07/01/2025

Đào hồ cho thành phố

Các hồ này sẽ phân tán khắp các quận huyện, với nhiều hình thức hồ nổi, ngầm, nhằm giải quyết tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng do quá trình đô thị hóa và hiện tượng nước biển dâng bởi biến đổi khí hậu.

 

Đào hồ cho thành phố

Các hồ này sẽ phân tán khắp các quận huyện, với nhiều hình thức hồ nổi, ngầm, nhằm giải quyết tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng do quá trình đô thị hóa và hiện tượng nước biển dâng bởi biến đổi khí hậu.

 

 Đào hồ cho thành phố
Đường Calmette, Q.1 chìm trong nước sau cơn mưa lớn – Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua (7.4), thạc sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước – Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM (chủ đầu tư), cho biết “Quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng tại TP.HCM” đã hoàn tất giai đoạn lấy ý kiến các sở ngành. Dự kiến tháng 5 phía tư vấn sẽ báo cáo cuối kỳ, sau đó trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt. “Đây là quy hoạch mở nên sẽ không giới hạn cụ thể số lượng hồ điều tiết là bao nhiêu. Có thể là vài chục hoặc hàng trăm hồ, tùy thuộc lưu lượng nước mưa dư thừa mà hệ thống cống hiện hữu không thoát kịp”, ông Long nói.

Đã xác định 30 vị trí làm hồ

Cũng theo ông Long, nói là hồ nhưng không phải bắt buộc phải xây hồ vì sẽ rất tốn kém, nhất là ở những quận nội thành như Q.1, Q.3… giá đất vô cùng đắt đỏ. Vì thế, có thể tận dụng những con rạch, khoảnh đất trống ở công viên hay trước khu chung cư… để cải tạo làm hồ điều tiết.

 

 
 

Không chỉ sử dụng vốn ngân sách mà cần kết hợp nguồn vốn tư nhân, sự cộng tác của người dân. Đặc biệt, các cơ quan chính quyền phải làm gương trước vì thường đất chọn làm hồ điều tiết là đất công cộng do chính địa phương quản lý

 

Tiến sĩ Hồ Long PhiGiám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu – Đại học Quốc gia TP.HCM

 

 

Có nhiều hình thức tích trữ nước như có thể làm hồ ngầm bằng cách đặt các bồn chứa nước dưới đất rồi lấp lại, mặt bằng bên trên vẫn sử dụng bình thường. Ở các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Thủ Đức, Q.12… nhiều đất trống có thể tận dụng làm hồ nổi kết hợp xây dựng công viên, khu du lịch.

Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu – Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Trong nỗ lực tìm giải pháp chống ngập úng cho TP.HCM, việc làm nhiều hồ điều tiết có diện tích khác nhau là giải pháp rất hay. Có thể làm hồ ngầm hay tận dụng cả diện tích chứa nước mưa trong các hộ gia đình”. Theo ông Long, trong thực tế “đất chật người đông” ở TP.HCM, giải pháp đào hồ sẽ gặp nhiều khó khăn. Khả thi nhất là phải giữ một số hồ có sẵn hiện nay làm hồ điều tiết và làm hồ ngầm. “Làm được dạng hồ ngầm vừa giúp trữ nước mưa chống ngập, mặt bằng vẫn được sử dụng vào mục đích khác”, ông Phi nói.

Là thành viên tư vấn cho quy hoạch nói trên, ông Phi cho biết thông qua các bước khảo sát đã xác định được hơn 30 vị trí thuận lợi để làm hồ điều tiết. Trong đó 2 vị trí được TP dự kiến là khu vực rạch Gò Dưa, Q.Thủ Đức, rộng khoảng 100 ha, trũng tự nhiên và khu vực Bàu Cát, Q.Tân Bình là nơi ngập nhiều và thường xuyên. Ngoài ra, còn nhiều vị trí quy hoạch hồ khác như H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, Q.12…

Sửa chữa sai lầm trong quá khứ

Việc chọn giải pháp xây hồ điều tiết phân tán, theo ông Phi là “cố gắng đưa về giải pháp thoát nước tự nhiên của TP.HCM trước đây, đồng thời sửa chữa sai lầm trong quá khứ (đặt cống lấp rạch thoát nước tự nhiên – PV)”. Tuy vậy, để thực hiện thành công cần có sự quyết tâm cao của chính quyền, sự đồng thuận xã hội và đặc biệt quan trọng là phải nghĩ cách làm sao ít gây xáo trộn xã hội, ít giải tỏa di dời nhất. “Không chỉ sử dụng vốn ngân sách mà cần kết hợp nguồn vốn tư nhân, sự cộng tác của người dân. Đặc biệt, các cơ quan chính quyền phải làm gương trước vì thường đất chọn làm hồ điều tiết là đất công cộng do chính địa phương quản lý”, ông Phi nhấn mạnh.

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, đô thị, cho rằng làm hồ điều tiết là một trong nhiều giải pháp chống ngập hiệu quả. Tuy nhiên, ông Sanh lưu ý ở TP.HCM khu vực trung tâm không còn nhiều đất để làm hồ điều tiết, một số hồ trong công viên đã tư nhân hóa, nếu làm hồ điều tiết ở ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn… lại khó phát huy hiệu quả chống ngập cho nội thành. “Khi xây dựng cống thoát nước, TP nên tận dụng mở rộng khẩu độ cống để nâng chu kỳ cận mưa lên 15 – 20 năm thay vì 3 – 5 năm như hiện nay. Ngoài ra, không nên bê tông hóa lề đường, vỉa hè mà cần sử dụng vật liệu thân thiện, tạo điều kiện cho nước mưa thấm thoát nhanh xuống lòng đất”,  ông Sanh đề xuất.

 

47 con kênh đã biến mất

Theo các chuyên gia môi trường, tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh và tràn lan trong thời gian gần đây khiến hàng ngàn héc ta chứa nước ở TP.HCM biến mất. Nhà cửa, công trình được xây dựng ồ ạt khiến nhiều kênh rạch, ao hồ bị san lấp. Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, trong hơn 10 năm trở lại đây có đến 47 con kênh với tổng diện tích 16,4 ha biến mất. Từ năm 2002 đến 2009, khả năng chứa nước của hệ thống ao hồ và vùng ngập nước trong TP giảm gần 10 lần. Nhiều khu vực ngoại thành như Q.12, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh xuất hiện điểm ngập mới do giảm khả năng thoát nước trước tốc độ đô thị hóa, đất ruộng bị san lấp, xây dựng nhà, khu dân cư tự phát.

Số liệu của UBND TP.HCM cho thấy, năm 2011 – 2013 TP đã hoàn thành các công trình chống ngập lớn như cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè, 335 km cống thoát nước, lắp đặt 1.077 van ngăn triều…; đã xóa 47/58 điểm ngập do mưa, 16/26 điểm ngập do triều, 113/271 điểm ngập khác trên địa bàn quận, huyện… với tổng kinh phí chống ngập 1.577 tỉ đồng. Đến thời điểm này, TP còn 14 điểm ngập.

 

Đình Mười