Bài 17: Cẩm Nang Tân Phúc âm Hoá: Gắn bó với Chúa Giêsu trong cái chết của Người
Cái chết của Đức Giêsu vừa là một sự kiện lịch sử vừa là một mầu nhiệm nên cần khám phá bằng lý trí dưới ánh sáng đức tin. Việc khám phá này cần thực hiện liên tục trong đời sống chứ không phải một lần là được. Mỗi lần cố gắng là chúng ta luôn khám phá ra những điểm mới và có những bước tiến mới trong đời sống
Bài 17: Cẩm Nang Tân Phúc âm Hoá
Gắn bó với Chúa Giêsu
trong cái chết của Người
Lời mở
Để có thể rao giảng TM của Chúa Giêsu, chúng ta phải xác tín về mầu nhiệm Vượt Qua của Người, nghĩa là về cái chết và cuộc sống lại của Chúa Giêsu. Trước hết, chúng ta tìm hiểu về cái chết của Người. Chúng ta có thể tóm tắt vài điểm cơ bản sau đây:
Lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô. Người chịu khổ hình và mai táng”: là đặc điểm của niềm tin Kitô giáo so với các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác thường chỉ muốn suy tôn vị sáng lập tôn giáo trong ánh hào quang, còn Kitô giáo lại nói về cái chết bi thảm của Đức Giêsu.
Cái chết của Đức Giêsu vừa là một sự kiện lịch sử vừa là một mầu nhiệm nên cần khám phá bằng lý trí dưới ánh sáng đức tin. Việc khám phá này cần thực hiện liên tục trong đời sống chứ không phải một lần là được. Mỗi lần cố gắng là chúng ta luôn khám phá ra những điểm mới và có những bước tiến mới trong đời sống
Cái chết này gắn bó với cuộc sống lại thành một biến cố duy nhất giống như hai mặt của một thực tế (x. 1Cr 15; 1Ts 4,14; 1Pr 3,18). Nếu chỉ quên đi một mặt, ta sẽ không thể nhận định rõ và sống đúng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô: để rồi bi quan về cái chết hoặc ảo tưởng về cuộc sống lại.
1. Những dữ liệu lịch sử
1.1. Cả bốn sách Phúc Âm đều kể về cái chết và cuộc sống lại của Đức Giêsu, một số sách khác trong Tân Ước, sử gia Tacitus người Rôma, sách Tamud của người Do Thái… cũng nói đến cái chết này. Đây là những dữ liệu lịch sử chắc chắn và cái chết của Đức Giêsu là một thực tại lịch sử.
1.2. Sự kiện xảy ra là: Đức Giêsu Nazareth đã bị quan toàn quyền người Rôma là Phongxiô Philatô kết án đóng đinh trên thập tự do áp lực của các thượng tế và kỳ mục người Do Thái vào ngày thứ Sáu, 7 tháng 4 năm 30 (một số ít sử gia khác tính vào ngày 3 tháng 4 năm 33), ngày áp lễ Vượt Qua, 14 tháng Nisan (x. Mt 27,45-54; Mc 15,33-39; Lc 23,44-48; Ga 19,31). Giáo hội Công giáo đã giữ truyền thống cử hành ngày Chúa Giêsu chịu chết tương ứng với lễ Vượt Qua của người Do Thái thay vì cử hành vào đúng ngày 7 tháng 4 hằng năm.
1.3. Lý do Đức Giêsu bị kết án: người ta muốn quy trách nhiệm việc xử án bất công cho công nghị Do Thái hoặc quan toàn quyền Rôma. Thực sự chính vì cuộc sống của Đức Giêsu: thái độ của Người đối với lề luật, với ngày Sabat, với các tội nhân, hành động của Người trong việc trừ quỷ, tha tội, xua đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem, một số lời dạy của Người có vẻ như chống lại thái độ người cầm quyền nên người ta muốn tận diệt Đức Giêsu.
2. Giải thích về cái chết của Đức Giêsu
2.1. Khởi đầu các môn đệ sửng sốt, không hiểu. Truyền thống Do Thái không nói đến việc Đấng Mêsia bị chính dân tộc chối từ và giết đi. Sau đó cộng đồng Kitô hữu sơ khai mới hiểu được ý nghĩa của thập giá và coi đó là nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (x. Cv 2,23; 4,28; Pl 2,8). Hơn nữa, cộng đồng đang sống trong hoàn cảnh bị đàn áp, bách hại nên tìm cách áp dụng cuộc khổ nạn của Đức Giêsu vào đời sống của mình.
2.2. Cuộc khổ nạn – sống lại của Đức Giêsu xảy ra theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và báo trước: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy đúng như lời Thánh Kinh” (1Cr 15,3-4). Vì thế, các Kitô hữu sơ khai dựa vào Thánh Kinh để khám phá ra ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu qua các hình ảnh: Abel bị giết, Giuse bị bán làm nô lệ, tiên tri Giêrêmia bị bách hại, Israel bị lưu đầy, chiên lễ Vượt Qua…
2.3. Đức Giêsu tự hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa như của lễ đền tội cho con người (x. 1Cr 11,24; Lc 22,19… “Đây là mình Thầy hiến tế vì anh em…”. Người là tôi tớ Giavê được tiên tri Isaia báo trước: “Chính Người đã bị đâm vì chúng ta đã phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm… Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu… Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, Người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo… Đức Chúa đã muốn Người phải bị nghiền nát vì đau khổ… (x. Is 52,5-10).
2.4. Đức Giêsu chết để thiết lập giao ước mới với Thiên Chúa: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (x. Mt 26,28; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-25).
2.5. Tại sao Chúa Giêsu lại phải chết để đền tội cho con người và giao hoà với Thiên Chúa?
Chúng ta hãy tưởng tượng hai đứa bé chửi nhau: “mày là đồ ăn cắp” rồi dẫn đến bất hoà. Để hoà giải, một người lớn có thể nói: “Thôi, hai cháu xin lỗi nhau và làm hoà với nhau đi!”. Như thế là đủ.
Nhưng đứa bé nói lời vô lễ đó với ông chủ tịch quận hay thành phố, thì không phải ai cũng hoà giải đôi bên được. Cần một người trung gian có địa vị tương xứng và quen biết cả hai bên thì việc hoà giải mới tốt đẹp. Nếu người bị xúc phạm là ông vua thì người hoà giải phải là vị hoàng hậu hay quan tể tướng. Như thế, một hành vi xấu xa xúc phạm đến người có địa vị càng cao thì tội càng nặng. Từ đó ta hiểu được hành động của con người xúc phạm đến Thiên Chúa nặng nề vô cùng, không ai có thể đền bù và hoà giải nếu không phải là chính Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, dám nhận trách nhiệm này.
3. Kinh nghiệm của Đức Giêsu về sự chết
Chúng ta muốn tìm hiểu khía cạnh thâm thuý, tinh vi của mầu nhiệm thập giá tiềm ẩn trong cõi lòng sâu thẳm của Đức Giêsu, trong ý thức và trong chính bản thể của Người. Chắc chắn ít ai trong chúng ta có kinh nghiệm về cái chết vì chúng ta chưa chết nhưng chúng ta có thể hiểu được nhờ suy luận và ơn Chúa soi sáng qua lời cầu nguyện.
Ta có thể xác tín rằng: Đức Giêsu là người thế nào thì sẽ chết thể ấy: Người chết như con người, như Đấng Kitô, như Ngôi Lời Thiên Chúa.
3.1. Con người Giêsu chết
Vì là con người nên khi đối mặt với cái chết, Đức Giêsu cũng kinh hãi, run sợ do bản năng bảo tồn sự sống như bất cứ sinh vật nào. Theo truyền thống Do Thái: chết là hết hy vọng, xa cách nguồn sống, xa cách Thiên Chúa (x. Tv 6,6; 88,11-13; Is 38,18…). Hơn nữa, Người còn bị giết chết nhục nhã giữa tuổi thanh xuân (x. Is 53,2-3) với khổ hình dành cho hạng người nô lệ.
Một mảnh dằm nhỏ cắm vào da thịt ta cũng làm cho chúng ta cảm thấy nhức nhối, huống chi Đức Giêsu với tay chân bị đóng đinh vào thập giá, đầu bị những chiếc gai nhọn đâm thâu, lượng máu mất dần qua những vết thương, bị sức nặng cơ thể kéo xuống làm cho ngộp thở từng giây và Người phải ấn đôi chân trên điểm tựa bị đóng đinh để cố gắng hít từng hơi thở nhỏ trong suốt quãng thời gian hấp hối đến 3 giờ chiều, ta mới hiểu nỗi đớn đau khủng khiếp trên thân xác của Người.
Cái chết còn nói lên thực trạng con người dính líu với tội lỗi (x. Rm 5,12; 8,3), nhất là Đức Giêsu lại vô tội (x. 2Cr 5,21). Vì thế, nỗi đau tinh thần còn khủng khiếp hơn: ngoài nỗi đau buồn bị môn đệ bỏ rơi, quần chúng chế nhạo, trong đó có cả những người nhận phép lạ của Người cũng muốn loại trừ Người, Đức Giêsu thật sự đau khổ. Tuy nhiên, với tất cả sự tự nguyện và ý thức về tình yêu của Người Con đối với Cha mình, Người cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành hình mình (x. Lc 23,34) và tin tưởng đọc lên lời nguyện cuối cùng: “Lạy cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46: Tv 31,6).
Cử chỉ nhân bản nhất của Đức Giêsu trước khi chết là Người không muốn để mẹ mình bị lẻ loi. Người trao phó mẹ cho môn đệ yêu dấu của Người cũng như muốn người đó được mẹ Người chăm sóc, chỉ dạy. Đức Giêsu nói với mẹ Maria: “Thưa Bà, đây là con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19, 26-27).
3.2. Đức Giêsu chết như Đấng Mêsia
Đấng Mêsia là hiện thân của những gì Đức Giavê hứa với dân Israel trong suốt dòng lịch sử: từ hình ảnh Mêsia là một ông vua đến thiết lập vương quốc, qua Mêsia tiên tri với biểu tượng là tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa cho đến Mêsia Tư tế, Mêsia Con Người theo tiên tri Đanien (Đn 7). Đức Giêsu thực hiện tất cả theo từng chi tiết đã được ghi trong Thánh Kinh mà chúng ta không thể nào kể hết trong vài phút này. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ vài điều cơ bản:
– Người là Mêsia Vua từ việc đội mão gai cho đến bản án ghi trên đầu thập giá: “Giêsu Nazareth Vua dân Do Thái”. Ngay cả việc an táng Đức Giêsu trong nấm mộ mới (x. Mt 27,60; Lc 23,53; Ga 19,41) và việc liệm xác với hợp chất gồm mộc dược và trầm hương “chừng 100 cân” (x. Ga 19,39-40) có thể nói là bất ngờ, vượt quá thói quen chôn xác: đây là việc chôn cất theo cung đình. Với cách chôn cất này, Người vẫn là vua, ngay trong tình cảnh bi thảm nhất (x. ĐGH. Bênêđictô, Đức Giêsu thành Nazareth, tập II, chương 8).
– Ngài là Mêsia Tiên tri vì chết như người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa vì mang lấy tất cả tội lỗi của toàn thể nhân loại. Người cảm thấy như bị Chúa Cha thánh thiện xua đuổi, bỏ rơi: “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?” (Mt 27,46; Mc 15,34). Thật ra, Thiên Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi Con của mình cũng chẳng bỏ con người Ngài đã dựng nên. Tiếng kêu của Đức Giêsu chính là tiếng kêu của Đấng Mêsia thay cho tất cả mọi người đau khổ trước sự vắng bóng của Thiên Chúa, phải sống trong bóng đêm, không thấy được Thiên Chúa. Tiếng kêu khởi đầu của Thánh vịnh 22 này sẽ kết thúc trong niềm tin tưởng, hy vọng cứu độ và chiến thắng của tình yêu (x. ĐGH. Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth, tập II, chương 8).
– Người là Mêsia Tư tế vừa dâng lễ vật là chính mình Người trên bàn thờ thập giá để chuyển cầu cho muôn dân. Chính khi Người gục đầu trên thập giá, Đức Giêsu Thượng tế đi vào trong cung thánh vĩnh cửu, màn trong Đền thờ Giêrusalem bị xé ra làm đôi (x. Lc 23,45) để từ nay Thiên Chúa mở rộng cửa lòng cho tất cả mọi người. Khi người lính đâm ngọn giáo vào cạnh sườn bên phải, vào thẳng trái tim Đức Giêsu, “tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34), đó là giờ các chiên Vượt qua bị giết. Đức Giêsu chính là con chiên Vượt Qua thanh khiết và hoàn hảo như Gioan Tẩy Giả giới thiệu lúc khởi đầu (x. Ga 1,29). Không một chiếc xương nào của Người bị gãy theo đúng yêu cầu của lễ vật (x. Xh 12,46; Tv 34, c. 20-21). Việc rút thăm chiếc áo dài không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới (x. Ga 19,23-24) theo Thánh Vịnh 22,19 và qua thông tin của sử gia Flavius Josephus (x. Ant. Iud. III, 7, 4) muốn nhắc đến phẩm giá thượng tế của Đức Giêsu. Ngay trong giây phút bị chà đạp danh dự đến tột đỉnh, Người vẫn hoàn tất sứ vụ tư tế của mình (x. Đức GH. Bênêđictô, Đức Giêsu thành Nazareth, tập II, chương 8).
Hành động của Đức Giêsu Mêsia là mẫu mực cho hành động của chúng ta, vì chúng ta cũng là Kitô hữu và nhận lãnh sứ mạng Kitô như Người.
3.3. Đức Giêsu chết như Thiên Chúa
Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54) xác định tính chất cao cả nhất trong cái chết của Đức Giêsu.
Thiên Chúa có thể trở thành con người thì cũng có thể chết như con người. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Người không có gì ở nơi mình để chết vì chúng ta, nếu Người đã không nhận lấy xác phàm phải chết của chúng ta. Như thế, Đấng bất tử có thể chết. Người làm thế là vì muốn ban sự sống cho ta, vì với những gì chúng ta có xưa, chúng ta không thể sống, cũng như với những gì là của Người trước kia, Người không thể chết. Do đó đã có một cuộc trao đổi lạ lùng, trong đó cả 2 bên đều góp phần: phần của ta khiến Người phải chết, còn phần của Người khiến ta được sống (x. T. Augustinô, Bài Đọc II, thứ Hai Tuần Thánh, Các Giờ Kinh Phụng Vụ ).
Vì Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, vượt lên trên không gian và thời gian nên hành động của Thiên Chúa mới có thể lan rộng tới mọi người, mọi vật ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào. Do đó, cái chết giao hoà với Thiên Chúa của Đức Giêsu mới mang lại ơn cứu độ cho toàn thể thụ tạo trong bất cứ thời nào.
Vì Thiên Chúa là tình yêu vô biên và quyền năng tuyệt đối nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì để diễn tả tình yêu của mình. Đức Giêsu đã muốn chết như một vị Thiên Chúa làm người để diễn tả “tình yêu cho đến cùng của Người” (Ga 13,1) và “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Người chịu khổ nhưng không bị huỷ diệt và nhờ đó Người mới lấy cái chết của mình để cứu chuộc chúng ta. Trên thập giá, Thiên Chúa xuất hiện như Đấng hoàn toàn tự do trong tình yêu. Tình yêu tuyệt đối là trao hiến chính mình một cách hoàn toàn cho người mình yêu.
Cái chết nói lên bản chất của thụ tạo và tính liên đới của vũ trụ vạn vật với Ngôi Lời Thiên Chúa, vì tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người. Cái chết của Chúa Giêsu mang chiều kích vũ trụ, nên vạn vật đồng cảm với Người: “Bóng tối bao phủ khắp mặt đất từ giữa trưa cho đến 3 giờ chiều. Đất rung, đá vỡ, mồ mả bật tung và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy” (x. Mt 27,45.51-52; Mc 15,33; Lc 23,44-55).
4. Những bài học được mạc khải từ cái chết này
4.1. Bức màn trong đền thờ Giêrusalem bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới (Mt 27,51-53) muốn nói lên nhiều điều: Thiên Chúa không còn xa cách con người nhưng rất gần với con người và vũ trụ vạn vật. Một tôn giáo mới mẻ và phổ quát bắt đầu với cái chết của Chúa Giêsu: thân xác Chúa Giêsu như bức màn để ta đi qua và gặp được Thiên Chúa.
4.2. Thiên Chúa là tình yêu: yêu đến độ chết cho con người (x. Ga 3,16; 1Ga 4,10; Rm 8,32) cách vô điều kiện (x. Ga 10,11.17.19; Rm 5,8). Đó là bài học căn bản nhất (x. Gl 2,20; Ep 5,2.25).
4.3. Thiên Chúa đáng kinh sợ: vì tình yêu Thiên Chúa như ngọn lửa thiêu rụi mọi dấu vết tội ác và biến đổi tất cả thành tốt lành, thanh khiết nhờ Thánh giá Chúa Giêsu. Phải dám đóng đinh mình vào Thánh giá với Chúa Giêsu và yêu thương vô vị lợi như Người, chúng ta mới có khả năng cứu độ thế giới.
4.4. Cần phải có tình yêu để giải quyết vấn đề đau khổ và sự dữ: đau khổ là một mầu nhiệm không thể thấu triệt, cần biết nhẫn nại chịu đựng. Cần phân biệt đau khổ và sự dữ, sự dữ không phải là một thực tại mà chỉ là việc vắng bóng sự thiện (privatio). Dù sự dữ do bất cứ ai gây nên, ta cũng bắt chước Đức Giêsu dùng đau khổ để thắng sự dữ, dùng cái chết để tìm sự sống lại.
4.5. Kenosis là hành động từ bỏ chính mình (Pl 2,6-11). Đây là chìa khoá quan trọng để hiểu biết và giải thích trọn vẹn về cái chết của Chúa Giêsu Kitô: đó là quyết định vĩnh viễn của Ngôi Lời khi nhận lấy nhân tính sa đoạ để hoà mình vào xã hội trần thế và cũng là quyết định của Đức Giêsu để sống trọn thân phận thấp hèn trong xã hội này chỉ vì yêu chúng ta và để cứu chúng ta (x. Pl 2,10-11; Ep 1,20-22). Đây cũng là con đường tự huỷ của người môn đệ Đức Kitô. Kenosis là một con đường chứ không phải là mục đích. Đức Giêsu trở thành Thiên Chúa cho con người và con người cho Thiên Chúa qua cái chết của Người trong một tình yêu hỗ tương. Thiên Chúa chết vì loài người để loài người chết cho Thiên Chúa. Khi con người đạt được điểm này là con người trở thành Thiên Chúa.
4.6. Chúng ta không được hổ thẹn vì cái chết của Chúa Giêsu, mà phải hết sức tin tưởng, tự hào, vui mừng tuyên xưng vì Người yêu thương, cứu độ và làm cho ta trở nên Thiên Chúa nhờ cái chết của Người. “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).
Lời kết
Đức Kitô đã vượt qua cái chết để đến vinh quang Phục Sinh, ta cũng phải biết cùng chết với Người để mang lại ơn cứu độ và chia sẻ vinh quang cho mình và cho người khác (x. Rm 6,6; Gl 5,24).