09/01/2025

Xây Lò phản ứng hạt nhân mới: Lo vỡ quy hoạch Đà Lạt

Để bảo vệ quy hoạch chung, tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị dời vị trí dự kiến đặt lò phản ứng hạt nhân mới (công suất gấp 30 lần lò đang hoạt động) ra xa TP Đà Lạt 22km.

 

Xây Lò phản ứng hạt nhân mới: Lo vỡ quy hoạch Đà Lạt

Để bảo vệ quy hoạch chung, tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị dời vị trí dự kiến đặt lò phản ứng hạt nhân mới (công suất gấp 30 lần lò đang hoạt động) ra xa TP Đà Lạt 22km.

Ngày 25-3, trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chính thức đề nghị đưa lò phản ứng hạt nhân mới có công suất gấp 30 lần lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay ra khỏi TP Đà Lạt.

Phó thủ tướng đã đề nghị Bộ Khoa học – công nghệ và Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch.

Lò phản ứng hạt nhân mới nằm trong dự án Trung tâm Nghiên cứu công nghệ nguyên tử Việt – Nga, có vốn đầu tư 500 triệu USD do Chính phủ Nga hỗ trợ tín dụng, dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2015 nhưng đến nay sau hai năm, các bên vẫn chưa thống nhất được địa điểm.

 

Dời xa TP Đà Lạt 22km

Địa điểm ban đầu được Bộ Khoa học – công nghệ đề xuất nằm trong khuôn viên của Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (P.12, Đà Lạt) có diện tích hơn 100ha, phía chuyên gia Nga đã đến Đà Lạt khảo sát, đồng ý tuy nhiên tỉnh Lâm Đồng chưa đồng thuận.

Đây là lần thứ hai lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lên tiếng kể từ khi dự án này được Chính phủ thông báo với tỉnh vào năm 2012 và là lần đầu tiên kể từ khi dự án này được phía nhà thầu xây dựng là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) công bố chính thức vào giữa tháng 3-2014.

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa cho rằng nên dời lò hạt nhân mới mà Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng ở Đà Lạt ra xa thành phố khoảng 22km.

Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, ông Hòa cho rằng: “Chúng tôi không chống lại quyết định của Chính phủ, nhưng tôi cho rằng lò phản ứng mới có công suất lớn này sẽ làm hư quy hoạch chung Đà Lạt mà Thủ tướng đã phê duyệt vào năm 2002. Trong quy hoạch này mọi thứ chúng tôi đã chuẩn bị ổn định rồi”.

Trả lời câu hỏi về việc có ý kiến cho rằng ông Hòa nhiều lần kiến nghị dời lò hạt nhân do ảnh hưởng đến những dự án phê duyệt trước đó, ông Hòa trả lời: “Chẳng có dự án nào cả, đây là quy hoạch chung và ý chung của nhân dân thôi”.

Ông Hòa khẳng định nếu Chính phủ đồng ý dời dự án xây lò hạt nhân ra khỏi Đà Lạt thì tỉnh sẽ thống nhất bố trí bất kỳ khu đất nào Chính phủ muốn dọc tỉnh lộ 723 (nối Đà Lạt – Nha Trang). Cự ly mà tỉnh này đề nghị là cách xa Đà Lạt tối thiểu 20km.

Lo lắng không có cơ sở?

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh – nguyên phó giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, ủy viên ban chấp hành Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng – cho rằng: “Tôi không bình luận về việc quy hoạch sẽ bị phá vỡ do xây dựng lò nghiên cứu hạt nhân, tuy nhiên tôi cho rằng lo lắng này không có cơ sở, do lò hạt nhân mới này sẽ nằm chung diện tích đất có sẵn đang dùng cho Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp thuộc Viện Năng lương nguyên tử Việt Nam”.

Còn PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết có thể tỉnh Lâm Đồng lo sợ xuất hiện thêm lò phản ứng hạt nhân mới với công suất gấp 30 lần lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện hữu sẽ ảnh hưởng đến du lịch Đà Lạt và các dự án đã quy hoạch trước đó.

Nhưng nhìn nhận lại, có thêm một trung tâm nghiên cứu công nghệ hạt nhân tại Đà Lạt thì lợi nhiều hơn mất, thúc đẩy khoa học công nghệ của tỉnh phát triển.

Khó cho ngành hạt nhân…

Ông Điền cho biết nếu đưa lò phản ứng hạt nhân mới ra xa Đà Lạt thì rất bất lợi trong việc thu hút và đào tạo nhân lực hạt nhân vốn đang thiếu.

Ông nói: “Lôi kéo cán bộ giỏi về Đà Lạt không phải dễ, đằng này còn phải đưa cán bộ cách xa trung tâm, e sẽ khó khả thi. Đặc thù của nghiên cứu hạt nhân không giống như các công chức khác, giờ giấc làm việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác liên quan đến kỹ thuật của ngành nên cán bộ có thể đi sớm, về trễ nên quá xa gia đình của họ cũng rất khó khăn”.

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh phân tích rằng việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới để nghiên cứu tại Đà Lạt an toàn hơn những vị trí khác về kết cấu địa chất và nhiệt độ tối ưu cho hoạt động ổn định của lò phản ứng công nghệ Nga, điều này các bên liên quan đã khảo sát kỹ.

Ông cho rằng tỉnh Lâm Đồng đẩy nhà lò ra xa trung tâm Đà Lạt sẽ khó cho nhà lò mới cần khoảng 300 kỹ sư có kinh nghiệm điều hành lò phản ứng.

Ông phân tích: “Hiện nay cả nước có 600 chuyên gia hạt nhân, nhưng số có thể vận hành lò hạt nhân chỉ khoảng 120 người, tập trung toàn bộ tại Đà Lạt. Gần như toàn bộ nhân lực hiện nay của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt phải được tăng cường cho hoạt động của lò mới sau khi xây dựng xong. Bộ Khoa học – công nghệ khi khảo sát đã cho rằng đây là lý do lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện hữu và lò đang chuẩn bị xây dựng không được quá xa nhau”.

Ngoài ra, ông Sinh còn cho rằng sự có mặt của lò phản ứng hạt nhân mới sẽ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của Khu nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt nằm ngay cạnh địa điểm xây dựng nhà lò mới.

 

 

“Chuyện bình thường”

Trước việc tỉnh Lâm Đồng đề xuất đưa Trung tâm Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Việt – Nga cùng nhà lò phản ứng ra khỏi Đà Lạt, ông Vyacheslav Pershukov, thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc Rosatom, cho rằng việc xuất hiện một nhà lò phản ứng hạt nhân tại TP Đà Lạt, nơi tập trung đông trí thức là chuyện bình thường. Ông nhấn mạnh đây là nhà lò nghiên cứu có công suất nhỏ, khác với những lò công suất lớn phục vụ điện hạt nhân. Lò sẽ dùng công nghệ mới nhất. Ông nói: “Nếu nhìn ra các nước trên thế giới, thì các bạn sẽ thấy rằng lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân hầu như được đặt ở tất cả các thủ đô và thành phố lớn. Chúng không chỉ được đặt ở Matxcơva (Nga) và Saint Petersburg (Nga) mà cả ở Vienne (Áo), Paris (Pháp) và nhiều thành phố khác. Các lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân được xây dựng ở những trung tâm nơi có các nhà khoa học và nhà nghiên cứu.

 

 

 

Lò mới công suất gấp 30 lần lò đang hoạt động

Trong một cuộc trao đổi mới đây, ông Vyacheslav Pershukov cho biết Nga và Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng Trung tâm Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Việt – Nga trị giá 500 triệu USD. Hiện nay, chuyên gia hai bên đã thống nhất được nhiệm vụ của trung tâm: nghiên cứu vật liệu sau chiếu xạ, điều chế đồng vị phóng xạ, ứng dụng công nghệ hạt nhân vào phát triển nông nghiệp, đào tạo nhân lực vận hành các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Qua đó xác định trung tâm gồm một tổ hợp hai trung tâm tại Đà Lạt hoặc vùng phụ cận và Hà Nội. Trung tâm tại Lâm Đồng gồm một lò phản ứng mới với công suất 15 MW, gấp 30 lần so với lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các phòng nghiên cứu thực nghiệm phóng xạ. Trung tâm tại Hà Nội thực hiện các nghiên cứu trên máy tính và trên các hệ thống mô phỏng thời gian thực về phản ứng hạt nhân, hoàn toàn không liên quan đến những vật liệu chứa phóng xạ. Các nghiên cứu được hoàn thành tại đây sẽ được thực nghiệm tại Đà Lạt. Đội ngũ làm việc ở hai cơ sở khoảng 400-500 người. Dự kiến đến năm 2020 sẽ vận hành hệ thống nhà lò phục vụ các nghiên cứu và đào tạo nhân lực.

 

MAI VINH