11/01/2025

Lào phải tham vấn về đập Don Sahong

Câu chuyện thuỷ điện trên dòng Mekong tiếp tục là điểm nóng của Hội nghị cấp cao lần 2 của uỷ hội sông Mekong. Các quốc gia đều hiểu rằng hợp tác khu vực là điều cần thiết.

Lào phải tham vấn về đập Don Sahong

Câu chuyện thuỷ điện trên dòng Mekong tiếp tục là điểm nóng của Hội nghị cấp cao lần 2 của uỷ hội sông Mekong. Các quốc gia đều hiểu rằng hợp tác khu vực là điều cần thiết. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ ba từ phải sang) chụp ảnh chung với các trưởng đoàn và đại diện hai quốc gia đối tác đối thoại của Ủy hội sông Mekong là Trung Quốc và Myanmar Ảnh: TTXVN

 

Việt Nam và Campuchia muốn Lào tham vấn với các nước trong ủy hội sông Mekong (MRC) về việc xây dựng đập Don Sahong thuộc tỉnh Champasak. Tại buổi họp báo kết thúc Hội nghị cấp cao MRC lần 2 ngày 5-4 ở TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Minh Quang thông báo rằng đó là nội dung mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu ra trong cuộc gặp với Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong.

Mong muốn Lào phát triển, nhưng…

 

Trung Quốc hứa tăng thêm “hợp tác thực”

Đại diện của Trung Quốc, Bộ trưởng tài nguyên nước Trần Lôi khẳng định Trung Quốc sẽ “tăng thêm hợp tác thực hơn” với MRC trong việc chia sẻ thông tin “thủy lực về nước, về các kênh đập” để giải quyết lo ngại của các nước vùng hạ lưu. Ông Trần thừa nhận “đôi khi chúng ta có thể bất đồng” nhưng nếu có thể hợp tác trong tinh thần “chân thành cởi mở” thì có thể sẽ giải quyết được những bất đồng đó.

Đến nay, Trung Quốc và Myanmar, hai nước ở thượng nguồn sông Mekong, vẫn chưa gia nhập MRC. 

 

Dự án đập Don Sahong (270 MW), dự kiến khởi công cuối năm nay, bị các nhà môi trường và các nước trong khu vực phản đối lâu nay vì bị coi là có tác động nghiêm trọng tới dòng chảy chính của sông Mekong cũng như ảnh hưởng tới các hoạt động thủy sản ở hạ nguồn. Trước đó, dự án đập Xayaburi (1.285 MW) của Lào cũng bị các nước và các tổ chức quốc tế chỉ trích kịch liệt. Báo chí Lào ngày 3-4 nói dự án Xayaburi trị giá 3,5 tỉ USD đã hoàn thành được 23% và dự kiến vận hành từ năm 2019.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, các nước đã đề nghị Lào đợi kết quả nghiên cứu về tác động các dòng chính trên dòng Mekong do Việt Nam chủ trì cùng với sự tham gia của Lào, Campuchia được công bố vào năm 2015 trước khi tiến hành tiếp các dự án thủy điện của mình. “Chúng tôi hi vọng phía Lào cũng quan tâm ý kiến của các nước trong khu vực về vấn đề này” – ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định quan điểm của Việt Nam là “rất mong muốn Lào phát triển. Chúng tôi coi sự phát triển của Lào cũng là sự phát triển của Việt Nam”. Nhưng theo ông, “quan điểm của VN và Campuchia là sự phát triển thủy điện trên dòng chính của sông Mekong cần tuân thủ các quy định của MRC, nhất là không gây ảnh hưởng hay tác động có hại với các nước ở hạ nguồn”.

Cần hợp tác khu vực

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Để giải quyết các thách thức, nỗ lực của từng quốc gia là không đủ. Chúng ta cần tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt là giữa các nước trên dòng sông, cả thượng nguồn và hạ nguồn thông qua các cơ chế đa phương và tiểu vùng như là MRC”.

Thủ tướng cũng cảnh báo rằng “chưa bao giờ lưu vực sông Mekong đứng trước nhiều thách thức như hiện nay” khi đang là một trong năm lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất (giảm 10% trong 30 năm qua).

Thủ tướng nhắc đến chuyện sông Mekong ở Lào khô hạn tới mức mùa khô người ta lội được qua sông, ở Thái Lan bị lũ lụt trong nhiều tháng hồi năm 2011, còn tại Việt Nam nước mặn đã vào tới tận Tân Châu, Châu Đốc (An Giang), “điều chưa từng xảy ra trước đây”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc các nước cần “nỗ lực hơn nữa để tranh thủ các cơ hội hợp tác” cùng vượt qua những thách thức hiện tại và các nước thành viên phải có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển bền vững của dòng sông.

Trong khi đó, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong ghi nhận việc quản lý phát triển ở sông Mekong được thực hiện tốt, “không có đối đầu, căng thẳng” giữa các nước và cho rằng đây là bài học cho hợp tác trong những năm tới.

Hội nghị cấp cao lần 3 của MRC sẽ được tiến hành tại Phnom Penh (Campuchia) vào tháng 4-2018.

THANH TUẤN

 

 

Thông qua Tuyên bố chung TP.HCM

Tại Hội nghị cấp cao lần 2 của MRC, khai mạc và kết thúc trong ngày 5-4, lãnh đạo các nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan đã cùng thống nhất đưa ra Tuyên bố chung TP.HCM, trong đó ưu tiên đẩy nhanh các nghiên cứu, đánh giá về tác động của phát triển đối với dòng Mekong, nhấn mạnh tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính. Ngoài ra, tuyên bố cũng nhấn mạnh việc phòng tránh, giảm thiểu các rủi ro đối với hệ sinh thái sông, an ninh lương thực, sinh kế và chất lượng nước trên dòng Mekong. Các nhà lãnh đạo cũng thừa nhận biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng các thách thức. MRC cũng đặt mục tiêu sẽ tự chủ hoàn toàn về tài chính từ năm 2030.