Biến quýt hồng thành quýt kiểng
Nhà vườn Tư Ràng nổi tiếng ở miền Tây khi biến cây quýt hồng cành lá sum suê thành kiểng chưng tết. Mấy chục năm sống bằng nghề trồng quýt hồng, nhưng đến năm 2005 ông Tư Ràng mới có ý định đưa cây quýt hồng vô chậu làm cây kiểng.
Biến quýt hồng thành quýt kiểng
Nhà vườn Tư Ràng nổi tiếng ở miền Tây khi biến cây quýt hồng cành lá sum suê thành kiểng chưng tết.
Quýt kiểng chưng tết luôn hút hàng trong mấy năm gần đây – Ảnh: Thanh Dũng |
Ý tưởng độc đáo
Ở H.Lai Vung (Đồng Tháp), rất nhiều người trồng quýt hồng nhưng chỉ có ông Lưu Văn Ràng (Tư Ràng, ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới) dám lấy cây quýt hồng làm kiểng. Tết vừa rồi ông đã cung cấp ra thị trường hơn 150 chậu quýt kiểng với giá từ 700.000 – 3.000.000 đồng/chậu. Ông Ràng nói cây quýt hồng bình thường cao lớn, cành lá sum suê nhưng qua bàn tay ông biến thành cây kiểng chỉ cao từ 0,8 – 1,4 m. Lúc đầu đưa ra thị trường, nhiều người lầm tưởng là kiểng thường như hạnh, tắc nhưng đến khi chạm tay vào trái quýt hồng mới thấy thích thú. Cái hay của ông Ràng là “rút gọn” hình dáng cây nhưng trái quýt vẫn to như thường và hương vị không thay đổi.
Mấy chục năm sống bằng nghề trồng quýt hồng, nhưng đến năm 2005 ông Tư Ràng mới có ý định đưa cây quýt hồng vô chậu làm cây kiểng. Gần 2 năm bám vườn quýt kiểng, ông trải qua không ít thất bại, lúc thì đưa vào chậu quýt bị chết héo, cây sống được thì chẳng cho trái, hoặc chỉ 2 – 3 trái. “Quýt kiểng đem chưng mà có ít trái thì ai mua. Từ những thất bại tôi rút ra nhiều kinh nghiệm đến khi tìm được “công thức” thu nhỏ cây quýt”, ông Tư Ràng nói.
Thành công ngoài mong đợi
Tết năm 2007, ông Tư Ràng tung ra thị trường hơn 70 chậu quýt kiểng thăm dò và đã tiêu thụ sạch dù giá khá cao. Các tết sau đó, số lượng quýt kiểng tăng dần từ 100 – 200 chậu nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Trừ chi phí, mỗi mùa tết ông lời hàng trăm triệu đồng từ quýt kiểng. Riêng năm 2011, ông hạn chế làm quýt kiểng do lũ lớn tràn về ảnh hưởng đến đất trồng quýt Lai Vung.
Theo ông Tư Ràng, để trồng được một chậu quýt bán tết phải chăm sóc cực kỳ vất vả, tay nghề kỹ thuật phải cao, đặc biệt phải có tính nhẫn nại, chuyên cần. Ông kể, để trồng được quýt kiểng phải chuẩn bị giâm cây con từ hơn một năm trước, cái khó nhất là lúc chuyển cây con vào chậu không khéo thì cây quýt bị động rễ dễ bị chết… Vì thế, dù quýt kiểng luôn hút hàng, cao giá nhưng số lượng vẫn rất hạn chế do tâm lý nhà vườn sợ không nắm vững kỹ thuật dẫn đến thất bại, lỗ lã.
Vườn quýt kiểng của ông Tư Ràng hiện đang nổi tiếng ở Lai Vung. Nhiều nhà vườn đến tham khảo học hỏi kinh nghiệm, khách thập phương cũng tìm đến đặt hàng. Các sở, ban ngành tỉnh Đồng Tháp đánh giá rất cao mô hình trồng quýt kiểng của ông. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan sau khi tham quan đã khen ngợi khả năng sáng tạo của ông Tư Ràng. Chủ tịch tỉnh gợi ý ông mở rộng diện tích trồng quýt kiểng, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mở con đường lớn dài hơn 300 m cho xe 4 bánh có thể chạy thẳng vào vườn quýt của ông để dễ vận chuyển quýt và thuận tiện cho khách du lịch đến tham quan…
Từ cây quýt kiểng của ông Tư Ràng, nhiều nhà vườn đã học theo, đưa nhiều loại cây ăn trái vào chậu chưng tết như đu đủ, ổi, vú sữa…
Thanh Dũng