22/10/2024

Ngày càng hiểu biết và yêu mến Đức Kitô

Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, Người đem theo ba trong số các môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Trong lúc họ đang ở một mình trên núi cao, thì gương mặt của Đức Giêsu trở nên sáng chói, và y phục Người cũng thế. Đó là điều mà chúng ta gọi là “Hiển dung”. Biến cố này chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu.

 Ngày càng hiểu biết và yêu mến Đức Kitô

Cung hiến nhà thờ giáo xứ Thánh Corbianô trong khu phố Infernetto, Rôma
Chúa Nhật II MC, 20/3/2011

Anh chị em thân mến!

Tôi vui mừng được ở giữa anh chị em để cử hành một biến cố mang đầy ý nghĩa, đó là cung hiến ngôi nhà thờ mang tên Thánh Corbinien cho Thiên Chúa và để phục vụ cộng đồng. Chúa Quan Phòng đã muốn cho chúng ta gặp nhau trong Chúa Nhật II Mùa Chay, được đánh dấu bằng bài Tin Mừng nói về cuộc Hiển dung của Đức Giêsu. Chính vì thế, ngày hôm nay, chúng ta thấy hai yếu tố quan trọng được đặt bên cạnh nhau, một mặt, mầu nhiệm Hiển dung, và mặt khác, mầu nhiệm về Đền thờ, nghĩa là nhà của Thiên Chúa, được đặt giữa những ngôi nhà của anh chị em. Các bài đọc Sách Thánh mà chúng ta vừa nghe đã được chọn để làm rõ nghĩa cho hai khía cạnh này.

Hiển dung. Thánh sử Matthêu tường thuật cho chúng ta điều đã xảy ra khi Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, Người đem theo ba trong số các môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Trong lúc họ đang ở một mình trên núi cao, thì gương mặt của Đức Giêsu trở nên sáng chói, và y phục Người cũng thế. Đó là điều mà chúng ta gọi là “Hiển dung”: một mầu nhiệm chan hoà ánh sáng và khích lệ chúng ta. Đâu là ý nghĩa của biến cố này? Hiển dung mạc khải con người của Đức Giêsu, mạc khải thực tại sâu xa của Người. Thật thế, những người tận mắt chứng kiến biến cố này, nghĩa là ba tông đồ, đều được bao phủ bởi một đám mây lớn, và đám mây này cũng chói sáng – trong Sách Thánh, đám mây luôn báo trước sự hiện diện của Thiên Chúa – và họ nghe một tiếng nói phán ra: “Đây là Con Chí Ái của Ta, Ta hoàn toàn hài lòng về Người, các ngươi hãy nghe lời Người!” (Mt 17,5). Biến cố này chuẩn bị các môn đệ đón nhận mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu: vượt qua sự thử thách kinh hoàng về cuộc khổ nạn và đồng thời, hiểu được một cách đúng đắn biến cố phục sinh vinh hiển.

Trình thuật Tin Mừng cũng cho biết ông Môisen và Êlia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Thật thế, giai thoại này liên kết với hai mạc khải khác của Chúa. Môisen lên núi Sinai, và ở đó, Chúa đã mạc khải cho ông. Ông xin Chúa cho ông được thấy vinh quang của Chúa, nhưng Chúa trả lời là ông sẽ không thấy Chúa từ phía trước, mà chỉ thấy từ đàng sau (x. Xh 33,18-23). Cũng tương tự như thế, Chúa cũng đã mạc khải cho Êlia trên núi: một cuộc tỏ mình thân tình hơn, không phải trong một cơn bão, trong một trận động đất, hay trong lửa hồng, nhưng trong một ngọn gió hiu hiu (x. 1V 19,11-13). Khác với hai giai thoại trên, trong biến cố Hiển Dung, không phải Đức Giêsu được Thiên Chúa mạc khải, mà trong Người, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và gương mặt của Ngài cho các tông đồ. Như thế, ai muốn biết Thiên Chúa thì phải chiêm ngưỡng gương mặt của Đức Giêsu, chiêm ngưỡng gương mặt biến hình của Người: Đức Giêsu là sự mạc khải tuyệt hảo về sự thánh thiện và lòng nhân từ của Chúa Cha. Ngoài ra, chúng ta cũng hãy nhớ rằng trên núi Sinai, Chúa cũng đã mạc khải Thánh ý của Ngài cho Môisen, đó là mười giới răn. Và cũng ở trên núi cao, Chúa cũng đã mạc khải cho Êlia biết sứ mệnh mà ông phải thi hành. Còn trái lại, Thiên Chúa không mạc khải cho Đức Giêsu điều Người phải chu toàn: Người đã biết điều đó rồi; mà đúng hơn, chính các tông đồ đã nghe tiếng Chúa Cha từ trong đám mây phán bảo: «Các ngươi hãy nghe lời Người». Thánh ý của Thiên Chúa đã được mạc khải trọn vẹn trong con người Đức Giêsu. Ai muốn sống theo thánh ý của Thiên Chúa, thì phải đi theo Đức Giêsu, phải lắng nghe lời Người, phải đón nhận lời Người, và với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, họ phải đào sâu Lời Chúa. Các bạn thân mến, đây là lời mời gọi đầu tiên mà tôi muốn gửi đến các bạn với một tình yêu mến sâu xa: hãy lớn lên trong sự hiểu biết và trong tình yêu đối với Đức Kitô, với tư cách cá nhân và với tư cách cộng đoàn giáo xứ, hãy tìm gặp Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, trong việc lắng nghe lời Chúa, trong kinh nguyện và trong bác ái.

Điểm thứ hai, đó là Giáo Hội, được xem như toà nhà và nhất là cộng đoàn. Tuy nhiên, trước khi suy nghĩ về việc cung hiến ngôi nhà thờ của anh chị em, tôi muốn thưa với anh chị em là còn có một lý do đặc biệt khác tăng thêm niềm vui của tôi được hiện diện giữa anh chị em ngày hôm nay. Thật thế, thánh Corbianô là người sáng lập giáo phận Freising, tại vùng Bavière nơi tôi làm Giám mục trong vòng 4 năm. Trên huy hiệu Giám mục của tôi, tôi đã đưa vào một yếu tố liên hệ mật thiết với lịch sử của vị thánh này, đó là con gấu. Người ta kể lại rằng một con gấu đã xé xác con ngựa của thánh Corbianô  trên đường tới Rôma. Thánh nhân đã nặng lời khiển trách con gấu và ngài đã thuần hoá được nó và đặt hành lý mà con ngựa đã thồ lên lưng nó. Con gấu đã chở hành lý đến kinh thành Rôma, và chỉ sau đó thánh nhân mới thả cho nó đi.

Bây giờ có lẽ chúng ta nên nói đôi lời về thánh Corbianô. Ngài là người Pháp, một linh mục thuộc vùng Paris, và ngài đã xây cho mình một tu viện không xa Paris bao nhiêu. Là một cố vấn thiêng liêng được mọi người mến mộ, nhưng ngài lại muốn sống cuộc đời chiêm niệm, và như thế, người đã đến Rôma để thiết lập một tu viện gần mồ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Nhưng Đức Giáo hoàng Grêgôriô II – chúng ta đang ở vào quảng năm 720 – đánh giá cao các đức tính của ngài, vị Giáo Hoàng này đã hiểu được các đức tính ấy và ngài đã phong Giám mục cho thánh Corbianô và sai thánh nhân đến vùng Bavière để rao giảng Lời Chúa. La Bavière: Đức Giáo hoàng nghĩ đến một vùng đất nằm giữa sông Danube và dãy núi Alpes mà trong suốt 500 năm đã tạo nên tỉnh Raetia của Rôma; và chỉ vào cuối thế kỷ V, đa số người dân gốc Latinh mới quay trở về Ý. Chỉ có một số ít người mộc mạc sinh sống tại đó. Đất đai thì thưa thớt dân cư, và một số dân cư mới đã bắt đầu đến đó lập nghiệp, đó là người Bavarois, họ đã tìm thấy nơi đây một di sản Kitô giáo, bởi vì vùng đất này đã được Kitô hoá từ thời đế quốc Rôma. Người dân Bavarois đã hiểu ngay đây là tôn giáo đích thực và họ muốn trở thành Kitô hữu, nhưng thiếu những người có trí thức, thiếu những linh mục để rao giảng Tin Mừng. Và như thế, vào giai đoạn đầu tiên, Kitô giáo rất thưa thớt. Đức Giáo hoàng hiểu rõ tình hình này, ngài hiểu rõ cơn khát đức tin trong xứ sở này, và như thế, ngài đã giao cho thánh Corbianô đi đến vùng đất này để rao giảng Tin Mừng. Và tại Freising, tại thành phố công tước, thánh Corbianô đã cho xây dựng nhà thờ chính toà trên một ngọn đồi – trên ngọn đồi này đã có một đền dâng kính Đức Trinh Nữ Maria – và toà giám mục vẫn nằm ở đó có trên 1,000 năm nay. Chỉ sau thời kỳ Napoléon mới được dời về mạn bắc, tại Munich, cách đó 30 cây số. Ngày hôm nay, giáo phận vẫn còn được gọi là “giáo phận Munich và Freising”, và nhà thờ chính toà Freising nguy nga kiểu romane vẫn là trung tâm của giáo phận. Như thế, chúng ta thấy được vai trò của các thánh trong sự hợp nhất và phổ quát tính của Giáo Hội. Phổ quát tính: thánh Corbianô liên kết nước Pháp, nước Đức, Rôma. Sự hợp nhất: thánh Corbianô nói với chúng ta rằng Giáo Hội được xây dựng trên Phêrô và thánh nhân bảo đảm với chúng ta về tính trường cửu của Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng. Giáo Hội của 1,000 năm trước vẫn chính là Giáo Hội của ngày hôm nay, bởi vì Chúa vẫn là một. Ngài luôn là Chân Lý, luôn cổ xưa và luôn mới mẻ, luôn mang tính thời sự, đang hiện diện, và là chìa khoá tương lai.

Giờ đây, tôi muốn cảm ơn tất cả những ai đã cộng tác xây dựng ngôi giáo đường này. Tôi biết giáo phận Rôma đã nỗ lực rất nhiều để bảo đảm cho mỗi khu phố có được những cơ sở giáo xứ thích hợp. Tôi xin chào và cảm ơn Đức Hồng y Giám quản, Giám mục Phụ tá vùng và Giám mục Thư ký “Opera Romana” [Hiệp hội Rôma] bảo tồn đức tin và xây dựng các nhà thờ mới. Và nhất là tôi xin chào hai người kế vị tôi. Tôi xin chào Đức Hồng y Wetter, là người đã có sáng kiến đầu tiên trong việc cung hiến một ngôi nhà thờ giáo xứ cho thánh Corbianô và là người hỗ trợ quan trọng cho việc thực hiện dự án. Xin cảm ơn Đức Hồng y. Xin cảm ơn ngài thật nhiều. Tôi vui mừng vì ngôi nhà thờ đã được xây dựng một cách nhanh chóng. Tôi xin chào Đức Hồng y Marx, đương kim Tổng Giám mục Giáo phận Munich và Freising, là người không những dành trọn tình yêu của mình cho thánh Corbianô, mà còn cho cả ngôi Nhà thờ của Thánh nhân tại Rôma. Và tôi cũng xin chân thành cảm ơn ngài. Tôi xin chào Đức Giám mục Clemens giáo phận Paderborn và là thư ký của Hội đồng Giáo Hoàng phụ trách giáo dân. Tôi cũng đặc biệt nhớ đến linh mục quản xứ là cha Antonio Magnotta, và hết lòng cảm ơn cha về những lời phát biểu tốt đẹp của cha. Xin cảm ơn cha! Và dĩ nhiên, tôi cũng xin chào cha phụ tá! Qua tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây, tôi cũng muốn gửi lời chào thân tình và quý mến đến khoảng 10,000 dân đang sinh sống trên vùng đất của giáo xứ này. Cùng quy tụ chung quanh Bí tích Thánh Thể, chúng ta cảm thấy cách rõ ràng hơn sứ mệnh của mỗi cộng đoàn Kitô giáo là mang đến cho mọi người sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa, là làm cho mọi người biết gương mặt của Ngài. Chính vì thế, điều quan trọng là làm sao cho Bí tích Thánh Thể luôn là tâm điểm của đời sống tín hữu, cũng như trong ngày hôm nay, Bí tích này là tâm điểm của giáo xứ anh chị em vậy, cho dầu mọi thành viên trong giáo xứ không thể tham dự buổi cử hành Bí tích Thánh Thể này.

Hôm nay, chúng ta đang sống một ngày quan trọng, một ngày ghi nhận những nỗ lực, lao nhọc, hy sinh và dấn thân của những ai đang sinh sống nơi đây, để tạo nên một cộng đoàn Kitô giáo trưởng thành có khả năng có được một ngôi nhà thờ từ nay được hoàn toàn hiến thánh để lo việc thờ phượng Thiên Chúa. Tôi vui mừng vì anh chị em đã đạt được mục tiêu, và tôi tin chắc rằng mục tiêu này sẽ tạo cơ hội dễ dàng cho gia đình con cái Chúa được quy tụ và phát triển trên vùng đất này. Giáo Hội muốn hiện diện trong mỗi khu phố nơi mọi người sinh sống và làm việc, với chứng tá Tin Mừng của các Kitô hữu gắn kết và trung thành, nhưng cũng nhờ những cơ sở cho phép mọi người quy tụ để cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, để đào tạo Kitô hữu và để thiết lập những mối dây bằng hữu và huynh đệ, giúp các thanh thiếu nhi, các bạn trẻ, các gia đình và những người cao tuổi lớn lên trong tinh thần cộng đoàn mà Đức Kitô đã dạy chúng ta và thế giới đang cần đến biết bao.

Cũng như ngôi nhà thờ giáo xứ vừa mới được xây dựng, thì qua chuyến viếng thăm này, tôi cũng muốn khuyến khích anh chị em xây dựng một cách tốt đẹp hơn nữa ngôi Nhà thờ bằng những viên đá sống động là chính anh chị em. Chúng ta đã nghe điều này trong bài đọc II: «Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, anh em là ngôi nhà mà Thiên Chúa đã xây lên», Thánh Phaolô đã viết như thế khi ngài ngỏ lời tín hữu thành Côrintô (1Cr 3,9) và với chúng ta; và ngài khuyến khích họ xây trên nền tảng duy nhất đích thực là Đức Giêsu Kitô (3,11). Chính vì thế, tôi cũng khuyến khích anh chị em biến tân giáo đường của mình thành nơi mọi người học biết cách lắng nghe Lời Chúa, thành «ngôi trường» thường xuyên dạy Kitô hữu cầu nguyện và từ đó xuất phát mọi hoạt động của giáo xứ tươi trẻ và dấn thân này. Bài đọc I trích từ Sách Nêhêmia khai sáng cho chúng ta về khía cạnh này. Trong bản văn này, ta thấy rõ Israel là dân được Chúa kêu gọi lắng nghe Lời Chúa được viết trong Sách Luật. Các thừa tác viên đọc sách này một cách trang trọng, và cắt nghĩa cho toàn dân đang đứng nghe, hai tay giơ lên trời, sau đó quỳ gối và phục mặt sát đất thờ lạy Thiên Chúa. Đây là buổi cử hành phụng vụ thực sự, được thôi thúc nhờ niềm tin vào Thiên Chúa đang nói, nhờ lòng ăn năn vì đã bất trung với lề luật của Chúa, nhưng nhất là nhờ niềm vui, bởi vì việc công bố Lời Chúa là dấu chỉ cho thấy Ngài không hề từ bỏ dân của Ngài, rằng Ngài ở gần bên họ. Anh chị em thân mến, anh chị em cũng thế, khi quy tụ để lắng nghe Lời Chúa, với niềm tin và sự kiên trì, từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác, ước gì anh chị em trở nên Ngôi nhà của Chúa, được Lời của Ngài dạy dỗ và gọt giũa ngay từ bên trong. Thật là một hồng ân vô giá biết bao! Anh chị em hãy luôn biết ơn về ân huệ này.

Cộng đoàn của anh chị em thật tươi trẻ, vì phần lớn được cấu tạo nên bởi những đôi bạn mới kết hôn đến ở trong khu phố này; có nhiều thanh thiếu nhi và các bạn trẻ. Tôi biết anh chị em dấn thân và quan tâm đến gia đình, đến việc đồng hành với các đôi bạn trẻ: hãy biết mang lại sức sống cho mục vụ gia đình, được đánh dấu bằng việc đón tiếp thật cởi mở và thân tình đối với những tế bào gia đình mới, một mục vụ gia đình biết tạo cơ hội cho việc hiểu nhau hơn, làm thế nào cho cộng đoàn giáo xứ ngày càng trở nên một «gia đình của mọi gia đình», có khả năng chia sẻ với các gia đình những niềm vui cũng như những khó khăn không thể tránh được của những bước đầu. Tôi cũng biết có nhiều nhóm tín hữu khác nhau đã quy tụ lại để cầu nguyện, để học hỏi Tin Mừng, để tham dự các Bí tích, và để sống chiều kích thiết yếu đối với đời sống Kitô hữu đó là tình bác ái. Tôi nghĩ đến những ai, cùng với Caritas giáo xứ, đang tìm cách đáp ứng lại những đòi hỏi của vùng đất này, đặc biệt đáp lại những mong đợi của những người nghèo khổ và cơ bần nhất.

Tôi vui mừng thấy anh chị em giúp các em nhỏ và các bạn trẻ chuẩn bị lãnh nhận các bí tích trong đời sống Kitô giáo, và tôi khuyến khích anh chị em quan tâm nhiều hơn nữa đối với cha mẹ của các em, đặc biệt đối với những bậc phụ huynh có các con nhỏ; ước gì giáo xứ nỗ lực đề nghị cho họ những cuộc gặp gỡ cầu nguyện và đào tạo, đặc biệt đối với cha mẹ có con em sẽ lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và các bí tich khai tâm Kitô giáo, vào những giờ thuận tiện, và theo những phương cách thích hợp. Anh chị em cũng hãy lo lắng và đặc biệt quan tâm đến các gia đình đang gặp khó khăn, hay đang ở trong một điều kiện tạm bợ và bất thường. Đừng bao giờ để họ phải cô đơn, nhưng hãy ở gần họ với lòng yêu mến, giúp họ hiểu được chương trình đích thực của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình. Với tâm tình yêu thương và bằng hữu, Đức Giáo hoàng cũng muốn ngỏ lời cách đặc biệt với các con là các em nhỏ và các bạn trẻ thân mến đang nghe Cha nói, cũng như các bạn trẻ đang sinh sống trong giáo xứ này. Hiện tại và tương lai của cộng đoàn Giáo Hội và dân sự đang hoàn toàn nằm trong tay của các con. Giáo Hội mong đợi nhiều ở các con sự hăng say, khả năng nhìn về phía trước và ước muốn chọn lựa sống một cách triệt để.

Các bạn thuộc giáo xứ thánh Corbianô thân mến! Chúa Giêsu, Đấng đã đem các tông đồ lên núi cao để cầu nguyện, và đã chỉ cho các ông thấy vinh quang của Người, ngày hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta trong tân giáo đường này: nơi đây, chúng ta có thể lắng nghe Người, nơi đây, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Người qua lễ bẻ Bánh Thánh Thể; và nhờ đó, trở nên Giáo Hội sống động, trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa trên thế giới. Anh chị em hãy trở về nhà mình, với lòng biết ơn và niềm vui, bởi vì anh chị em thuộc về  toà nhà thiêng liêng thật vĩ đại là Giáo Hội. Chúng ta phó dâng cho Đức Trinh Nữ Maria con đường chay tịnh của chúng ta, cũng như của toàn thể Giáo Hội. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã bước theo Con của Mẹ là Đức Giêsu cho đến chân thập giá, giúp chúng ta sống làm những môn đệ trung thành của Đức Kitô, để có thể tham dự vào niềm vui Phục Sinh cùng với Mẹ. Amen.