Phải mất hàng trăm năm mới dọn sạch bom mìn
Bom mìn sót lại từ thời chiến tranh vẫn còn gây nhiều hậu quả nặng nề tại Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 504 về khắc phục hậu quả bom mìn, trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Phải mất hàng trăm năm mới dọn sạch bom mìn
Bom mìn sót lại từ thời chiến tranh vẫn còn gây nhiều hậu quả nặng nề tại Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 504 về khắc phục hậu quả bom mìn, trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này.
Chị Lương Thị Phượng đang làm nhiệm vụ rà phá bom mìn – Ảnh: Nguyễn Phúc
|
Xin ông cho biết thực trạng hiện nay về bom mìn và vật nổ còn sót lại tại nước ta sau chiến tranh?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Theo kết quả điều tra sơ bộ trên đất liền thực hiện năm 2002 đã được công bố, tất cả 63 tỉnh thành trên toàn quốc đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh với 9.284/10.511 xã bị ô nhiễm, tổng diện tích ô nhiễm là 6,6 triệu hecta, chiếm 21,12% diện tích cả nước.
Theo số liệu đang tổng hợp từ dự án “Điều tra, lập bản đồ bom mìn toàn quốc” với 49/63 tỉnh đã nhập xong dữ liệu, hiện có 7.645/8.683 xã (chiếm 88% số xã) bị ô nhiễm bom mìn, với 7,1 triệu hecta đất bị ô nhiễm, chiếm 29% tổng diện tích đất đai của 49 tỉnh, thì thực tế số diện tích bị ô nhiễm bom mìn còn lớn hơn nhiều.
Để làm sạch số diện tích đất đai còn bị bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, Việt Nam cần nguồn kinh phí hàng chục tỉ USD với thời gian hàng trăm năm.
Tình trạng ô nhiễm bom mìn nghiêm trọng như vậy đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như thế nào, thưa ông?
Các loại bom mìn chưa nổ nằm sâu trong lòng đất luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế, đời sống, trật tự an toàn xã hội và nguy hiểm nhất là gây ra các vụ tai nạn làm tử vong hoặc tàn tật suốt đời. Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 100.000 nạn nhân bom mìn (hơn 40.000 người chết, hơn 60.000 người bị thương), phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình, hoặc là lứa tuổi tương lai của đất nước. Hằng năm, nhà nước phải chi khoảng 1.000 tỉ đồng ngân sách cho rà phá bom mìn, hàng trăm tỉ đồng cho cứu chữa, trợ giúp, phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tái định cư cho nạn nhân.
Do còn nhiều bom mìn sót lại sau chiến tranh nằm sâu trong lòng đất, người nông dân dễ có tâm lý lo sợ khi canh tác trên các vùng đất bị ô nhiễm bom mìn, dẫn đến năng suất lao động không cao. Bom mìn, vật nổ còn sót lại gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc khai thác sử dụng tài nguyên đất, rừng, nước và tốc độ phát triển kinh tế – xã hội.
|
Hiện nay, ở Việt Nam công việc rà phá bom mìn được tiến hành với quy mô ra sao và còn gặp những khó khăn nào?
Hiện Việt Nam có 3 lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động rà phá bom mìn, đó là: các đơn vị công binh chuyên trách; hơn 50 doanh nghiệp quân đội có giấy phép rà phá và một số đội do các tổ chức phi chính phủ tổ chức, huấn luyện thực hiện các dự án tài trợ quốc tế trong lĩnh vực rà phá bom mìn được Chính phủ cho phép.
Rà phá bom mìn được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, cả trên cạn và dưới biển. Theo kế hoạch thực hiện Chương trình 504, giai đoạn này chúng ta ưu tiên rà phá tại những địa phương bị ô nhiễm nặng như các tỉnh miền Trung, các tỉnh giáp biên giới Việt – Trung. Tốc độ xử lý bình quân hiện nay mới đạt khoảng 30.000 – 35.000 ha/năm. Theo kế hoạch, chúng ta phấn đấu đạt khoảng 100.000 ha/năm trong những năm tới.
Tuy vậy, công tác rà phá còn gặp nhiều khó khăn: Thứ nhất, nguồn lực bảo đảm cho thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh còn hạn chế, chủ yếu vẫn là nguồn vốn của Chính phủ cấp, chưa huy động được nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ từ chính phủ các nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước và của cộng đồng quốc tế. Thứ hai, trang thiết bị kỹ thuật, trình độ của nhân viên chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác rà phá bom mìn dưới biển còn yếu và rất thiếu. Thứ ba, công tác nghiên cứu về công nghệ, chế tạo trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ rà phá bom mìn, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế chưa theo kịp yêu cầu của chương trình; một số cơ chế, chính sách còn chưa thật sự đồng bộ.
Ông có thể cho biết đến giai đoạn nào thì Việt Nam căn bản hoàn thành việc rà phá bom mìn?
Theo ước tính trước đây, bình quân hằng năm trên toàn quốc rà phá được khoảng 20.000 ha, như vậy cần khoảng 300 năm nữa mới hoàn thành việc rà phá bom mìn. Tuy nhiên, với mục tiêu của Chương trình 504 là tập trung mọi nguồn lực trong nước và vận động tài trợ quốc tế để sớm khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn sau chiến tranh, phấn đấu đạt tốc độ bình quân 100.000 ha/năm (giai đoạn đến 2015), giai đoạn từ 2016 trở đi khi đã tập trung được nguồn lực của Chính phủ (chỉ đảm bảo được khoảng 10 – 15% kế hoạch vốn của chương trình) cộng với sự hỗ trợ từ chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế thì năng suất sẽ tăng lên, nếu có đủ nguồn lực thì khoảng 50 năm sẽ hoàn thành cơ bản việc rà phá.
Bên cạnh nỗ lực của nhà nước ta, kết quả hợp tác với các nước trong việc khắc phục hậu quả bom mìn như thế nào?
|
Về kết quả hợp tác với nước ngoài, ở cấp chính phủ có việc chính phủ Mỹ đã chuyển giao cho công binh Việt Nam các trang bị rà phá bom mìn tổng giá trị khoảng 10 triệu USD; Nhật Bản đã tài trợ một số thiết bị máy cắt cây, phá mìn phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, trị giá gần 11 triệu USD. Từ năm 2004 đến 2009, Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ kinh phí để Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) phối hợp cùng Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn/Bộ Tư lệnh công binh thực hiện đề án “Điều tra khảo sát đánh giá tác động của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh” tại 6 tỉnh miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi.
Năm 2010, chính phủ Na Uy và Mỹ thông qua Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) đã tài trợ xây dựng cơ sở ban đầu cho Trung tâm dữ liệu bom mìn ở Việt Nam, trị giá gần nửa triệu USD. Ngoài ra, chính phủ các nước Anh, Bỉ, Ấn Độ đã nhận một số cán bộ của Việt Nam tham gia các khóa huấn luyện nâng cao năng lực về quản lý, điều hành hoạt động rà phá bom mìn.
Năm 2013, chính phủ Mỹ cũng đã ký với Ban Chỉ đạo 504 bản ghi nhớ về hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Chính phủ các nước Anh, Na Uy, Thụy Sĩ, Đức đang xem xét các đề xuất hỗ trợ thực hiện cho Chương trình 504.
Từ năm 2004, UNICEF đã dành cho Việt Nam khoản tài trợ 5 triệu USD trong vòng 5 năm để giáo dục nhận thức bom mìn cho thiếu niên và nhi đồng tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng.
Từ năm 1990 đến nay, có gần 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài quan tâm hỗ trợ nhân đạo cho các hoạt động khắc phục bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, trong các công tác như: khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tái định cư, tuyên truyền giáo dục phòng tránh bom mìn…
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Đỗ Hùng – Tấn Tú