nếu không thì chúng ta khiến cho người ta xa lánh.
Cũng liên quan tới việc làm chứng tá cho Chúa Kitô và Tin Mừng, sau đây là bài phỏng vấn cha Fabien Bizimana, về kinh nghiệm của cha trong cuộc diệt chủng tại Rwanda hồi năm 1994. Cha đã là Bề trên các cha dòng Barnabít. Trong số hàng trăm ngàn người bị sát hại hồi đó cũng có 3 giám mục, hàng trăm linh mục và tu sĩ nam nữ và các chủng sinh. Rất nhiều tu sĩ nam nữ bị cầm tù và chính Cha Fabien cũng đã là nạn nhân của một cuộc tấn công. Bài phỏng vấn của Gabriella Ceraso.
Hỏi: Thưa cha, 20 năm đã qua kể từ khi xảy ra cuộc diệt chủng tại Rwanda. Cha nghĩ gì về biến cố này?
Đáp: Tôi thừa nhận rằng tuy biến cố đó đã thật là một thảm họa, nhưng nó cũng là một thời điểm rất định đoạt cho việc làm chứng. Các kitô hữu đã bị thử thách, và đó đã là một dịp để chứng minh rằng Tin Mừng không phải là một ngụ ngôn, mà là một thực tại, là cuộc sống.
Hỏi: Làm chứng tá trong các tình huống như thế có nghĩa là gì? Che chở, yêu thương hay thế nào?
Đáp: Đối với tôi nó có nghĩa là khiến cho Tin Mừng trở thành một thực tại và toát yếu của Tin Mừng là tình yêu. Như thế có nghĩa là làm chứng cho tình yêu và niềm hy vọng ở trong chúng ta.
Hỏi: Cha đã là chứng nhân, trông thấy các tu sĩ mất mạng sống trong thời gian đó, có đúng thế không?
Đáp: Năm 1994, tôi sống tại nhà đào tạo của dòng ở Cyangugu bên Rwanda. Và chúng tôi đã trông thấy tận mắt các linh mục bị sát hại, nhưng không phải chỉ có các linh mục thôi, mà còn có cả dân chúng bị nhận chết chìm trong hồ Kivu bên cạnh đó. Chúng tôi đã thoát được bởi vì chúng tôi là người Congo, chỉ vì vậy thôi, chứ nếu không thì họ cũng đã giết tất cả chúng tôi rồi.
Hỏi: Người ta phải làm gì để giúp đỡ dân chúng, khi có nhiều thù hận như vậy hay trong các vùng khác của thế giới, khi có các tổ chức tội phạm và có nhiều bạo lực gắn liền với nạn buôn bán ma tuý chẳng hạn?
Đáp: Vị thừa sai, chúng ta hãy nói thế đi, nếu chấp nhận cuộc sống của mình thì trở thành một của lễ, không cần nhiều diễn văn để trước hết giúp hiểu rằng vị ấy đứng về phía dân chúng. Vị ấy sẽ đáng tin cậy với chính các việc làm của mình, với cuộc sống thường ngày của mình. Sau đó thì diễn văn của vị thừa sai trở thành trong sáng, trở thành thực tại. Theo tôi, có nhiều linh mục đã được cứu thoát vì các giáo dân trong xứ hay các tín hữu đã thực sự tin nơi các vị, vì các vị sống điều các vị rao giảng.
Hỏi: Trải rộng hình ảnh của nước Rwanda ra, rất tiếc toàn đại lục Phi châu là một cái lò của biết bao nhiêu bạo lực, trong đó có đầy dẫy các vị tử đạo, có đúng thế không? Theo kinh nghiệm của cha, thì đâu là điều người ta có thể nói là quan trọng trong một ngày kỷ niệm các thừa sai tử đạo, như ngày này?
Đáp: Phi châu sẽ chỉ được cứu thoát, khi biết trở về với các giá trị khiến cho các tiền nhân, các thế hệ ông bà cha mẹ chúng tôi đã luôn minh nhiên, nghĩa là tình liên đới. Ở đây tôi nhớ tới một trong các vị tử đạo của nước Congo là Đức cha Musiro, là người đã nói: “Không phải lỗi của ai hết nếu một người sinh ra là Tutsi, là người Rwanda, thay vì sinh ra là người Hutu hay của một chủng tộc khác.” Chúng ta tất cả là anh em với nhau. Đến khi nào chúng tôi mới thực sự hiểu rằng, chỉ có tình huynh đệ đại đồng, chỉ có tình liên đới mới có thể cứu hay trao ban cho Phi châu một kỷ nguyên phát triển mới?
Hỏi: Và có thể làm chứng cho điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói, nghĩa là “các vị tử đạo là các môn đệ của Chúa Kitô đã học ý nghĩa của từ “yêu thương” cho tới cùng”, có đúng thế không, thưa cha?
Đáp: Vâng, chính tôi cũng đã là nạn nhân của một vụ tấn kích bởi những người vũ trang trong giáo xứ. Chúng tôi chỉ có hai người, tôi và một cha khác cùng dòng đêm hôm đó. Trong khi tôi bị đánh đập tóe máu, thì đã có ba người bị giết trong số những người đến cứu chúng tôi. Và tôi đã tận mắt chứng kiến một người có thể đi tới chỗ hy sinh mạng sống mình cho một người anh em khác như thế nào.
Hỏi: Và trong trường hợp này đối với các kitô hữu có nghĩa là yêu thương cho tới cùng?
Đáp: Đúng thế, đó là định nghĩa của kitô hữu. Kitô hữu là người yêu thương cho tới cùng. Tin Mừng được tóm tắt với từ “tình yêu”.