11/01/2025

Chúa Nhật V Mùa Chay A – 2014: Tìm được sự sống toàn diện và liên đới nơi Chúa Giêsu Kitô

Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta cuộc gặp gỡ kỳ diệu nhất, hiệu quả nhất của gia đình Matta, Maria với Chúa Giêsu để thể hiện một sự sống toàn diện, phi thường.

 

 Tìm được sự sống toàn diện và liên đới nơi Chúa Giêsu Kitô

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Sau cuộc gặp gỡ của người phụ nữ Samari và người mù từ lúc mới sinh, vào Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta cuộc gặp gỡ kỳ diệu nhất, hiệu quả nhất. Đó là cuộc gặp gỡ của gia đình Matta, Maria với Chúa Giêsu để giới thiệu một sự sống toàn diện, phi thường mà chúng ta cần phải thể hiện trong thời đại đầy những cám dỗ thử thách và cả nguy hiểm cho gia đình hiện nay.

Chúng ta đang tĩnh tâm và sống theo chủ đề Tân Phúc Âm hoá gia đình. Hôm nay chúng ta muốn tìm hiểu những nét cơ bản của cuộc gặp gỡ này để áp dụng vào gia đình chúng ta.

1. Những nét tiêu biểu của gia đình Matta, Maria

1.1. Đời là bể khổ!

Đây là một gia đình gồm 3 chị em rất yêu thương nhau và là những bạn thân của Chúa Giêsu. Họ sống an vui, hạnh phúc, nhưng đó cũng chỉ là cuộc sống tự nhiên, bình thường của kiếp người: sinh ra, lớn lên, đau bệnh rồi chết. Nhưng đứa con trai độc nhất của gia đình là Lazarô lại chết ở tuổi xuân xanh nên càng đau khổ và nhiều nước mắt hơn.

Đức Phật Thích Ca trong bài giảng căn bản về giáo lý của Phật giáo tại Bénarès cũng nhắc đến “tứ diệu đế: khổ diệt dục đạo” để giải được cái khổ sinh-lão-bệnh-tử của kiếp người: muốn diệt khổ thì phải diệt dục, muốn diệt dục thì phải theo bát chánh đạo để có thể bước vào đời sống vĩnh hằng sau hàng vạn kiếp luân hồi. Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay giới thiệu cho chúng ta một đời sống vĩnh hằng, nhanh chóng, hiệu quả cho đời sống với 1 kiếp duy nhất, nếu chúng ta tin tưởng và yêu thương Người như chị em cô Matta và Maria.

Gia đình Matta đã báo tin cho Chúa Giêsu đến chữa lành cho Lazarô vì Chúa đã cứu chữa nhiều người không lẽ lại không chữa cho bạn bè! Họ đã từng hy vọng Chúa sẽ ban lại sức khoẻ cho Lazarô. Nhưng Chúa Giêsu hình như cố ý chậm trễ và lánh mặt. Họ đã thất vọng tột cùng bởi vì cậu em đã chết 4 ngày, thân xác bắt đầu phân huỷ, không còn hy vọng sống lại.

1.2. Những nét tương đồng của các gia đình

Mô tả về gia đình Matta như thế để thấy những nét tiêu biểu rất giống với nhiều gia đình Công giáo chúng ta. Chúng ta cũng là bạn thân của Chúa Giêsu, đã tin theo Người. Chúng ta cũng sống bình an, nhưng nhiều gia đình lại đang chịu những thử thách của bệnh tật, buồn nản, thất vọng, đến nỗi trầm cảm, suy sụp tinh thần. Nhiều gia đình sống đời bình thường như gia đình Matta nhưng lại chưa hiểu về một đời sống toàn diện và liên đới như Chúa Giêsu muốn chia sẻ cho chúng ta qua phép lạ Lazarô hôm nay.

Một đời sống toàn diện phải đầy đủ về 4 lĩnh vực: thể xác và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên. Nhiều gia đình quá lo lắng về đời sống thể xác với đồ ăn thức uống nhưng không lo đến lĩnh vực tinh thần xem con em mình đọc sách báo gì, đang chơi những loại game bạo lực, đồi truỵ nào, đang mê chơi với những bạn bè xấu nào dẫn đến nghiện ngập đủ loại. Nhiều gia đình chỉ quan tâm đến ngoại giới với quần áo, xe cộ, nhà cửa, máy vi tính… nhưng lại không chú ý đến lĩnh vực nội tâm. Chúng ta không biết rằng con em của mình (trai/gái) đang phải trải qua những khủng hoảng nào trong giai đoạn phát triển từ 0-25 tuổi, mang những mặc cảm nào (Oedipus, Cain) trong tâm hồn? Nhiều gia đình chú ý đến đời sống riêng tư của mỗi thành viên nhưng không quan tâm đến đời sống tập thể như ăn chung, đọc kinh chung, giải trí chung với nhau. Nhiều gia đình quan tâm đến đời sống tự nhiên, tạo nhiều điều kiện cho con cái phát triển tài năng, nhưng không dạy về đời sống siêu nhiên, biết gặp gỡ thật sự với Đức Kitô để Người chuyển thông cho mình sự sống kỳ diệu của Người.

Đời sống liên đới gồm 4 tương quan: với người khác, với vạn vật, với chính mình, với Thiên Chúa. Rất nhiều người không quan tâm đến mối tương quan với Thiên Chúa như nền tảng căn bản và là nguồn lực của đời sống kỳ diệu, phi thường nơi mỗi tín hữu, nhất là trong nền giáo dục theo ý thức hệ thực dụng hiện nay. Kết quả là nhiều gia đình chỉ trân trọng, bảo vệ sự sống tự nhiên và không ít gia đình tàn phá, huỷ hoại sự sống với đủ loại nghiện ngập dẫn đến cái chết của mình và của người khác.

2. Chúa Giêsu giới thiệu đời sống toàn diện và liên đới

2.1. Đời sống toàn diện và liên đới

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, gia đình Matta hiểu về một sự sống mới mẻ, toàn diện dành cho tất cả những ai có lòng tin vào Người bởi vì Người là sự sống cụ thể, phi thường mà Thiên Chúa Cha ban cho con người. Chúa Giêsu nói với cô Matta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống và ai sống mà tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?”.

Chúa Giêsu đã cho Lazarô chết 4 ngày sống lại để minh chứng những điều cơ bản sau đây:

– Ngoài những yếu tố ngoại giới tự nhiên của thể xác còn những yếu tố nội tâm, siêu nhiên của tinh thần mà con người cần phải bảo vệ và phát triển.

– Hơn nữa, dù những yếu tố vật chất của thể xác tự nhiên có tan rã đi thì quyền năng của Thiên Chúa cũng có thể phục hồi và biến đổi để chứng minh Thiên Chúa là nguồn của sự sống, của hạnh phúc, của chân thiện mỹ.

– Trong các mối tương quan liên đới, con người không phải chỉ biết có mình, có người khác hay vạn vật quanh mình mà cần phải nhớ đến mối tương quan căn bản với Thiên Chúa. Đó cũng là chủ ý của Chúa Giêsu trước khi làm phép lạ cho Lazarô sống lại, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì đã nhận lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhận lời con. Nhưng vì dân chúng đang đứng quanh đây nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”.

2.2. Hành động để xây dựng và phát triển đời sống đó

Vậy, gia đình chúng ta đã hiểu về sự sống toàn diện và liên đới của Chúa Giêsu như thế nào? Chúng ta cần phải gặp gỡ nhau, giúp đỡ nhau gặp được Đức Giêsu là Phúc Âm sống động để Người chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu, phi thường mà chúng ta có thể có ngay ở đời này và chia sẻ cho người khác. Khi đó chúng ta mới biến gia đình của mình thành hiện thân của Chúa Giêsu. Đó chính là Phúc Âm hoá gia đình.

Chúng ta có để ý đến Thánh lễ mà mỗi tuần, hay mỗi ngày, mà chúng ta tham dự như tìm về nguồn lực để Chúa Giêsu chia sẻ sự sống phi thường đó? Chúng ta có giúp cho gia đình gặp gỡ Chúa Giêsu ngay khi thức dậy để nhận được nguồn lực cho các hoạt động tốt đẹp trong ngày? Chúng ta có để ý đến giờ kinh chung buổi tối để giúp cho mỗi thành viên trong gia đình cảm tạ ơn Chúa, xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau và chúc nhau ngủ ngon hay mỗi người lại dán mắt mình vào màn hình tivi, vi tính, điện thoại, iphone, ipad để giải trí cho đến lúc mệt mỏi rồi lăn ra ngủ!?

Những gợi ý ấy chỉ muốn giúp chúng ta thấy rằng cần phải gặp được Đức Giêsu để cảm nhận được sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm: vào ngày 6/8/1999, khi Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn nhắc tôi lo cho những người nghiện ma tuý và HIV. Tôi xin gặp BS Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y học Dân tộc TP.HCM, để xin ông giúp về một số kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại, cuối cùng tôi đi với BS Lan Hải, là học trò của ông, và nữ tu Hồng Quế, dòng nữ Đa Minh, ông báo rằng sẽ gặp chúng tôi 15 phút. Đến Viện này lúc 9g, ông nói cả tháng nay mình đau không làm được gì hết. Ông vừa nói vừa ho và liên tục rút khăn giấy ra lau nước mũi. Ông chỉ nói với tôi một câu: “Xin linh mục đừng lao vào lĩnh vực nghiện ma tuý và HIV này vì trong suốt mấy chục năm qua, tôi không thấy người nào thật sự cai nghiện được”.

Thấy BS bệnh như vậy nên tôi xin ông cho phép tôi được cầu nguyện cho ông. BS nói tôi cứ tự nhiên. Tôi đứng phía sau BS và đọc kinh Chúa Thánh Thần, Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh. Ông quay lại hỏi tôi đã làm gì cho ông. Tôi nói tôi chỉ cầu xin Chúa của tôi chuyển thông sức mạnh của tôi cho BS vì BS cần sức khoẻ để cứu chữa người bệnh hơn tôi. Ông nói: “Cha đừng quên tôi là một BS Tây y và nghiên cứu Đông y, mấy huyệt đạo trên đầu tôi bị tắc mấy tháng qua, bây giờ thông rồi. Đột ngột, ông nói: “Sơn ơi, đi với mình”. Ông dẫn tôi đi khắp viện y dược học, chỉ cho tôi từng phòng ban, rồi dẫn tôi lên khoa “Lạm dụng thuốc” dạy tôi châm cứu cắt cơn nghiện như thế nào. Sau đó ông đưa chúng tôi lên phòng làm việc riêng, lấy đàn ghita gảy hết bài này đến bài khác và vẽ tặng mỗi người bức hoạ. Nhìn đồng hồ lúc đó là 12g15, BS Lan Hải thúc tay tôi nói: “Cha thấy không, từ lúc cha đặt tay cầu nguyện, BS đã không còn chảy nước mũi, khoẻ mạnh lạ lùng”.

Tôi muốn chia sẻ với anh chị em kinh nghiệm lần gặp gỡ này với Chúa Giêsu để thấy một sự sống kỳ diệu, siêu nhiên trong con người yếu đuối của mình. Mỗi người chúng ta đang được mời gọi để gặp gỡ Chúa Giêsu. Khi chúng ta tin và yêu Người như Matta thì Người chuyển thông cho ta sức sống kỳ diệu như cho Lazarô sống lại để chúng ta có thể làm chứng cho Người..

Lời kết

Hôm nay, trước khi bước vào tuần Thương Khó, chúng ta hỏi mình xem: “Tôi đã gặp gỡ được Đức Giêsu để cảm nghiệm được sự sống thần linh chưa và tôi đã chia sẻ Tin Mừng đó cho người khác để cùng chung niềm vui của Tin Mừng chưa?”.