26/11/2024

Bà tỉ phú gánh muối, bán mực

Đôi quang gánh muối tảo tần ngày xưa trên tàu Bắc Nam xuôi ngược đã đưa người phụ nữ vùng muối trắng Phổ Thạnh (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) thành tỉ phú với nghề chế biến mực khô. Đó là chị Lê Thị Mai.

Bà tỉ phú gánh muối, bán mực

Đôi quang gánh muối tảo tần ngày xưa trên tàu Bắc Nam xuôi ngược đã đưa người phụ nữ vùng muối trắng Phổ Thạnh (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) thành tỉ phú với nghề chế biến mực khô. Đó là chị Lê Thị Mai.

Chị Lê Thị Mai (thứ hai từ phải qua) - Ảnh: Trần Mai 

Chị Mai có đôi vai rộng, giọng nói lớn đúng chất dân biển. Tất bật điện thoại, chị nói: “Mấy em thông cảm, mực tươi về nhiều nên phải xuống làm cùng chị em cho nhanh”.

Từ quang gánh muối…

 

Ông Nguyễn Kỳ – chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh – kể gọn: “Ngày chị Mai lên xin đất mở rộng sản xuất vì không có tiền, vậy mà giờ chị đã có cơ ngơi rộng lớn. Chị còn tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng và tích cực làm công tác từ thiện. Nỗ lực của chị quả là phi thường”.

 

30 năm trước, Phổ Thạnh nổi tiếng bạt ngàn đồng muối trắng nối nhau. Những phụ nữ gắn đời mình vào từng gánh muối nặng rong ruổi khắp nơi kiếm sống qua ngày và chị Mai cũng thế, đi khắp làng xã đồng bằng lên miền núi. “Ngày ấy, mười gánh muối không đổi được gánh lúa. Thế nhưng vẫn phải đi vì đó là miếng cơm duy nhất của phụ nữ xứ này”, chị Mai nhớ lại.

Cần cù nhưng nghèo khó vẫn bám lấy tổ ấm nhỏ bé của chị. Những đứa con ra đời, gánh nặng càng oằn lên đôi vai chị. Chồng ra khơi chuyến được chuyến mất, ghe nhỏ nên mỗi chuyến đi bạn chỉ được vài ký cá, phiên biển nào trúng lắm thì được chủ tàu chia ít tiền. 25 tuổi, chị đã có đứa con thứ hai. Khi con đầu lòng tròn 2 tuổi, chị đầu này gánh con, đầu kia gánh muối. Con khóc đòi bú thì dừng lại cho bú rồi gánh đi tiếp. Nhờ thế mà người ta thương tình mua muối của chị nhiều hơn.

Đi bán muối, chị thấy người ta bán mực khô có lời. Lân la dò hỏi chị cũng đi lấy mực khô bán. Quãng đường từ Tam Quan (Bình Định) đến phía nam Quảng Ngãi là Bình Sơn dài hơn trăm cây số. Thế nhưng ngày nào người ta cũng thấy người phụ nữ bụng mang bầu, tay bế con lúc ở quốc lộ 1, lúc trên tàu hỏa bán mực khô. Nhớ những ngày ấy, chị Mai nói chỉ hai chữ: cực lắm. Nhiều lúc mệt mỏi tưởng chừng như đôi chân rời ra, chị lại nghĩ đến con mà cố gắng. “Bán mực có tiền hơn bán muối nhưng đi lấy mực khô rất xa. Tôi nghĩ mình nên thử mua mực tươi rồi phơi khô đóng bao đem bán sẽ lời hơn”, chị kể lại. Và cú bứt phá ấy đã biến người phụ nữ nghèo khó ngày nào trở thành chủ doanh nghiệp với 200 lao động hôm nay.

Cơ ngơi 200 công nhân

Uống ngụm trà, chị vừa đi vừa chỉ đạo công việc. Chị lại thoăn thoắt xuống xưởng nhập mực tươi, hướng dẫn mọi người chuyển mực vào kho lạnh. Chị nói cơ sở chế biến này mới mua lại chứ ngày trước làm ở khu đất được xã cho mượn cách đây 3km, nhỏ lắm. Trong khuôn viên rộng khoảng 1.300m2, khoảng 200 lao động đang làm việc, từ làm mực tươi, phơi nắng, đến sấy khô và đóng gói thành phẩm, dán nhãn thương hiệu Thanh Mai rồi lên xe tiêu thụ.

Để có được cơ sở mới, người phụ nữ miền biển này phải mất hơn một năm để đàm phán, mua lại trụ sở của doanh nghiệp Hàn Quốc. Nhờ xưởng sản xuất rộng hơn, lao động tăng dần, từ 50 người lên 70, và giờ là 200 công nhân. Mỗi năm xưởng bán ra thị trường khoảng 100 tấn mực thương phẩm, giá tùy loại mực từ 100.000-400.000 đồng/kg. Cách đây hai tháng, chị đăng ký xưởng trở thành Công ty TNHH MTV Thanh Mai. “Thật tình chưa nghĩ đến chuyện giám đốc. Hơn 20 năm nay từ ngày phơi từng con mực trên bãi cát đến nay đâu có giám đốc gì đâu. Đăng ký công ty vì đối tác đòi hỏi chứ mình không muốn. Cứ làm cùng mọi người, có tiền thì mở rộng hơn, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em hơn là vui rồi”, chị nói đơn giản.

Chỗ dựa của người nghèo

Từ phòng khách, chị Mai quan sát qua màn hình video toàn cảnh quy trình sản xuất. Nhưng chị nói: “Vì khuôn viên mới rộng quá nên làm camera theo dõi, chống trộm ban đêm chứ không phải quản lý chị em, ai cũng như người trong nhà cả. Có làm với chị em mới thấy quý công lao họ”. Xuất thân từ nghèo khó, chị Mai luôn cảm thông với những lao động nghèo, những ngư dân thiếu vốn ra khơi. Nhiều người kể chị rất sẵn lòng ứng trước vốn cho các chủ tàu ra khơi, và sự “nặng nợ” đó chủ thuyền nào cũng không nỡ phụ lòng chị, luôn cung cấp mực tươi cho xưởng, vì thế mực được đảm bảo.

Gắn bó với chị Mai từ lúc cơ sở sản xuất chỉ có vài người, chị Nguyễn Thị Lan (xã Phổ Thạnh) tâm sự: “Chủ tớ gì đâu, chị Mai hòa đồng với mọi người. Tôi làm ở đây cũng hơn 20 năm rồi, chưa bao giờ nghe quát tháo hay giọng chủ tớ. Anh nhìn chị Mai cùng làm với bọn tôi là hiểu thôi. Từ ngày tay trắng đến giờ chị Mai vẫn như thế, đó là một người chị em tốt”.

Chị Mai bộc bạch từng là phụ nữ nghèo nên thấu hiểu được nỗi khổ của chị em quê mình. Thu nhập ổn định 4,5 triệu đồng/người/tháng ở vùng muối mặn này không phải điều dễ dàng. Những phụ nữ gửi đời vào đồng muối trước kia nay có một chỗ dựa vững chắc. Công ty của chị có cả những người khuyết tật và người già. “Nhờ có chị Mai cho vay vốn và tạo việc làm cho cả hai vợ chồng, dù mới lập gia đình nhưng hai vợ chồng đã làm được nhà”, chị Nguyễn Thị Nhị chia sẻ.

Với dân ở vùng muối trắng này, chị Mai hôm nay vẫn không khác gì so với 20 năm về trước ngoài khuôn mặt già đi vì sự bào mòn của thời gian.

TRẦN MAI