10/01/2025

Đức Giêsu khao khát đức tin của chúng ta

Chúa Cha sai Đức Giêsu đến để thoả cơn khát sự sống vĩnh cửu của chúng ta, ban cho chúng ta tình yêu của Ngài, nhưng để ban cho chúng ta ân huệ này, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải tin.

 Đức Giêsu khao khát đức tin của chúng ta

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật III MC, 27/3/2011 

Anh chị em thân mến!

Chúa Nhật III Mùa Chay hôm nay được làm nổi bật nhờ cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Đức Giêsu và người thiếu phụ Samari do Thánh sử Gioan thuật lại. Mỗi sáng người thiếu phụ này đều tới kín nước từ một giếng cổ có từ thời tổ phụ Jacob, và ngày hôm đó, cô gặp Đức Giêsu đang ngồi nghỉ chân bên bờ giếng, «mỏi mệt vì đường xa» (Ga 4,6). Thánh Âu Tinh chú giải: «Đức Giêsu mỏi mệt không phải là không có lý do… Sức mạnh của Đức Kitô sáng tạo bạn, sự yếu nhược của Đức Kitô tái tạo bạn… Với sức mạnh của Người, Người sáng tạo chúng ta, với sự yếu nhược của Người, Người đến tìm chúng ta…» (In Ioh. Ev., 15,2). Sự mỏi mệt của Đức Giêsu, dấu hiệu nhân tính thực sự của Người, có thể được xem là khúc nhạc mở đầu cuộc khổ nạn mà Đức Giêsu đã chịu để hoàn thành công trình cứu chuộc chúng ta. Đặc biệt qua cuộc gặp giữa Đức Giêsu với thiếu phụ Samari bên bờ giếng, ta thấy xuất hiện chủ đề «cơn khát» của Đức Kitô, và chủ đề này đã đạt đến đỉnh điểm khi Đức Giêsu kêu lên trên Thánh giá: «Ta khát» (Ga 19,28). Cái khát này, cũng như sự mỏi mệt này, chắc chắn có một nền tảng thể lý. Nhưng Đức Giêsu, như Thánh Âu Tinh còn nói với chúng ta, «khát đức tin của người thiếu phụ» (In Ioh. Ev. 15,11), cũng như đức tin của tất cả chúng ta. Chúa Cha sai Người đến để thoả cơn khát sự sống vĩnh cửu của chúng ta, ban cho chúng ta tình yêu của Ngài, nhưng để ban cho chúng ta ân huệ này, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải tin. Tình yêu vạn năng luôn tôn trọng tự do của con người, gõ cửa tâm hồn con người và kiên nhẫn đợi chờ con người đáp trả.

Qua cuộc gặp giữa Đức Giêsu với thiếu phụ Samari, biểu tượng nước được làm nổi bật, ám chỉ rõ ràng đến Bí tích Rửa tội, là nguồn suối phát sinh sự sống mới tin vào ân sủng của Thiên Chúa. Thật thế, Bài Tin Mừng hôm nay, – như tôi đã nhắc lại trong bài huấn giáo ngày Thứ Tư lễ Tro -, ngày xưa nằm trong lộ trình chuẩn bị các tân tòng gia nhập Kitô giáo được tổ chức trong Đêm đại Canh thức Phục Sinh. «Ai uống nước tôi cho – Đức Giêsu nói – sẽ không còn khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở nên một mạch nước trong lòng họ đem lại sự sống đời đời» (Ga 4,14). Nước này biểu thị Chúa Thánh Thần, là «hồng ân» tuyệt hảo mà Đức Giêsu đã từ Chúa Cha đến mang lại cho chúng ta. Ai tái sinh bởi nước và Thánh Thần, nghĩa là qua Bí tích Thánh Tẩy, sẽ có một mối tương quan thật sự với Thiên Chúa, một tương quan con thảo, và có thể thờ phượng Thiên Chúa «trong tinh thần và chân lý» (Ga 4,23.24), như Đức Giêsu đã mạc khải cho thiếu phụ Samari. Nhờ gặp Đức Giêsu và nhờ hồng ân Thánh Thần, đức tin của con người đạt tới sự viên mãn được xem như lời đáp trả mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa.

Mỗi người trong chúng ta có thể đồng hoá mình với thiếu phụ Samari: Đức Giêsu chờ đợi chúng ta, đặc biệt trong Mùa Chay này để nói với lòng chúng ta, với lòng tôi. Hãy dừng lại trong giây lát, trong thinh lặng, trong phòng riêng của chúng ta, hay trong một nhà thờ, hay trong một nơi thanh vắng. Hãy lắng nghe Người nói với chúng ta: «Nếu chị nhận biết hồng ân Thiên Chúa ban…». Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta không bỏ qua cuộc hẹn này, cuộc hẹn ảnh hưởng đến hạnh phúc đích thực của chúng ta.