09/01/2025

Đức Kitô phá đổ bức tường sự chết

Các bài đọc hôm nay chưa đề cập đến sự phục sinh của Đức Giêsu sẽ xảy đến như một nét mới mẻ tuyệt đối, nhưng chỉ đề cập đến sự sống lại của chúng ta, một sự sống lại mà tất cả chúng ta đều khát vọng và sẽ được Đức Giêsu mang lại cho chúng ta khi Người sống lại từ trong kẻ chết.

 Đức Kitô phá đổ bức tường sự chết

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật V MC, 10/4/2011

Anh chị em thân mến,

Chỉ còn hai tuần lễ nữa thôi là chúng ta mừng lễ Phục Sinh và tất cả các bài đọc Sách Thánh trong Chúa Nhật hôm nay đều nói về sự sống lại. Các bài đọc hôm nay chưa đề cập đến sự phục sinh của Đức Giêsu sẽ xảy đến như một nét mới mẻ tuyệt đối, nhưng chỉ đề cập đến sự sống lại của chúng ta, một sự sống lại mà tất cả chúng ta đều khát vọng và sẽ được Đức Giêsu mang lại cho chúng ta khi Người sống lại từ trong kẻ chết. Thật thế, cái chết đối với chúng ta như thể một bức tường không cho ta thấy được thế giới bên kia; thế nhưng, con tim chúng ta nhìn qua được bên kia bức tường này, và ngay cả khi không biết được bức tường này che giấu điều gì, lòng chúng ta vẫn nghĩ tới nó, chúng ta tưởng tượng nó, khi chúng ta diễn tả nỗi ước muốn của chúng ta bằng những biểu tượng.

Đối với dân Do Thái sống kiếp lưu đày xa quê hương, Tiên tri Êdêkien đã tuyên bố với họ Thiên Chúa sẽ mở nấm mồ của những người đã chết, và sẽ đưa họ về quê hương để an nghỉ trong bình an (x. Ed 37,12-14). Nỗi khát vọng về cha ông của con người muốn được chôn cất cùng với tổ tiên mình là một khát vọng về một «quê hương» đón tiếp con người sau những mỏi mệt của trần gian. Quan niệm này chưa bao hàm ý tưởng về sự sống lại của con người từ trong cái chết, nhưng chỉ xuất hiện vào cuối Cựu Ước, và vẫn chưa được tất cả mọi người Do Thái thời Đức Giêsu chấp nhận. Trong số những Kitô hữu cũng thế, niềm tin vào sự sống lại và vào sự sống vĩnh cửu thường kéo theo nhiều nghi ngờ và lẫn lộn, bởi vì nó luôn liên hệ đến một thực tại vượt xa giới hạn lý trí của chúng ta, và đòi hỏi một động tác đức tin. Trong bài Phúc Âm hôm nay – Chúa cho ông Ladarô sống lại -, chúng ta nghe giọng nói đức tin trên môi miệng của Matta, chị của Ladarô. Đức Giêsu nói với chị: «Em con sẽ sống lại», chị thưa: «Con biết em con sẽ sống lại trong ngày sau hết khi kẻ chết sống lại» (Ga 11,23-24). Nhưng Đức Giêsu nhắc lại: «Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống» (Ga 11,25-26). Đây là nét mới mẻ đã xuất hiện và vượt qua mọi ranh giới! Đức Kitô phá đổ bức tường sự chết, trong Người hiện diện toàn bộ sự viên mãn của Thiên Chúa là sự sống, là sự sống vĩnh cửu. Chính vì thế, cái chết không có quyền hành gì trên Người: và việc Ladarô sống lại là dấu chỉ nói lên Đức Giêsu hoàn toàn thống trị trên cái chết thể lý, và cái chết này trước mặt Thiên Chúa chỉ như một giấc ngủ (x. Ga 11,11).

Nhưng còn có một cái chết khác đã làm cho Đức Kitô phải trả giá bằng một cuộc chiến đấu gay go nhất và ngay cả bằng cái giá của Thập giá: đó là cái chết thiêng liêng, là tội lỗi đe doạ huỷ hoại cuộc sống của mỗi người. Để chiến thắng cái chết này, Đức Giêsu đã chết và sự sống lại của Người không phải là quay về cuộc sống trước đó, nhưng là mở ra đón nhận một thực tại mới, một «đất mới», cuối cùng được liên kết với Trời cao của Thiên Chúa. Chính vì thế, Thánh Phaolô viết: «Nếu Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng đã phục sinh Đức Giêsu từ trong kẻ chết, cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã phục sinh Đức Kitô từ trong kẻ chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong lòng anh em mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới» (Rm 8,11). Anh em thân mến, chúng ta hãy hướng mắt về Đức Trinh Nữ Maria là Đấng đã chia sẻ sự Phục Sinh của Đức Giêsu, xin Mẹ giúp chúng ta tin tưởng thưa với Chúa: «Vâng, lạy Chúa, con tin Ngài là Đức Kitô, Con của Thiên Chúa» (Ga 11,27), để thực sự khám phá ra Người là ơn cứu độ của chúng ta.