11/01/2025

“Trợ cấp ô nhiễm” ở Trung Quốc

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn khi tuyển nhân sự cấp cao do nạn ô nhiễm không khí đang hoành hành.

“Trợ cấp ô nhiễm” ở Trung Quốc

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn khi tuyển nhân sự cấp cao do nạn ô nhiễm không khí đang hoành hành.

Người dân thành phố Trịnh Châu tranh nhau mua không khí trong lành hồi đầu tháng 4-2014 - Ảnh: Reuters 

Kết quả khảo sát với 365 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc do Viện Thương mại Mỹ thực hiện cho biết có 48% trong số đó khó tuyển nhân sự cấp cao từ đầu năm 2014 và 19% thậm chí khẳng định khó tuyển nhân sự giỏi do ô nhiễm không khí gây ra từ năm 2008!

Hiện trạng này buộc các tập đoàn quốc tế phải nghĩ đến giải pháp hỗ trợ cho nhân viên khi muốn họ đến Trung Quốc làm việc. Báo mạng gb.cri.cn của Trung Quốc dẫn lời một nhà tuyển dụng của Tập đoàn Antal International – tập đoàn chuyên “săn đầu người” của Anh – cho biết nhiều lao động nước ngoài đã ra điều kiện nhà tuyển dụng phải trả thêm trợ cấp độc hại nếu muốn họ đến Trung Quốc làm việc.

Trợ cấp hàng chục ngàn USD

 

Kết quả nghiên cứu phối hợp của đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), MIT của Mỹ và đại học Hebrew của Israel cho biết tỉ lệ người chết vì ô nhiễm không khí ở Trung Quốc sẽ tăng khoảng 14% và tuổi thọ trung bình của người dân cũng sẽ giảm ba năm.

 

Báo Buổi Tối Trịnh Châu cho biết tháng 3-2014, Tập đoàn Panasonic của Nhật tuyên bố áp dụng chính sách “trợ cấp ô nhiễm” cho nhân viên người Nhật làm việc tại Trung Quốc. Chính sách này lại gây tranh cãi trong nhóm lao động người Trung Quốc vì tị nạnh công ty phân biệt đối xử do lẽ ai cũng phải chịu hít ô nhiễm. Panasonic là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên ở Trung Quốc trả khoản trợ cấp này.

Lãnh đạo Panasonic không tiết lộ có bao nhiêu nhân viên được hưởng chế độ này nhưng khẳng định họ đã quyết định tăng lương cơ bản cho nhân viên thêm 19,5 USD/tháng. Các tập đoàn Toyota, Nissan và Honda cũng tuyên bố tăng lương cơ bản cho lao động của mình.

Một số tập đoàn khác, dù chưa áp dụng chế độ “tiền trợ cấp khói bụi”, cũng đã hỗ trợ bảo vệ sức khỏe cho nhân viên. Tập đoàn Komatsu cấp miễn phí loại khẩu trang đặc biệt chống ô nhiễm tương thích với mức ô nhiễm ở khu vực miền bắc Trung Quốc.

Lao động đang làm cho những công ty quốc tế đòi thêm “khoản trợ cấp độc hại” khi được điều sang Trung Quốc. Họ cho rằng khi đến Trung Quốc sinh sống và làm việc là họ đã đặt sức khỏe của mình vào nơi nguy hiểm. Thông thường khoản trợ cấp độc hại chiếm 10% tổng lương. Antal International cho biết một số doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Bắc Kinh cũng đề xuất trả cho lao động của họ lên đến 150.000 nhân dân tệ (24.000 USD) tiền trợ cấp độc hại mỗi năm.

Thậm chí, Công ty bảo hiểm Global Life Cover của Anh còn đưa ra chương trình bảo hiểm nhân thọ trị giá 250.000-500.000 USD cho công dân Anh đang làm việc ở những quốc gia có mức ô nhiễm không khí cao, trong đó có Trung Quốc.

Biến tấu bảo hiểm ô nhiễm

Từ ngày 16-1, thành phố Bắc Kinh và một số khu vực phía bắc đã chìm trong khói bụi ô nhiễm, vấn nạn này đang kéo dài đến hôm nay. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Vũ – nhân viên của trang mạng Alibaba ở Bắc Kinh – cho biết trong tháng 1 người dân thành phố này chỉ có năm ngày được nhìn thấy bầu trời trong xanh, còn lại phải sống trong “màn sương” mù mịt ô nhiễm.

Trước tình hình trên, Nhật Báo Trung Quốc cho biết Công ty bảo hiểm Bình An đã kết hợp với một doanh nghiệp du lịch trên Internet chào bán “bảo hiểm không khí” cho khách du lịch với mức giá 1,6-2,4 USD. Công ty này cam kết sẽ bồi thường đến 16 USD cho mỗi du khách nếu họ phải lưu lại ít nhất hai ngày ở những nơi có chỉ số ô nhiễm không khí vượt mức cho phép.

Cùng thời điểm, công ty bảo hiểm Trung Quốc bán sản phẩm này với giá 22,25 USD và cam kết trả cho người mua đến 240 USD mỗi lần nhập viện vì lý do “khói bụi” và khoảng 32-48 USD cho mỗi trường hợp sống ở những nơi bầu không khí có chỉ số ô nhiễm vượt mức cho phép gấp 30 lần.

Liên quan đến chính sách “bảo hiểm khói bụi” của hai công ty này, ông Chu Vũ cho biết đây là sản phẩm mà các công ty trên phát kiến từ khi ô nhiễm không khí ở Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn từ đầu năm 2014 đến nay. Nhưng chính sách bán hàng và quảng cáo sản phẩm của các công ty trên mang hơi hướng “xổ số” hơn là vì lợi ích sức khỏe của người dân nên chỉ một tuần sau khi chào bán, chương trình trên đã bị chính quyền dừng hẳn.

MỸ LOAN