Cuộc hành trình lên cao
Cứ mỗi năm vào Chúa Nhật lễ Lá, lại một lần nữa, lòng bồi hồi xúc động, cùng với Đức Giêsu, chúng ta bước lên ngọn núi cao tiến về thánh điện, và cùng đi với Người trên suốt con đường hướng lên cao này.
Cuộc hành trình lên cao
Cử hành Chúa Nhật lễ Lá và kính nhớ cuộc Thương Khó của Chúa
Quảng trường Thánh Phêrô
Ngày Thế giới Giới trẻ lần 26
Chúa Nhật Lễ Lá, 17/4/ 2011
Anh chị em thân mến,
Các bạn trẻ thân mến!
Cứ mỗi năm vào Chúa Nhật lễ Lá, lại một lần nữa, lòng bồi hồi xúc động, cùng với Đức Giêsu, chúng ta bước lên ngọn núi cao tiến về thánh điện, và cùng đi với Người trên suốt con đường hướng lên cao này. Ngày hôm nay, trên khắp cùng bờ cõi trái đất, và dọc suốt dòng thời gian, các bạn trẻ và mọi người thuộc mọi lứa tuổi cùng nhau cất tiếng tung hô Đức Giêsu: «Hosanna con vua Đavit! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!»
Nhưng thực ra, chúng ta làm gì khi cùng nhau tham dự vào một đoàn rước như thế – giữa đám đông người cùng đi với Đức Giêsu lên Giêrusalem và tung hô Người như vị quân vương của Israel? Có một cái gì đó quan trọng hơn cả một nghi lễ, hơn cả một tập tục lạ không? Điều này có liên hệ gì đến thực tế cuộc đời chúng ta và thế giới không? Để tìm ra câu trả lời, trước tiên, chúng ta phải làm sáng tỏ điều Đức Giêsu trong thực tế đã muốn và đã làm. Sau lời tuyên tín của Phêrô tại Xêdarê Philipphê ở cực bắc Thánh địa, Đức Giêsu đã lên đường hướng về Giêrusalem với tư cách là khách hành hương về mừng lễ Vượt Qua. Người lên đường tiến về đền thờ trong thành thánh, về nơi mà đối với dân Israel, Thiên Chúa đặc biệt gần gũi dân Ngài. Người lên đường tiến về lễ Vượt Qua của mọi người, ngày lễ kỷ niệm biến cố Chúa giải phóng toàn dân khỏi đất Ai Cập và dấu hiệu của niềm hy vọng được giải phóng sau cùng. Người biết rằng một lễ Vượt Qua mới đang chờ đợi Người, và chính Người sẽ thay thế cho các con chiên bị sát tế, khi Người dâng chính bản thân mình làm của lễ trên thập giá. Người biết rằng trong những của lễ huyền nhiệm là bánh miến và rượu nho, Người sẽ mãi mãi tự hiến cho gia nhân của mình, và rằng Người sẽ mở cho họ con đường giải phóng mới, tình bằng hữu với Thiên Chúa hằng sống. Người đang trên đường tiến về Thánh giá trên đồi cao, tiến về giây phút tình yêu tự hiến. Mục tiêu sau cùng trong cuộc hành trình của Người là điểm cao của Thiên Chúa, nơi mà Người muốn nâng mỗi người lên cao.
Như thế, nghi lễ rước lá của chúng ta hôm nay muốn nói lên một cái gì đó sâu xa hơn, muốn suy nghĩ về sự kiện là cùng với Đức Giêsu, chúng ta bắt đầu lên đường hành hương dọc theo con đường dốc lên cao hướng về Thiên Chúa hằng sống. Hành trình đi lên này là điều chúng ta muốn nói đến. Đó là con đường Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi. Nhưng làm sao chúng ta có thể giữ được bước đi trong cuộc hành trình đi lên này? Hành trình đó không vượt quá sức lực của chúng ta sao? Vâng, hành trình đó vượt quá khả năng của chúng ta. Ngay từ khởi nguyên con người rất muốn – và ngày hôm nay lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết – mình “như Thiên Chúa”, muốn tự sức riêng mình đạt đến đỉnh cao của Thiên Chúa. Trong tất cả những phát minh của trí khôn con người, phân tích cho cùng thì ta thấy con người tìm cách có được đôi cánh để có thể bay lên đến đỉnh cao của hữu thể, để trở nên độc lập, hoàn toàn tự do như Thiên Chúa vậy. Có rất nhiều điều mà nhân loại có thể làm được: chúng ta có thể bay! Chúng ta có thể thấy, nghe và nói với nhau từ chân trời này đến chân trời kia. Tuy nhiên, lực kéo chúng ta xuống phía dưới cũng rất mạnh. Với sự gia tăng những khả năng của chúng ta, chúng ta cũng không tăng thêm được những điều tốt đẹp. Những khả năng làm điều xấu của chúng ta cũng đã tăng lên và xuất hiện như những cơn bão đe doạ lịch sử. Những giới hạn của chúng ta vẫn còn đó: ta chỉ cần nghĩ đến những tai ương trong những tháng vừa qua đã làm và đang còn tiếp tục làm cho nhân loại phải sầu khổ.
Các Giáo phụ đã nói rằng con người đang đứng giữa giao điểm của hai vùng lực hút. Trước tiên là lực kéo chúng ta xuống dưới – hướng đến tính ích kỷ, dối gian và xấu xa; lực đưa chúng ta xuống dưới và làm cho chúng ta xa rời đỉnh cao của Thiên Chúa. Mặt khác còn có lực tình yêu của Thiên Chúa: sự kiện được Thiên Chúa yêu mến và lời đáp trả bằng tình yêu của chúng ta kéo chúng ta lên cao. Con người ở giữa hai lực hút này và mọi sự đều lệ thuộc vào sự kiện con người có thoát được vùng lực hút của điều xấu để hoàn toàn được tự do để cho lực hút của Thiên Chúa lôi kéo, và lực hút này làm cho chúng ta trở nên đích thực, đưa chúng ta lên cao và ban cho chúng ta sự khôn ngoan đích thực.
Sau phần Phụng vụ Lời Chúa, bắt đầu Kinh nguyện Thánh Thể, mà qua phần này Chúa đến ngự giữa chúng ta, Giáo Hội mời gọi chúng ta: “Sursum corda!” (Hãy nâng tâm hồn lên!). Theo quan niệm của Sách Thánh và theo cách nhìn của các Giáo phụ, quả tim là tâm điểm của con người nơi trí năng, ý chí và tình cảm, xác và hồn kết hiệp với nhau. Tâm điểm nơi tinh thần trở nên thể xác và thể xác trở nên tinh thần; nơi ý chí, tình cảm và trí năng kết hiệp với nhau trong sự hiểu biết Thiên Chúa và trong tình yêu đối với Ngài. “Con tim” này phải được nâng lên. Nhưng ta cần nhắc lại: chỉ mình chúng ta, chúng ta quá yếu đuối không thể nào nâng lòng trí lên đến điểm cao xa của Thiên Chúa. Chúng ta không có khả năng lên tới đó. Óc kiêu hãnh nghĩ mình có thể lên cao nhờ sức riêng của mình lại kéo chúng ta xuống dưới và làm chúng ta xa rời Thiên Chúa. Chính Chúa phải kéo chúng ta lên, và đó là điều Đức Kitô đã bắt đầu làm trên Thánh giá. Người đã đi xuống chỗ tận cùng của kiếp nhân sinh để kéo chúng ta lên với Người, với Thiên Chúa hằng sống. Người đã trở nên khiêm nhường, bài đọc II ngày hôm nay đã nói với chúng ta như thế. Chỉ có như thế chúng ta mới thắng được tính kiêu ngạo của chúng ta: sự khiêm nhường của Thiên Chúa là hình thái tột cùng của tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu khiêm nhường này lại kéo chúng ta lên cao.
Thánh vịnh 24 được Giáo Hội xem là «bản thánh ca lên đền» mà chúng ta dùng để hát khi đi rước kiệu trong phụng vụ hôm nay chỉ cho thấy một vài yếu tố cụ thể tạo nên cuộc hành trình đi lên, mà nếu không có những yếu tố đó, thì chúng ta cũng không thể được kéo lên cao: đôi tay vô tội, con tim tinh tuyền, không nói dối, tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa. Những chinh phục vĩ đại về mặt kỹ thuật chỉ có thể làm cho chúng ta được tự do và chỉ có thể là những yếu tố làm cho nhân loại tiến bộ, nếu chúng được liên kết với những thái độ này – nếu đôi tay của chúng ta vô tội và con tim tinh tuyền, nếu chúng ta tìm kiếm sự thật, tìm kiếm Thiên Chúa, và nếu chúng ta để cho tình yêu của Ngài tác độngvà chất vấn chúng ta. Tất cả những yếu tố của cuộc hành trình đi lên này chỉ hữu hiệu nếu chúng ta khiêm nhường nhìn nhận rằng mình phải được kéo lên cao; nếu chúng ta bỏ tính kiêu ngạo muốn xem mình là Thiên Chúa. Chúng ta cần Thiên Chúa: Ngài kéo chúng ta lên cao, chúng ta để cho bàn tay Ngài đưa chúng ta lên – nói cách khác, nhờ đức tin – Ngài đặt chúng ta đúng hướng và ban cho chúng ta sức mạnh nội tâm đưa chúng ta lên cao. Chúng ta cần một đức tin khiêm nhường tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa và tín thác vào chân lý tình yêu của Ngài.
Câu hỏi từ lâu vẫn làm cho nhân loại phải bận tâm đó là làm sao con người có thể lên tới đỉnh cao, có thể hoàn toàn là chính mình và hoàn toàn giống Thiên Chúa. Câu hỏi này đã được các triết gia theo trường phái Platon thế kỷ 3 và 4 bàn cãi một cách sôi nổi. Câu hỏi chính yếu của họ là làm sao tìm ra được những phương tiện thanh luyện để con người có thể giải phóng mình khỏi gánh nặng kéo con người xuống phía dưới và như thế, có thể làm cho họ vươn mình lên đỉnh cao của hữu thể đích thực của mình, vươn mình lên đỉnh của Thiên Chúa. Thánh Âu Tinh, khi đi tìm chính lộ, đã dựa theo những nền triết lý này. Nhưng cuối cùng ngài phải nhìn nhận rằng những câu trả lời họ mang lại thì không đầy đủ, và những phương pháp của họ không thực sự dẫn ta đến Thiên Chúa. Ngài nói với những người đại diện của trường phái này: anh em hãy nhìn nhận rằng sức mạnh của con người và tất cả những thanh luyện này không đủ để thực sự mang con người đến đỉnh cao xa của Thiên Chúa, đến đỉnh cao thích hợp với con người. Và ngài nói thêm rằng ngài sẽ thất vọng về chính mình và về cuộc sống của con người, nếu ngài không tìm ra Đấng làm được những gì mà chúng ta không thể nào làm được; tìm ra Đấng đưa chúng ta lên đỉnh cao xa của Thiên Chúa, cho dầu chúng ta khốn cùng: đó là Đức Giêsu Kitô là Đấng từ Thiên Chúa, đã đi xuống với chúng ta, và trong tình yêu chịu đóng đinh của Người, đã nắm lấy bàn tay chúng ta và đưa chúng ta lên cao.
Chúng ta trên đường lữ hành cùng với Chúa hướng về điểm cao xa. Chúng ta phấn đấu để có được con tim tinh tuyền và đôi tay vô tội, chúng ta đi tìm chân lý, chúng ta đi tìm dung nhan Thiên Chúa. Chúng ta nói lên với Chúa ước muốn trở nên công chính và chúng ta cầu xin Ngài: Xin kéo chúng con lên cao! Xin làm cho chúng con được tinh tuyền! Xin làm cho lời ca chúng con hát trong Thánh vịnh lên đền trở nên có giá trị cho chúng con, nghĩa là chúng con có thể thuộc về thế hệ tìm kiếm Thiên Chúa, «tìm kiếm dung nhan Ngài, lạy Thiên Chúa Jacob» (Tv 24,6). Amen.