11/01/2025

Làm lại cuộc đời: Động lực từ sự chân tình của mọi người

Từng bị cưỡng hiếp năm 18 tuổi, bị kết án 10 năm tù vì tạt a xít người yêu, cuộc đời của cô gái bại liệt Nguyễn Thị Hoà Thuận tưởng như đã không còn lối thoát…

 

Làm lại cuộc đời: Động lực từ sự chân tình của mọi người

Từng bị cưỡng hiếp năm 18 tuổi, bị kết án 10 năm tù vì tạt a xít người yêu, cuộc đời của cô gái bại liệt Nguyễn Thị Hòa Thuận tưởng như đã không còn lối thoát… 

 

Làm lại cuộc đời: Động lực từ sự chân tình của mọi người
Quá khứ đầy đau buồn đã thật sự rời xa với Thuận (tên nhân vật đã được thay đổi) – Ảnh: N.T

 

Con nhím xù lông

Tôi gặp Thuận tại căn phòng cho thuê chưa đến 10 m2  trong khu lao động Q.Bình Tân, TP.HCM. Đó là cô gái rất xinh xắn. Chỉ đến khi đứng dậy chào, tôi mới biết cô bị tật. Năm lên 3 tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân của Thuận. Hồi đó đi nạng chưa quen nên té hoài, lại bị bọn trẻ cùng xóm chọc quê: “Lêu lêu, con què”, “què ơi!”…, cô chỉ biết về nhà tấm tức khóc. Và những câu trêu chọc vô tâm đã hằn vào tuổi thơ của Thuận thành một vết sẹo chẳng bao giờ liền. Cũng từ đó, nỗi mặc cảm tăng dần lên, Thuận ngày càng thu mình. Cô như con nhím, sẵn sàng xù lông lên với bất cứ ai chạm đến nỗi đau của mình. “Cuộc đời em đúng ra sẽ không khốn nạn như vầy nếu em có đôi chân lành lặn”, Thuận chỉ vào đôi chân khẳng khiu rồi nói.

 

 
 

Lúc mới ra tù, tôi còn mặc cảm lắm, một phần tật nguyền, một phần do quá khứ nặng nề quá. Nhờ sự chân tình của mọi người mà tôi mới có động lực cố gắng làm việc, làm lại cuộc đời

 
 
 

 

Năm học lớp 12, Thuận bị bạn cùng lớp rủ thêm một người nữa hãm hiếp. Chuyện cô bị hại gây xôn xao cả trường. Không chịu được những ánh mắt tò mò của bạn bè, cô bỏ học trốn lên Sài Gòn, mấy năm “vất vưởng” làm thư ký, đánh máy vi tính, thu ngân sống qua ngày. Bị liệt chân, đi lại khó khăn nên chẳng nơi nào chịu nhận cô làm việc lâu dài. Rồi cô quen với Đạt. Mối tình chỉ kéo dài hơn một năm thì Đạt quen người khác. Bị Đạt từ chối tình cảm, lại chạm đến nỗi đau tật nguyền, trong một phút không kiềm chế, Thuận đã tạt thẳng ca a xít vào mặt người tình. Đạt tử vong sau đó, còn Thuận bị kết án 10 năm tù. “Lúc đó đâu có biết tác hại của a xít cỡ nào, tôi chỉ định làm ảnh xấu đi để biết được nỗi đau của người tật nguyền và quay lại với tôi”, Thuận cho biết. 

Mái ấm bình dị

Sau vài lần ân xá, vào đúng dịp quốc khánh 2.9.2010, Thuận được ra tù trong sự mừng lo lẫn lộn. Vui vì đã được tự do, lo là không biết quãng thời gian sắp tới sẽ sống thế nào. Thời gian đầu, Quỹ hoàn lương (do ông Liên Khui Thìn và luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc CA TP.HCM thành lập) nhận cô vào làm. Nhưng niềm vui chỉ kéo dài được vài tháng, Thuận phải nghỉ làm vì kinh phí của quỹ còn eo hẹp.

Dẫu vậy, cuộc đời không đóng sập cửa với Thuận. Số tiền gần 10 triệu đồng từ quỹ đã giúp cô cầm cự cho tới khi xin được vào làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho một công ty điện thoại. Ở đây, dù biết quá khứ của Thuận nhưng mọi người vẫn không xa lánh cô. “Nói thật, lúc mới ra tù, tôi còn mặc cảm lắm, một phần tật nguyền, một phần do quá khứ nặng nề quá. Nhờ sự chân tình của mọi người mà tôi mới có động lực cố gắng làm việc, làm lại cuộc đời”, cô tâm sự.

Và rồi trái tim tưởng như chai sạn của cô lại rung lên một lần nữa với một đồng nghiệp nam. Chồng cô không đẹp trai nhưng hiền lành, thương yêu vợ. Một tuần hai vợ chồng làm 6 ngày, lương cả hai cộng lại chưa tới 5 triệu/tháng. “Tôi vừa sinh con nên bây giờ còn phát sinh thêm tiền sữa, tiền tã. Tã 4.000 đồng/cái nên mỗi ngày tôi chỉ cho con bận một cái. Còn lại thì bận quần cho nó. Chịu khó giặt đồ một chút mà đỡ tốn tiền”, Thuận nói. “Nếu cho một điều ước, Thuận sẽ ước gì?”, tôi hỏi. Cô cười: “Bây giờ tôi đã có chồng con, có một mái ấm. Tuy cuộc sống còn chật vật nhưng tôi hạnh phúc với hiện tại. Còn điều ước? À! Tôi muốn tham gia chương trình Thần tài gõ cửa dành riêng cho người khuyết tật trên Đài truyền hình Vĩnh Long, anh xin giúp tôi được không?”…

Chồng của Thuận về nhà khi trời đã xẩm tối. Chưa kịp thấy mặt đã nghe tiếng khoe từ ngoài cửa: “Em ơi, anh mới mua được nửa ký cá đối có 10.000 đồng”. “Cá rẻ mà sao không mua luôn vài ký để ăn từ từ”, tôi hỏi. “Dạ, rẻ mà, nên toàn cá nát, lựa hoài mới được nửa ký. Thêm bó rau 5.000 đồng nữa là có bữa ngon”. Nói rồi, anh lúi húi rửa rau, chuẩn bị bữa cơm chiều. Đứa con 4 tháng tuổi đã tỉnh dậy. Thuận xốc con lên cho bú làm đứa bé cười sung sướng. Nghe tiếng cười, anh chồng đang làm bếp liền bỏ đó, chạy tới. Thế là hai vợ chồng nựng, nói chuyện với con say sưa, quên cả sự có mặt của người khách lạ (là tôi) trong nhà. Trong khoảnh khắc đó, nhìn đôi mắt long lanh đong đầy hạnh phúc của vợ chồng Thuận, tôi biết, quá khứ đầy đau buồn đã thật sự rời xa.

Nguyễn Tập