26/11/2024

Bệnh viện nhi kêu cứu vì quá tải

Theo báo cáo, 2 tháng qua do bệnh nhi nhập viện tăng quá cao khiến tình trạng quá tải vốn có ở Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư trở nên cực kỳ trầm trọng.

 

Bệnh viện nhi kêu cứu vì quá tải

Ngày 4.4 Bộ Y tế có cuộc họp khẩn với các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận bàn biện pháp khắc phục quá tải bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Nhi T.Ư, theo “kêu cứu” của nơi này.

 

Bệnh nhi 1 
Nhiều bệnh nhi nằm ghép 2 – 3, thậm chí 4 bé/giường bệnh – Ảnh: Ngọc Thắng

 

Một điều dưỡng chăm 50 trẻ/đêm

Theo báo cáo, 2 tháng qua do bệnh nhi nhập viện tăng quá cao khiến tình trạng quá tải vốn có ở Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư trở nên cực kỳ trầm trọng. TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư, cho biết: “Công suất điều trị luôn ở mức 130%, thường xuyên 1.600 – 1.700/1.200 giường bệnh. Số bệnh nhân thở máy chưa từng cao như hiện nay với trung bình 120 bệnh nhân cần thở máy/ngày”. Các khoa truyền nhiễm, cấp cứu, sơ sinh, hô hấp quá tải trầm trọng, bệnh nhân nằm ghép 2 – 3 thậm chí 4 bệnh nhi/giường bệnh.

BV phải huy động các bác sĩ điều dưỡng tăng ca, tăng cường thêm học viên đại học và sau đại học. Trang thiết bị không đủ nên BV Nhi T.Ư đã phải mượn trang thiết bị từ các hãng: máy thở, monitor theo dõi bệnh nhân, máy chụp X-quang tại giường.

 

 
 

BV TP.HCM cũng căng thẳng chuyện quá tải

Tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên tại TP.HCM cũng rất trầm trọng, do phải “gánh” một nửa lượng bệnh từ các tỉnh, thành khác đến. Theo Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2013 các BV của TP khám chữa bệnh cho 30 triệu lượt bệnh nhân, trong đó người bệnh đến từ các tỉnh, thành khác chiếm từ 40 – 50%. Quá tải ở TP.HCM tập trung ở BV ung bướu, sản khoa, nhi, chấn thương chỉnh hình… Trong năm 2013, các BV của TP.HCM đã chuyển giao cho các BV quận, huyện 114 kỹ thuật chuyên khoa. Nhờ đó, các BV tuyến quận, huyện đã thực hiện thêm được 381.677 lượt khám và 1.494 ca phẫu thuật những bệnh mà trước đó chưa khám, chẩn đoán và mổ được. (Thanh Tùng)

 

 

Bệnh nhi nhập viện nhiều nhất là bệnh đường hô hấp và tiêu chảy cấp, sốt cao co giật. Đặc biệt, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng vừa qua đã có 345 ca mắc sởi nhập viện có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Nhiều ca mắc sởi tai biến nặng, trong đó có các trẻ chỉ dưới 6 tháng tuổi nhập viện khiến khoa truyền nhiễm quá tải nặng nề. Hiện 1 điều dưỡng phải chăm 50 trẻ/đêm trực tại các phòng truyền nhiễm nội. Ngoài ra, tại khu vực hồi sức của khoa truyền nhiễm đang có 70 bệnh nhân nặng, biến chứng nguy hiểm; các điều dưỡng cũng đang quá sức.

“Đánh bùn sang ao”

BV Nhi T.Ư đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ cho tăng cường trang thiết bị y tế; các BV tại Hà Nội và các địa phương hạn chế chuyển bệnh lên BV Nhi T.Ư. Ông Điển cũng khuyến cáo các gia đình khi có các trẻ mắc bệnh hô hấp, mắc sởi không nên quá lo lắng vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại các BV của tỉnh, thành phố. “Việc cho các trẻ lên BV Nhi T.Ư tại thời điểm này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Trẻ có thể chỉ mắc bệnh thông thường lại thêm mắc sởi làm cho bệnh nặng hơn”, ông Điển nói.

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết các BV thành phố gần 10 triệu dân hiện cũng chỉ có 80 máy thở. Riêng với chuyên khoa nhi các BV của Hà Nội đều quá tải. “Chúng tôi cũng quá tải với 400 bệnh nhi/120 giường bệnh; thiết bị dùng tối đa công suất, khó có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân từ BV Nhi T.Ư chuyển về. Thực tế là các BV đều đang quá tải, bệnh nhân cũng không biết đi đâu được”, BS Nguyễn Trung Thành, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi BV Xanh Pôn (thuộc Sở Y tế Hà Nội), phản ánh.

Phó cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đề nghị: “Để giảm tải cho BV Nhi T.Ư, các BV tuyến dưới và BV trên địa bàn Hà Nội xem xét hỗ trợ nhân lực, thiết bị cho BV Nhi T.Ư. Mỗi BV cử 1 – 2 điều dưỡng giỏi cùng hỗ trợ giảm tải cho điều dưỡng của BV Nhi T.Ư”. Tuy nhiên, các BV tuyến dưới cho rằng, vấn đề giảm tải cần có chiến lược, cần thêm cơ sở mới, nâng trình độ tuyến dưới. Bởi nếu cứ chỉ đầu tư dồn vào cho 1 – 2 BV cũng không còn chỗ thêm giường; nếu thêm một máy thở thì mai lại thêm vài bệnh nhân, lại trở thành thiếu thiết bị. “Cứ loanh quanh đánh bùn sang ao thì không giải quyết được quá tải. Vấn đề là cần xây thêm BV, nâng trình độ tuyến dưới”, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi của BV Xanh Pôn thẳng thắn.

 

Bệnh nhi 

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị các BV chia sẻ với BV Nhi T.Ư khắc phục quá tải tạm thời trong thời gian trước mắt, thực hiện chuyển tuyến hợp lý, an toàn cho bệnh nhân. “Cục Quản lý khám chữa bệnh phải tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, tạo được niềm tin cho bệnh nhân để giảm tải cho tuyến T.Ư cũng là thuận lợi cho bệnh nhân được khám chữa bệnh”, ông Tiến nói.

 

Lập BV dã chiến tiếp nhận bệnh sởi?

Ngày 4.4, GS Phạm Nhật An, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư, cho biết chưa bao giờ số bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến liên tục cao trong 2 tháng qua. BV Nhi T.Ư đã dành riêng khoa truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi nhưng vẫn quá tải. Hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi đang điều trị nhưng phải nằm ghép 3 – 4 bệnh nhân một giường. “Năm nay sởi lại rất đặc biệt, đó là gây biến chứng viêm phổi nặng. Hiện chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm lý do xem vì sao viêm phổi do sởi lại tiến triển nặng như vậy. Bệnh nhi nhập viện bình thường, điều trị ngay nhưng diễn biến nặng lên rất nhanh và nhiều bệnh nhi đã tử vong”, TS An nói. BV Nhi T.Ư đang tính đến khả năng sẽ thành lập BV dã chiến tiếp nhận điều trị bệnh nhân sởi, với khu vực riêng biệt để tránh lây chéo cho các trẻ khác.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, cũng xác nhận rất nhiều ca biến chứng viêm phổi suy hô hấp do bệnh sởi. Tại khoa hiện đang có 14 ca nặng. Số nhập viện do sởi vẫn liên tục trong 2 tháng qua. Nhiều ca diễn biến nặng viêm phổi suy hô hấp rất nhanh, nguy cơ tử vong cao.

Điều đáng nói, trong khi các bác sĩ điều trị lo ngại diễn biến bất thường của các ca mắc sởi năm nay thì một lãnh đạo Cục Y tế dự phòng vẫn chỉ cho rằng sởi rải rác, không nghiêm trọng (!?).

 

Liên Châu