11/01/2025

Trồng nấm tại nhà: một công, đôi việc

Ít ai nghĩ những bông hoa tươi vui mắt dùng để trang trí, tạo không gian thư giãn trên bàn làm việc hay góc phòng lại có thể là một món ngon, an toàn và sạch sẽ cho bữa ăn của gia đình.

 

Trồng nấm tại nhà: một công, đôi việc

Ít ai nghĩ những bông hoa tươi vui mắt dùng để trang trí, tạo không gian thư giãn trên bàn làm việc hay góc phòng lại có thể là một món ngon, an toàn và sạch sẽ cho bữa ăn của gia đình.

Những “bình hoa nấm” sẽ mang đến trải nghiệm thú vị này.

 

Những bịch nấm linh chi, nấm bào ngư hồng, xám, nấm hoàng kim có thể trở thành bình hoa trang trí cho bàn làm việc – Ảnh: K.V.

 

Tình hình thực phẩm không an toàn khiến các bà nội trợ ngày càng đau đáu hơn về việc làm sao có thực phẩm sạch ngay trong chính ngôi nhà của mình. Ngoài trồng những loại rau đơn giản như rau muống, giá, cải mầm… hiện nay một số cư dân thành thị đã bắt đầu đưa nấm vào danh sách “rau sạch do nhà trồng”.

Trải nghiệm thú vị

 

Trồng nấm có kinh tế hơn mua ở chợ?

Điều này phụ thuộc cách và người chăm sóc “bình hoa nấm”. Thông thường một “bình hoa nấm” sẽ cho thu hoạch 8-10 lần nhưng nếu không tưới đủ ẩm, thậm chí bình hoa sẽ không “nở”. Người trồng cũng phải hiểu được “tính khí” từng loại nấm, ví dụ nấm hoàng kim ưa nóng, ẩm. Nếu để “bình hoa nấm” trong phòng máy lạnh phải tăng lượng nước và thời gian tưới thì nấm mới phát triển. Nhìn chung những loại nấm sống được trong bịch như thế này nên chăm sóc ở góc thoáng mát, không có ánh nắng mặt trời, không có gió trực tiếp và ưa độ ẩm cao.

 

Nhìn từ xa, những “bình hoa nấm” nhiều màu như vàng, trắng, hồng… được xếp một góc nhỏ trên bàn làm việc không khác gì những bình hoa, chậu cảnh khác. Lại gần mới biết chiếc “bình” thực chất là giá thể dinh dưỡng để trồng nấm và chủ nhân của chiếc “bình” đặc biệt này chắc chắn trồng nấm không chỉ để ngắm.

Trong căn chung cư xinh xắn chỉ khoảng 50m2 tại quận Tân Phú (TP.HCM), chị N., một nhân viên kế toán, cho biết đang trồng thử mấy bịch nấm này và chờ đợi lứa nấm thu hoạch đầu tiên. Chị được người bạn thân cho mấy “bình” này nên trồng thử vì muốn biết “trồng nấm có khó hơn trồng rau hay không”. Sau khi làm theo hướng dẫn của người bạn, chị N. thấy chẳng có gì khó khăn khi chăm sóc các cây nấm này vì “chúng cũng chỉ cần tưới như hoa hay cây cảnh” mà thôi.

Theo chị Trần Thị Thanh Hoa, trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH công nghệ sinh học Phú Gia, công ty mới bắt đầu đưa các “bình hoa nấm” này ra bán với mục đích cho người dân thêm trải nghiệm. Hiện nhiều người vẫn chưa hiểu hết đặc tính sinh học của nấm, luôn nghĩ rằng để nấm ra được nụ thì người trồng phải dùng chất kích thích hoặc chất hóa học làm dinh dưỡng. Khi chính họ trồng, chăm sóc và tận mắt thấy quá trình mọc, phát triển của các loại nấm thì suy nghĩ của họ khác đi.

PGS.TS Phạm Thành Hổ, khoa sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết cơ chất chủ yếu để “tạo bình” cho cây nấm theo kiểu trồng cảnh này là mùn cưa cây cao su. Nhưng để “bình” thu hoạch được nhiều lứa nấm thì phải làm giàu dinh dưỡng từ bên trong. Cách mà Công ty TNHH công nghệ sinh học Phú Gia “tạo bình” là ủ mùn cưa khoảng ba tháng, mang mùn cưa đi phối trộn với một số nguyên liệu như cám ngô, cám gạo, cám mì rồi trộn đều lên. Cho giá thể vào từng bịch nilông nhỏ và cho vào nồi hơi để diệt tạp khuẩn (như đồ xôi – nấu xôi) trong 8-10 giờ. Sau đó, các loại giống nấm mới được cấy vào đó, khi nấm nhú ra mới đem từng “bình” đi bán. Người dân mua các “bình hoa nấm” này về phải tưới hằng ngày, và tùy từng loại nấm (nhanh nhất cũng phải 7-10 ngày mới thu hoạch) sẽ có chỉ dẫn thu hoạch riêng. Mỗi “bình hoa nấm” như vậy sẽ không chỉ nở hoa một lần mà đến hơn tám lần.

 

Những hoa nấm đa sắc trồng trong nhà sau khi thu hoạch – Ảnh: K.V.

 

 

Nấm hào thủ (đầu khỉ), một loại nấm đẹp và giàu dinh dưỡng, đang được khoa sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ươm trồng để làm “bình hoa” – Ảnh: P.N.

 

“Ngắm” để thay đổi thói quen ăn uống

Nhưng không phải loại nấm nào cũng có thể trồng bằng cách này. Có nhiều loại nấm rất khó tính, chỉ phù hợp với thời tiết lạnh và không thể sống với giá thể có cơ chất chủ yếu là mùn cưa. Những loại nấm có thể làm “bình hoa” để ngắm (sau đó mới ăn) mà Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang thực hiện gồm: nấm hoàng kim (nấm ngô), nấm bào ngư (hồng, xám, trắng – còn gọi là nấm hoa hồng, dạ dày…) và một loại nấm đặc biệt mà chưa có bán trong các chợ, siêu thị… là nấm hào thủ (đầu khỉ).

Những loại nấm có thể làm bình hoa là loại dễ trồng, sống trên giá thể là thân gỗ, phù hợp với thời tiết nóng, ẩm… để người dùng dễ chăm sóc. Trồng nấm để trang trí, tạo điểm nhấn cho bàn làm việc, góc nhà, vừa được ngắm hoa lại có rau sạch. Các nhà khoa học tại khoa sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên đang tìm đến những “bình hoa” đẹp mắt hơn, làm từ bìa giấy có hình vẽ, tương tự những chiếc bình hoa thật để bọc các giá thể.

PGS.TS Phạm Thành Hổ chia sẻ sở dĩ ông thấy vui thích với việc đưa công nghệ trồng nấm kiểu “bình hoa” này đến với người dân và đang thực hiện nhiều hoạt động khác tương tự là vì ông muốn “thay đổi thói quen ăn uống” của số đông người dân VN. Các loại nấm không chỉ là món ăn ngon (ngày xưa chỉ vua chúa mới được ăn nấm) mà còn kích thích miễn dịch, nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, một số loại nấm có giá trị dược liệu tốt. Vì thế, phổ biến công nghệ trồng nấm để người dùng có thói quen ăn nấm sẽ có lợi cho sức khỏe người dân.

MỸ DUNG

 

 

5 lưu ý chăm sóc “bình hoa nấm”

1. Đặt bịch nấm trong nhà (nơi có mái che và tránh ánh nắng trực tiếp).

2. Để nguyên trạng thái của bịch nấm, sau 10 ngày thì mầm nấm (với tên tương ứng trên bịch) sẽ nhú lên.

3. Khi mầm nhú lên, tưới nước sạch dạng phun sương lên bịch (3 lần/ngày và mỗi lần tưới xịt khoảng 4 lần).

4. Hái nấm khi bầu nấm to bằng khoảng chén ăn cơm và nên dùng tay bẻ, nhổ bỏ gốc nấm đã hái.

5. Để nguyên bịch nấm không tưới nước, sau 7-10 ngày, lứa nấm thứ hai sẽ xuất hiện. Mỗi bịch nấm có thể thu hoạch 8-10 lần, sau khi thu hoạch xong lần thứ bảy thì nên tưới nước vào bịch nấm để nấm tiếp tục ra những lần sau.

(Theo hướng dẫn của Công ty TNHH công nghệ sinh học Phú Gia)

 

 

 

Từ số này, trang Giáo dục – khoa học sẽ ra mắt chuyên mục “Sống cùng công nghệ”. Xuất hiện vào chủ nhật hằng tuần, chuyên mục sẽ là nơi giới thiệu những ứng dụng mới, thiết thực, hữu ích trong khoa học vào cuộc sống hiện đại. Đó cũng là nơi tư vấn, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc về khoa học thường thức liên quan đến tất cả lĩnh vực của đời sống như thực phẩm, dinh dưỡng, nuôi trồng, kiến trúc, công nghệ… với sự tham gia của những chuyên gia, nhà khoa học.

TUỔI TRẺ