16/11/2024

Đức Thánh Cha gặp gỡ người khiếm thính và người khiếm thị

Đó là cuộc gặp gỡ rất cảm động chưa từng có của Đức Thánh Cha Phanxicô với khoảng 6.000 người khiếm thính hoặc khiếm thị, diễn ra hôm thứ Bảy 29-3 tại Vatican. Cuộc gặp gỡ này – một sáng kiến ​​của Tổ chức “Tiểu Sứ vụ cho người khiếm thính – khiếm thị” và “Phong trào Tông đồ cho người Khiếm thị” – là thành quả của một bức thư của cha Deuci – linh mục người Brazil – gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Cha Deuci muốn gây ý thức về tình trạng thiếu người phiên dịch và các linh mục hiểu biết ngôn ngữ ký hiệu.

Đức Thánh Cha gặp gỡ người khiếm thính và người khiếm thị

WHĐ (30.03.2014) – Đó là cuộc gặp gỡ rất cảm động chưa từng có của Đức Thánh Cha Phanxicô với khoảng 6.000 người khiếm thính hoặc khiếm thị, diễn ra hôm thứ Bảy 29-3 tại Vatican. Cuộc gặp gỡ này – một sáng kiến ​​của Tổ chức “Tiểu Sứ vụ cho người khiếm thính – khiếm thị” và “Phong trào Tông đồ cho người Khiếm thị” – là thành quả của một bức thư của cha Deuci – linh mục người Brazil – gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Cha Deuci muốn gây ý thức về tình trạng thiếu người phiên dịch và các linh mục hiểu biết ngôn ngữ ký hiệu.

Đức Thánh Cha đã có một bài huấn từ ngắn, khởi đi từ đề tài “Chứng nhân Phúc Âm cho một nền văn hóa gặp gỡ”. Bài huấn từ được nhiều người chuyển dịch sang ngôn ngữ ký hiệu. Đức Thánh Cha nói: “Kiểu diễn tả này (văn hóa gặp gỡ) muốn nói đến một cuộc gặp gỡ khác: gặp gỡ Chúa Kitô, một cuộc gặp gỡ cần thiết và cơ bản cho những ai muốn trở nên chứng nhân Phúc Âm. Và Đức Thánh Cha nhắc lại đoạn Phúc Âm về người phụ nữ Samaria, “một ví dụ rõ ràng về những gì Chúa Giêsu thích làm: gặp gỡ người bị loại trừ, người bị gạt ra bên lề, người bị khinh khi, để làm cho họ trở nên những chứng nhân”. Người phụ nữ Samaria là một người trong số đó, bởi vì chị là phụ nữ và là người xứ Samaria.

“Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những người Chúa Giêsu muốn gặp, nhất là những bệnh nhân, những người khuyết tật, để chữa lành và phục hồi phẩm giá của họ. Điều rất quan trọng là họ trở nên các chứng nhân của một thái độ mới, mà chúng ta có thể gọi là “nền văn hóa gặp gỡ”.

Đức Thánh Cha còn đưa ra một câu chuyện khác, câu chuyện người mù bẩm sinh, được đọc trong Thánh Lễ Chúa nhật thứ tư mùa Chay (Gioan 9,1-41). Người này sinh ra đã bị mù và bị gạt ra bên lề xã hội vì một quan niệm sai lầm: người ta cho rằng sở dĩ anh bị khuyết tật là vì Chúa phạt. Chúa Giêsu mạnh mẽ bác bỏ não trạng mang tính xúc phạm này, Người đã thực hiện công trình của Thiên Chúa là cho anh mù lại được nhìn thấy.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tuy nhiên, điều cần nhớ là người này đã trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu và về công trình của Thiên Chúa. Anh đã làm chứng cho sự sống, tình yêu, cho lòng thương xót, và mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu một cách đơn sơ, trước mặt người Pharisêu. Như vậy dù bị loại trừ, nhưng trong thực tế anh mù lại được gia nhập một cộng đoàn mới dựa trên đức tin vào Chúa Giêsu và tình huynh đệ”.

“Đây là hai nền văn hóa đối lập nhau: văn hóa gặp gỡ và văn hoá loại trừ. Các bệnh nhân cũng như người khuyết tật, từ thân phận mong manh của mình có thể trở thành chứng nhân của gặp gỡ: gặp gỡ Chúa Giêsu, gặp gỡ người khác và gặp gỡ cộng đoàn. Chỉ những ai nhận ra tính mong manh của mình mới có thể xây dựng được những mối quan hệ huynh đệ và liên đới, trong Giáo hội và xã hội”.

Cuối cùng Đức Thánh Cha cảm ơn những người có mặt và khích lệ họ tiến bước trên con đường của Gặp gỡ: “Hãy để Chúa Giêsu gặp anh chị em. Chỉ một mình Người biết rõ trái tim của con người, một mình Người mới có thể giải thoát con người khỏi ngục tù và sự bi quan cằn cỗi, để mở ra cho Sự sống và niềm hy vọng”.

Sau đó Đức Thánh Cha đọc một kinh Kính Mừng, trước khi chào đông đảo các tín hữu khiếm thính và khiếm thị.

Những người khuyết tật tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha đến từ khắp Italia, nhưng cũng có những người khiếm thính từ các nước khác.


(Theo Vatican Radio)