10/01/2025

Mối nguy từ nuôi gián đất xuất khẩu

Gần đây, tại một số địa phương xuất hiện phong trào nuôi gián đất xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây là loại côn trùng nguy hiểm có thể gây bệnh tiêu chảy, dịch tả.

 

Mối nguy từ nuôi gián đất xuất khẩu

Gần đây, tại một số địa phương xuất hiện phong trào nuôi gián đất xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây là loại côn trùng nguy hiểm có thể gây bệnh tiêu chảy, dịch tả.

Bộ NN-PTNN mới đây đã ra văn bản nghiêm cấm nhập và nuôi gián đất.

Siêu sinh sản 

Tại tỉnh Bắc Ninh, một số hộ đã đầu tư nuôi gián đất. Ông Nguyễn Đình Nguyên, chủ cơ sở nuôi gián tại xã Quảng Phú, H.Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) cho hay, qua một người quen giới thiệu bên Trung Quốc đang phát triển rầm rộ phong trào nuôi gián, giữa năm 2013, ông đã mua 1 tạ trứng gián Trung Quốc với giá 150 tệ/kg (tương đương 500.000 đồng/kg) về nuôi. “Kỹ thuật nuôi gián đất cực dễ, không phải đầu tư cầu kỳ. Thức ăn lại dễ kiếm, chỉ cần cám, bí, rau băm nhỏ. 1 kg trứng gián có thể sinh sôi nảy nở thành 16.000 con”, ông Nguyên nói.

 

 
 

Gián là loại côn trùng gây hại cho xã hội, là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy, là thủ phạm gặm nhấm, hư hỏng các vật dụng sách vở, quần áo…

 

Ông Nguyễn Văn Trọng 
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi

 

 

Theo ông Nguyên, thương lái Trung Quốc sang tận nơi chuyển giao kỹ thuật nuôi, đồng thời cũng là đối tác nhận thu mua toàn bộ gián thương phẩm về để làm thuốc. Giá phía Trung Quốc đang thu mua hiện nay khoảng 200.000 đồng/kg gián tươi. Còn gián khô là 11,7 triệu đồng/kg. Khi chúng tôi ngỏ ý hỏi mua về nuôi, ông Nguyên hồ hởi: “Bây giờ gián mới chỉ bé bằng con ruồi. Bao giờ lột xác đủ 11 lần, gián có thể xuất chuồng. Chỉ vài tháng nữa thôi, lứa gián đầu tiên sẽ xuất khẩu”.

Không chỉ xuất hiện ở miền Bắc, gián đất còn được nuôi ở một số tỉnh phía nam. Tìm hiểu trên mạng, chúng tôi đã liên hệ với ông Trọng Hoàng, đại diện Công ty TNHH Thế giới côn trùng (Đồng Nai). Ông Hoàng cho biết, giá gián giống là 1.000 đồng/con. Nếu mua 1.000 con, tặng thêm 100 con. Ở ngoài bắc muốn mua có thể vận chuyển qua đường tàu hỏa. Theo lời giới thiệu, nuôi gián đất tương đối đơn giản, 1 kg gián đất chỉ tốn khoảng 12.000 – 15.000 đồng tiền thức ăn. Giá bán trên thị trường khoảng từ 120.000 – 160.000 đồng/kg. Tốc độ sinh trưởng của gián đất lại rất cao, một con bố mẹ có thể sinh được khoảng 400 con gián đất con. Sau 30 ngày chúng có thể đạt trọng lượng từ 800 đến 1.000 con/kg. Về đầu ra, đại diện công ty gợi ý có thể bán cho các cửa hàng nuôi chim cảnh, cá cảnh hoặc chuyển vào công ty sẽ thu mua toàn bộ.

Nguy cơ mầm bệnh rình rập

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, việc người dân tự ý nhập gián đất về nuôi là vi phạm pháp luật. Gián đất không có trong danh mục giống vật nuôi được phép kinh doanh, sản xuất.

Ông Trọng khẳng định: “Gián là loại côn trùng gây hại cho xã hội, là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy, là thủ phạm gặm nhấm, hư hỏng các vật dụng sách vở, quần áo… Hằng năm, trong danh mục thuốc diệt côn trùng của Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể các loại thuốc để tiêu diệt gián. Do vậy, đây là loài Việt Nam đang tiêu diệt, không có lý gì chúng ta lại nhập về nuôi”.  

Còn theo TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng T.Ư), gián đất là loại côn trùng chân đốt, có vỏ cứng nên tiêu diệt rất khó. Một số tài liệu Trung Quốc có nói gián đất có tác dụng trong Đông y để chữa bệnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. “Cũng giống như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, khi nhập vào không lường hết được tác hại sau này. Vì vậy, cơ quan kiểm dịch của Việt Nam cần phải kiểm soát chặt chẽ đối với loại gián đất”, TS Chính khuyến cáo.

Trước mối nguy hại của gián đất, Viện Sinh thái – Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) đã cử các nhà khoa học thu thập lấy mẫu phân tích. PGS-TS Khuất Đăng Long, Phòng Sinh thái Côn trùng, Viện Sinh thái – Tài nguyên sinh vật chia sẻ: “Gián là loại côn trùng thường có mầm bệnh không thể kiểm soát. Người dân có thể chạy theo lợi nhuận trước mắt, cái lợi chưa thấy đâu, nhưng cái hại luôn tiềm ẩn nguy cơ rình rập”.

 

Nghiêm cấm nuôi gián đất tại Việt Nam

 

Ngày 7.3, Bộ NN-PTNT đã ra quyết định nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp nhập khẩu, nhân nuôi gián đất. Về mặt pháp lý, gián đất chưa có trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh. Bộ cũng yêu cầu các địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu việc tự ý nuôi gián đất tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được nuôi khi chưa được phép của cơ quan chức năng.

 

Thu Hằng